Một sự kiện đáng buồn diễn ra trong tuần qua là động đất tại Myanmar, Thái Lan và các nước láng giềng. Về góc độ y tế, hàng ngàn nạn nhân hiện đang còn mắc kẹt trong các đống đổ nát với cơ hội sống sót hầu như không còn nhiều khi đã gần bước sang ngày thứ 5 kể từ ngày diễn ra sự kiện. Một trong những nguyên nhân quan trọng ngoài chấn thương, ngạt thở là Hội chứng Vùi Lấp với tên quốc tế là Crush Syndrome.
Hình ảnh lực lượng cứu hộ Việt Nam tại Myanmar (Nguồn: Báo Công Thương)
Không ngọt ngào như cái tên Crush Syndrome, gần 80% bệnh nhân bị thương do đè bẹp có thể tử vong do chấn thương đầu nghiêm trọng hoặc ngạt thở trước khi đến bệnh viện. Trong số 20% bệnh nhân đến bệnh viện, 10% có thể mắc hội chứng vùi lấp.
1. Tổng quan
Hội chứng vùi lấp (Crush Syndrome) là một biến chứng nghiêm trọng của chấn thương đè ép, thường gặp trong thảm họa thiên nhiên như động đất, sau tai nạn giao thông, sau chấn thương nặng mà thời gian mắc kẹt kéo dài. Đây là hệ quả của tiêu cơ vân diện rộng, giải phóng các chất độc vào tuần hoàn, gây rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng và suy đa tạng, đặc biệt là suy thận cấp.
2. Cơ Chế Bệnh Sinh
Bệnh sinh hội chứng vùi lấp trên cơ sở tiêu cơ vân do chấn thương (Destructive disasters, trauma, crush syndrome, and beyond)
- Tổn thương cơ do đè ép kéo dài → phá vỡ tế bào cơ → giải phóng myoglobin, kali, phosphate, enzyme CK, LDH vào máu.
- Rối loạn vi tuần hoàn: thiếu máu cục bộ → tái tưới máu đột ngột → sốc giảm thể tích, nhiễm độc cơ tim.
- Suy thận cấp: Myoglobin kết tủa trong ống thận, cộng với toan chuyển hóa và rối loạn vận mạch → tổn thương thận nặng.
Đây là biểu đồ “Diễn biến thời gian của sự gia tăng và thanh thải myoglobin, creatine kinsae và creatinine huyết thanh sau khi bắt đầu tổn thương cơ” (Rhabdomyolysis: Clinical manifestations and diagnosis – UpToDate). Chúng ta có thể thấy chưa đầy 4 giờ sau khi chấn thương đụng giập cơ, myoblobin được giải phóng và đạt đỉnh cao nhất. Quá trình phá hủy và tiêu cơ không dừng lại mà tiếp tục diễn ra, đạt đỉnh điểm vào ngay ngày đầu tiên và kéo dài đỉnh đến ngày thứ 3 bởi sự phóng thích men Creatine kinase từ quá trình tiêu cơ.
3. Điều Trị: Nguyên Tắc Cốt Lõi
- Giải phóng chi sớm nhưng cần hồi sức dịch trước để tránh sốc tái tưới máu.
- Hồi sức dịch tích cực: Dung dịch muối đẳng trương, mục tiêu nước tiểu ≥ 200-300 mL/giờ. Hồi sức dịch ngay tại hiện trường có thể cứu sống được nhiều bệnh nhân khi mắc kẹt trên 30 phút.
- Điều chỉnh rối loạn điện giải: Kiểm soát tăng kali máu (insulin, polystyrene sulfonate), tránh bổ sung canxi trừ khi có rối loạn nhịp.
- Kiềm hóa nước tiểu: Dùng bicarbonate nếu pH nước tiểu < 6.5.
- Lợi tiểu (mannitol) có thể cân nhắc nhưng tránh dùng ở bệnh nhân thiểu niệu.
- Lọc máu sớm (RRT) khi có AKI nặng, toan chuyển hóa, tăng kali máu không kiểm soát.
- Cắt cân cấp cứu nếu áp lực khoang cơ > 30 mmHg.
Tài liệu tham khảo:
- Uptodate (2025), Rhabdomyolysis: Clinical manifestations and diagnosis
- Uptodate (2025), Severe crush injury in adults
- Mehmet S Sever (2025), Crush-related acute kidney injury
- Col S Rajagopalan (2010), Crush Injuries and the Crush Syndrome
- J Compr Surg (2023), Crush syndrome: a review of current knowledge and treatment strategies