[COVID-19] Tiêm vaccine cho trẻ em?

Rate this post
Đây cũng là một chủ đề khá nhạy cảm và đang gây ra nhiều tranh cãi. Nhưng quyết định thì không thuộc về khoa học mà là … chánh trị. Ấy vậy mà các lãnh đạo chánh trị nói rằng họ theo khuyến cáo của giới khoa học.
1. Bao nhiêu trẻ em bị nhiễm?
Trẻ em dĩ nhiên cũng có thể bị nhiễm nCov. Số liệu của Úc cho thấy trong số 58210 ca nhiễm, có chừng 6200 ca (hay 10%) là trẻ em và thiếu niên tuổi từ 0 đến 19 [1]. Đó là một con số khá lớn. Tuy nhiên, trẻ em và thiếu niên bị nhiễm nhẹ, rất hiếm ai nhập viện và chưa có ca nào vào ICU hay tử vong.
Số liệu từ TPHCM (mà tôi có được từ tháng 8 ) thì trong số gần 75,000 ca nhiễm, có 10,675 ca tuổi từ 0 đến 17 tuổi, chiếm 14% tổng số. Như vậy, tỉ trọng nhiễm ở trẻ em và thiếu niên ở TPHCM khá giống Úc. Tỉ lệ tử vong ở trẻ em và thiếu niên 0-17 tuổi là 0.1% (n = 6).
2. Có nên tiêm vaccine cho trẻ em?
Đây là câu hỏi đang được bàn tán, nhưng ở một vài nơi thì người ta đã quyết định rồi. Trong các loại vaccine, có lẽ Moderna và Pfizer là thử nghiệm ở trẻ em. (Hình như Sinopharm cũng có thử nghiệm ở trẻ em, nhưng chưa thấy dữ liệu). Theo Pfizer, họ đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III trên 2260 trẻ em tuổi 12-15, và kết quả cho thấy vaccine đạt hiệu quả 100% [2].
Tuy nhiên, hiệu quả là một chuyện, chuyện khác là cân bằng lợi ích và nguy cơ tác hại. Theo dữ liệu nghiên cứu từ Do Thái và Mĩ công bố trong thời gian qua, vaccine Pfizer có liên quan đến một chứng viêm tim (myocarditis và pericarditis). Tuy nhiên tỉ lệ bị chứng này thì rất thấp và cao hơn ở nam giới: 67 trên 1 triệu liều ở nam giới và 9 trên 1 triệu ở nữ giới 12-17 tuổi.
Ở Anh, người ta còn có một hội đồng gọi là JCVI (Joint Committee on Vaccination and Immunisation) chuyên trách vấn đề tiêm chủng vaccine. Sau khi xem xét chứng cớ và cân bằng giữa lợi và hại, JCVI không khuyến cáo tiêm vaccine cho thiếu niên dưới 16 tuổi [3].
Trong một tuyên bố, JCVI cho biết tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi có thể đem lại lợi ích, nhưng lợi ích đó quá nhỏ để khuyến cáo tiêm vaccine đại trà ( “the margin of benefit is considered too small to support universal vaccination of healthy 12- to 15-year-olds at this time”).
Tuy nhiên, ông Jonathan Van-Tam Nguyen (CHO của Anh và cố vấn y tế cho Thủ tướng Anh) có xu hướng nghiêng về tiêm vaccine cho trẻ em [4], vì ông nói trẻ em cũng có nguy cơ bị nhiễm.
Ở Úc cũng có một hội đồng giống như JCVI có tên là ATAGI (Australian Technical Advisory Group on Immunisation). Và, ATAGI cho rằng vaccine Pfizer an toàn cho trẻ em. Thế là chánh phủ liên bang phê chuẩn cho tiêm vaccine Pfizer cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi [5].
Một số bác sĩ nhi khoa thì thấy quan ngại việc tiêm vaccine covid cho trẻ em. Họ cho rằng chưa ai biết chuyện gì xảy ra khi trẻ em bị nhiễm nCov và những virus phổ biến khác và được tiêm vaccine covid.
3. Việt Nam có nên tiêm vaccine cho trẻ em?
Như các bạn thấy, cũng là hai nhóm khoa học (một ở Anh, một ở Úc) nhưng họ lại có kết luận khác nhau về tiêm chủng vaccine cho trẻ em. Tại sao khác nhau? Cả hai nhóm đều phải dự vào dữ liệu khoa học, mà dữ liệu thì chỉ từ 1 nguồn RCT. Ấy vậy mà cách họ hiểu, cách đánh giá, và cuối cùng thì kết luận khác nhau.
Advertisement
Khoa học nó mang tính bất định là ở chỗ đó.
Có lẽ câu hỏi quan trọng hơn đối với Việt Nam là có nên tiêm vaccine cho thiếu niên 12-15 tuổi? Theo một bài báo thì “Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phải phối hợp với Bộ Y tế triển khai chương trình tiêm vaccine COVID19 cho học sinh, để các em sớm trở lại trường học.” Nhưng không thấy nói ở độ tuổi nào.
Tôi nghĩ hiện nay chúng ta cần phải nghiên cứu câu hỏi này cẩn thận, chớ không cần phải theo Anh hay Úc hay Mĩ. Những dữ liệu cần thiết và vấn đề để xem xét là:
• Bao nhiêu thiếu niên 12-15 tuổi ở Việt Nam?
• Bao nhiêu em trong độ tuổi đó bị nhiễm, và bao nhiêu người nhập viện, bao nhiêu ca tử vong? Thời gian nằm viện là bao lâu?
• Tỉ lệ bị nhiễm các virus khác trong nhóm tuổi 12-15 ở Việt Nam, và họ được tiêm chủng các vaccine nào khác?
• Vấn đề đạo đức y khoa cũng cần phải được thảo luận cho sáng tỏ.
Dự vào các dữ liệu trên, cùng với dữ liệu RCT, tôi nghĩ có thể mô hình hoá lợi ích, chi phí và nguy cơ viêm cơ tim. Từ đó, chánh phủ sẽ có quyết định nên hay không nên tiêm vaccine ở trẻ em. Còn hiện nay, trong điều kiện chưa có dữ liệu đầy đủ, tôi nghiêng về câu trả lời là chưa tiêm vaccine cho trẻ em trong độ tuổi đó.

_____
GS. Nguyễn Văn Tuấn

Giới thiệu Bùi Thị Huyền Diệu

Check Also

Nỗi khổ của người làm khoa học ở Úc

Sáng nay ra quán cà phê và được ‘cô hàng cà phê’ chúc mừng ngay …