[Chia sẻ] Súc rửa đường ruột có tốt không?

Rate this post
       Câu hỏi này cũng tương tự như “Ăn uống có tốt cho sức khoẻ không?”

       Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng, ăn uống là thu nạp chất dinh dưỡng, nên sẽ tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, ăn khi nào, ăn ở đâu, ăn gì, ăn như thế nào, ăn mức độ bao nhiêu, làm gì và không nên làm gì sau ăn; đó là cả một vấn đề. Tôi lấy ví dụ quá nửa đêm, bạn xem trận bóng đá cùng bạn bè, tổ chức nhậu say bí tỉ, rồi bước ra ngoài lái xe đường dài vào buổi sáng trong trạng thái như vừa uống vốc thuốc ngủ, thì đó là cách bạn đang tìm đến cái chết.

       Súc rửa đường ruột cũng vậy, tốt hay không còn phải xem các bước, như thực hiện vào lúc nào, ở đâu, làm như thế nào, để làm gì?
Nếu tất cả đều đúng, đương nhiên là rất tốt, bách lợi vô hại.

       Nhưng ở đời không có cái gì đúng tất cả, nên chỉ cần thực hiện đúng một số bước, thì sẽ có những cái lợi nhất định, nhưng cũng gặp một số tác hại, nên phải cân nhắc thận trọng trước khi thực hiện.

       Trường hợp không làm đúng bước nào, thì chẳng những không có tác dụng gì, mà lại còn rất khổ. Nhiều người vì xấu hổ mà thụt tháo bí mật, đến khi xảy ra bệnh tật, cũng vì xấu hổ không dám nói.
Có một lời đồn thổi trên mạng xã hội: súc rửa đường ruột không chỉ rửa sạch chất thải, giải độc, giảm cân và làm đẹp, mà biện pháp này còn có tác dụng phòng và chữa được bách bệnh, đặc biệt là phòng chống ung thư đại tràng, ngăn chặn và chữa ung thư ở nhiều cơ quan…🤣 vậy thực hư lời đồn này như thế nào, xin mời các bạn đọc bài viết này, tôi sẽ lần lượt kiến giải.
Súc rửa ruột = Tẩy ruột + Thụt đại tràng.
↫❶↬

Tẩy ruột có lợi và hại gì?

       Tẩy ruột, là biện pháp làm sạch dạ dày, ruột non và đại tràng bằng đường uống. Thông thường, dung dịch uống có chứa thành phần chủ yếu là muối phốt phát, có tác dụng tăng thẩm thấu của dịch ruột, mỗi lần uống khoảng 1500 mL để tăng lượng dịch trong ruột, nhằm mục đích làm sạch ống tiêu hoá sau khi đi ngoài nhiều lần. Tẩy ruột giúp làm sạch toàn bộ đường tiêu hoá, bao gồm dạ dày, tá tràng, ruột non, đại tràng và trực tràng.
       Với phạm vi làm sạch rộng như vậy, tẩy ruột được sử dụng chuẩn bị trước khi phẫu thuật, chuẩn bị trước thăm khám bệnh nhân tắc đường tiêu hoá chưa rõ nguyên nhân, chuẩn bị nội soi đại tràng.

        Còn lợi ích nào nữa không?

Tôi chưa tìm thấy báo cáo nào về lợi ích khác của tẩy ruột, nhưng quan sát cá nhân thực hành khám chữa bệnh nhiều năm, tôi thấy những bệnh nhân có vấn đề ở ruột non và đại tràng, như bụng hay bị chướng hơi, sôi réo ùng ục, đi ngoài lúc lỏng lúc táo, có khi ăn xong đã chạy vội đi ngoài, ngày xì hơi hơn 20 lần, hơi khó thoát ra, thành tiếng và mùi rất thối không ngửi nổi; sau khi bác sĩ cho tẩy ruột để nội soi đại tràng, tôi hỏi bệnh nhân các triệu chứng đỡ hẳn, thậm chí là biến mất một thời gian dài, vòng bụng có khi xẹp đi cả chục phân.

        Tôi thử khuyên một số bệnh nhân “tẩy ruột”.

Cách tẩy của tôi rất đơn giản, buổi tối hôm trước ăn khoai lang thay cơm, có thể ăn nhiều một chút, hạn chế ăn thịt cá. Sáng dậy chưa ăn gì, hoà muối vào nước ấm, vị đậm một chút, uống liền một lúc 3 cốc đầy, tức là khoảng hơn 500 mL, có thể vắt thêm vài quả chanh hoặc chỉ nước muối không thôi cũng được. Khoảng tiếng rưỡi sau bắt đầu quặn bụng từng cơn thì đi ngoài. Mất khoảng 5-10 phút ngồi toilet. Lúc đầu ra phân bình thường, sau đó phân toé nước ào ra như suối chảy khoảng 3 lần, bụng thấy nhẹ bẫng và xẹp xuống, cả ngày cơ thể thấy khoan khoái nhẹ nhàng, tinh thần vui vẻ phấn chấn. Cứ uống như vậy mỗi buổi sáng, sau vài ngày, tối đa là 1 tuần cảm thấy đi ngoài dễ dàng, cơ thể nhẹ nhõm, bụng xẹp gọn xuống thì dừng; chú ý không uống quá 2 tuần. Đó là cách “tẩy ruột” tôi đã khuyên một số bệnh nhân cụ thể có vấn đề về đường tiêu hoá, cực kì có hiệu quả.

       Tại sao không “tẩy ruột” thường xuyên.

Như chúng ta đã biết, sự ổn định của môi trường ruột là rất quan trọng với sức khoẻ, nó phụ thuộc vào ba yếu tố, một là niêm mạc ruột, hai là hệ vi khuẩn có lợi trong đường ruột, ba là nhũ trấp duy trì hằng định trong ruột. Việc tẩy ruột ở người có ống tiêu hoá hoàn toàn khoẻ mạnh, hoặc lạm dụng tẩy quá mức, tẩy thường xuyên sẽ gây tổn thương niêm mạc, rối loạn vi khuẩn chí, tẩy trôi nhũ trấp; lợi bất cập hại.

       Tại sao lại “tẩy ruột” vào buổi sáng khi đói?

Theo lí thuyết, phân chứa nhiều độc tố, đại tiện là công việc của ruột để tống phân có độc tố ra ngoài, quá trình này hoạt động từng bước, từ dạ dày, đến tá tràng, ruột non, đại tràng phải, đại tràng trái, trực tràng. Phân tập trung ở đại tràng. Thực chất, phân ở đại tràng Sigma, cuối cùng thành từng cục phân, chút một chút một, để tống ra ngoài. Do vậy, qúa trình tẩy ruột, đa số những thứ bị tống ra ngoài không phải là phân. Sau bữa ăn tối, sáng hôm sau ngủ dậy, toàn bộ thức ăn đã xuống đại tràng, như vậy “tẩy ruột” vào buổi sáng sẽ dễ dàng hơn, phân sẽ chiếm lượng nhiều hơn trong thành phần bị tống ra.

       Có nên tẩy ruột bằng thuốc tẩy không?

Thực tế, dung dịch làm sạch ruột bác sĩ chỉ định để nội soi rất khó uống, ai đã uống một lần ngán đến tận già. Hơn nữa, nguyên tắc hoạt động của chất phốt phát là tăng áp suất thẩm thấu của dịch ruột, làm cản trở tái hấp thu nước, theo logic đó có thể là nguyên nhân dẫn đến mất lớp nhũ trấp bảo vệ ruột và mất cân bằng hệ sinh thái vi khuẩn.
Kinh nghiệm của tôi là, những bệnh nhân có triệu chứng đường ruột kéo dài, tôi sẽ làm siêu âm hoặc chụp Xquang ổ bụng, thấy ruột non rất nhiều hơi, đại tràng cũng rất nhiều hơi, đặc biệt là đại tràng Sigma và trực tràng có giãn hơn bình thường và có phân đúc khuôn, thì tôi sẽ khuyến cáo “tẩy ruột” bằng uống nước muối vắt chanh vào buổi sáng. Ngược lại, những người muốn tẩy ruột, nhưng ruột non không có hơi, đại tràng cũng xẹp, cấu trúc các lớp giải phẫu thành ruột đẹp như trong sách, thì tôi khuyến cáo họ đừng dại gì tẩy ruột, vì rất dễ lành thành què.

       Xì hơi là cách đơn giản để phát hiện ruột có vấn đề!

Nói về xì hơi, đây là điều mà ai cũng đã từng trải qua, người nào cũng có kinh nghiệm của riêng mình. Con người ta đánh rắm 5-15 lần mỗi ngày là chuyện bình thường. Nếu trên 20 lần là bắt đầu có vấn đề. Thành phần của rắm là hợp chất, 99% là các loại khí không mùi khác nhau, chủ yếu là Nitơ, Oxy, CO2, Hydro và Metan. Chỉ 1% tạo ra hương vị đặc biệt. Đó là các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi khác nhau như Hydro Sunfua, Metyl Mercaptan, Dimetyl Sunfua, v.v.
Mỗi ngày xì hơi hơn 20 lần có thể do:
✓ Nuốt quá nhiều không khí lúc ăn.
✓ Thường xuyên há hốc miệng (thở bằng mồm).
✓ Vi khuẩn phát triển trong ruột non.
✓ Ăn quá nhiều Carbonhydrate.
✓ Táo bón.
Có người xì hơi ngày 100 lần, tức là trung bình cứ 15 phút xì một lần, tuỳ thể tích và tốc độ luồng không khí, có thể không thành tiếng, có thể xìiiiii, cũng có thể chỉ là emmmmm, nặng hơn là chít ~ chít ~ chít ~ phịch, nặng nhất là bủmmmmm. Trường hợp nghiêm trọng, trước khi tiếng xì hoàn toàn biến mất trong không khí cả về âm thanh lẫn mùi vị, thì tiếng xì tiếp theo lại bắt kịp ngay lập tức, cả ngày giam mình trong không khí có mùi xì hơi.
Khổ nhất là ở những nơi công cộng, như trên xe buýt, rạp chiếu phim, trong lớp hay trong phòng họp, lúc đó không kiềm chế nổi, bụng bắt đầu cồn cào, luồng không khí quay cuồng. Nhịn rắm là một trong những nỗi nhục lớn nhất trên đời. Chẳng có cách nào, dù sao thì xung quanh nhiều người nên chẳng thể bắt quả tang rắm của ai, nên khi hết chịu nổi thì đành phải lấy sức bình sinh cố gắng hết sức kiểm soát tốc độ xả ga để không phát ra âm thanh. Khi luồng khí kết thúc, bụng được phép thả lỏng một chút, cẩn thận nhìn những người xung quanh, có người lấy tay bịt mũi, có người cau mày. Tình huống lúc ấy thật khó xử, nếu thờ ơ thì sẽ bị phát hiện, bịt mũi hay cau mày thì là đạo đức giả, nhưng cuối cùng thì đành phải đóng vai nạn nhân để không bị xấu hổ.

       Phối hợp xì hơi với phân độ phân.

Căn cứ bảng phân độ phân của Bristol, phối hợp với tiếng xì hơi, có xác định mức độ của vấn đề.
  • Độ 1, phân vón từng cục riêng biệt như cứt dê, màu tâm đen hoặc xám, đi ngoài rặn mãi mới được một cục, từng cục từng cục chui ra rời rạc, rơi vào nước có thể nổi lềnh bềnh hoặc lập lờ; đây là mức độ táo bón nặng, đánh rắm thối um một góc trời, bụng ậm ạch rắm rất khó thoát ra và khi thoát lại kêu thành tiếng rất to.
  • Độ 2, phân vón thành cục nhưng vẫn dính được với nhau khi đi ngoài, rặn rất khó khăn, màu phân xám đen, phân khô và cứng; đây cũng là táo bón nặng, đánh rắm cũng nhiều và thối khẳn.
  • Độ 3 phân có hình dáng như cái xúc xích, nhưng bề mặt có vết nứt, gồ ghề, phân rắn; đây là dạng nhẹ của táo, đánh rắm nhiều, mức độ thối vừa phải.
  • Độ 4 phân như trái chuối, bề mặt nhắn, có thể uốn cong con, đầu cuối cục phân vót nhọn, phân mềm, đây là phân tốt nhất; xì hơi dưới 15 lần mỗi ngày và thường không có mùi.
  • Độ 5 phân bắt đầu hơi nát, đánh rắm bắt đầu nhiều và có thể có mùi, biểu hiện đường tiêu hoá có vấn đề.
  • Độ 6 phân nhão, thành bãi phân có cạnh xù xì, đánh rắm rất nhiều và thối.
  • Độ 7 là đi ngoài phân lỏng, tức là tiêu chảy, cần đi bác sĩ.
Với độ 1 và 2 thì cần uống nước bổ sung thường xuyên để làm mềm phân, nếu phân quá cứng cả tuần không đi ngoài nổi, thì đừng dại dột tự ý uống nước muối tẩy rửa ruột như tôi khuyến cáo ở trên, vì khi đó không đi ngoài được mà độc tố trong phân lại hoà tan vào nước, ngấm vào máu sẽ cực kì nguy hiểm, có thể ngộ độc rất nặng. Chỉ có thể tẩy rửa ruột bằng cách uống nước muối vào buổi sáng, trong trường hợp phân từ độ 3 đến 6, để đảm bảo an toàn.
        Tôi lưu ý mọi người, quá trình tẩy ruột bằng cách uống nước muối vào buổi sáng như tôi khuyến cáo, thì cũng phải nghe ngóng, thấy không ổn thì dừng lại ngay.
Bệnh là của mình chứ không phải của bác sĩ.
↫❷↬

      Thụt tháo đại tràng thì thế nào?

Ngược lại với tẩy ruột là uống vào đường miệng, thụt tháo đại tràng là biện pháp truyền các chất lỏng vào trong đại tràng qua hậu môn, như nước muối sinh lí, thậm chí là xà phòng. Khi tôi mới ra trường, từ lúc làm bác sĩ phẫu thuật tiêu hoá cho đến bác sĩ Xquang hạng 3, tôi phải tự tay thụt tháo cho nhiều bệnh nhân, mặc dù công việc này được giao cho hộ lí. Ở bệnh viện, chúng tôi thụt tháo đại tràng chủ yếu để nội soi chẩn đoán, hoặc chụp Xquang khung đại tràng. Ngoài ra, thụt trong những trường hợp táo bón không thể khắc phục, điều trị rò rỉ miệng nối sau phẫu thuật đại trực tràng, chuẩn bị bệnh nhân trước phẫu thuật.

       Điều chúng ta lo lắng nhất là ung thư đường tiêu hoá.

Thực quản hay ung thư 1/3 dưới vì trào ngược, dạ dày từ khi có kháng sinh diệt vi khuẩn HP tỉ lệ ung thư đã giảm đi trông thấy, hành tá tràng không bị ung thư, ruột non cực kì hiếm, đến nay ung thư đa số xảy ra ở ruột già chứa phân. Ngay tại ruột già, thì trực tràng và đại tràng Sigma chứa phân chuẩn bị tống ra sẽ gặp nhiều ung thư nhất, sau đó mới đến những chỗ uốn gấp dễ bị ứ đọng như đại tràng góc gan, góc lách, manh tràng.

       Vậy phân chính là chất độc thủ phạm?

Theo lí thuyết, ung thư là kết quả của nhiều yếu tố như môi trường, di truyền và thói quen sinh hoạt cá nhân. Chưa có nghiên cứu nào khẳng định phân là nguyên nhân trực tiếp gây ra ung thư đại tràng. Nhưng tôi cũng đọc có nghiên cứu cho rằng mẫu bệnh phẩm khối u ở bệnh nhân ung thư đại trực tràng có hàm lượng Clostridium đặc biệt cao. Tôi cũng đã chứng kiến bệnh nhân táo bón thụt tháo không đúng cách, bị ngộ độc, rồi tử vong. Những bệnh nhân bị viêm gan cấp hay xơ gan, chức năng gan giảm, khi táo bón độc tố của phân ngấm vào hệ tĩnh mạch mạch treo tràng, đổ về gan nhưng không thể chuyển hoá, dẫn đến chất độc lên não gây hôn mê; vì thế mà bác sĩ phải kê kháng sinh để tiêu diệt bớt vi khuẩn sinh độc tố trong phân, phải chồng táo bón cho bệnh nhân.

        Vậy có nên thụt tháo đại tràng để phòng ung thư?

Với các bác sĩ trong đó có cả tôi, câu trả lời là không, vì thụt tháo đại tràng đầu tiên là rất xấu hổ, sau đó là những tác hại. Khi bơm nước muối vào hậu môn, đại tràng căng phồng lên, không hoạt động được. Nó lẩm bẩm: làm gì mà mặn thế? Khi quá sức chịu đựng, mọi thứ được lôi hết ra ngoài, từ phân, cho đến hệ vi khuẩn có lợi, rồi lớp nhũ chấp. Chưa kể thụt tháo chỉ giải quyết sạch phân trong đại tràng được một lần, sau đó thức ăn từ ruột non xuống đại tràng lại biến thành phân, chẳng ai thụt tháo 365/365 ngày với người bình thường.

        Nhưng với người bị táo bón?

Táo bón là loại bệnh lí mà thầy thuốc rất ghét, bệnh nhân cực kì khó chịu, căn nguyên rất đa dạng, phần lớn do cơ năng, dùng thuốc thông thường hay mổ xẻ ít hiệu quả. Chẩn đoán táo bón phải rất tinh tế, điều trị rất khó, trẻ con khác người lớn khác. Phương pháp điều trị táo bón ở trẻ con, từ chế độ ăn uống, tâm lí, điều dưỡng chuyên nghiệp, dạy đi vệ sinh, tập kiểm soát phân… vân vân, trong khi thuốc và phẫu thuật chỉ là phụ trợ. Táo bón ở người lớn, nguyên nhân có thể do tác động của một yếu tố đơn thuần, hoặc của nhiều yếu tố, như sự biến đổi giải phẫu, rối loạn chức năng phối hợp hậu môn, tâm lí…, nói chung rất phức tạp. Việc thụt tháo đại tràng, rõ ràng không giải quyết được các vấn đề trên, mà theo thời gian táo bón chỉ nặng hơn lên.

         Không nên tự ý thụt tháo đại tràng.

Nếu không có chỉ định của bác sĩ, việc tự ý thụt tháo đại tràng sẽ có hại cho sức khỏe. Từ góc độ sinh y học, đường ruột của con người thực chất là một môi trường cân bằng nội môi của vi sinh vật bao gồm các hệ thực vật khác nhau, trong đó quá trình phân hủy và tiêu hóa của vi sinh vật diễn ra rất quan trọng. Nếu không có bệnh, việc súc rửa đại tràng sẽ phá vỡ sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột con người, khiến vi khuẩn có hại hoặc mầm bệnh cơ hội sinh sôi với số lượng lớn, ức chế cạnh tranh sự phát triển của hệ vi khuẩn có lợi, từ đó dẫn đến các bệnh đường ruột xuất hiện.
↫❸↬

       Vậy còn thụt tháo đại tràng bằng cà phê?

Thụt đại tràng bằng cà phê còn gọi là liệu pháp Gerson, đến nay vẫn không được giới y khoa công nhận, NCI và Hiệp hội Y khoa New York khuyến cáo không có bằng chứng nào về tác dụng phòng chống ung thư, thậm chí Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ còn đưa ra cảnh báo liệu pháp Gerson có thể gây ra tác hại nghiêm trọng.
Max Gerson đề xuất liệu pháp này từ năm 1930.
Gerson cho biết, ban đầu ông thực hiện thụt tháo đại tràng bằng cà phê cùng với chế độ ăn chay nghiêm ngặt để điều trị chứng đau nửa đầu của mình, tuy nhiên ông lại thấy có tác dụng điều trị ung thư dạ dày và lao. Đến nay, ngoài phòng chống ung thư, thì liệu pháp Gerson được những người ủng hộ liệt kê hàng loạt các bệnh có thể phòng chống hoặc chữa khỏi. Trong số đó có những bệnh dị ứng, viêm khớp, hen suyễn, xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, vẩy nến, lao, đa xơ cứng củ, viêm loét dạ dày…
Trên mạng Internet hướng dẫn, cho 3 thìa cà phê nguyên chất vào 1000 mL nước, đun sôi trong 10 phút, không pha đường sữa, nằm xuống rồi thụt hết vào đại tràng qua hậu môn, đợi 15 phút thì đi ngoài, mỗi ngày thụt 1 lần.
Gần đây có nhiều người Trung Quốc tin tưởng áp dụng liệu pháp này, họ đặt cho ông Max Gerson biệt danh “Cát Sâm – 葛森”, bây giờ thì đến lượt người Việt đua nhau thụt đại tràng.
Với 6 lí thuyết suy diễn theo cảm tính, chẳng có gì đáng tin cậy, trong đó có lí thuyết súc rửa đại tràng bằng cà phê, nếu chỉ đơn giản như vậy mà chống được ung thư và chữa khỏi đủ thứ bệnh, thì lẽ ra ông Cát Sâm phải được Hội đồng Nobel Y học đến tận nhà trao giải.😜
       Theo tôi, liệu pháp Gerson chỉ có tác dụng cảm thấy đại tràng sạch về mặt tâm lí, việc thường xuyên thụt 1 lít nước cà phê vào đại tràng mỗi ngày, hệ vi sinh vật trong đại tràng bị phá huỷ, không biết chuyện gì có thể xảy ra.
↫❹↬

      Hãy làm sạch ruột theo cách tự nhiên.

Cơ thể con người là một hệ thống sinh học phức tạp và cân bằng, cách làm sạch ruột tột nhất là hãy để tự cân bằng. Trừ khi bạn bị ốm và bác sĩ đề nghị thanh lọc đại tràng, còn không thì bạn đang tự làm hại bản thân mình.
👉 Đầu tiên là thức ăn.
Chế độ ăn nhiều rau xanh, đặc biệt là súp lơ, cải bó xôi. Ăn nhiều trái cây, đặc biệt chanh, cam, bưởi. Bổ sung đầy đủ vitamin. Ăn ngũ cốc nguyên cám, khoai tây, khoai lang. Nước đóng vai trò cực kì quan trọng, vừa giúp bài trừ độc tố, vừa làm mềm phân để tránh táo bón.
👉 Thứ hai là trao đổi chất.
Trao đổi chất là hoạt động bên trong liên tục, không ngừng biến thức ăn thành năng lượng, giúp mọi cơ quan hoạt động. Nếu quá trình trao đổi chất chậm lại, thức ăn chậm chuyển hoá gây ứ đọng, tích tụ trong lòng ruột và đại tràng sẽ gây độc.
Người càng trẻ thì tốc độ trao đổi chất càng nhanh, tốc độ trao đổi chất đặc biệt nhanh ở thời thơ ấu và thanh thiếu niên, diện tích bề mặt của cơ thể càng lớn thì quá trình trao đổi chất càng nhanh. Hai người cùng cân nặng nhưng khác thể tích, người thấp béo sẽ trao đổi chất chậm hơn người cao gầy, do diện tích bề mặt của người cao sẽ lớn hơn nên cơ thể tản nhiệt nhanh, cần đẩy nhanh quá trình trao đổi chất để sinh nhiệt, cơ hoạt động ngay cả khi đang nghỉ ngơi, mỡ thì không hoạt động.
Chậm trao đổi chất = “tự sát chậm”.
✓ Thiếu ngủ làm giảm trao đổi chất: Vì thiếu ngủ dẫn đến mệt mỏi, cơ bắp không nhận đủ Oxy, vận động cũng sẽ giảm đi, cả hai đều dẫn đến giảm quá trình trao đổi chất.
✓ Ngồi cố định trong 20 phút cũng làm chậm quá trình trao đổi chất: Bởi ngồi một chỗ, cơ thể sẽ chuyển sang chế độ nghỉ ngơi, trao đổi chất cũng vì thế mà giảm theo.
✓ Thay đổi đồng hồ sinh học cũng giảm trao đổi chất: Ví dụ đêm thức ngày ngủ, lệch múi giờ làm cho các tế bào không còn hoạt động bình thường, đặc biệt kênh Canxi đóng vai trò chuyển hoá chất béo cũng bị ảnh hưởng.
✓ Lười vận động: Không làm việc chân tay, ít vận động, ít tập thể dục sẽ dẫn đến trao đổi chất giảm.
✓ Uống rượu nhiều: Khi cơ thể thực hiện chức năng trao đổi chất, rượu là thứ bị đốt cháy đầu tiên, nếu uống nhiều rượu thì các thức ăn khác sẽ ít chuyển hoá, dẫn thới giảm trao đổi chất và ứ đọng thức ăn trong đường ruột.
 BS. Trần Văn Phúc
Advertisement

Giới thiệu Đào Thị Thanh Hiền

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …