[COVID-19] Vaccine và xét nghiệm: 10 câu hỏi và trả lời

Rate this post
Báo TT chạy cái tít “Tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn phải xét nghiệm, cách ly làm khó doanh nghiệp” [1]. Đúng là khó hiểu. Nếu đã tiêm đủ 2 liều vaccine thì có lí do gì để xét nghiệm người ta?
Cái note này chia sẻ lại một số câu hỏi và trả lời chung quanh vấn đề xét nghiệm và vaccine. Tôi diễn giải lại từ một bài viết trên mạng [2] và thêm vài câu hỏi mang tính thời sự để các bạn có thể hiểu rõ hơn.
Câu hỏi 1: Thông tin về xét nghiệm quá lẫn lộn. Hãy giải thích các phương pháp xét nghiệm và mục tiêu là gì?
Đáp: Đúng là thông tin về xét nghiệm covid có khi khá lẫn lộn đối với công chúng. Tựu trung lại có 2 nhóm xét nghiệm chánh: xét nghiệm chẩn đoán và xét nghiệm kháng thể.
Xét nghiệm chẩn đoán có mục đích xác định một cá nhân có bị nhiễm nCov hay không, và kết quả có thể dẫn đến cách li. Hai phương pháp xét nghiệm chẩn đoán chánh là PCR và kháng nguyên (antigen). Hai phương pháp xét nghiệm này thường dùng mẫu từ mũi, cổ họng, hay nước miếng. Đây là xét nghiệm khá phổ biến trong dịch covid.
Xét nghiệm kháng thể là tìm kháng thể từ hệ miễn dịch. Khi cá nhân bị nhiễm hay khi cá nhân được tiêm vaccine, hệ miễn dịch sản xuất ra kháng thể để nhận dạng và chống lại con virus trong tương lai. Xét nghiệm kháng thể thường dùng mẫu máu, vì kháng thể lưu hành trong máu.
Câu hỏi 2: Vậy còn xét nghiệm tại nhà thì thuộc loại gì?
Đáp: Đây là những xét nghiệm kháng thể được đóng gói trong một cái kit mà người ta có thể làm xét nghiệm tại nhà. Mục tiêu của xét nghiệm là, như nói trên, tìm kháng thể IgM hay IgG trong máu. Tuy được quảng bá nhiều, nhưng giá trị lâm sàng của phương pháp xét nghiệm này chưa được rõ ràng. Các nhà chức trách y tế Úc không khuyến cáo dùng xét nghiệm kháng thể tại nhà. Họ cho biết những xét nghiệm này không thể nói lên một cá nhân bị nhiễm hay có nguy cơ lây nhiễm cho người khác [3].
Câu hỏi 3: Tôi nghe nói là dù đã tiêm đủ 2 liều vaccine tôi vẫn có thể bị covid?
Đáp: Có thể. Điều này thì đã được nói khá nhiều trước đây. Vaccine có chức năng giảm nguy cơ lây nhiễm, giảm nguy cơ tử vong và giảm nguy cơ nhập viện. Người được tiêm vaccine vẫn có xác suất bị nhiễm covid, nhưng xác suất này thấp hơn đến 70-90% so với những người không tiêm vaccine. Người được tiêm vaccine cũng có xác suất nhập viện và tử vong thấp hơn người không tiêm vaccine. Nhưng tôi chỉ nói vaccine Tây thôi, còn vaccine Tàu thì chưa dám nói.
Câu hỏi 4: Vaccine làm từ virus và do đó tiêm vaccine làm cho tôi bị covid?
Đáp: Những vaccine được phê chuẩn cho tiêm chủng không làm cho người ta bị nhiễm covid. Vaccine AstraZeneca được bào chế bằng cách lấy một con virus cúm mùa gây nhiễm cho khỉ, rồi thiết kế lại sao cho nó không thể lây nhiễm cho người. Sau đó, họ chỉnh sửa các chất liệu di truyền của con virus sao cho nó mang chất liệu di truyền giống như con nCov và đưa con virus mới vào tế bào con người. Khi vào tế bào, nó kích thích hệ miễn dịch tấn công vào con virus. Do đó, vaccine không có khả năng lây nhiễm. Còn vaccine Pfizer và Moderna thì dùng một mảng mRNA ‘chỉ thị’ cho hệ miễn dịch chúng ta sản xuất ra protein chống lại con nCov.
Câu hỏi 5: Tiêm chủng vaccine có làm cho xét nghiệm covid dương tính?
Đáp: Không. Tất cả các vaccine không có ảnh hưởng gì đến kết quả xét nghiệm covid. Phương pháp chuẩn vàng xét nghiệm covid hiện nay là PCR được thiết kế để tìm những mảng mRNA của con virus nCov, chớ không tìm vaccine.
Câu hỏi 6: Nhưng vaccine Pfizer và Moderna dùng mRNA, vậy nó có ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm covid không?
Đáp: Không. Hai vaccine Pfizer và Moderna đúng là dùng mRNA của con virus, nhưng chỉ một mảng nhỏ mà thôi, và do đó, không thể tự nó sao chép được. Thành ra, PCR không thể phát hiện mRNA từ vaccine.
Câu hỏi 7: Vậy còn xét nghiệm kháng thể thì sao?
Đáp: Xét nghiệm kháng thể là tìm xem cá nhân có bị nhiễm trong quá khứ (còn PCR thì tìm nhiễm hiện tại). Xét nghiệm kháng thể tìm xem hệ miễn dịch của một cá nhân có tăng hàm lượng kháng thể chống lại con nCov. (Nếu có thì đó là dấu hiệu cho thấy cá nhân đó đã bị nhiễm trong quá khứ). ‘Quá khứ’ ở đây là vài tuần hay vài tháng trước.
Câu hỏi 8: Nhưng cơ thể chúng ta cũng sản xuất ra kháng thể khi được tiêm vaccine, vậy xét nghiệm kháng thể ở người được tiêm vaccine sẽ cho ra kết quả dương tính?
Đáp: Đúng là hệ miễn dịch của người đã được tiêm vaccine sẽ sản xuất kháng thể chống nCov. Điều này có nghĩa là phương pháp xét nghiệm [kháng thể] khó phân biệt được kháng thể do vaccine kích thích sản xuất và kháng thể do bị nhiễm nCov. Do đó, FDA không khuyến cáo xét nghiệm kháng thể để đánh giá khả năng miễn dịch ở những người đã tiêm vaccine [4-5].
Câu hỏi 9: Nếu phương pháp xét nghiệm kháng thể không nên dùng cho việc đánh giá khả năng miễn dịch, vậy thì nó được sử dụng cho mục tiêu gì?
Đáp: Cho đến nay, xét nghiệm kháng thể được sử dụng cho mục tiêu giám sát (surveillance). Các nhà nghiên cứu thường sử dụng xét nghiệm kháng thể để ước tính bao nhiêu người bị nhiễm trong quá khứ thuộc một cộng đồng. Những thông tin này giúp cho họ mô phỏng quá trình diễn biến của dịch.
Câu hỏi 10: Vậy chốt lại những ai cần phải đi làm xét nghiệm?
Hỏi: Cái này tuỳ thuộc bạn ở đâu. Nếu ở Việt Nam thì khó nói, vì có thể bạn sẽ bị bắt đi làm xét nghiệm, hoặc có khi chỉ là … hên sui. Còn ở Úc hay Mĩ thì xét nghiệm chỉ được chỉ định cho những người sau đây: (a) có triệu chứng covid, như sốt, ho, mệt mỏi, mất vị giác; (b) đã tiếp xúc với người đã được xác nhận là nhiễm covid; và (c) tham gia vào các hoạt động như du lịch hay dự đám tiệc đông người và do đó đặt cá nhân vào nhóm có nguy cơ cao.
Quay lại qui định của Bộ Y tế “người di chuyển từ vùng nguy cơ rất cao sang vùng có nguy cơ phải xét nghiệm, tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày” quả là khó hiểu.
Trước hết là cách phân biệt ‘vùng nguy cơ rất cao’ và ‘vùng có nguy cơ’ như thế nào thì không rõ. Thật ra, bất cứ vùng nào cũng có nguy cơ. Nhưng tôi ngờ rằng cách phân biệt này sa đà vào nghịch lí giữa quần thể và cá nhân. Một cá nhân có thể đến từ quần thể có nguy cơ cao nhưng cá nhân đó có nguy cơ thấp. Vì qui định dựa vào quần thể là vô hình chung gây khó khăn cho đa số người dân.
Xét nghiệm là liên quan đến một cá nhân, và do đó chỉ định xét nghiệm cần phải cá nhân hoá. Chỉ định như trình bày qua câu hỏi 10 trên đây là một cách cá nhân hoá xét nghiệm.
____
“The U.S. Food and Drug Administration (FDA) is reminding the public and health care providers that results from currently authorized SARS-CoV-2 antibody tests should not be used to evaluate a person’s level of immunity or protection from COVID-19 at any time, and especially after the person received a COVID-19 vaccination.”
Dịch dễ hiểu: FDA nhắc nhở công chúng và những người cung cấp dịch vụ y tế rằng không nên dùng những xét nghiệm kháng thể SARS-Cov-2 để đánh giá mức độ miễn dịch hay mức độ bảo vệ của một cá nhân, đặc biệt là người đó đã được tiêm chủng vaccine.
Advertisement

Giới thiệu Thuha

Check Also

Nỗi khổ của người làm khoa học ở Úc

Sáng nay ra quán cà phê và được ‘cô hàng cà phê’ chúc mừng ngay …