[COVID-19] Tại sao Việt Nam có số ca tử vong cao? Phân biệt “chết vì” và “chết với” coronavirus

Rate this post

 

 

Việt Nam đã vượt cái mốc 15,000 người tử vong liên quan đến covid (con số chính xác là 16186). Tôi cứ phân vân về cách diễn giải con số này, và tự hỏi cách mà giới chức y tế xác định thế nào là một ca tử vong vì covid. Câu này tuy đơn giản nhưng rất quan trọng. Tôi nghĩ phải phân biệt ‘chết vì covid’ và ‘chết với covid’.
Nhiều người so sánh tỉ lệ tử vong giữ Việt Nam và Thái Lan. Thái Lan có số ca nhiễm cao gấp 2 lần Việt Nam, nhưng số ca tử vong thì thấp hơn Việt Nam 8%. Thật ra, tỉ lệ tử vong ở Việt Nam (2.5%) còn cao hơn cả Cambodia (2.0%) (Xem Hình 1).
Tại sao có sự khác biệt quá lớn giữa các nước trong vùng? Ai trong chúng ta cũng có thể nghĩ ra một lí do để giải thích, và lí do có thể là do hệ thống y tế của Việt Nam còn yếu trong điều kiện quá tải, có thể là thiếu thốn máy móc và thuốc men, có thể là tình trạng phong toả kéo dài, v.v. Tất cả những lí do đó có thể đúng, nhưng các nước khác như Lào hay Cambodia thì cũng như chúng ta thôi, tức cũng thiếu thốn tư bề (có lẽ Thái Lan thì hơn một chút). Tôi e rằng các ‘lí do cơ’ đó khó giải thích tại sao Việt Nam có quá nhiều ca tử vong trong trận dịch này.
Tôi nghĩ đến lí do kĩ thuật: cách đếm và xác định nguyên nhân tử vong.
Để các bạn hiểu vấn đề tôi xin tóm tắt 1 trường hợp ở Úc như sau. Năm ngoái, một thanh niên tên Nathan Turner, tuổi 30s, qua đời ở nhà sau khi có triệu chứng giống như cúm. Khi bệnh viện làm xét nghiệm tử thi, họ tuyên bố anh ta dương tính cho covid. Thế là cái chết của anh được xem là ‘chết vì covid.’ Nhưng sau đó, người ta điều tra kĩ về nguyên nhân tử vong, thì mới biết anh ta có nhiều bệnh lí phức tạp, và làm xét nghiệm lại, nhưng lần này thì kết quả là âm tính! Do đó, đếm anh ta vào con số thống kê tử vong vì covid là sai. Câu chuyện nói lên tính phức tạp trong việc xác định nguyên nhân tử vong.
1. Xác định nguyên nhân tử vong và covid
Ở Úc, các giới chức thống kê có hướng dẫn cụ thể về các xác định nguyên nhân tử vong. Hướng dẫn của Úc viết đại khái rằng nếu người qua đời bị nhiễm nCov thì trên giấy chứng tử nên ghi rằng COVID-19 là nguyên nhân tử vong, bất kể Covid-19 là nguyên nhân trực tiếp, hay được giả định là nguyên nhân gây ra hay đóng góp vào sự tử vong [1]. Nói cách khác, nếu bệnh nhân bị đột quị và covid, thì nguyên nhân tử vong phải ghi là covid.
Ở Mĩ, lúc số ca tử vong tăng cao, có một cuộc tranh luận về nguyên nhân tử vong liên quan đến covid. CDC có hẳn một tài liệu hướng dẫn ghi nguyên nhân tử vong, và đọc tài liệu đó mới thấy phức tạp ra sao [2].
Nhưng nếu đọc kĩ thì thấy là bất cứ ai từng bị nhiễm nCov và qua đời sau đó thì phải ghi Covid-19 là nguyên nhân tử vong. Qui định này rất giống với Úc. Nhiều người trong y khoa không đồng ý với cách phân loại này, nhưng qui định là qui định và bác sĩ viết giấy chứng tử phải tuân theo!
Vấn đề là nguyên nhân tử vong nhiều khi tuỳ thuộc vào cá nhân bác sĩ. Trên trang cdc.gov [3] có một cuộc đối thoại thú vị về cách viết nguyên nhân tử vong, và tôi có thể tóm tắt như sau:
Hỏi: Đối với những trường hợp mà người ta chết vì các bệnh như ung thư hay Alzheimer’s ở giai đoạn cuối, và trước khi chết họ bị nhiễm covid, bác sĩ phán xét như thế nào về nguyên nhân tử vong?
Đáp (tóm tắt): Không hề đơn giản để xác định nguyên nhân tử vong của một cá nhân, nhứt là họ bị bệnh ở giai đoạn cuối. Chẳng hạn như nếu bệnh nhân bị ung thư ở giai đoạn cuối và bác sĩ nghĩ anh ta còn sống được 6 tháng, nhưng vì anh ta bị covid và chết trước 6 tháng, thì bác sĩ có thể sẽ ghi nguyên nhân tử vong là covid. Nhưng nói cho cùng thì tuỳ thuộc vào người viết giấy chứng tử.
Cái câu tuỳ thuộc vào người viết giấy chứng tử rất quan trọng. Sự thật này nói lên rằng nguyên nhân tử vong không phải được xác định một cách khách quan. Nếu 2 người bị covid và qua đời, bác sĩ A có thể xem qua tiền sử và nói nguyên nhân tử vong là suy thận, nhưng bác sĩ B có thể viết nguyên nhân là covid.
Đó chính là một lí do tại sao số ca tử vong liên quan đến Covoid-19 tăng cao.
2. ‘Chết vì virus’ hay ‘chết với virus’?
Đa số hay tuyệt đại đa số những người chết liên quan với covid là người trên 60 tuổi. Mà, người ở độ tuổi đó thì thường có những bệnh đi kèm (gọi là ‘comorbidities’). Ở Úc, theo một phân tích, 73% ca tử vong covid có những bệnh đi kèm [4]. Những bệnh phổ biến là mất trí nhớ (dementia), tim mạch mãn tính, tiểu đường, cao huyết áp, bệnh đường hô hấp, ung thư, và các bệnh xương khớp (xem Hình 2).
Hai tuần trước, Chánh phủ tiểu bang New South Wales đã đổi cách nói về tử vong covid. Họ tuyên bố rằng từ nay trở đi, các giới chức y tế sẽ viết/nói rằng “death with virus” (chết với con virus) thay vì “death from virus ” (chết vì con virus). Cách nói ‘chết với con virus’ là kém xác định và khiêm tốn hơn câu ‘chết vì con virus’. Thật ra, cá nhân tôi từ năm ngoái đã dùng cách nói đó: covid-associated deaths.
3. Nguyên nhân tử vong covid ở Việt Nam có chính xác?
Quay lại câu hỏi tại sao Việt Nam ghi nhận nhiều ca tử vong covid hơn các nước khác (như Thái Lan chẳng hạn) dù số ca nhiễm thì thấp hơn. Tôi nghĩ rất có thể là do lí do kĩ thuật trong việc xác định nguyên nhân tử vong.
Như đề cập trên, ở Úc và Mĩ, người ta có qui định về cách viết nguyên nhân tử vong trên giấy chứng tử. Tôi không rõ ở Việt Nam có qui định như thế hay không. Tìm trong trang web của Bộ Y tế thì không thấy có qui định nào về ghi nhận nguyên nhân tử vong. Nếu chưa có thì tôi nghĩ nên soạn một qui định về chứng tử để bác sĩ căn cứ vào đó mà xác định nguyên nhân chính xác hơn.
Mà, dù có hay chưa có qui định, thì nguyên nhân tử vong vẫn là một thông tin không khách quan, bởi vì nó tuỳ thuộc vào đánh giá của bác sĩ. Như thấy qua đoạn đối thoại trên ở CDC (Mĩ), xác định nguyên nhân tử vong covid nhiều khi chỉ là một phán xét cá nhân.
Do đó, giả thuyết là số ca tử vong covid ở Việt Nam chắc chắn không phản ảnh đúng thực trạng, và những so sánh giữa các nước chỉ có ý nghĩa thông tin hơn là tham khảo. Sự khác biệt giữa các nước có thể phản ảnh sự khác biệt về cách xác nhận nguyên nhân tử vong trên giấy chứng tử.
Các bạn nào trực tiếp ghi giấy chứng tử có thể chia xẻ kinh nghiệm với các bạn khác xem sao.
Bản trên blog: https://nguyenvantuan.info/…/tai-sao-viet-nam-co-so-ca…
______
[1] https://www.abs.gov.au/ausstats/[email protected]/mf/1205.0.55.001
[2] https://www.cdc.gov/nchs/data/nvss/vsrg/vsrg03-508.pdf
[3] https://www.cdc.gov/…/TRANSCRIPT_STATCAST_031921.pdf
[4] https://www.abs.gov.au/articles/covid-19-mortality-0

Advertisement

GS. Nguyễn Văn Tuấn

Giới thiệu Bùi Thị Huyền Diệu

Check Also

Nỗi khổ của người làm khoa học ở Úc

Sáng nay ra quán cà phê và được ‘cô hàng cà phê’ chúc mừng ngay …