Một bạn phóng viên hỏi tại sao số ca nhiễm ở TPHCM (hôm qua là 1267) vẫn nhiều nhứt nước dù gần 100% dân số đã chích 2 liều vaccine? Thật ra, bị nhiễm sau tiêm vaccine thì không quá ngạc nhiên, nhưng ngạc nhiên là số ca nhiễm đột phá khá cao (gấp 2-4 lần) so với y văn ở nước ngoài.
Nhiễm đột phá (breakthrough infection) là nhiễm xảy ra ở người đã tiêm đầy đủ 2 liều vaccine. Điều này xảy ra rất bình thường, bởi vì không có vaccine nào có hiệu quả 100%. Ngay cả vaccine như mRNA mà hiệu quả cũng chỉ 95%. Đó là chưa nói đến vaccine Tàu vốn có hiệu quả thấp hơn vaccine Tây. Do đó, ở qui mô cộng đồng nhiễm đột phá xảy ra, và chúng ta không nên ngạc nhiên.
Câu hỏi là nguy cơ (xác suất) nhiễm đột phá là bao nhiêu. Trước đây, ông Biden trích dẫn một bài báo từ New York Times trả lời rằng xác suất là 1 trên 5000 người. Nhưng sau này người ta mới biết con số ông ấy đưa ra là bậy bạ, vì tác giả tính mà không xem xét đến thời gian. Cần phải dựa vào nghiên cứu khoa học thì mới có con số chính xác hơn. Dưới đây tôi điểm qua vài nghiên cứu quan trọng để chúng ta có một ‘bức tranh 8217; rõ hơn.
• Một nghiên cứu công bố trên tập san Lancet, trong số 971,504 người đã được tiêm 2 liều vaccine (chủ yếu là vaccine AZ), có 6030 người bị nhiễm đột phá, tức 6.2 trên 1000 người — trong 7 tháng [1].
• Một nghiên cứu khác bên Mĩ trên những người đã tiêm đủ 2 liều vaccine mRNA, thì nguy cơ nhiễm đột phá là 6.7 trên 1000 người [2] — trong 4 tháng. Nghiên cứu này còn so sánh với nhóm chưa tiêm vaccine có nguy cơ nhiễm là 16.4 trên 1000 người.
• Một nghiên cứu từ Do Thái cho thấy nguy cơ nhiễm đột phá (ở người tiêm vaccine mRNA) dao động từ 1.7 đến 3.65 trên 1000 người [3]. Điều thú vị và quan trọng là nguy cơ nhiễm đột phá suy giảm theo thời gian (Biểu đồ). Tháng đầu tiên sau tiêm vaccine có nguy cơ cao nhứt, và giảm dần dần trong những tháng sau đó.
Đến đây thì câu hỏi đặt ra là con số nhiễm đột phá ở Sài Gòn là cao hay thấp?
Nói một cách ngắn gọn: không biết. Tại sao không biết? Tại vì nhà chức trách không cung cấp con số ca dương tính ở những người đã tiêm vaccine trong thời gian qua. Họ cung cấp con số ca dương tính hàng ngày từ đầu tháng 10 đến nay là khoảng ~1200 (tính trung bình). Nhưng bao nhiêu trong số này là người đã tiêm 2 liều và thời gian từ tiêm vaccine đến lúc có kết qủa xét nghiệm dương tính là bao lâu. Không có những thông tin đó thì không thể nói tình hình nhiễm đột phá ở Sài Gòn là cao hay thấp.
Nhưng chúng ta thử dựa vào dữ liệu trong y văn để ước tính. Với xác suất nhiễm đột phá 1 đến 1.67 trên 1000 tháng-người (từ các nghiên cứu [1-3]), và với gần 8 triệu dân đã tiêm vaccine thì số ca nhiễm đột phá “kì vọng” mỗi tháng là khoảng 8000 – 13400 người.
Thế nhưng trong thực tế, số ca nhiễm mỗi tháng (trong 2 tháng qua) là khoảng 36000 người. Hãy cho là 90% trong số này là người đã tiêm vaccine, vậy thì số ca nhiễm đột phá lên đến 32,400 mỗi tháng.
Nói cách khác, con số ca nhiễm đột phá ở TPHCM cao hơn con số trong y văn đến 2.4 – 4 lần. So với số ca nhiễm ở tiểu bang NSW thì quả thật số ca nhiễm đột phá ở TPHCM là cao [4]. Tại sao cao thì đòi hỏi một phân tích chi tiết hơn, nhưng rất có thể loại vaccine (như vaccine Tàu) đóng một vai trò quan trọng.
Bản trên blog: https://nguyenvantuan.info/…/nhiem-covid-sau-khi-tiem…
______
[4] Để cho thấy con số ca nhiễm đột phá ở TPHCM là cao, chúng ta thử so sánh với tiểu bang NSW bên Úc (cũng có dân số khoảng 8.2 triệu). Tỉ lệ tiêm chủng ở NSW cũng gần 100% dân số. Trong tháng qua, số ca nhiễm hàng ngày trung bình là 225 (nhưng có xu hướng tăng lên 500 ca). Với 8 triệu người đã tiêm vaccine thì con số ca nhiễm kì vọng mỗi ngày là khoảng 267-435 người. Như vậy, chúng ta thấy con số ca nhiễm đột phá ở NSW không khác với con số trong y văn.
GS. Nguyễn Văn Tuấn