[Chia sẻ] Vaccine không làm cho trẻ bị bệnh tự kỷ

Rate this post
Hôm nay, mình thấy rất nhiều bạn bè trên Facebook đang share một thông tin SAI SỰ THẬT rất tai hại cho cộng đồng. Thông tin này được đăng trên trang báo “tinhhoa.net” với tựa đề là: Bác sĩ gốc Việt: Việt Nam không có bệnh tự kỷ cho đến khi y học ký kết với “ma quỷ”! Nội dung bài viết xoay quanh “nhận định riêng” của vị bác sĩ này để từ đó xây dựng “thuyết âm mưu” chống lại việc sử dụng vaccine cho con người (mình không chắc là toàn bộ ý trong bài thực sự có phải là ý của bác sĩ này hay không, hay biên tập viên đã “thêm mắm dặm muối”).
Đầu tiên, mình muốn nói rõ là “Vaccine KHÔNG làm cho trẻ bị bệnh tự kỷ”. Trong lịch sử, nghi vấn về mối liên quan của bệnh tự kỷ và vaccine đã xuất hiện với 3 giả thuyết như sau:
1️⃣ Có thể nào vaccine phối hợp (3 trong 1) Sởi-Quai Bị-Rubella (gọi tắt là vaccine MMR) gây ra bệnh tự kỷ bằng cách làm tổn thương niêm mạc ruột, từ đó cho phép các protein độc hại xâm nhập qua đó và gây tổn thương não? 👉 Các nghiên cứu khoa học cho thấy rằng phần lớn các triệu chứng rối loạn tiêu hóa không xảy ra trước khi trẻ bị chứng tự kỷ, điều này không phù hợp với quan điểm cho rằng viêm ruột tạo điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập vào dòng máu của các protein gây bệnh não. Ngoài ra, các virus có trong vaccine như sởi, quai bị hoặc rubella không thể gây viêm ruột mãn tính hoặc mất chức năng hàng rào của ruột. Hơn nữa, các protein gây bệnh não “giả định” đi từ ruột đến não chưa bao giờ được tìm thấy ở bất cứ nghiên cứu nào. Ngược lại, các gene có liên quan đến bệnh tự kỷ cho đến nay được tìm thấy mã hóa các protein nội sinh ảnh hưởng đến chức năng cầu nối thần kinh (neuronal synapse), kết dính tế bào thần kinh, điều hòa hoạt động tế bào thần kinh hoặc truyền tín hiệu thần kinh.
2️⃣ Có thể nào Thimerosal, một chất bảo quản có chứa ethylmercury (ethyl thủy ngân) trong một số vaccine, gây độc cho hệ thần kinh trung ương? 👉 Các dấu hiệu và triệu chứng của chứng tự kỷ khác biệt rất rõ ràng với những biểu hiện của ngộ độc thủy ngân. Trẻ em bị ngộ độc thủy ngân có những thay đổi đặc trưng về vận động, lời nói, giác quan, tâm thần, thị giác và chu vi vòng đầu, những biểu hiện này không có ở trẻ tự kỷ. Ngoài ra, một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học tại trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh trên 1047 trẻ em ở độ tuổi từ 7 đến 10, đều không thấy dấu hiệu ảnh hưởng xấu của vaccine chứa thimerosal lên chức năng thần kinh hoặc hệ miễn dịch.
3️⃣ Có hay không việc sử dụng đồng thời nhiều loại vaccine làm áp đảo hoặc làm suy yếu hệ thống miễn dịch? 👉 Nghiên cứu khoa học cho thấy mặc dù hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh còn tương đối sơ khởi (naive), nhưng nó hoàn toàn có khả năng tạo ra một loạt các phản ứng bảo vệ khi tiếp xúc với hàng loạt tác nhân gây bệnh khác nhau. Người ta còn dự đoán, khả năng này có thể tiếp nhận thậm chí hàng nghìn loại vaccine cùng một lúc! Ngoài ra, người ta còn cho thấy trẻ em được được chích ngừa và trẻ chưa được chích ngừa đều có phản ứng miễn dịch ngang nhau khi tiếp xúc với các bệnh nhiễm trùng mà cả hai chưa từng gặp trước đó.
Hơn nữa, rất nhiều các công trình nghiên cứu độc lập trên thế giới đã được thực hiện so sánh giữa nhóm chích vaccine và nhóm không chích vaccine với số lượng rất lớn về người, trong những khoảng thời gian khác nhau trong lịch sử, giữa các quốc gia có vị trí địa lý khác nhau, v.v… Các báo cáo khoa học đó đã không tìm ra mối liên hệ của việc chích vaccine và bệnh tự kỷ của trẻ em!
Nói chung, bệnh tự kỷ, hoặc rối loạn phổ tự kỷ (ASD, autism spectrum disorder), là tình trạng được đặc trưng bởi các hành vi như khó giao tiếp, khó tương tác xã hội, hành vi lặp đi lặp lại,… Hiện nay, chứng tự kỷ ảnh hưởng đến khoảng 1 trong số 54 trẻ em ở Mỹ. Nguyên nhân của căn bệnh này vẫn còn được khoa học nghiên cứu với các kết luận ban đầu có thể là do sự khiếm khuyết về gene hoặc/và ảnh hưởng từ các hệ quả do viêm não xảy ra trong giai đoạn sớm của bé.
Advertisement
Tóm lại, mình khẳng định thêm một lần nữa là “Mối liên hệ giữa vaccine và bệnh tự kỷ là hoàn toàn KHÔNG có cơ sở”.
Bảo trọng nhe bà con, thông tin sai sự thật nhiều khi còn nguy hiểm hơn thuốc độc!
TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím
Thông tin tham khảo:
Gerber JS, Offit PA. Vaccines and autism: a tale of shifting hypotheses. Clin Infect Dis. 2009 Feb 15;48(4):456-61. (https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19128068/)
Thompson WW, Price C, Goodson B, Shay DK, Benson P, Hinrichsen VL, Lewis E, Eriksen E, Ray P, Marcy SM, Dunn J, Jackson LA, Lieu TA, Black S, Stewart G, Weintraub ES, Davis RL, DeStefano F; Vaccine Safety Datalink Team. Early thimerosal exposure and neuropsychological outcomes at 7 to 10 years. N Engl J Med. 2007 Sep 27;357(13):1281-92. (https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/17898097/)
Taylor LE, Swerdfeger AL, Eslick GD. Vaccines are not associated with autism: an evidence-based meta-analysis of case-control and cohort studies. Vaccine. 2014 Jun 17;32(29):3623-9. (https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24814559/)
TS. Nguyễn Hồng Vũ

Giới thiệu Lê Hồng Thắm

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …