[COVID-19] Vaccine COVID-19 của Sinopharm thể hiện kém nhất trong các vaccine được sử dụng ở Mông Cổ

Rate this post
Mông Cổ, một đất nước có dân số khoảng 3.3 triệu người, đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng cho người dân từ ngày 23 tháng 2 năm 2021 và cho đến nay đạt được tỷ lệ cao dân số được chích ngừa với khoảng 64% tổng dân số được tiêm chủng đầy đủ và 3.8% được tiêm một liều duy nhất. Đất nước này sử dụng 4 loại vaccine là Pfizer/BioNTech (BNT162b2), AstraZeneca (ChAdOx1-S), Sputnik V (Gam-COVID-Vac) và Sinopharm (BBIBP-CorV). Người trưởng thành chủ yếu được chích vaccine Sinopharm (chiếm 89,2% người lớn được tiêm chủng). Dù rằng là nước có tỉ lệ tiêm chủng cao nhưng những tháng gần đây, các đợt bùng phát dịch SARS-CoV-2 vẫn xảy ra trên diện rộng ở Mông Cổ. Để tìm câu trả lời cho những nghi vấn về “hiệu quả của vaccine” đã có một số nghiên cứu trên những người đã chích các loại vaccine khác nhau trong thời gian qua.
Nhóm nghiên cứu của Naranjargal J. Dashdorj đã thu thập mẫu huyết tương hồi tháng 7 vừa rồi từ 196 người Mông Cổ được tiêm chủng đầy đủ một trong bốn loại vaccine COVID-19 là Pfizer/BioNTech, AstraZeneca, Sputnik V hoặc Sinopharm (số lượng người trong từng nhóm lần lượt là 47, 50, 45 và 54, những người trong các nhóm được lựa chọn để cân bằng về độ tuổi, giới tính và thời gian sau khi chích liều thứ 2). Các mẫu này được dùng để thực hiện thí nghiệm đo khả năng bám của kháng thể có trong huyết tương lên vùng RBD (Receptor Binding Domain) protein S của virus SARS-CoV-2 từ đó tính “hiệu quả ngăn chặn” tương tác với thụ thể ACE2 (vốn được xem như cánh cửa chính virus dùng để xâm nhập vào tế bào con người). Kết quả cho thấy hiệu quả thấp nhất được ghi nhận ở các mẫu huyết thanh lấy từ người đã chích vaccine COVID-19 của hãng Sinopharm, tiếp theo sau đó là Sputnik V, cao hơn là AstraZeneca và mạnh nhất là của Pfizer/BioNTech. Sự kém hiệu quả nhất của vaccine Sinopharm được thấy ở tất cả các chủng virus bao gồm chủng gốc Vũ Hán và các biến chủng sau này như Alpha, Beta, Gamma, Delta, Epsilon, Kappa, Eta/Iota/Zeta, B.1.526.2, P.3. Ngoài ra, kết quả này khá tương đồng với nghiên cứu trước đó ở Hungary cho thấy ở người lớn tuổi (từ 60 tuổi trở lên) khi được chủng ngừa bằng vaccine Sinopharm có lượng kháng thể bảo vệ thấp hơn người trẻ (dưới 60 tuổi). Một nghiên cứu trước đó của cùng nhóm này, còn quan sát thấy rằng hiện tượng “vượt rào” (breakthrough) của virus SARS-CoV-2 xảy ra phần lớn ở nhóm người được chích vaccine của Sinopharm.
Tóm lại, mặc dù các nghiên cứu về vaccine của Trung Quốc còn rất ít so với các nghiên cứu vaccine khác nhưng những dữ liệu nghiên cứu khoa học cho đến nay ở nhiều nước đã sử dụng vaccine COVID-19 dạng virus bất hoạt của Trung Quốc nói chung và của Sinopharm nói riêng cho thấy “hiệu quả” của nó KÉM hơn nhiều so với các loại vaccine có độ tin cậy cao khác như Pfizer/BioNTech hoặc AstraZeneca. Do vậy, việc sử dụng vaccine Trung Quốc nên được cân nhắc thật kỹ và chỉ lựa chọn nó khi không còn sự lựa chọn nào khác (nên coi đây là sự lựa chọn cuối cùng). Sự yếu kém này không chỉ mới thấy gần đây mà đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới như các nước tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Seychelles, Chile, Peru, Hungary, Indonesia, Thái Lan, v.v… và hầu hết các nước này phải cần bổ sung các liều vaccine phương Tây cho người dân đã được chích vaccine Trung Quốc để tăng hiệu quả bảo vệ. Do vậy, trước tình hình Việt Nam ngày càng có xu hướng phụ thuộc nhiều vào loại vaccine này thì mình đề nghị các nhà hoạch định chiến lược y tế cộng đồng cần phải có ngay kế hoạch chích bổ sung vaccine phương Tây cho những người đã chích vaccine Trung Quốc ngay khi có thể để đảm bảo an toàn cho họ.
PS. Có một số bạn thắc mắc là những người đã chích vaccine Pfizer/BioNTech, Moderna có cần mũi thứ 3 bổ sung hay không? Câu trả lời là “chưa cần thiết cho người bình thường” vì dựa trên các dữ liệu thì hiệu quả bảo vệ của các vaccine trên vẫn tốt. Ở Mỹ hiện nay chỉ chích liều thứ 3 cho người bị suy giảm miễn dịch, những người mà hiệu quả vaccine đã không cao ngay từ những mũi đầu tiên. Bạn nào muốn tìm hiểu thêm thì đọc bài mình viết ngày 16 tháng 9 vừa qua nha.
Bảo trọng nhe bà con,
Các bài viết liên quan trước đó:
Ngày 10 tháng 9 năm 2021 > Hayat-Vax vaccine <
Ngày 9 tháng 9 năm 2021 > Ưu tiên?!! <
Ngày 5 tháng 8 năm 2021 > Nghiên cứu ở Hungary chỉ ra sự yếu kém của Vaccine COVID-19 (Sinopharm) <
Ngày 1 tháng 8 năm 2021 > Khoa học hành vi & những điều cần biết khi bạn chích vaccine Trung Quốc <
Advertisement
Ngày 27 tháng 7 năm 2021 > Buổi nói chuyện online về virus SARS-CoV-2, Bệnh COVID-19 và Vaccine <
Ngày 19 tháng 7 năm 2021 > Hãy ngưng định hướng chính trị đối với nhà khoa học <
Ngày 17 tháng 7 năm 2021 >Gáo nước lạnh vào sáng sớm<
Ngày 10 tháng 7 năm 2021 >Tại sao người chích ngừa vaccine COVID-19 cần biết rõ sẽ được chích vaccine nào?<
Ngày 7 tháng 7 năm 2021 > Có thật là “chủng Lambda chứa đột biến có thể đánh bại vaccine”?! <
Ngày 18 tháng 6 năm 2021 > Chất lượng hàng Tàu – biết đâu mà lần!< https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/4637277356286599
Ngày 04 tháng 6 năm 2021 >Vaccine Trung Quốc của Sinopharm – Vết xe đổ – Tại sao chúng ta phải đi vào?!< https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/4596879506993051
Ngày 02 tháng 6 năm 2021 > Seychelles – Tại sao chiến lược vaccine lại kém hiệu quả? <
TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím
Tài liệu tham khảo:
Naranjargal J. Dashdorj, Naranbaatar D. Dashdorj, Mitali Mishra, Lisa Danzig, Thomas Briese, W. Ian Lipkin, Nischay Mishra. Molecular and serological investigation of the 2021 COVID-19 case surge in Mongolian vaccinees. medRxiv 2021.08.11.21261915; doi: https://doi.org/10.1101/2021.08.11.21261915
Naranjargal J. Dashdorj, Oliver F. Wirz, Katharina Röltgen, Emily Haraguchi, Anthony S. Buzzanco III, Mamdouh Sibai, Hannah Wang, Jacob A. Miller, Daniel Solis, Malaya K. Sahoo, Sumiya Byambabaatar, Purevjargal Bat-Ulzii, Anir Enkhbat, Enkhtuul Batbold, Delgersaikhan Zulkhuu, Byambasuren Ochirsum, Tungalag Khurelsukh, Ganbold Dalantai, Natsagdorj Burged, Uurtsaikh Baatarsuren, Nomin Ariungerel, Odgerel Oidovsambuu, Andreas S. Bungert, Zulkhuu Genden, Dahgwahdorj Yagaanbuyant, Altankhuu Mordorj, Theodore Jardetzky, James L. Wilbur, Jacob N. Wohlstadter, George B. Sigal, Benjamin A. Pinsky, Scott D. Boyd, Naranbaatar D. Dashdorj. Direct Comparison of Antibody Responses to Four SARS-CoV-2 Vaccines in Mongolia. medRxiv 2021.08.22.21262161; doi: https://doi.org/10.1101/2021.08.22.21262161

Giới thiệu Thuha

Check Also

[Thảo luận] Corticosteroid – Câu chuyện con dao hai lưỡi

        Corticoid hay tên gọi đầy đủ là Corticosteroid là một hợp …