[GIẢI PHẪU SỐ 8] MÔNG

5/5 - (1 vote)

Vùng mông (regio glutea) là một vùng có nhiều mạch máu và thần kinh quan trọng từ chậu hông đi qua để xuống chi dưới.

1. GIỚI HẠN VÙNG MÔNG

Vùng mông được giới hạn bởi.

– Ở trên là mào chậu (crista iliaca).

– Ở dưới là nếp lằn mông.

– Ở ngoài là đường nối từ gai chậu trước trên (spina iliaca anterior superior) đến mấu chuyển to (trochanter major).

– Ở trong là mào giữa xương cùng (crista sacralis mediana).

2. CÁC LỚP CỦA VÙNG MÔNG

2.1. LỚP NÔNG.

 

2.1.1. Da và tổ chức dưới da.

Trong lớp này có các thần kinh cảm giác (H.9.1, H.12.2)

– Các thần kinh bì mông trên (nn. clunium superiores) thuộc các thần kinh thắt lưng (nn. lumbales).

– Các thần kinh bì mông giữa (nn. clunium medii) thuộc các thần kinh cùng và cụt (nn. sacrales et n. coccygeus).

– Các thần kinh bì mông dưới (nn. clunium inferiores) thuộc thần kinh bì đùi sau (n. cutaneus femoris posterior).

2.1.2. Mạc nông.

Mạc nông của vùng nông chia làm hai lá bọc lấy cơ mông lớn. Mạc nông đi xuống dưới dính vào mạc đùi (fascia lata) và đi ra ngoài dính với dải chậu chày và cơ căng mạc đùi (m. tensor fascia latae).

2.2. LỚP SÂU (H.9.2, H.9.3).

2.2.1. Cơ.

Cơ vùng mông có thể chia làm hai loại:

– Loại cơ chậu – mấu chuyển gồm các cơ: cơ căng mạc đùi, cơ mông lớn, cơ mông nhỡ, cơ mông bé và cơ hình lê. Đây là những cơ duỗi, dạng và xoay đùi.

– Loại cơ ụ ngồi – xương mu mấu chuyển gồm các cơ: cơ bịt trong, sinh đôi, vuông đùi và bịt ngoài. Những cơ này có động tác chủ yếu là xoay ngoài đùi.

Các cơ vùng mông được xếp thành ba lớp:

2.2.1.1. Lớp nông:

Cơ mông lớn (m. gluteus maximus)

Nguyên ủy:

– Diện mông xương chậu, sau đường mông sau

– Mào chậu.

– Mặt sau xương cùng.

– Dây chằng cùng ụ ngồi.

Bám tận:

– Dải chậu chày.

– Đường ráp xương đùi.

Động tác: Đây là cơ duỗi đùi rất mạnh và là cơ giúp hình thành tư thế đứng thẳng của loài người.

Ngoài ra cơ còn xoay ngoài đùi và làm nghiêng chậu hông.

+ Cơ căng mạc đùi (m. tensor fascia latae).

Nguyên ủy: Mào chậu.

Bám tận: Nơi nối 1/3 và 2/3 dưới dải chậu chày.

Dải chậu chày (tractus idiotibialis) là một dải mô sợi giữa cơ mông lớn và cơ căng mạc đùi. Ở phía sau liên tiếp với hai lá cân mông, phía trước bao lấy cơ căng mạc đùi và liên tiếp với mạc đùi. Dải chậu chày bám tận vào đầu trên xương chày.

Động tác: Ngoài tác dụng càng mạc đùi, khi tựa vào xương chậu, cơ sẽ gấp, dạng và xoay trong đùi; khi tựa vào đùi cơ sẽ gấp, dạng và xoay ngoài chậu.

2.2.1.2. Lớp giữa:

Lớp giữa cách lớp nông bởi một lá sâu của cân mông và một lớp mô liên kết.

* Cơ mông nhỡ (m. gluteus medius):

Nguyên ủy:

– 3/4 trước mào chậu.

– Diện mông xương chậu, giữa đường mông trước và sau.

Bám tận: Mấu chuyển to.

Động tác: Dạng đùi, phần trước của cơ còn giúp gấp và xoay trong đùi; trong khi phần sau duỗi và xoay ngoài đùi. Khi cơ tựa vào xương đùi sẽ làm nghiêng người sang bên.

* Cơ hình lê (m. piriformis).

Đây là cơ quan trọng và là mốc để tìm mạch máu và thần kinh ở vùng mông.

Nguyên ủy:

– Mặt chậu, đốt sống cùng II, III, IV.

– Khuyết ngồi to.

– Dây chằng cùng gai ngồi.

Bám tận: Cơ hình lê đi ra khỏi vùng chậu ở khuyết ngồi to rồi bám vào mấu chuyển to xương đùi.

Động tác: Dạng và xoay ngoài đùi.

2.2.1.3. Lớp sâu :

Gồm có cơ mông bé và các cơ ụ ngồi – xương mu – mấu chuyển.

* Cơ mông bé (m. gluteus minimus).

Nguyên ủy: Diện mông, giữa đường mông trước và dưới.

Bám tận: Trước mấu chuyển to xương đùi.

Động tác: Dạng đùi, xoay trong đùi.

* Cơ bịt trong (m. obturatorius internus).

Nguyên ủy:

– Chu vi lỗ bịt, mặt chậu.

– Màng bịt.

Bám tận: Từ vùng chậu, cơ vắt qua khuyết ngồi bé ra ngoài và bám vào mặt trong mấu chuyến to trước hố mấu chuyến.

Động tác: Cùng với cơ sinh đôi, có tác dụng xoay ngoài đùi, duỗi và dạng đùi khi đùi ở tư thế gấp.

* Cơ sinh đôi trên (m. gemellus superior) và cơ sinh đôi dưới (m. gemellus inferior): Nguyên ủy:

– Gai ngồi.

– Khuyết ngồi bé.

– Ụ ngồi.

Bám tận: Hai cơ sinh đôi đi dọc theo bờ trên và dưới cơ bịt trong và bám tận cùng với gân cơ này.

Động tác: Tương tự cơ bịt trong.

* Cơ vuông đùi (m. quadratus femoris).

Nguyên ủy: Ụ ngồi.

Bám tận: Mào gian mấu xương đùi.

Động tác: Xoay ngoài và khép đùi.

* Cơ bịt ngoài (m. obturatorius externus).

Nguyên ủy:

– Vành ngoài của lỗ bịt.

– Màng bịt.

Bám tận: Hố mấu chuyển của xương đùi.

Động tác: Tương tự cơ vuông đùi.

Đại bộ phận các cơ vùng mông là do các nhánh bên của đám rối thần kinh cùng chi phối trừ cơ bịt ngoài do thần kinh bịt.

2.2.2. Mạch máu và thần kinh (H.9.4, H.9.5, H.9.6 và H.9.7).

Mạch máu và thần kinh vùng mông được chia thành hai bó: bó mạch thần kinh trên cơ hình lê và bó mạch thần kinh dưới cơ hình lê.

2.2.2.1. Bó mạch thần kinh trên cơ hình lê: Gồm có động mạch và thần kinh mông trên. * Động mạch mông trên (a. glutea superior).

Nguyên ủy và đường đi: Động mạch mông trên là nhánh của động mạch chậu trong. Từ chậu hông, động mạch mông trên đi giữa đám rối thắt lưng cùng và dây cùng 1 qua một lỗ xương sợi tạo bởi khuyết ngồi lớn và mạc chậu. Ở vùng mông, động mạch mông trên xuất hiện ở bờ trên cơ hình lê, nằm sâu hơn cơ mông lớn và tĩnh mạch mông trên.

Phân nhánh: Động mạch mông trên cho hai nhánh vào cơ:

+ Nhánh nông đi giữa cơ mông lớn và mông nhỡ.

+ Nhánh sâu đi giữa cơ mông nhỡ và mông bé.

Ngành nối: Động mạch mông trên nối với:

+ Động mạch chậu ngoài qua nhánh mũ chậu sâu (a. circumflexa ilium profunda).

+ Động mạch đùi sâu qua nhánh mũ đi ngoài (a. circumflexa femoris lateralis).

+ Động mạch chậu trong qua nhánh động mạch mông dưới (a. glutea inferior) và động mạch cùng ngoài a. sacralis lateralis).

* Thần kinh mông trên (n. gluteus superior).

Tạo bởi thần kinh thắt lưng 4, 5 và thần kinh cùng 1. Thần kinh chui qua khuyết ngồi lớn và chia hai nhánh đi cùng động mạch và tĩnh mạch mông trên. Thần kinh nằm sâu hơn động mạch.

Thần kinh mông trên vận động cho ba cơ: mông nhỡ, mông bé và cơ căng mạc đùi.

2.2.2.2. Mạch và thần kinh dưới cơ hình lê: Được xếp thành ba lớp:

– Lớp nông: thần kinh bì đùi sau.

– Lớp giữa: thần kinh ngồi (n. ischiadicus), bó mạch thần kinh mông dưới, bó mạch thần kinh thẹn.

– Lớp sâu: Gồm các nhánh vận động cho cơ ở lớp sâu vùng mông : thần kinh cơ vuông đùi, cơ bịt trong, cơ sinh đôi trên và dưới. Tất cả đều là nhánh của đám rối cùng. Ngoài ra ở lớp sâu còn có các nhánh thần kinh hậu môn-cụt (nn. anococcygei) chi phối cảm giác cho vùng quanh xương cụt.

* Thần kinh bì đùi sau (n. cutaneus femoralis posterior) xuất phát từ dây cùng 1, 2 và 3. Thần kinh bì đùi sau đi từ chậu hông ra vùng mông ở bờ dưới cơ hình lê, nằm giữa cơ mông lớn và phía sau thần kinh ngồi. Sau đó thần kinh tiếp tục đi xuống vùng đùi sau, nằm trên đầu dài cơ nhị đầu đùi và xuyên qua lớp mạc ở gần hố kheo.

Ở bờ dưới cơ mông lớn thần kinh cho các nhánh:

– Nhánh bì mông dưới vòng ở bờ dưới cơ mông lớn để cho cảm giác ở vùng này.

– Các nhánh đáy chậu (rami perineales) chi phối cảm giác cho cơ quan sinh dục ngoài.

* Thần kinh ngồi (n. ischiadicus)

Thần kinh ngồi là thần kinh lớn nhất của cơ thể, chi phối cảm giác và vận động phần lớn chi dưới; gồm hai thành phần:

Thần kinh chày (n. tibialis) xuất phát từ nhánh trước thần kinh thắt lưng 4, 5 và cùng 1, 2, 3.

– Thần kinh mác chung (n. peroneus communis) xuất phát từ nhánh sau thần kinh thắt lưng 4, 5 và cùng 1, 2.

Hai thành phần này được bọc trong một bao chung và chỉ tách xa nhau ở vùng kheo. Đôi khi chúng chia rất sớm, trong trường hợp đó cả hai thành phần sẽ không cùng nằm ở bờ dưới cơ hình lê, mà sẽ có một thành phần nằm xuyên qua cơ hình lê hay thậm chí ở trên cơ hình lê.

Liên quan: ở vùng mông thần kinh ngồi đi ở bờ dưới cơ hình lê, trước cơ mông lớn và sau nhóm cơ ụ ngôi – xương mu – mấu chuyển.

Sau thần kinh ngồi có thần kinh bì đùi sau. Phía trong thần kinh ngồi có bó mạch thần kinh mông dưới và bó mạch thần kinh thẹn.

Phân nhánh: ở vùng mông thần kinh ngồi không cho nhanh vận động hay cảm giác nào.

Giải phẫu bề mặt (H.9.8): trên da, đường đi của thần kinh ngồi có thể vẽ bằng một đường nối giữa:

* Điểm A: điểm nối 1/3 trên và 1/3 giữa của đường nối từ gai chậu sau trên đến ụ ngồi.

* Điểm B: điểm giữa của đường nối từ ụ ngồi đến mấu chuyển to (điểm Valleix).

* Điểm C: góc trên của trám kheo.

Khi thần kinh ngồi bị viêm, ấn dọc theo đường đi này, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau nhói (dấu hiệu Valleix).

Các thay đổi của thần kinh ngồi ở người Việt Nam như sau: Về nguyên ủy so với cơ hình lê: 94% ra ở bờ dưới cơ hình lê; 5% thoát ra ở bờ trên cơ hình lê.

Advertisement

* Bó mạch thần kinh mông dưới

– Thần kinh mông dưới (n. gluteus inferior): được tạo bởi thần kinh thắt lưng 5, thần kinh cùng 1 và 2. Từ vùng chậu thần kinh qua khuyết ngồi to, đến vùng mông ở bờ dưới cơ hình lê và vào vận động cơ mông lớn.

– Động mạch mông dưới (a, glutea inferior): là nhánh của động mạch chậu trong. Ở vùng mông động mạch mông dưới đi ở bờ dưới cơ hình lê, trong và hơi nông hơn thần kinh ngồi; ngoài bó mạch thần kinh thẹn.

Động mạch mông dưới vào các cơ vùng mông và nhóm cơ ụ ngồi – cẳng chân, ngoài ra động mạch còn cho các nhánh:

– Nhánh nối với động mạch mũ đùi ngoài và trong, nhánh xuyên 1 của động mạch đùi sâu.

– Nhánh cho thần kinh ngồi (a. comitans . ischiadici).

Một dị dạng hiếm gặp về động mạch ở mông: có sự tồn tại một động mạch rất lớn đi song song với thần kinh ngồi thay thế động mạch đùi để cấp máu toàn bộ chi dưới gọi là động mạch ngồi. Cho đến 1991 trên thế giới đã phát hiện được 54 trường hợp. Ở Việt Nam đã phát hiện một trường hợp ở Bộ môn Giải phẫu học Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh.

* Bó mạch thần kinh thẹn:

– Thần kinh thẹn (n. pudendus) xuất phát từ ngành trước thần kinh cùng 2, 3, 4 đi ra khỏi chậu hông ở khuyết ngồi to, bờ dưới cơ hình lê. Sau đó ôm lấy gai ngồi chạy trở vào chậu thông qua khuyết ngồi bé, Thần kinh thẹn, sau đó, cùng động mạch thẹn trọng đi trong ống thẹn (canalis pudendalis) đến vùng đáy chậu và sinh dục ngoài (H.9.6).

– Động mạch thẹn trong (a. pudenda interna) là nhánh của động mạch chậu trong. Đường đi của động mạch thẹn trong tương tự như của thần kinh thẹn.

Vùng mông là một vùng quan trọng, nhiều cơ, mạch máu: thuận lợi cho việc tiêm bắp thịt.

Khi tiêm bắp cần lưu ý tránh (H.9.8):

– Đường đi của thần kinh ngồi.

– Nơi xuất hiện của mạch và thần kinh mông trên tại vùng mông : đó là điểm nối 1/3 trên và 1/3 giữa đường kẻ từ gai chậu sau trên đến điểm cao nhất của mấu chuyển to (D).

– Nơi xuất hiện của bó mạch thần kinh mông dưới và bó mạch thẹn : đó là điểm nối /3 giữa và 1/3 dưới đường kẻ từ gai chậu sau trên đến 4 ngồi (E).

Ta có thể tiêm bắp an toàn ở 1/3 trên ngoài đường nối từ gai chậu trước trên đến gốc rãnh gian mông.

Cũng có thể vẽ một đường cách đường giữa 3 – 4 khoát ngón tay, thẳng góc xuống đường ngang rãnh gian mỏng và chia vùng mông làm bốn khu. Khu trên ngoài là khu tiệm mông an toàn và tránh được mạch máu và thần kinh lớn (H.9,8).

Nguồn: Bài giảng Giải phẫu học – Chủ biên: Nguyễn Quang Quyền

Xem tất cả các bài giải phẫu tại: https://ykhoa.org/category/chuyen-nganh-y-2/y-hoc-co-so/giai-phau

Giới thiệu Domaianh2001

Check Also

[GIẢI PHẪU SỐ 21] HẦU

1. ĐẠI CƯƠNG Hầu (pharynx) là ngã tư của đường hô hấp và đường tiêu …