Hai tháng trước mình khám một cậu bé 10 tuổi tới khám vì đau bụng và tiêu chảy. Mẹ khai con trai tiêu chảy 2-3 lần mỗi ngày lượng ít, hay đau bụng kèm theo, không ói. Khám bụng thì thấy chướng nhẹ, đầy hơi.
Mình lại hỏi mẹ cậu bé có tiền sử táo bón phải không? Mẹ nói táo bón lâu rồi bác sĩ ơi dù cố gắng ăn nhiều rau cải, trái cây, chất xơ, uống nhiều nước.
Mình lại coi lại hồ sơ cũ thấy khám 6 tháng trước vì táo bón, cho thuốc làm mềm phân Miralax rồi thôi.
Xong mình ngồi xuống giải thích cho mẹ bệnh tình của cậu bé.
Bỏ qua táo bón chức năng do không ăn nhiều chất xơ hay táo bón do các bệnh lý như suy tuyến giáp, bệnh lý đại tràng như Hirschsprung hay do thuốc thì còn một loại táo bón rất thường gặp và khó trị gọi là táo bón do ruột di chuyển chậm (slow transit constipation).
Nếu bạn bị táo bón kéo dài cho dù bạn ăn uống nhiều chất xơ, uống nhiều nước, thì có thể bạn đang bị bệnh táo bón do ruột di chuyển chậm, chiếm khoảng 10-15% các thể loại táo bón.
Người bị bệnh này có khiếm khuyết tại hệ thống thần kinh tự động điều khiển sự co bóp của ruột già (nhu động ruột) làm phân di chuyển rất chậm trong ruột già gây táo bón, xin đọc lại bài táo bón ký sự 1. Lúc này chế độ ăn uống và thuốc làm mềm phân không có tác dụng nhiều.
Táo bón ký sự P1
https://www.facebook.com/hung.truong.5220/posts/10226193138790865
Khi bạn bị táo bón kéo dài và nặng dù do bất kỳ nguyên nhân gì, ruột già bạn sẽ chứa đầy phân cứng, nhất là vùng cuối ruột già (trực tràng), làm trực tràng dãn rộng kéo dài, sự dãn rộng này làm mất luôn phản xạ đi ị làm bệnh nhân không còn cảm giác đi ị, làm táo bón càng nặng hơn.
Tuy nhiên chúng ta vẫn ăn mỗi ngày, phân mới vẫn được tạo ra, cơ thể vẫn cần phải thải phân ra ngoài, ruột cố gắng co bóp để đẩy phân đi, gây cảm giác đau bụng từng cơn, nhiều phân quá làm ruột đầy hơi, chướng, biếng ăn.
Dù nỗ lực như thế nào, cơ thể cũng không thể nào thải ra được mớ phân cứng tầng tầng lớp lớp như nút cổ chai. Lúc này cơ thể lại tạo ra hiện tượng ỉa đùn (overflow diarrhea). Đó là khi ruột cố gắng đẩy phân đi nhưng không thành, mớ phân lỏng mới tạo ra cố gắng đi lòn lách qua mớ phân cứng cản đường và thải ra ngoài từng lượng nhỏ, cộng thêm bệnh nhân không còn cảm giác đi ị nên sẽ tạo ra tình trạng tiêu chảy lượng nhỏ nhiều lần không tự chủ, hay gọi là ỉa đùn (encopresis).
Nhìn thì giống như tiêu chảy nhưng bản chất là táo bón nặng, tạo ra vô số sự hiểu lầm từ cô giáo, đến ba mẹ, ngay cả đến các bác sĩ nhất là bs gia đình chẩn đoán sai gây điều trị sai. Có khi bs chẩn doán là táo bón nhưng điều trị không thấu đáo, cho uống thuốc mểm phân rồi thôi không tái khám, giải thích. Trong khi đó thuốc mềm phân có hiệu quả rất kém trong các trường hợp táo bón nặng như vầy vì nó không thể nào làm mềm đám phân vừa cứng vừa cũ đang cản đường mà chỉ có tác dụng lên mớ phân mới tạo ra.
Hình kèm theo của bệnh nhân này các bạn thấy toàn bộ ruột già đầy phân và hơi, vùng trực tràng có cục phân cứng to đùng làm dãn trực tràng (khoanh tròn).
Bệnh nhân thì tiêu chảy kéo dài không tự chủ gây cản trở học tập, bạn bè chế nhạo, ảnh hưởng tâm lý gây trầm cảm, tác hại lâu đài nặng nề hơn nhiều so với sự lơ là của ba mẹ và cả bác sĩ. Một bệnh nhân khác của tui bị encopresis kéo dài gây trầm cảm, mẹ phải xin giấy cho học tại nhà (home bound school).
Vì nó đã tồn tại lâu ngày và phức tạp nên điều trị bệnh này cũng cần nhiều thời gian, nỗ lực kiên trì và sự hợp tác của cả gia đình và bác sĩ.
Khám bệnh xong quăng cái toa thuốc làm mềm phân không bao giờ trị đươc bệnh ỉa đùn (encopresis).
Phần tiếp sẽ về hành trình điều trị trên bệnh nhân này và một bệnh nhân khác.
PS: sáng nay nhận lời tư vấn cho con của bạn của thằng em bị bại não, thấy tội cho mấy bé bị bệnh này ở VN, quởn nên viết chút ít.
Share tự nhiên.