[CHUYỆN NGÀNH Y] Những Thiên thần không có cánh

Rate this post

NHỮNG THIÊN THẦN KHÔNG CÓ CÁNH

BS. Trần Văn Phúc

Năm 2020…

Đó là một năm thật phi thường. Virus SARS-CoV-2 hoành hành, khắp thế giới run rẩy, ho sốt và viêm phổi. Cả đất nước gặp rắc rối, trường học đóng cửa, lễ hội giải tán, các cuộc tụ họp đông người bị hủy bỏ, nhiều nhà hàng đóng cửa, nghỉ phép và cách li.

Virus thay đổi chóng mặt: từ viêm phổi Vũ Hán, đến viêm phổi do virus vương miện mới, 2019-nCoV, COVID-19, coronavirus chủng mới, cho đến SARS-CoV-2.

Trong lúc thế giới chỉ công bố dịch ở cấp ‘bùng phát – outbreak’, thì Việt Nam đã công bố dịch ở cấp quốc gia, đặt đất nước vào trong tình trạng như chiến tranh. WHO khuyến cáo cách li 3 vòng, chính phủ nâng cấp lên thành 4 vòng, nhưng người dân vẫn cẩn thận cách li luôn 7 vòng.

Quân đội lần đầu tiên tham gia chống dịch.

Công an vào cuộc quyết liệt: nhiệm vụ không chỉ ngăn chặn tin đồn, mà còn theo dõi từng bước chân của những người có khả năng lây nhiễm; ai đi đâu về đâu, nói chuyện những gì và làm gì, đều không thể qua khỏi những cặp mắt nghiệp vụ rất tinh tường.

Vũ Hán vỡ trận, Trung Quốc vỡ trận, nguyên nhân do thủng phòng tuyến chặn dịch, tổn thương nghiêm trọng tuyến điều trị ở phía sau vì quá tải. Nhiều khả năng Hàn Quốc, Ý và Iran cũng vỡ trận; nguy cơ mất kiểm soát đang hiện hữu từng ngày từng giờ ở những quốc gia này.

Việt Nam phải làm gì để không bị như vậy?

Đầu tiên, chính phủ thành lập đội “đặc nhiệm” đa ngành. Dẫn đầu đội đặc nhiệm là y tế dự phòng, họ là những thiên thần không có cánh với nhiệm vụ chặn dịch để không vượt qua biên giới, không để những ổ dịch nhỏ bùng phát lây nhiễm cho nhiều người.

Tiếp theo, là phân tuyến điều trị khi dịch bệnh xảy ra.

– Tất cả các bệnh viện đa khoa, những bệnh viện chuyên khoa có liên quan, đều phải thành lập đơn nguyên riêng, sẵn sàng tiếp nhận và thu dung bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.

– Tuyến quận huyện: Bao gồm trung tâm y tế và bệnh viện đa khoa quận huyện hạng 2 và 3; nhiệm vụ theo dõi và điều trị cho khoảng 85% bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng nhẹ.

– Tuyến tỉnh: Gồm các bệnh viện hạng 1, có nhiệm vụ điều trị cho 10% bệnh nhân COVID-19 nặng nhưng chưa nghiêm trọng, từ tuyến huyện chuyển lên.

– Tuyến Trung ương: Điều trị cho khoảng 5% bệnh nhân COVID-19 rất nặng.

Tất cả các cơ sở y tế thuộc tuyến quận huyện sẽ hội chẩn trực tuyến với tuyến trên. Các đội cấp cứu cơ động được thành lập, sẵn sàng nhận nhiệm vụ hỏa tốc, đến bất cứ nơi đâu chi viện cho tuyến dưới.

Riêng với y tế dự phòng, bao giờ cũng đi trước tuyến điều trị một bước và lùi sau một bước, ngoài chặn dịch, cách li và dập dịch; thì còn có nhiệm vụ theo dõi, giám sát để không bỏ sót bất cứ thông tin cảnh báo nào. Với quốc tế, y tế dự phòng phải theo dõi tất cả các quốc gia, riêng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý, Iran và Nhật Bản thì phải theo dõi giám sát từng địa bàn.

Đội đặc nhiệm phòng chống dịch COVID-19 đang liên tục di chuyển!

Ngay từ dịp tết Nguyên Đán, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia đã mời các bô lão giúp sức và hiến kế, đó là những người có tình yêu lớn với nghề nghiệp, có kinh nghiệm phòng chống dịch năm xưa, đặc biệt là dịch SARS năm 2003, dịch cúm H1N1 năm 2009. Nhìn thấy đội đặc nhiệm phòng chống dịch COVID-19 đang lao nhanh trên con đường cao tốc, đã không ít bô lão nước mắt lưng tròng, xúc động trước một cuộc chiến oai hùng mà người chiến sĩ xung trận hôm nay chỉ được phép thắng, họ không được phép thua.

Không xúc động sao được khi nhớ lại những ngày này, đúng 17 năm về trước, Việt Nam đã viết nên câu chuyện về một quốc gia nghèo khó nhưng lại là quốc gia đầu tiên chế ngự được dịch bệnh SARS đang đe dọa mạng sống của hàng tỉ người trên khắp hành tinh. Thành tích của Việt Nam không có gì là kì bí. Nó chỉ đơn giản là sự minh bạch, quyết đoán, hợp tác, tự lực tự cường, sáng tạo và có phần may mắn, trong đó việc phát hiện sớm và quyết liệt triển khai các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, cô lập, dập dịch và cách li mạnh mẽ.

Việt Nam đã xây dựng lên một tượng đài phòng chống dịch!

Nhưng để có tượng đài vinh quang đó, Việt Nam đã phải trả giá bằng xương máu của những thiên thần áo trắng không có cánh, những anh hùng đã ngã xuống để nhân loại được sống hạnh phúc nhưng bản thân họ chưa bao giờ được công nhận là liệt sĩ.

Đó là cái chết của y tá Nguyễn Thị Lượng, một người phụ nữ với chức danh khiêm tốn nhưng mạnh mẽ và kiên cường, cô ấy có tình yêu lớn dành cho huynh đệ và đồng bào. Cô tâm nguyện, người chiến sĩ khi xung trận, nếu có chết thì phải chết ở chính nơi tiền tuyến. Vô cùng đau khổ, vô cùng đau đớn, chúng ta chỉ có thể nói một điều: người anh hùng ấy đã đi hết con đường, những người còn lại sẽ tiếp bước sẵn sàng chiến đấu với để mang lại cuộc sống an toàn cho nhân dân.

Đó là cái chết của bác sĩ Nguyễn Thế Phương, người đã nhiễm virus SARS-CoV-1 khi đang cứu chữa cho bệnh nhân. Những người khác run rẩy vì sợ hãi, nhưng bác sĩ Phương thì không, anh luôn quan tâm, giúp đỡ và tìm cách để cứu được thật nhiều bệnh nhân. Anh là một bác sĩ giỏi, nhưng không thể là người chồng và người cha tốt, bởi anh đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ.

Advertisement

Đó là cái chết của bác sĩ Nguyễn Hữu Bội, cái chết của anh đã cho mọi người nhìn thấy lòng tốt của nhân viên y tế giống như biển. Bác sĩ chết đi, nhưng điều mất mát lớn nhất với anh lại là những người bệnh không được cứu sống, là những người chồng, người vợ hay những đứa con bơ vơ khi mất cha mất mẹ.

Đó là cái chết của y tá Nguyễn Thị Uyên, một cái chết vô danh, bởi xưa nay chưa người nào thực sự đặt ra câu hỏi y tá cô là ai, cho đến khi cô hiến tặng cơ thể của mình cho cuộc chiến chống virus SARS-CoV-1 nhưng vẫn chưa ai đặt ra câu hỏi đó.

Nhân 27 tháng 2, tôi đã viết về những con người nhỏ bé này, về tượng đài mà họ dựng lên. Bài viết của tôi vừa đăng trên báo Soha và tôi sẽ đăng lại trên Fanpage này vào sáng mai, như một nén tâm nhang bày tỏ lòng thành kính biết ơn đối với họ, những đồng nghiệp của tôi đã chết để nhân loại được sống. Tôi rất mong bạn đọc vào trang Soha, đọc bài tôi viết, chia sẻ như để lan tỏa tình yêu thương.

Cuộc sống là hơi ấm chạm vào…

 

Giới thiệu Donny

Check Also

[Vypo] Từ tiếng anh chuyên ngành quay lại cơ bản

Tiếng Anh: từ chuyên ngành quay lại … cơ bản TS. Phạm Đức Hùng Nhiều …