[COVID-19]Thuốc mới cho covid-19: Molnupiravir

Rate this post
Thật ra, đối với các bạn đọc trang này thì nó không mới vì tôi đã nói tới nó chừng 2 tháng trước. Đó là thuốc Molnupiravir của công ti Merck. Vài giờ trước Merck công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng cho biết Molnupiravir giảm nhập viện và tử vong chừng 50% [1]. Chúng ta hiểu dữ liệu này như thế nào?
Con số giảm 50% nhập viện và tử vong là đúng. Nhưng nó không nói hết câu chuyện, bởi vì đó là con số trung bình. Trong thực tế, hiệu quả có thể dao động từ 20% đến 67%. Chúng ta muốn có một thuốc giảm nguy cơ nhập viện và tử vong ít nhứt là 50%, và câu hỏi là xác suất thuốc có hiệu quả như thế là bao nhiêu? Cái note này trả lời câu hỏi đó.
Trước hết là vài dòng về thử nghiệm lâm sàng Molnupiravir. Đây là thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III (trước khi được phê chuẩn cho sử dụng). Theo kế hoạch, nhóm nghiên cứu sẽ 1850 bệnh nhân, và họ được chia thành 2 nhóm ngẫu nhiên: nhóm được cho uống Molnupiravir và nhóm giả dược. Chỉ số dùng để đánh giá hiệu quả lâm sàng (outcome) là số ca tử vong hay nhập viện [2].
Vẫn theo kế hoạch nghiên cứu, họ sẽ phân tích dữ liệu khi nào số bệnh nhân đạt trên con số 700, và nếu kết quả phân tích cho thấy thuốc có hiệu quả cao (không còn nghi ngờ) thì thử nghiệm lâm sàng sẽ ngừng. Trong thuật ngữ khoa học, người ta gọi đây là ‘interim analysis’ hay ‘phân tích lâm thời’.
Vậy kết quả phân tích lâm thời ra sao?
Theo thông báo của Merck [1], số bệnh nhân họ phân tích là 775 người. Trong số này, có 385 bệnh nhân trong nhóm Molnupiravir, và sau 1 tháng theo dõi, có 28 người bị nhập viện hay chết (tỉ lệ 7.3%). Trong số 377 bệnh nhân thuộc nhóm chứng, sau 1 tháng theo dõi, có 53 người bị nhập viện hay chết (tỉ lệ 14.0%). Như vậy Molnupiravir giảm nguy cơ nhập viện hay tử vong ~50%. Nói cách khác, cần điều trị 15 người trong một tháng để giảm 1 ca nhập viện hay tử vong.
Thật ra, không có ai trong nhóm Molnupiravir tử vong. Nhưng trong nhóm chứng có 8 người chết. Với kết quả này, chúng ta có thể nói thuốc giảm tử vong gần như 100%.
Còn về an toàn?
Vẫn theo thông báo của Merck, số bệnh nhân báo cáo có biến chứng sau khi dùng Molnupiravir là 35%, thấp hơn nhóm chứng (40%). Số bệnh nhân với biến chứng được xem là có liên quan đến thuốc là 12% trong nhóm Molnupiravir và 11% trong nhóm chứng.
Câu hỏi đặt ra là có nên ngưng thử nghiệm? Hội đồng theo dõi dữ liệu (Data Monitoring Committee) xem qua dữ liệu đã đi đến đề nghị ngưng thử nghiệm vì kết quả quá rõ ràng. Tính đến nay, số bệnh nhân ghi danh đã đạt gần 90% con số dự trù (1850).
Nhận xét
Câu hỏi mà chúng ta đặt ra là: xác suất thuốc Molnupiravir giảm nguy cơ nhập viện hoặc/và tử vong là bao nhiêu? Câu hỏi này không thể trả lời bằng phương pháp truyền thống, nên chúng ta phải sử dụng phương pháp Bayes.
Phương pháp Bayes cần phải có thông tin tiền định (prior distribution). Chúng ta bắt đầu bằng giả định rằng thuốc không có hiệu quả (tức 2 nhóm có xác suất outcome như nhau), và sẽ mô tả giả định này bằng luật phân bố beta với tham số alpha = beta = 1. Sau đó, dùng số ca quan sát được (tuân theo luật phân bố nhị phân) tích hợp với thông tin tiền định sẽ cho ra thông tin hậu định. Thuật ngữ trong ngành gọi là mô hình Beta-Binomial. Từ đó, chúng ta có thể ước tính xác suất thuốc có hiệu quả là bao nhiêu.
Chúng ta định nghĩa ‘hiệu quả’ ở đây là giảm nguy cơ nhập viện hay tử vong từ 50% trở lên. Do đó, chúng ta sẽ dùng phân bố hậu định để ước tính xác suất Molnupiravir giảm nguy cơ nhập viện hay tử vong ít nhứt là 50%.
Kết quả tính toán được trình bày trong cột 4 của bảng số liệu. Dựa vào kết quả này, xác suất Molnupiravir giảm nguy cơ nhập viện là 42%. Nhưng xác suất có hiệu quả giảm tử vong lên đến 97.5%.
Tóm lại, những kết quả trên đây cho thấy Molnupiravir quả thật có hiệu quả giảm nguy cơ nhập viện, nhưng mức độ còn khiêm tốn. Tuy nhiên, chứng cớ về giảm tử vong thì khá thuyết phục.
Giá thuốc Molnupiravir hiện nay là chừng 700 USD cho một ca bệnh. Bởi vì NNT = 14 (như tính toán trên), cái giá đó cũng có nghĩa là xã hội sẽ trả 9800 USD để giảm 1 ca nhập viện hay tử vong. Như vậy, xem ra thuốc này không mắc.
Chánh phủ Việt Nam nên làm gì? Tôi nghĩ ngay từ bây giờ, Bộ y tế nên thương lượng với Merck để mua thuốc về cho Việt Nam.
Nhưng tôi nghĩ kết quả thử nghiệm ivm [3-4] sẽ còn thú vị hơn vì thuốc này chỉ tốn dưới 1 USD cho bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện nay ai mà đề cập đến thuốc này thì coi chừng bị kiểm duyệt.
____
Advertisement

Giới thiệu Thuha

Check Also

Nỗi khổ của người làm khoa học ở Úc

Sáng nay ra quán cà phê và được ‘cô hàng cà phê’ chúc mừng ngay …