Khi các bạn đọc những dòng nhật ký viết vội của bé Vân An các bạn có thấy đau lòng không, dù đó không phải là con cháu của các bạn, nếu có thì đó là lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn được tạo ra từ môi trường sống và giáo dục là chính, nếu còn chút lòng trắc ẩn thì khó mà đánh đập một người tới mức đó, mà lại là một đứa trẻ.
“Mẹ và em có khỏe không? Mẹ và em đừng lo cho con,con vẫn khỏe. Ba và dì Trang thương con lắm.
Con có làm gì sai không? Mà dì lại đánh con nhiều vậy? Ba ơi! Con đau lắm!
Mẹ ơi! Con nhớ mẹ và em. Con muốn được mẹ ôm ấp, con đau lắm. Mà thôi giờ này mẹ phải chăm em.
Đau bao nhiêu con cũng chịu được, con chỉ muốn được về với mẹ và em thôi. Ước gì Tết này dì Trang cho con về với mẹ và em.”
Rồi lại nghe một “chuyên gia” lên giải thích phân bua cho hai kẻ TT, tôi lại buồn cười
Chuyện ăn đòn tôi đây vốn là chuyên gia lúc còn nhỏ, tôi chưa hề là đứa trẻ ngoan, khi còn nhỏ thì tôi trốn học đi chơi game Rambo thần thánh, lớn chút thì tôi đi đá banh bàn, cấp ba thì chơi bida ăn tiền, có lần cá độ thua tháo cái đồng hồ Seiko chặt góc ra chung độ tại chỗ. Lên cấp ba thì xin tiền đi học tiếng Anh, nhưng lại trốn học đi cua gái, đi chơi, lớn chút nữa thỉ nhậu nhẹt thâu đêm. Cho nên khi còn nhỏ tôi bị đòn gần như mỗi ngày, tới độ ba tôi phải than rằng nếu ngày nào không bị đòn thì tôi ăn cơm không ngon.
Ba tôi hay đánh đòn tôi bằng cây đũa tre hay cây roi mây, mỗi lần đánh xuống tiếng gió nghe vun vút như kiếm sĩ vung gươm. Nhưng tôi biết đó là đòn thương chứ không phải đòn thù vì tôi làm buồn lòng Người. Có lần tôi bị đòn 10 roi mây, mỗi roi là một lằn đỏ tươi bầm máu, tối hôm đó Người bắt tôi nằm sấp rồi im lặng bôi thuốc lên từng lằn roi rướm máu đó.
Tôi chưa hề oán trách Người, vì tôi biết đó là đòn thương, đánh đòn vì tôi hư, xong rồi xức thuốc vì thương tôi. Nó khác với đòn thù.
Năm tôi đang là sinh viên y khoa năm thứ 3, buổi trưa nếu không có bận gì tôi hay theo các chị điều dưỡng khoa ngoại thần kinh BV Chợ Rẫy đi chích dạo để nâng tay nghề chích tĩnh mạch. Tôi còn nhớ hoài một bé trai 7 tuổi bị bệnh u não nơi hiểm hóc không thể phẫu thuật, khối u chèn ép các dây thần kinh làm bé không nói và không ăn uống được nên muốn nói chuyện phải dùng một cuốn vở học trò viết qua lại. Tôi có hỏi bé con muốn gì, thằng bé viết xiêu vẹo trong cuốn vở như vầy; “Con muốn đượt ăng thịt và con muốn đi học”. Lần đó tôi phải bước ra ngoài hành lang để khóc.
Tôi có người bạn khi nghe tôi học nội trú chuyên ngành Nhi thì nói sẽ không dắt con đi khám tôi cho tới khi tôi có con của riêng mình. Lúc đó tôi cười nhưng sau này tôi hiểu câu nói đó cũng có phần đúng.
Việt Nam mình chuyên gia nhiều quá, đi học UNICEF mấy chục giờ thì thành chuyên gia sữa mẹ, đi học Microsoft một khóa mấy tiếng thì thành chuyên gia giáo dục. Nên tôi thường dị ứng với với mấy cái profile kêu leng keng, vì phàm hễ cái gì trong ruột trống không thì nó hay kêu lớn.
Nói cho cùng, đó cũng là do thói hám danh của người Việt, làm gì cũng phải có cái bằng Tiến Sĩ, mặc dù không hề làm nghiên cứu hay giảng dạy và kiến thức thì học trên bàn nhậu. Ai cũng muốn làm chuyên gia và ai cũng thích chọn chuyên gia hay tiến sĩ. Trong hơn 10 năm làm việc ở nước ngoài, tôi đã từng gặp qua nhiều bs bỏ cả đời nghiên cứu về một loại bệnh nào đó thôi nhưng trên danh thiếp hay hồ sơ chỉ duy nhất có hai ký tự MD mà thôi, và không ai trong số họ tự xưng là chuyên gia. Nhưng khi họ đi dạy về món họ học cả đời thì ai cũng phải ngồi nghe.
Chả bù cho lần hai vợ chồng tôi phải ngồi nhậu với một ông cán bộ mặt bự thịt, ăn nhậu mà cứ vung vẩy cái danh thiếp dày đặc chức danh và học vị thọt sĩ, ý lộn thạc sĩ.
PS: tối qua tôi phải đi tìm một công ty bảo trì hầm cầu cho cái nhà của tôi, tôi dạo qua 5-6 cái công ty trong vùng, cái nào cũng hoạt động mấy chục năm mà không có thằng nào xưng là chuyên gia rút hầm cầu, dở ẹt.