[Chia sẻ]Cách đọc kết quả xét nghiệm máu của BS gia đình (P2)

Rate this post

– Xét nghiệm CMP
– Xét nghiệm protein/albumin
– Xét nghiệm tiểu đường BS/Ha1c
– Xét nghiệm mỡ
– Xét nghiệm nước tiểu UA

=====
IIB. Xét nghiệm bảng chuyển hóa toàn điện (CMP)
– CMP gồm 14 chỉ số đo chức năng thận, men gan, các chất điện giải, đường Hac1/BS, protein/Albumin, Bicarbonate và các chỉ số khác. Xét nghiệm này thường làm định kỳ mỗi năm một lần hay ngắn hơn tùy vào bệnh nhân. Xét nghiệm quan trọng này cho phép BS theo dõi các bệnh mạn tính (thận, tiểu đường) hay các tác dụng của thuốc lên cơ thể. Bệnh nhân cần được nhịn ăn 12 tiếng trước khi xét nghiệm này để có kết quả chính xác.

1. Xét nghiệm gan chỉ số ALT, AST, ALP, và Bilirubin:
– Các chỉ số này thường được gọi tắt là men gan, sẽ tăng khi gan bị viêm sưng do virus hay rượu, hoặc nhiễm mỡ. Các bệnh về viêm gan B,C thường được theo dõi chỉ số men gan thường xuyên để theo dõi gan có viêm sưng hay không.
– Chỉ số men gan ALT (thông thường 7-40 IU/L) thường tăng cao hơn chỉ số AST trong trường hợp viêm gan do virus. Ngược lại, chỉ số men gan AST (thông thường 10-34 IU/L) thường tăng cao khi viêm gan bị sưng do rượu. Chỉ số ALP (thông thường là 44-147 IU/L) thường tăng rất cao khi gan bị tổn thương hay bệnh nhân có các bệnh lý về xương. Chỉ số Bilirubin tăng gợi ý các tổn thương về gan hay các bệnh khác như ống mật/túi mật hay đường tiêu hóa. Tăng bilirubin khiến da hay tròng mắt bị vàng. Bilirubin là sản phẩm từ tế bào hồng huyết cầu khi bị phân hủy. Bilirubin sau đó được đưa ra ngoài qua hệ thống ống mật trong gan. Chỉ số bilirubin thường có 2 dạng, đo trực tiếp (direct) và đo tổng thể (total). Chỉ số Bilirubin tổng thể bình thường là 0.3-1.2 mg/dL trong khi chỉ số trực tiếp Bilirubin bình thường là dưới 0.3mg/dL. Quý vị xem video về bệnh gan, viêm gan B, C của tôi để hiểu rõ hơn.

2. Xét nghiệm thận BUN, Cr, và eGFR- Chức năng thận BUN/Cr và độ lọc thận ước lượng eGFR là một chỉ số quan trọng khác về thận mà quý vị cần theo dõi. Cr (Creatinine) là chất thải trong quá trình vận động của cơ bắp. Thận khỏe mạnh sẽ lọc hết Cr. ra khỏi máu nên chỉ số Cr bình thường thường thấp, chỉ ở mức 0.74-1.35 mg/dL ở nam và 0.59-1.04 mg/dL ỡ nữ. Khi thận bị yếu, chức năng thận bị giảm nên chỉ số Cr. trong máu sẽ tăng. Chỉ số Cr. tăng nhanh trong trường hợp thận bị tổn thương cấp tính. Chỉ số BUN đo lượng chất thải Nitrogen Urea trong máu. Thận khỏe sẽ lọc hết những chất này và đẩy ra ngoài qua đường tiểu. Thận yếu sẽ không lọc hết BUN, khiến chỉ số BUN tăng cao. Một số trường hợp khác cũng khiến BUN tăng cao như thiếu nước, sỏi thận, suy tim, xuất huyết đường ruột.
– Chỉ số GFR là chỉ số ước tính độ lọc thận, dựa vào chỉ số Creatinin và giới tính, tuổi tác. Tốc độ lọc thận GFR thường giảm theo tuổi tác. Thường GFR tốt là trên 90 với người trẻ. Khoảng 60-90 là khoảng cần theo dõi. Khi GFR dưới 60, quý vị sẽ phải làm thêm các xét nghiệm khác để thăm khám thận như siêu âm thận, đo động mạch thận, và thậm chí phải sinh thiết thận. Quý vị xem lại video về bệnh thận của tôi sẽ hiểu rõ hơn.

3. Xét nghiệm điện giải Na, K, Phosphate, Ca, và Mg
– Chất điện giải là chất dịch có khoáng chất, gồm các Sodium (Natri) muối, Kali (Potassium), Canxi (Calcium), Clo (chloride), Bicarbonate, và Phosphate. Những chất này hòa trong dịch cơ thể (máu) tạo ra những ion tích điện. Một số ion tích điện âm trong khi số khác tích điện dương. Cơ thể chúng ta hoạt động được nhờ các tín hiệu giữa các tế bào liên lạc với nhau và những tế bào nảy chỉ làm việc được trong môi trường ổn định. Môi trường này có các chất điện giải cân bằng với nhau giúp các tế bào ổn định. Cơ thể chúng ta liên tục hấp thu và đào thải chất điện giải qua đổ mồ hôi (vị mồ hôi mằn mặn do có Sodium trong đó) và qua đường nước tiểu (mùi khai từ urea) hay phân.
– Mỗi chất điện giải có chức năng và vai trò riêng. Thiếu hay dư bất kỳ chất nào cũng có thể dẫn đến nguy hiểm. Ở người khỏe mạnh, thận và gan giúp lọc giúp môi trường điện giải luôn ở mức ổn định và độ pH ở trong cơ thể luôn ở mức 7.4 (khoảng 7.35-7.45). Lưu ý là độ pH của nước tiểu thay đổi tùy vào chế độ ăn uống dinh dưỡng hay nhiễm trùng đường tiểu.
– Dịch và hiểu chất điện giải phải nhìn một cách tổng quát, không nên chỉ nhìn một con số. BS sẽ so sánh và đối chiếu các chất điện giải, kèm theo triệu chứng lâm sàng, để quyết định xem quý vị có thật sự bị thiếu hay không.
+ Sodium (Na) là nguyên tố chủ yếu của dịch ngoài tế bào, vai trò trong việc duy trì thẩm thấu dịch, kích thích dẫn truyền thần kinh, giúp cân bằng pH. Ngưỡng Sodium bình thường là 136-145 mEq/L. Bệnh nhân ăn lạc quá nhiều hay bệnh thận sưng chân có thể thấp Natri.
+ Potassium (K) thường ở bên trong tế bào, giúp điều chỉnh các chất cân bằng điện giải, có vai trò cực kỳ quan trọng trong chức năng não và thần kinh. K thải ra nhiều khi các tế bào tan vỡ, chết đi và thận giúp lọc K ra khỏi máu, giữ K luôn ở mức cân bằng từ 3.5-5.1 mEg/L. Khi thận suy, nồng độ K sẽ tăng cao và bệnh nhân sẽ phải chạy thận để giữ K thấp. Khi K quá cao, thường trên 6.5 sẽ ảnh hưởng đến tim, làm lạc nhịp tim, và có thể dẫn đến tử vong nếu K quá cao.
+ Magnesium (Mg) là chất giúp tế bào cơ bắp ổn định và làm việc hiểu. Mg cũng giúp tế bào thần kinh truyền dẫn tín hiệu chính xác. Thiếu Mg thường dễ dẫn đến vọp bẻ, đau nhức cơ bắp. Ngưỡng Mg bình thường là 1.8-2.2 mg/dL. Lưu ý là Mg và Phosphate không có trong bản chuyển hóa toàn diện CMP nhưng BS thường làm xét nghiệm Phosporus kèm CMP để so sánh và đối chiếu với các chất điện giải khác.
+ Calcium (Ca) là chất điện giải quan trọng khác giúp các enzyme hoạt động hiệu quả, giữ vai trò quan trọng trong cấu trúc xương, quá trình đông máu và hoạt động của tế bào thần kinh, cơ bắp, và các tế bào khác. Ngưỡng Ca bình thường là 9.6-10.2 mg/dL. Thấp hay cao Ca đều có thể dẫn đến các triệu chứng nguy hiểm.
+ Phosphorus giữ vai trò quan trọng xương, răng và các tế bào. Ngưỡng Phosphorus bình thường trong máu là 2.5-4.5mg/dL. Mỗi ngày chúng ta ăn uống vào và thải ra có chất Phosphorus. Khi thận bị yếu đi, nồng độ Phospho tăng lên. Với bệnh nhân bị thận yếu, BS sẽ theo dõi nồng độ Phosphorus kỹ. Chạy thận nhân tạo sẽ giúp cơ thể lọc ra Phosphorus. 2.5 to 4.5 mg/dL
+ Chloride là chất điện giải điện tích âm để cân bằng với các điện tích dương. Cl là phần quan trọng trong dịch acid bao tử và đường tiêu hóa. Khi bệnh nhân bị ói mửa hay tiêu chảy, nồng độ Chlorine có thể bị giảm. Quá cao Chloride cũng khiến cơ thể bị mệt mỏi. Ngưỡng Cl bình thường là 96-106 mEg/L.
+ Bicarbonate là chỉ số quan trọng để đo lường nồng độ acid/base trong cơ thể. Ngưỡng bình thường là 22-29 mEg/L. Khi Bicarbonate cao gợi ý môi trường trong cơ thể đang hướng về base (kiềm), tăng độ pH trong khi Bicarbonate thấp gợi ý cơ thể đang đi về hướng acid, giảm độ pH. Bệnh nhân bệnh thận cần phải được theo dõi Bicarbonate thường xuyên vì cao hay thấp đều là chỉ dấu nguy hiểm của bệnh thận đang nặng thêm.

4. Xét nghiệm Protein/Albumin trong máu
– Chỉ số protein và chỉ số albumin (ab) là những chỉ số cực kỳ quan trọng cho thấy sức khỏe của gan, các bệnh lý về thận, hay dinh dưỡng. Albumin là protein sản xuất tại gan trong khi tổng số protein là các protein khác trong máu nói chung. Khi cơ thể chúng ta ổn định, các protein sẽ hoạt động tối ưu và không bị tổn thương hay phân hủy. Protein quan trọng với cơ xương khớp, máu và các cơ quan khác. Protein còn giúp cân bằng áp lực nước giữa trong và ngoài thành mạch máu. Thiếu protein trong máu, như bệnh gan, có thể khiến nước chảy ra ngoài thành mạch nhiều hơn, dẫn đến viêm sưng phù nề. Chỉ số bình thường của tổng số protein là 6.0-8.3g/dL.
– Albumin là protein sản xuất tại gan nên thiếu Albumin gợi ý tổn thương về gan. Chỉ số albumin bình thường là 3.4-5.4 g/dL.

5. Xét nghiệm tiểu đường chỉ số Ha1c và chỉ số đường huyết (Blood sugar)
– Hai chỉ số quan trọng để đánh giá theo dõi bệnh tiểu đường là chỉ số đường huyết Blood Sugar và chỉ số phần trăm hồng cầu bị nhiễm đường (Ha1c). Chỉ số đường huyết chỉ ra lượng đường tức thời lúc xét nghiệm máu, nên có thể lên xuống thay đổi tuy vào chế độ ăn uống như mới ăn xong hay chưa ăn. Thường xét nghiệm chỉ số đường huyết nên nhịn ăn để có kết quả chính xác. Ngưỡng chỉ số đường huyết bình thường khi nhịn đói là dưới 65-99 mg/dl. Khi đường huyết quá thấp, thường dưới 60, bệnh nhân sẽ bị chóng mặt và có thể té xỉu. Chỉ số đường huyết ngẫu nhiên không nhịn đói là 65-140 mg/dl.
– Chỉ số Ha1c là chỉ số theo dõi bao nhiêu phần trăm bề mặt của tế bào hồng cầu bị đường bám vào. Do tế bào hồng cầu chỉ sống khoảng 3 tháng nên chỉ số này thường theo dõi mỗi 3 tháng. Chỉ số Ha1c thường ổn định và chính xác hơn chỉ số đường huyết khi chẩn đoán hay theo dõi tiểu đường. Chỉ số Ha1c bình thường là dưới 6.5%. Bệnh nhân tiểu đường có chỉ số 6.5-7.5% có thể xem là kiểm soát. Chỉ số Ha1c trên 10% thường kèm theo các biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường. Chỉ số Ha1c không thuộc CMP nhưng BS thường hay order chung để dịch kèm với chỉ số đường huyết.

II-C Xét nghiệm mỡ máu (Lipid Panel) nhằm kiểm tra nồng độ cholesterol, triglyceride, HDL (mỡ tốt), và LDL (mỡ xấu). BS sẽ kết hợp các kết quả kèm theo bệnh sử đưa loại thuốc tốt nhất cho bệnh cao mỡ máu.
+ Cholesterol là một lipid protein cần thiết cho cơ thể hoạt động tạo ra hormone và nhiều chất khác, nhưng quá nhiều cholesterol có thể dẫn đến các bệnh tim mạch và rủi ro đột quỵ. Chỉ số Cholesterol bình thường là dưới 200 mg/dl. Khi cholesterol trên 240 mg/dl thì BS sẽ khuyên quý vị uống thuốc để giảm. Cao cholesterol ở mức 200-240 có thể dùng thể dục và chế độ ăn uống để giảm. Cao cholesterol có nhiều nguyên nhân. Thường thấy nhất là do chế độ ăn uống, tuy nhiên, các bệnh mạn tính khác như hút thuốc lá, tiểu đường, hay bệnh nhân dùng thuốc lâu dài như thuốc an thần, steroid, lithium có thể tăng nồng độ cholesterol trong máu.
+ Triglyceride là một loại mỡ khác, tăng cao sẽ gợi ý các rủi ro về đột quỵ hay tim mạch. Triglyceride còn cho thấy tình trạng cân bằng cả việc chuyển hóa các loại mỡ trong cơ thể. Ngưỡng bình thường của Triglyceride là dưới 150 mg/dl. Ngưỡng Triglyceride nguy hiểm khi tăng cao trên 500 mg/dl.
+ HDL thường gọi là mỡ tốt do tác dụng tích cực lên hệ tim mạch và cơ thể. Ngưỡng bình thường của HDL là trên 45-50 mg/dl. HDL thấp hơn các ngưỡng này gợi ý rủi ro bệnh mạch máu.
+ LDL thường được xem là cholesterol xấu do tăng rủi ro xơ vữa động mạch và bệnh lý mạch máu. Thường nồng độ LDL nên dưới 100 mg/dL. Với bệnh nhân có những rủi ro khác như hút thuốc hay tiểu đường thì mức LDL lý tưởng nên thấp hơn, khoảng 70 mg/dL.

II-D Xét nghiệm tuyến giáp TSH/FT4/FT3
– Có nhiều chỉ số đo tuyến giáp nhưng hai chỉ số quan trọng nhất là TSH và Free T4 (FT4) và Free T3 (FT3). Nồng độ TSH (Thyroid Stimulating Hormone) gián tiếp cho thấy cơ thể đang có đầy đủ hormon tuyến giáp hay không. Khi cơ thể thiếu hormone tuyến giáp, chỉ số TSH sẽ tăng vì TSH kích thích tuyến giáp tao thêm hormone. Khi cơ thể dư thừa hormon tuyến giáp, TSH sẽ tự động giảm xuống. Chỉ số TSH bình thường là 0.5-5.0 mIU/L. Khi TSH trên 5 gợi ý cơ thể bắt đầu thiếu hormone tuyến giáp nhưng bệnh nhân có thể không có triệu chứng gì. Khi TSH lên cao, thường là trên 10 thì bệnh nhân cần uống thuốc hormone thyroid để giảm TSH xuống.
– Cơ thể có 2 loại hormone thyroid T4 và T3. Đa số hai hormone này bám vào các protein khác nên nồng độ trong máu (free thyroid) cực kỳ thấp. Vì vậy, hai chỉ số nồng độ Free Thyroid hormone T4/T3 là cách xem trực tiếp cơ thể bệnh nhân có thiếu hormone thyroid hay không vì chỉ số này đo chính xác hormone đang ở trong máu. Ngưỡng bình thường của hormone T4 là 0.8-1.8 ng/dL và nồng độ hormone thyroid T3 bình thường là 0.2-0.5 ng/dl.
– BS sẽ kết hợp kết quả TSH và FT4/FT3 để chẩn đoán bệnh. Quý vị nhớ xem video của tôi về bệnh tuyến giáp (cao hay tuyến giáp) để hiểu thêm về TSH và FT4.

II-E Xét nghiệm nước tiểu (Urine Analysis)- UA là một xét nghiệm đơn giản, rẻ tiền, nhưng thường bị bỏ qua. Xét nghiệm nước tiểu gợi ý nhiều điều về chức năng thận, nhiễm trùng đường tiểu, chất điện giải, bệnh tiểu đường, và chế độ dinh dưỡng. Nếu tiểu bình thường sẽ vô trùng và không có máu, vi khuẩn, hay protein. Vì vậy, khi có những chất này, gợi ý những bệnh nguy hiểm có thể xảy ra. Lưu ý la nếu chỉ dựa vào kết quả UA thì BS sẽ khó chẩn đoán bệnh vì UA là xét nghiệm gián tiếp thông qua chất thải nên có thể không rõ ràng. BS cần phải dựa vào triệu chứng bệnh lý và các xét nghiệm khác, ví dụ như siêu âm hay chụp hình và Cr/BUN, để đánh giá chức năng thận khi dịch kết quả nước tiểu.
+ Độ pH nước tiểu, bình thường 4.6-8 (chỉ số pH nước tiểu trung bình dưới là acid, dưới 7.4). Khi nước tiểu tăng độ pH có thể gợi ý nhiễm trùng, bệnh thận mạn tính, hay bệnh nhân bị nôn mửa. Khi chỉ số pH nước tiểu bất thường, BS sẽ cần phải xem các yếu tố khác.
+ Trọng lượng riêng của nước tiểu (Specific gravity) cho thấy nước tiểu loãng hay đặc, gợi ý cơ thể có uống nước đầy đủ hay không. Thường SG tăng cho thấy cơ thể đang thiếu nước trong khi SG giảm trong các bệnh khác như bệnh suy tim hay chất điện giải Sodium cao. Chỉ số SG bình thường là 1.005-1.030.
+ Leukocyte (LEU) tế bào bạch cầu trong nước tiểu gợi ý đường tiết niệu có thể bị nhiễm trùng. Bình thường chỉ số LEU là âm tính không có mặt trong nước tiểu. Với một số phụ nữ, chỉ số LEU thường dương tính, nhưng BS sẽ không cho thuốc trụ sinh chữa nhiễm trùng đường tiểu nếu bệnh nhân không có triệu chứng. + Nitri hợp chất do vi khuẩn sinh ra, gợi ý đường tiết niệu đang nhiễm trùng, nhất là vi khuẩn E. Coli. Đây là một xét nghiệm gián tiếp khác cho thấy có thể có vi khuẩn xâm nhập vào. Thường BS sẽ kết hợp LEU/Nitri và triệu chứng lâm sàng để chẩn đoán có nhiễm trùng đường tiểu hay không.
+ Blood (Bld) máu trong nước tiểu. Bình thường nước tiểu sẽ không có máu. Máu có trong nước tiểu có thể gợi ý các tổn thương dọc theo đường tiết niệu như sỏi thận, nhiễm trùng, hay chảy máu từ bọng đái hay các cơ quan liên quan. Máu nhiều hay ít cũng gợi ý bệnh nặng hay nhẹ. Máu ít trong nước tiểu (microhematuria) đôi khi không thấy được bằng mắt thường.
+ Đường bình thường sẽ không nên có trong nước tiểu. Khi thấy đường trong nước tiểu, BS sẽ nghĩ đến bệnh tiểu đường hay các bệnh thận do cơ thể không lọc giữ lại đường bên trong do các tổn thương về cầu thận, ống thận, viêm tụy. Với phụ nữ mang thai, có thể sẽ có chút đường trong nước tiểu. Nếu quý vị ăn nhiều bánh trái cây trước khi xét nghiệm nước tiểu thì quý vị có thể sẽ có chút đường trong nước tiểu.
+ Protein thường không có trong nước tiểu. Vì vậy, khi có protein trong nước tiểu, BS sẽ nghĩ ngay đến các bệnh làm tổn thương thận, khiến thận không thể lọc giữa lại protein bên trong. Mức độ protein trong nước tiểu cũng sẽ gợi ý độ tổn thương của thân. Với bệnh nhân bị bệnh Lupus, chỉ số protein trong nước tiểu còn là chỉ số để BS theo dõi bệnh Lupus có ổn định hay không. Với thai phụ có nồng độ protein trong nước tiểu cao kèm bị sưng phù ở mặt và tay chân, có thể gợi ý rủi ro của bệnh tiền sản giật trong thai kỳ.
+ Xét nghiệm soi cặn nước tiểu (ASC) để xem các tế bào trong viêm nhiễm đường tiết niệu hay sỏi thận. Chỉ số ASC bình thường là 5-10 mg/dl.
+ Ketone là chất tế bào sản xuất khi không có đủ Glucose là nhiên liệu trong cơ thể. Vì vậy, tăng Ketone thường là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Ketone thường không có trong nước tiểu. Khi Ketone có mặt gợi ý bệnh tiểu đường không kiểm soát, nghiện rượu, hay nhịn ăn trong thời gian dài.
+ Urobilinogen là sản phẩm từ thoái hóa bilirubin và thường có nhiều khi gan bị bệnh. Bình thường sẽ không có chất này trong nước tiểu. Tăng Urobilinogen gợi ý gan đang bị tổn thương như nhiễm khuẩn, bị xơ, hay xung huyết vàng da.

(Trích từ sách Trong phòng chờ 2)
Bs Wynn Tran, Los Angeles, Hoa Kỳ
=====
P1: Những điều cần biết về xét nghiệm máu (video số 357)
P3: Cách đọc kết quả xét nghiệm chuyên khoa tự miễn, ung thư, tim mạch và các chuyên khoa khác

Có thể là hình ảnh về kính mắt và trong nhà

Advertisement

Giới thiệu Thuha

Check Also

[Chia sẻ] Vì sao đau lưng có thể dẫn đến yếu sinh lý?

Nhiều quý vị hỏi tôi đau lưng lâu dài có thể dẫn đến yếu sinh …