[Chia sẻ] Thiên kiến một chiều (‘my side bias’)

Rate this post
Chúng ta, không ít thì nhiều, có thói quen nhìn sự việc một chiều. Thiên kiến này (có khi còn gọi là ‘my side bias’) dẫn đến nhiều kết luận sai.
Hôm nọ, trong một buổi tán gẫu trên bàn cà phê, tôi nghe được một câu chuyện về sự thần kì của một dược thảo trong việc điều trị ung thư. Chuyện là một người bạn bị ung thư mà bác sĩ báo cho biết là giai đoạn cuối (tức chờ chết), rồi anh ấy về Việt Nam thăm bà con, bạn bè, coi như là chuyến đi sau cùng về quê. Anh đi nhiều nơi, và lên Tây Nguyên, rồi nhờ một người quen giới thiệu một loại cây cỏ có hiệu quả điều trị ung thư. Trong lúc tuyệt vọng, anh dùng loại dược thảo đó, và may mắn thay anh hết bệnh. Về Úc, thậm chí bác sĩ khám anh còn ngạc nhiên! Anh đã nghỉ hưu và vẫn sống cho đến ngày nay và vẫn bù khú với bạn bè.
Đó là một câu chuyện đẹp. Có lẽ đa số chúng ta đều đã nghe qua những câu chuyện như vậy. Nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo, chờ chết, rồi nhân một tình cờ được dùng một loại dược thảo hay nước hay ‘can thiệp’ nào đó (như tế bào gốc, di truyền trị liệu) mà hết bệnh. Những câu chuyện đó có thật, chớ không phải bịa ra. Đó cũng là những câu chuyện làm cơ sở cho nhiều quảng bá về hiệu quả của ‘thực phẩm chức năng’ trong cộng đồng.
Nhưng tôi sợ là niềm tin vào những câu chuyện đó là hậu quả của tâm lí có tên là thiên kiến một chiều, mà thuật ngữ tiếng Anh gọi là ‘my side bias’ và ‘one-sided reference bias’. Theo tôi biết, trong tâm lí học, ‘my side bias’ được định nghĩa là xu hướng đánh giá chứng cớ hay tạo ra chứng cớ nhằm xác định thiên kiến của mình. Định nghĩa này rất giống với định nghĩa của ‘one sided bias’ trong dịch tễ học: xu hướng trích dẫn dữ liệu chỉ để yểm trợ cho thiên kiến của tác giả. Thiên kiến này rất phổ biến, và có thể nói là tất cả chúng ta đều có. Do đó, chúng ta cần phải tìm hiểu thêm để tự mình chỉnh sửa.
Nhìn sự việc qua bảng 2×2
Một người thầy cũ của tôi (giáo sư AW) từng nói rằng sự việc trên thế giới có thể tóm tắt bằng bảng dữ liệu 2 dòng và 2 cột, mà tiếng Anh gọi là ‘2×2 table’. Chúng ta tạm gọi là bảng 2×2 cho gọn và tiện. Dân dịch tễ học thì chắc chẳng ai còn xa lạ gì với bảng 2×2, nhưng ít khi nào chúng ta khái quát hoá và ứng dụng nó trong các tình huống xã hội.
Câu chuyện dược thảo và ung thư ở trên cũng có thể thể hiện bằng bảng 2×2. Chúng ta thử tưởng tượng 4 tình huống:
• Tình huống 1: người dùng dược thảo và hết bệnh;
• Tình huống 2: người dùng dược thảo nhưng không hết bệnh;
• Tình huống 3: người không dùng dược thảo nhưng hết bệnh; và
• Tình huống 4: người không dùng dược thảo và không hết bệnh.
Chúng ta có thể tóm tắt 4 tình huống trên thành bảng 2×2 như sau. Trong bảng này, các ô ‘a’, ‘b’, ‘c’, và ‘d’ thể hiện số người trong một thí nghiệm tưởng tượng. Theo đó, a là số người dùng dược thảo và hết bệnh (có hiệu quả); b là số người dùng dược thảo nhưng bệnh vẫn không hết (không có hiệu quả); c là những người tuy không dùng dược thảo mà vẫn hết bệnh; và d là những người không dùng dược thảo và bệnh vẫn còn.
