[Chia sẻ] Tại sao bệnh “bệnh đậu mùa khỉ” xuất hiện nhiều ở nhóm “người đồng giới nam”?

Rate this post

      Trong xu thế tăng nhanh đáng báo động của dịch bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới thì câu hỏi này đang trở nên quan trọng và khá nhạy cảm? Tuy nhiên, đây là tâm điểm cần phải phân tích và hiểu rõ để có thể định hướng tốt hơn trong việc phòng dịch hiệu quả, tránh tư duy “kỳ thị” người đồng giới một cách cực đoan.

      Dịch đậu mùa khỉ vốn là một căn bệnh đặc hữu của một số nước ở Châu Phi (7 nước). Tuy nhiên, từ hồi đầu năm 2022, nó đã bắt đầu nhen nhóm lan các châu lục khác, đặc biệt là các nước châu Âu. Trong bài viết hồi đầu tháng 6 của mình về bệnh đậu mùa khỉ thì lúc đó có khoảng 1000 ca bệnh trên thế giới và cho đến nay thì con số đã lên hơn 22 ngàn ca và có mặt ở 79 quốc gia.

      Gần đây một báo cáo nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành “the New England Journal of Medicine” đã khảo sát 528 ca đậu mùa khỉ được chẩn đoán từ ngày 27 tháng 4 đến ngày 24 tháng 6 năm 2022, tại 43 địa điểm ở 16 quốc gia (thuộc Châu Âu, Châu Mỹ, Tây Thái Bình Dương và Đông Địa Trung Hải) cho thấy 98% người trong đó là đồng tính nam (gay) hoặc nam có quan hệ tình dục với cả hai giới (từ chuyên môn là: bisexual men). Tương tự, trên trang web của CDC (Mỹ), tính đến ngày 25 tháng 7 năm 2022, dựa trên 1383 ca đậu mùa khỉ mà họ xác định được giới tính (dựa trên khai sinh) thì có 99.1% là nam. Dựa trên các thông tin về quan hệ tình dục của các nam bệnh nhân này thì có đến 99% là có quan hệ tình dục giữa nam với nam. Các số liệu này rõ ràng cho thấy rằng căn bệnh này đang ảnh hưởng phần lớn nhóm người đồng tính nam. Nhưng chúng ta nên hiểu thế nào cho chính xác?

      Chúng ta nên biết rằng virus đậu mùa khỉ sử dụng đường lây lan qua các tổn thương trên da, dịch cơ thể, các giọt nước đường hô hấp và các thứ bị nhiễm như chăn ga gối đệm. Do vậy, việc một người tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm bệnh đang có biểu hiện mà có các tương tác qua các con đường trên thì nguy cơ lây nhiễm cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên biết rằng, nếu so sánh với virus SARS-CoV-2 thì virus đậu mùa khỉ có khả năng lây kém hơn rất nhiều, còn so với virus HIV thì virus đậu mùa khỉ có khả năng lây mạnh hơn, tốt hơn (qua nhiều đường hơn chứ không chỉ qua đường máu và các dịch trong quan hệ tình dục). Việc quan hệ đồng giới của những người nam (thông qua hậu môn) thường được cho là thô bạo hơn, dễ tạo tổn thương da hơn nên tạo điều kiện cho virus đậu mùa khỉ dễ lây lan hơn, có thể giúp giải thích tại sao nhóm người này đang trở thành tâm điểm của dịch bệnh hiện nay. Ngoài ra, các khảo sát còn cho thấy hầu hết các ca bệnh có nguồn gốc từ các lễ hội người đồng giới, và các quan hệ tình dục nam-nam với nhiều bạn tình.

      Hiện nay, có một số quan điểm, thành kiến “kỳ thị” những người đồng tính nam trong xã hội, cho rằng họ là nguyên nhân gây nên căn bệnh này, hoặc căn bệnh này là đặc trưng của nhóm người này là không đúng. Vì như mình đã phân tích ở trên, virus đậu mùa khỉ không chừa ai cả, nó không phải là virus “chỉ lây qua đường tình dục” hoặc “chỉ lây trong người đồng tính nam” mà nó có thể lây cho bất cứ ai nếu người đó tiếp xúc trực tiếp (mặt đối mặt hoặc động chạm) với người đang biểu hiện bệnh đậu mùa khỉ. Nhóm người đồng tính nam (phần lớn ở châu Âu, châu Mỹ) đang chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong dịch đậu mùa khỉ có thể là do thói quen sinh hoạt tình dục của họ (qua hậu môn, nhiều bạn tình) vốn dĩ đã dễ lây lan hơn. Nếu sự kỳ thị xảy ra thì những người bị nhiễm bệnh sẽ sợ hãi, nhất là những người đồng tính vì ít nhiều đã bị ảnh hưởng bởi những định kiến xã hội trước đó. Từ đó sẽ dẫn đến xu hướng che giấu và không đến các cơ sở y tế để thăm khám bệnh, dẫn đến hệ lụy là việc lây truyền sẽ không bị phát hiện – gây hại cho cá nhân đó, cũng như tập thể do chúng ta không “tìm dấu” được bệnh trong cộng đồng, khó khăn ngăn chặn dịch phát triển.

      Hiện nay tổ chức y tế thế giới khuyến cáo chúng ta nên cảnh giác bệnh đậu mùa khỉ khi có các triệu chứng sau:

• Phát ban với mụn nước trên mặt, bàn tay, bàn chân, mắt, miệng và / hoặc bộ phận sinh dục
• Sốt
• Sưng hạch bạch huyết
• Nhức đầu
• Đau cơ
• Cảm thấy mệt mỏi, hết sức.
Advertisement

     Chúng ta không nên đến gần người đang có triệu chứng đậu mùa khỉ nếu không có quần áo/trang bị bảo vệ. Ngược lại, nếu chúng ta nghi ngờ hoặc đã được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ thì cần bảo vệ người khác bằng cách: cách ly, tránh tiếp xúc tối đa với người khác, đeo khẩu trang, lau sạch các bề mặt đã sờ hoặc chạm.

      Bệnh đậu mùa khỉ có thời gian ủ bệnh (không có triệu chứng) khoảng từ 1-2 tuần. Sau khi xuất hiện triệu chứng thì bệnh sẽ trải qua các giai đoạn đến khi khỏi bệnh khoảng 2-4 tuần. Chỉ đến khi các vết thương (phát ban với mụn nước) trên da đóng vảy và rụng thì người mắc đậu mùa khỉ sẽ không còn lây nhiễm nữa.

     Hiện nay, chưa có ca đậu mùa khỉ nào phát hiện ở VN, đó là một tin tốt. Tuy nhiên, trong một thế giới mở như hiện nay mà sự di chuyển của con người khắp nơi với đủ thứ các mục đích khác nhau thì việc chuẩn bị để chống dịch là điều mà chúng ta nên làm ngay lúc này!

Bảo trọng nhe bà con,
TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím
Tài liệu tham khảo:
https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa2207323 (Monkeypox Virus Infection in Humans across 16 Countries — April–June 2022)
https://www.cdc.gov/…/clinicians/technical-report.html (Technical Report: Multi-National Monkeypox Outbreak, United States, 2022)
https://www.who.int/…/25-05-2022-monkeypox–public… (Monkeypox: public health advice for gay, bisexual and other men who have sex with men)
 TS. Nguyễn Hồng Vũ

Giới thiệu Đào Thị Thanh Hiền

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …