Sáng ngày 28/01/2021 mình mới thấy tin Trung Quốc bắt đầu cho sử dụng phương pháp kiểm tra sự hiện diện của virus nCoV (SARS-CoV-2) bằng cách lấy mẫu qua đường “hậu môn” (anal swab)!! Để lấy mẫu thử nghiệm, que tăm bông (swab) được đưa vào trực tràng (qua đường hậu môn) khoảng ba đến năm cm và xoay nhiều lần. Sau đó tăm bông được lấy ra và đặt trong hộp đựng mẫu. Toàn bộ quy trình được cho là mất khoảng 10 giây (Một video được lan truyền rộng rãi trên mạng ở Trung Quốc cho thấy một bác sĩ đang trình diễn trực quan về quy trình).
Trên các báo đăng tin này cho biết rằng đây là một phương pháp mà các chuyên gia cho rằng chính xác hơn và tăng cơ hội phát hiện virus! Họ dựa trên một số trường hợp người bệnh COVID-19 sau khi hồi phục một thời gian thì vẫn phát hiện thấy virus trong phân (mặc dù cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu cho thấy virus trong phân là nguồn lây nhiễm). Tuy nhiên, nhiều nghiêu cứu khoa học cho thấy rằng chỉ khoảng 50% người nhiễm virus nCoV thì có virus được phát hiện trong phân. Ngoài ra, dựa trên các tài liệu khoa học đăng trên các báo chuyên ngành thì lấy mẫu thử qua đường hậu môn là một phương pháp kém hiệu quả, kém nhạy so với các phương pháp hiện nay, chủ yếu lấy mẫu từ vùng họng, nơi trọng tâm mà virus nhiễm, sinh sôi và phát triển. Một bài báo khoa học mình đưa trên đây là một phân tích tổng hợp dựa trên nhiều nghiên cứu khoa học khác, nhằm đánh giá về độ chính xác của các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 (Systematic review with meta-analysis of the accuracy of diagnostic tests for COVID-19). Trong đó, chúng ta có thể thấy rằng dựa trên phương pháp nền tảng là tìm vật liệu di truyền RNA của virus (phương pháp RT-PCR) thì phương pháp lấy mẫu qua đường mũi hoặc cổ họng (nasopharyngeal, throat swab) và nước miếng (saliva) cho kết quả đáng tin hơn rất nhiều thể hiện qua 2 chỉ số đo về “mức độ tin cậy” (Confidence Interval, CI) và “tính nhất quán” (Inconsistency, I2) so với phương pháp lấy mẫu từ hậu môn (stool, feces, rectal swabs)…
Với độ tin cậy thấp của phương pháp lấy mẫu qua đường “hậu môn” để chẩn đoán nhiễm virus nCoV mình nghĩ rằng phương pháp này không nên được thực hiện để kiểm dịch một cách đại trà, nhất là thực hiện một cách độc lập, vì có thể sẽ tạo ra nhiều kết quả “âm tính giả”. Đây chắc cũng là lý do mà hầu hết các nước trên thế giới hiện nay vẫn sử dụng phương pháp chính là lấy mẫu qua đường mũi hoặc họng.
Hy vọng là nếu bạn Trung Quốc nào nhập cảnh ở Việt Nam mà trình giấy chứng nhận âm tính với virus nCoV bằng phương pháp kiểm tra qua “hậu môn” thì nhà nước nên yêu cầu kiểm tra lại thêm lần nữa qua đường mũi cho chắc ăn.
Bảo trọng nhe bà con,
TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím
Tài liệu tham khảo:
Ng SC, Tilg H. COVID-19 and the gastrointestinal tract: more than meets the eye. Gut. 2020 Jun;69(6):973-974. doi: 10.1136/gutjnl-2020-321195. Epub 2020 Apr 9. PMID: 32273292; PMCID: PMC7211058. (https://gut.bmj.com/content/69/6/973.long)
Böger B, Fachi MM, Vilhena RO, Cobre AF, Tonin FS, Pontarolo R. Systematic review with meta-analysis of the accuracy of diagnostic tests for COVID-19. Am J Infect Control. 2021 Jan;49(1):21-29. doi: 10.1016/j.ajic.2020.07.011. Epub 2020 Jul 10. PMID: 32659413; PMCID: PMC7350782. (https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32659413/)