Những câu chuyện về dược thảo và bệnh tật mà chúng ta nghe chỉ nằm ở ‘a’. Nói cách khác, chúng ta chỉ nghe những câu chuyện thành công, những câu chuyện về sự hiệu nghiệm của dược thảo. Chúng ta không (hay ít) nghe đến ô ‘b’, tức những câu chuyện về dùng dược thảo mà bệnh vẫn không dứt. Chúng ta cũng không nghe đến những người không dùng dược thảo mà bệnh vẫn hết. Có thể bệnh nhân cảm thấy xấu hổ không muốn nói ra rằng mình đã thử dược thảo mà chưa hết bệnh. Nói tóm lại, những gì chúng ta nghe chỉ … một chiều.
Nghe một chiều thì có khả năng sai sót rất cao. Quay lại bảng 2×2 trên, giả dụ như chúng ta có 100 người trong cộng đồng, và phân bố như sau. Trong cộng đồng đó, có 10 người dùng dược thảo và 90 người không dùng. Sau khi lắng nghe 100 câu chuyện, chúng ta có một ‘bức tranh’ như sau: trong số 10 người dùng dược thảo, có 2 người hết bệnh; trong số 90 người không dùng, có 30 người hết bệnh.
Như vậy, xác suất hết bệnh trong nhóm dùng dược thảo là 20%, nhưng trong nhóm không dùng dược thảo thì 33%. Nhưng trong thực tế chúng ta chỉ nghe 2 người hết bệnh, chớ ít khi nào nghe 8 người không hết bệnh. Chúng ta càng không biết những người không dùng dược thảo nhưng hết bệnh (có thể do sự đột biến ngẫu nhiên của tế bào ung thư có lợi cho bệnh nhân). Nhưng bởi vì chúng ta chỉ nghe 1 chiều, nên kết luận về hiệu quả của dược thảo có thể sai.
Tuy nhiên, bảng 2×2 trên đây chỉ là … tưởng tượng. Chúng ta chưa có nghiên cứu nào như thế cho các lại dược thảo. Vì vậy, cuối cùng thì chúng ta cũng chỉ là nghe câu chuyện như thể hiện trong tế bào a của bảng 2×2. Bài học dĩ nhiên là những câu chuyện tuyệt vời như thế, nếu không có dữ liệu nghiên cứu nghiêm chỉnh, không nói lên được gì về hiệu quả của dược thảo. Tương tự, chúng ta chưa có nghiên cứu nghiêm chỉnh để biết những can thiệp như tế bào gốc (stem cell) có thể trị dứt bệnh ung thư, tiểu đường, thoái hoá khớp, v.v. Những ý kiến cá nhân thì không đáng tin cậy.
Advertisement
Bảng 2×2 trên đây dùng dược thảo và bệnh lí để minh hoạ cho thiên kiến một chiều, nhưng trong thực tế chúng ta có thể nghĩ ra rất nhiều tình huống khác. Chẳng hạn như mối liên quan giữa giá trị của chiếc nhẫn cưới và li dị, giữa bằng tiến sĩ và tài năng, thậm chí … giữa báo chí và ông Trump. Chẳng hạn như thay vì dùng/không dùng dược thảo, chúng ta có giá trị chiếc nhẫn trên/dưới 10 ngàn USD; và thay vì bệnh lí yes/no chúng ta có li dị / không li dị. Để đánh giá đúng Trump, chúng ta cũng có thể lập bảng 2×2 với 2 dòng là báo chí lề trái, lề phải; và 2 cột là nói xấu Trump và nói tốt về Trump. Hiện nay thì chúng ta chỉ thấy ô ‘a’ trong bảng 2×2 về Trump thôi. Nhìn sự việc qua bảng 2×2 giúp chúng ta bớt thiên kiến một chiều và đi đến kết luận chính xác hơn.

Giới thiệu Trần Huỳnh Thanh Nhật

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …