[COVID-19] Trẻ em, COVID-19 và những quyết định của người lớn

Rate this post
>>>  <<<
Việc quay trở lại trường học trong bối cảnh COVID-19 sẽ diễn ra như thế  nào?” | UNICEF Việt Nam
Những ngày gần đây, Việt Nam đang chuẩn bị cho chiến dịch chích vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi . Mình nhận được khá nhiều các tin nhắn của các phụ huynh về việc “có nên cho trẻ chích ngừa hay không?” Thực ra đây là câu hỏi mà mình rất ngại trả lời vì nó mang một “trách nhiệm lớn” trong đó! Câu trả lời phù hợp cho các câu hỏi như trên mình nghĩ không phải là “có hoặc không” mà các bạn nên tìm hiểu các thông tin cậy, đầy đủ rồi “tự mình” cân nhắc giữa “lợi ích” và “rủi ro” để đưa ra quyết định cho các bé của bạn.
Chính mình cũng đã từng đối mặt với những câu hỏi dạng này với trường hợp bé nhà mình (sinh năm 2012).
Hồi khoảng tháng 3 năm 2021, sau 1 năm đóng cửa trường học vì COVID, nhà trường cho phụ huynh tự chọn cách học cho bé, ở nhà học trực tuyến (online) hoặc đến trường học trực tiếp với thầy/cô. Tỉ lệ chọn lựa của các phụ huynh mỗi bên là khoảng 50/50 phần trăm (mình nhớ là bên chọn online nhiều hơn 1 tí, hơn khoảng vài phần trăm thôi), mình thuộc nhóm quyết định gửi bé đi học trực tiếp ở trường. Lý do hai vợ chồng mình đưa ra quyết định này là do:
1️⃣ Bé nhà mình không có bệnh nền và bé đang ở cái tuổi mà nguy cơ trở nặng do COVID-19 là cực kỳ thấp.
2️⃣ Hai vợ chồng mình cũng đã chích ngừa vaccine COVID-19, không có bệnh nền do vậy nguy cơ lây bệnh từ bé và trở nặng cũng thấp.
3️⃣ Sau hơn 1 năm học online, mình cảm nhận được sự suy sụp về tinh thần của bé khi không được giao tiếp trực tiếp với bạn bè, thầy cô.
Đầu tháng 11 năm 2021, vaccine COVID-19 cho trẻ em với liều 1/3 so với người lớn của Pfizer/BioNTech đã được FDA (Mỹ) chấp thuận sử dụng khẩn cấp. Tuy nhiên, mình đã hoãn việc chích vaccine cho bé đến tận tháng 2 vừa rồi mới chích ngừa là do:
1️⃣ Bé đã trở lại trường học từ tháng 3, tính đến tháng 11, tức sau 8 tháng, bé và các bạn của bé vẫn ổn, nhà trường cũng không có sự cố nào bùng dịch mà phải đóng cửa trường. Trong môi trường đó, dù rằng các bé đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay nhưng tụi nhỏ thường chơi đùa với nhau khá “hồn nhiên” (chuyện khẩu trang rớt xuống mũi, đưa tay lên mặt, nói chuyện gần với nhau là xảy ra thường xuyên,…) có thể chúng đã có nhiễm nhưng hầu hết đều đã khỏi nhanh và không có triệu chứng. Điều này cho thấy khá phù hợp với các báo cáo khoa học về tỉ lệ mắc bệnh và biểu hiện của trẻ trong độ tuổi này. Nói chung là khá ổn, mình không có lý do gì phải cho bé vội vàng đi chích ngừa cả.
2️⃣ Như trong các bài phân tích trước của mình về bệnh COVID-19 và độ tuổi thì cán cân giữa “lợi ích” và “rủi ro” của vaccine có lẽ không còn nhiều như đối với người lớn nữa do ở độ tuổi này nguy cơ cao trở nặng khi mắc COVID-19 thấp, mà hiện tượng viêm cơ tim do vaccine có lẽ tăng dần (nam nhiều hơn nữ) khi sử dụng trên người có độ tuổi càng thấp hơn (xem hình trong bài). Ví dụ như theo như dữ liệu của CDC trong năm 2021 vừa qua thì cho thấy rằng cứ 1 triệu liều vaccine thì hiện tượng viêm cơ tim xảy ra ở người 12-17 tuổi là 56-69 ca ở nam giới và 8-10 ca ở nữ giới, trong khi đó ở độ tuổi trên 30 thì tỉ lệ này chỉ còn khoảng dưới 5 ca!
3️⃣ Hiện nay, các biến chủng mới xuất hiện với những thay đổi trên protein S làm cho những người đã chích vaccine nhưng vẫn bị nhiễm. Tuy rằng, khả năng bảo vệ ngăn cản bệnh tiến triển nặng của vaccine vẫn còn nhưng điều này đã làm cho “ý nghĩa” của việc ngăn lây nhiễm giảm ở những người đã chích vaccine trong cộng đồng. Điều này càng làm cho cán cân “lợi ích” đối với vaccine cho trẻ nhỏ bớt nặng ký đi.
Mình mới cho bé chích ngừa hồi tháng 2 vừa rồi vì gần đây ở Mỹ và 1 số nước bắt đầu có những quy định về passport vaccine, việc chích vaccine có thể giúp bé đi lại hoặc tham gia các hoạt động dễ dàng và tự tin hơn. Ngoài ra, ở độ tuổi 5-11 tuổi, với liều 1/3 so với người lớn thì các dữ liệu khoa học cho đến nay cho thấy có vẻ nhóm này ít bị triệu chứng phụ nguy hiểm hơn (như viêm cơ tim) như nhóm trẻ từ 12-17 tuổi (có thể do liều thấp hơn hoặc trẻ nhỏ tuổi ít mẫn cảm hơn, cần nhiều nghiên cứu khoa học hơn để hiểu rõ).
Advertisement
Nói chung, khi việc đưa ra một quyết định cảm thấy khó khăn thì chúng ta nên đưa các yếu tố “lợi ích” và “nguy cơ” lên bàn cân. Nếu bé nhà mình là trẻ bị béo phì hoặc có bệnh nền thì có lẽ mình đã có những quyết định khác như tiếp tục cho bé học online lúc hồi tháng 3/2021 hoặc đưa bé đi chích ngừa vaccine trong những tuần đầu tiên FDA mới cho phép sử dụng đại trà vaccine COVID-19 ở trẻ 5-11 tuổi.
Mong rằng bài viết này giúp các bạn hiểu rõ hơn việc đưa ra quyết định chích ngừa vaccine cho trẻ nhỏ nên cân nhắc như thế nào.
Để có thêm thông tin cho việc cân đo giữa “lợi ích” và “nguy cơ” thì ngoài các thông tin từ báo đài, các bạn có thể xem/nghe các thông tin khoa học về vaccine COVID-19 cho trẻ em mà mình đã phân tích ở các bài viết trước đó phía dưới đây:
Ngày 01 tháng 12 năm 2021: > Vaccine COVID-19 cho trẻ em Việt Nam <
Ngày 10 tháng 10 năm 2021: > Tại sao lại chia nhóm tuổi thử nghiệm vaccine? <
Ngày 20 tháng 9 năm 2021: > Vaccine COVID-19 cho con nít <
Bảo trọng nhe bà con,
TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím

Giới thiệu Trần Huỳnh Thanh Nhật

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …