Luận án tiến sĩ về ‘bảo vệ’ người Việt làm mướn ở nước ngoài.

Rate this post
Một khía cạnh rất ngạc nhiên trong “Vụ án Cục lãnh sự” là cô Cục trưởng Cục Lãnh Sự hoàn tất luận án tiến sĩ “Bảo hộ công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo các điều ước quốc tế về hợp tác lao động” [1]. Không biết luận án này có liên quan gì đến vụ ‘giải cứu’ bà con kẹt ở nước ngoài.
Thật ra, tôi không có gì để nói trong vụ ‘giải cứu’ mà nhiều bạn đã nói rồi; tôi chỉ quan tâm đến những thông tin trong luận án và muốn đặt trong bối cảnh chung về đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam.
Nếu chịu khó đọc hết luận án này, tôi nghĩ các bạn sẽ tự hỏi đó là một báo cáo công tác hay là một luận án tiến sĩ? Có lẽ các bạn sẽ hỏi “Vậy cái gì làm nên một luận án tiến sĩ?” Một cách ngắn gọn, luận án tiến sĩ phải có ít nhứt một đóng góp về kiến thức mới hay phương pháp mới hay phương pháp luận hay cách tiếp cận (hay nói chung là ‘originality’ — tính nguyên thuỷ). Nhưng ‘kiến thức’ ở đây là kiến thức khoa học, không phải chỉ đơn giản là các văn bản pháp luật hay nghị định. Kiến thức khoa học phải đáp ứng 3 tiêu chuẩn:
• tính phổ quát (universal);
• khái quát hoá (generalizable);
• tái lập (reproducible).
Ví dụ như những ‘kết quả rất đáng khích lệ’ (trang 110) sau khi thực thi một chánh sách nào đó không phải là kiến thức, bởi vì nó không đáp ứng 3 tiêu chuẩn trên. Nhưng nếu một phát hiện về mối liên quan giữa tham nhũng và đảng tịch thì đó có thể là một kiến thức khoa học.
Quay lại với luận án về “Bảo hộ công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo các điều ước quốc tế về hợp tác lao động”. Luận án đặt ra 3 câu hỏi nghiên cứu: “Bảo hộ công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo các điều ước quốc tế về hợp tác lao động được luận giải như thế nào”; (2) “thực trạng pháp luật và thực tiễn công tác BHCD Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo các ĐƯQTVHTLĐ diễn ra như thế nào”; và (3) “Cần có quan điểm, giải pháp nào để nâng cao hiệu quả BHCD Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo các ĐƯQTVHTLĐ?”
Như có thể thấy, cả 3 câu hỏi đều rất chung chung và có vẻ thiếu khoa học tính. Rất khó hình dung ra một phương pháp khoa học (scientific method) để trả lời 3 câu hỏi đó. Ví dụ như mệnh đề “như thế nào” làm cho người đọc phải tự hỏi “là như thế nào” hay thế nào là gì. Nói cách khác, các câu hỏi nghiên cứu thiếu cái mà giới khoa học gọi là ‘khoa học tính.’
Khi đề cập đến ‘khoa học tính’ ý tôi nói là câu hỏi nghiên cứu phải dẫn đến một giả thuyết khoa học, và giả thuyết đó phải kiểm định được. Thường, các luận án (từ cử nhân đến tiến sĩ) ở bất cứ chuyên ngành nào cũng phải có giả thuyết khoa học (scientific hypothesis), và giả thuyết đó được phát biểu dựa trên một câu hỏi nghiên cứu. Câu hỏi nghiên cứu rõ ràng dẫn đến giả thuyết khoa học có thể kiểm định được (testable hypothesis).
Thật ra, luận án này không có giả thuyết nào cả. Nội dung chánh là 1 chương tổng quan và 3 chương báo cáo về ‘những vấn đề lý luận’, ‘thực trạng bảo hộ công dân Việt Nam’, và ‘quan điểm, giải pháp nâng cao hiệu quả bảo hộ công dân Việt Nam …”. Không thấy một số liệu nào mang tính khoa học trong 3 chương đó. Không thấy một phát hiện nào về kiến thức đáp ứng 3 tiêu chuẩn trên. Do đó, tôi thấy luận án này không giống một luận án khoa học cấp tiến sĩ, mà rất giống như một báo cáo về công tác thường qui của một viên chức.
Thật vậy, trong báo cáo này có nhiều trích dẫn từ công văn, nghị định, quyết định, và thông tư của nhà nước. Có cả tài liệu tham khảo từ báo chí phổ thông và các trang mạng. Ngạc nhiên thay, số kiều hối năm 2020 được trích dẫn từ báo Người Lao Động! Rất rất ít bài báo nghiên cứu từ các tập san khoa học (peer reviewed journals). Tuy nhiên, báo cáo có trích dẫn một số ít nghiên cứu từ nước ngoài, nhưng bỏ qua nghiên cứu của Nguyen Phuong Trang về chủ đề bảo vệ quyền lợi của công nhân Việt Nam ở nước ngoài (ĐH Wellington, Tân Tây Lan, 2015)!
Advertisement
Trong một bài báo năm 2016, Gs Trần Văn Thọ (bạn facebook của tôi) viết rằng “luận án tiến sĩ không nhằm nghiên cứu vấn đề thực tiễn áp dụng ngay cho việc phát triển kinh tế – xã hội” [2]. Gs Nguyễn Quốc Vọng (cũng là bạn tôi) cũng từng nói “Những loạt bài có hình thức báo cáo như ‘Đánh giá về thực trạng sản xuất’, ‘Một số ý kiến…, Một số giải pháp…’ không nên xem là những công bố nghiên cứu” [3]. Thiết nghĩ những nhận xét này vẫn còn tính thời sự ngày hôm nay.
Phân biệt giữa báo cáo công tác hay báo cáo tổng kết và luận án khoa học rất quan trọng, nhứt là trong bối cảnh học thuật ở Việt Nam. Những báo cáo tổng kết sau khi triển một chánh sách nào đó không thể xem là luận án khoa học được, bởi nó thiếu tính nguyên thuỷ và không sản sanh ra kiến thức khoa học.
____

Giới thiệu Thuha

Check Also

Đọc sách cuối tuần: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

Hầu như bất cứ ai trong chúng ta đều nghe qua câu thơ bất hủ …