Nên ăn uống thế nào cho hợp lý với người được chẩn đoán tiền đái tháo đường típ 2 hoặc đã mắc đái tháo đường típ 2?
BS. Trần Đắc Diên
Hồi tôi còn thực tập tại khoa Nội tiết một bệnh viện, có một bệnh nhân đến khám với thầy tôi, tôi vẫn còn nhớ như in dáng vẻ của cô ấy, hồi đó mặt cô rất tiều tụy, vẻ mặt khắc khổ, cô trạc tuổi trung niên như mẹ tôi vậy, làm tôi thấy thương nhiều. Sau khi khám tôi có đuổi theo và xin cô nén lại tí. Ngồi ghế, tôi có hỏi cô thế này:
– “Cô có biết mình mắc ĐTĐ típ 2 này lâu chưa? “
Cô nói:
– “Chưa bác sĩ, hồi giờ cô đâu biết gì, cô cứ mãi lo cho gia đình, làm này làm kia, nhiều lúc thấy mệt, bủn rủn tay chân, rồi tiểu nhiều, lại hay thèm ngọt, mà cô đâu nghĩ nhiều, rồi đến hôm nay, thằng cu con nó dặn cô đi khám đi mẹ, con còn ít tiền để con đưa mẹ đi nha mẹ. Thành ra, cô mới đến khám, ai dè ra bệnh này”.
– “Hừm, đời thật, lắm cảnh thật” – tôi nghĩ. Con người tôi thì lại hay “động lòng”, bởi vậy người cũng xuýt xoa, “Thế nãy thầy con dặn dò ăn uống ra sao, cô còn nhớ không đó?”
– “Nhớ sơ sơ thôi bác sĩ,….”
Tôi nhìn cô, cô cũng nhìn tôi…
Nhân một trường hợp đó làm tôi nhớ mãi như vậy, hôm nay tôi cũng xin tổng hợp một số ý chính, tất nhiên, chế độ ăn uống “DIET” dành cho người bệnh ĐTĐ típ 2 kể cả tiền đái tháo đường típ 2 vẫn là một nội dung khá rộng, đi sâu sẽ khai thác nhiều hơn, ở đây tôi không nhắc đến ĐTĐ típ 1 vì thực tế chế độ ăn có khác.
Và đặc biệt, sau bài này tôi sẽ có 1 bài viết về “Tinh bột kháng”, đây là 1 chất mà bản thân tôi từ lúc còn ngồi ghế nhà trường đến nay vẫn rất “tâm đắc” và đặt nhiều niềm tin vào đó!
Đái tháo đường típ 2 là một bệnh lý phổ biến, thường liên quan đến lối sống và chế độ ăn uống. Việc điều chỉnh chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
1. Nguyên tắc chung trong chế độ ăn
-
Ăn uống cân bằng: Tăng cường tiêu thụ rau xanh, trái cây ít đường, ngũ cốc nguyên hạt và protein từ cá (ưu tiên), thịt gia cầm, đậu hạt.
-
Hạn chế hoặc tốt hơn hết “Bỏ luôn” đường và tinh bột tinh chế: Tránh các thực phẩm chứa nhiều đường như bánh kẹo, nước ngọt và tinh bột tinh chế như bánh mì, gạo trắng (nhớ là gạo trắng thôi không bao gồm gạo lứt), bánh ngọt, bánh quy, bánh bông lan, bánh rán (donut), bánh su kem, bánh pizza (đế làm từ bột mì). mì tôm, mì gói, mì sợi, bún, phở từ bột gạo trắng; Nui, pasta từ bột mì trắng, bánh bao (vỏ làm từ bột mì trắng), bánh tráng, bánh đa trắng, cháo trắng, và kể cả cơm trắng… (kể mãi cũng khó hết nổi), trong đó thực phẩm mà người Việt mình thường rất dùng cho dịp lễ Tết, hay ăn thường nhật đó là “Bánh chưng, bánh giầy” và bánh tét – các sản phẩm làm từ gạo nếp.
-
Chia nhỏ bữa ăn: Ăn 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ mỗi ngày để duy trì mức đường huyết ổn định. Mỗi bữa phải “ăn ít thực phẩm từ tinh bột nói trên vì nó sản sinh đường”.
2. Lựa chọn thực phẩm tốt cho người Tiền ĐTĐ típ 2 hoặc ĐTĐ típ 2
-
Trái cây và rau củ: Ưu tiên các loại có chỉ số đường huyết thấp như táo, lê, bưởi, cam, rau xanh lá, bông cải xanh. Và có thể dùng hạt chia.
-
Ngũ cốc nguyên hạt: Sử dụng yến mạch, gạo lứt thay cho các loại tinh bột tinh chế.
-
Protein: Lựa chọn thịt nạc, cá, đậu hạt, đậu phụ và các sản phẩm từ sữa ít béo.
-
Chất béo lành mạnh: Sử dụng dầu ô liu, dầu hạt cải, quả bơ, các loại hạt và hạt chia.
3. Thực phẩm nên hạn chế hoặc tốt nhất KHÔNG ĂN, KHÔNG UỐNG
-
Đồ uống có đường: Nước ngọt, nước ép trái cây có đường, trà sữa.
-
Thực phẩm chế biến sẵn: Xúc xích, thịt xông khói, đồ ăn nhanh chứa nhiều muối và chất béo bão hòa.
-
Bánh kẹo và đồ ngọt: Bánh ngọt, kẹo, kem chứa nhiều đường và calo rỗng.
4. Lời khuyên về chế độ ăn uống
-
Uống đủ nước: Ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, hạn chế hoặc “ngưng” đồ uống có cồn và caffeine.
-
Kiểm soát khẩu phần: Sử dụng đĩa nhỏ hơn, ăn chậm và dừng lại khi cảm thấy no.
-
Lập kế hoạch bữa ăn: Chuẩn bị thực đơn hàng tuần để đảm bảo sự đa dạng và cân bằng dinh dưỡng.
-
Tập thể dục đều đặn: Kết hợp chế độ ăn với hoạt động thể chất như đi bộ, bơi lội hoặc yoga ít nhất 45 phút mỗi ngày. (Theo nhiều nghiên cứu mới nhất chỉ cần đi bộ 45 phút mỗi ngày, duy trì hang tuần như vậy là đủ).
Việc tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh và lối sống tích cực sẽ giúp người tiền ĐTĐ típ 2 hoặc ĐTĐ típ 2 kiểm soát bệnh hiệu quả và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Vậy, từ những điều trên, theo bạn thực đơn một ngày gồm bữa sáng, bữa trưa và bữa tối cho người bệnh tiền ĐTĐ hoặc ĐTĐ típ 2 nên gồm những gì?
Tôi gợi ý trước nhé, ví dụ:
Bữa sáng
✅ Cháo yến mạch + trứng luộc
- 3-4 muỗng yến mạch nấu với nước hoặc sữa không đường.
- 1 quả trứng luộc.
- 1 cốc nước ấm hoặc trà thảo mộc không đường.
💡 Lưu ý: Yến mạch giúp duy trì đường huyết ổn định, trứng cung cấp protein chất lượng cao.
Bữa trưa
✅ Cơm gạo lứt + cá kho + rau luộc
- 1/2 chén cơm gạo lứt.
- 1 khúc cá kho tiêu (có thể chọn cá basa, cá rô, cá thu).
- Rau xanh luộc (cải ngọt, bông cải xanh, rau muống…).
- 1/2 quả bưởi hoặc 1 quả táo nhỏ.
💡 Lưu ý: Gạo lứt giúp kiểm soát đường huyết, cá giàu omega-3 tốt cho tim mạch, rau xanh giúp cung cấp chất xơ.
Bữa tối
✅ Canh rau + Thịt gà bỏ da hoặc thịt nạt heo áp chảo + Khoai lang
- 1 bát canh rau củ (bí đỏ, cà rốt, rau xanh, đậu hũ non).
- Thịt gà bỏ da hoặc thịt nạt heo áp chảo hoặc luộc (khoảng 100g).
- 1/2 củ khoai lang luộc.
💡 Lưu ý: Khoai lang có chỉ số đường huyết thấp hơn cơm trắng, giúp no lâu mà không làm tăng đường huyết nhanh.
Bữa phụ (có thể chọn 2 trong 3 lựa chọn sau ăn vào lúc rảnh, cảm giác đói)
- Hạt chia ngâm nước (1 muỗng hạt chia ngâm 200ml nước ấm).
- Sữa chua không đường (1 hũ sữa chua).
- Trái cây như bưởi hoặc “chuối xanh gần chín tới (Dân mình hay gọi chuối “hườm”) – luộc”.
Thực đơn này không chỉ dễ thực hiện mà còn tiết kiệm chi phí, phù hợp với điều kiện của nhiều người 😊
Nguồn tham khảo
1. How to Make Healthy Eating Choices, https://diabetes.org/food-nutrition/eating-healthy
2. Adherence to Mediterranean dietary pattern and the risk of gestational diabetes mellitus: a systematic review and meta-analysis of observational studies, https://www.nature.com/articles/s41387-024-00313-2
3. Nutritional Aspects to Cardiovascular Diseases and Type 2 Diabetes Mellitus, https://link.springer.com/article/10.1007/s11886-023-02018-x
4. Nutrition at the Intersection between Gut Microbiota Eubiosis and Effective Management of Type 2 Diabetes, https://www.mdpi.com/2072-6643/16/2/269
5. Managing type 2 diabetes through diet and exercise, https://bestpublication.org/index.php/bkij/article/view/11194
6. Effectiveness of Prebiotics and Mediterranean and Plant-Based Diet on Gut Microbiota and Glycemic Control in Patients with Prediabetes or Type 2 Diabetes: A Systematic Review and Meta-Analysis, https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC11478454/
7. The Role of Obesity in Type 2 Diabetes Mellitus—An Overview, https://www.mdpi.com/1422-0067/25/3/1882
8. Chrononutrition in type 2 diabetes mellitus and obesity: A narrative review, https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1002/dmrr.3778