[COVID-19] COVID-19: RỐI LOẠN KHỨU GIÁC

Rate this post
“Tôi chẳng thể hôn bạn đời của mình!”
Đó là lời kể với phóng viên BBC của cô Claire Freer, bệnh nhân nữ 47 tuổi, người đã bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 từ tháng 3 năm ngoái. Giống như nhiều người, cô bị mất khứu giác nghiêm trọng, một trong những tiêu chuẩn chẩn đoán COVID-19.
Bất cứ khi nào Claire nấu ăn cho gia đình bốn người của mình, cô ấy sẽ khóc. Claire đến từ Sutton Coldfield (Vương quốc Anh). Cô cho biết: “Ngay khi vừa bật lò, tôi choáng váng, căn nhà bốc lên đầy mùi thối, thật không thể chịu nổi”.
Hành, cà phê, thịt, trái cây, rượu, kem đánh răng, mĩ phẩm và nước hoa đều khiến cô cảm thấy buồn nôn. Nước máy cũng tương tự, ngay cả khi nước máy không lọc vẫn bốc mùi, khiến việc giặt quần áo của cô trở nên khó khăn.
Mùi cơ thể người bạn đời cũng rất kinh, Claire không thể hôn, chồng cứ tiến đến gần là cô sợ hãi.
Lúc mới bị nhiễm bệnh, Claire bị mất khứu giác đột ngột, đến tháng 5 thì phục hồi được một chút. Nhưng từ tháng 6, những món đồ yêu thích tự dưng bốc mùi khó chịu, bất cứ thứ gì cho vào lò đều có mùi cháy khét, hoặc mùi hóa chất nồng nặc.
Kể từ mùa hè năm ngoái, cô chỉ có thể ăn bánh mì và pho mát, đó là những thứ cô chịu đựng được.
Claire đã khóc suốt từ đó đến nay.
Bối rối và sợ hãi, cô tìm kiếm trên mạng và thấy một nhóm Facebook do tổ chức từ thiện AbSent thành lập, có hơn 6000 thành viên. Những thành viên trong nhóm kể lại họ cảm thấy mùi xác chết, mùi thối rữa, mùi thịt thối, mùi phân.
Câu chuyện của Claire Freer cũng giống như nhiều bệnh nhân COVID-19 khác, họ bị mất khứu giác đột ngột trong những ngày đầu, thậm chí không có triệu chứng nào khác ngoài mất khứu giác. Một số trường hợp có kèm theo mất vị giác, ví dụ ăn quả ớt rất cay nhưng vẫn không cảm thấy gì, đây gọi là dấu hiệu mất cảm giác hóa học (chemesthesis).
Có bao nhiêu người bị mất khứu giác?
Các nghiên cứu cho ra những con số khác nhau, nhưng đều có đặc điểm chung, đa số bệnh nhân COVID-19 bị mất khứu giác.
Một nghiên cứu đăng trên kỉ yếu của Mayo Clinic vào tháng Sáu năm ngoái, tổng hợp số liệu từ 24 nghiên cứu với 8438 bệnh nhân, có tới 41% bị mất khứu giác. Nghiên cứu khác của Shima T và cộng sự công bố vào tháng Tám, với cỡ mẫu 100 bệnh nhân, yêu cầu người tham gia nhóm nghiên cứu ngửi mùi rồi trả lời các câu hỏi trắc nghiệm. Kết quả 96% người hỏi bị rối loạn khứu giác ở mức độ nào đó; 18% mất khứu giác hoàn toàn; hầu hết các trường hợp trả lời mất khứu giác đột ngột.
Có những người chưa hồi phục khứu giác, dù thời gian mắc bệnh đã gần một năm, số người hồi phục có thể ngửi thấy mùi thay đổi, giống như trường hợp của cô Claire. Một số nghiên cứu cho rằng, mất, suy giảm, rối loạn khứu giác nên đưa vào tiêu chuẩn chẩn đoán COVID-19.
Tại sao lại mất khứu giác?
Mặc dù chưa có bằng chứng rõ ràng về cơ chế, nhưng có sự đồng thuận trong giới khoa học do SARS-CoV-2 gây tổn thương tế bào hỗ trợ thần kinh trong mũi, là nguyên nhân mất khứu giác.
Có hai loại tế bào liên quan: gồm tế bào cảm nhận mùi & tế bào hỗ trợ thần kinh.
Các nghiên cứu giai đoạn đầu cho rằng, vi rút tấn công chọn lọc vào tế bào cảm nhận mùi, những tế bào này có liên hệ với tế bào cảm nhận mùi trên não não, điều này gây nên sự lo ngại vi rút theo đó sẽ lan lên não. Tuy nhiên, giải phẫu bệnh tử thi cho thấy SARS-CoV-2 rất hiếm khi xâm nhập vào não, giả thiết tế bào cảm nhận mùi bị tổn thương cũng không được đứng vững.
Một nhóm nghiên cứu do nhà sinh học thần kinh Sandeep Robert Datta của Đại học Harvard dẫn đầu, đã phát hiện ra rằng tế bào hỗ trợ thần kinh có rất nhiều thụ thể ACE2, trong khi tế bào cảm nhận mùi thì không. Vi rút SARS-CoV-2 lại chỉ tấn công vào những tế bào có thụ thể ACE2. Như vậy, giả thuyết vi rút tấn công các tế bào hỗ trợ thần kinh gây mất khứu giác hoặc rối loạn ở mức độ nhất định, đã dần nhận được sự đồng thuận của giới khoa học.
Advertisement
Thời gian hồi phục là bao lâu?
Đối với hầu hết bệnh nhân mất khứu giác sẽ hồi phục sau vài tuần. Claire Hopkins là bác sĩ tai mũi họng tại Bệnh viện Gay and St Thomas, cô theo dõi 202 bệnh nhân COVID-19 trong một tháng, thấy 49% trường hợp hồi phục.
Nhưng một số bệnh nhân tổn thương khá nghiêm trọng, Claire cho biết có những ca mất khứu giác kéo dài, hồi phục không hoàn toàn, mùi khó chịu hoặc mùi khác so với mùi trong trí nhớ, thậm chí mùi hôi thối.
Không có phương pháp điều trị mất ngửi hay rối loạn khứu giác hiệu quả, nhưng có cách rèn luyện khứu giác, tức là cho bệnh nhân tập ngửi những mùi nhất định để mũi học lại mùi. Trong tương lai, có thể thực hiện cấy ghép khứu giác bằng tế bào hoặc thiết bị truyền tín hiệu lên não, nhưng để cấy ghép được thì khoa học còn phải đi một chặng đường rất xa.
BS. TRẦN VĂN PHÚC

Giới thiệu Nguyễn Bảo Sơn

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …