Bệnh SIDA hay còn gọi là bệnh AIDS (Acquired ImmunoDeficiency Syndrome) gây ra bởi virus HIV. Như tên gọi của căn bệnh “Acquired ImmunoDeficiency Syndrome” (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải), sau khi virus HIV lây nhiễm vào cơ thể nếu không điều trị thì có thể tiến triển đến giai đoạn “suy giảm miễn dịch”. Có thể hiểu, lúc này hàng rào bảo vệ cơ thể bạn bị sụp đổ, cơ thể của bạn dễ dàng bị tấn công bất cứ lúc nào bởi các tác nhân gây bệnh trong môi trường. Hiện nay, không có phương pháp điều trị dứt điểm cho căn bệnh này, hầu hết người mắc virus HIV phải sử dụng thuốc “chống virus” liên tục và suốt đời để kìm hãm sự sinh sản, phát triển và đột biến của chúng.
Hôm nay, một phát hiện khá thú vị được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành “Annals of Internal Medicine” về một trường hợp hiếm gặp về người có khả năng tự chữa lành bệnh SIDA (AIDS) mà không cần sử dụng thuốc đặc trị. Trường hợp này là một phụ nữ sống ở Argentina, khoảng 30 tuổi, được phát hiện nhiễm virus HIV vào tháng 3 năm 2013. Tuy nhiên, trong suốt 8 năm tiếp theo với 10 lần xét nghiệm bằng PCR đều không phát hiện được virus HIV! Trong suốt thời gian này cô ta chỉ sử dụng thuốc chống virus vào thời gian mang thai từ tháng 9 năm 2019 đến tháng 3 năm 2020 (các thuốc cô sử dụng là tenofovir, emtricitabine và raltegravir giúp ngăn ngừa sự sinh sản của virus). Sau khi sinh xong, cô ngừng sử dụng các thuốc kháng virus, con của cô vẫn khỏe mạnh và không có dấu hiệu nhiễm virus HIV. Trong khi đó, người bạn đời của cô (patient’s partner) cũng là một người bị nhiễm HIV, có lượng virus khoảng 186 ngàn bản sao (gene copies) trong mỗi mili-lít máu trong một xét nghiệm vào tháng 2 năm 2013 và chết vì bệnh AIDS vào tháng 7 năm 2017.
Cô trở thành một hiện tượng khoa học bí ẩn mà người ta muốn tìm ra lời giải thích để hy vọng có thể dẫn đến một phương pháp điều trị virus HIV hữu hiệu hơn cho loài người. Từ năm 2017 các nhà khoa học ở Argentina và Mỹ đã thu thập máu của cô để kiểm tra hàng tỉ tế bào nhằm tìm kiếm dấu vết của virus HIV. Thậm chí vào năm 2020, sau khi cô sinh con, họ cũng đã kiểm tra các tế bào nhau thai, nơi có rất nhiều tế bào miễn dịch của người mẹ. Qua hàng loạt các thí nghiệm được thực hiện rất cẩn thận trong khoảng thời gian dài nhưng họ vẫn không tìm ra dấu vết nào cho thấy có dấu hiệu virus HIV còn trú ẩn ở đâu đó trong cơ thể cô ấy. Trong suốt khoảng thời gian đó những gì họ tìm thấy chỉ là 7 mảnh gene không còn nguyên vẹn (defective) của virus (7 mảnh gene này không có khả năng tổng hợp trở thành virus thật). Điều này chứng tỏ rằng “đã có” một khoảng thời gian nào đó virus HIV có khả năng sinh sôi nảy nở trong người cô ta nhưng sau đó “vì một nguyên nhân” nào đó mà chúng đã bị hệ miễn dịch cô ra phát hiện và tiêu diệt “tận gốc”. Hiện nay vẫn chưa có câu trả lời nào là phù hợp và có thể cần rất nhiều thí nghiệm khác nữa để tìm ra manh mối!
Để đảm bảo bí mật riêng tư cho bệnh nhân này, người ta gọi cô với biệt danh là “bệnh nhân Esperanza”, theo tên gọi của thành phố cô đang ở, nằm phía bắc Argentina. Cô có thể được xem là người thứ 2 trên thế giới có hiện tượng “xóa sổ” virus HIV trong người “một cách tự nhiên”. Người đầu tiên được phát hiện có hiện tượng này là một phụ nữ 67 tuổi tên là Loreen Willenberg, một cư dân ở California, được phát hiện mắc virus HIV vào năm 1992 và người ta cũng đã kiểm tra hơn 1 tỉ rưỡi tế bào của bà nhưng không tìm ra mảnh gene nguyên vẹn nào của virus.
Trong khoảng mấy chục năm gần đây người ta còn thấy rằng có khoảng 0.5% trong tổng số khoảng 38 triệu người mắc virus HIV trên hành tinh chúng ta có hệ miễn dịch đủ mạnh để kiểm soát sự phát triển của virus HIV trong cơ thể, để không cho chúng chuyển sang giai đoạn nguy hiểm. Các nhà khoa học gọi những người này là “Elite controllers” (tạm dịch là “những người có khả năng kiểm soát siêu việt”). Tuy nhiên, khác với hai trường hợp ở trên, trong cơ thể của họ vẫn còn các gene nguyên vẹn của virus ẩn nấp đâu đó và hoàn toàn có thể tạo ra các virus hoàn chỉnh khác.
Ngoài ra, thế giới còn biết đến 2 trường hợp khác mà y học hiện đại đã “phần nào thành công” trong việc “điều trị” tận gốc virus HIV đó là trường hợp Bệnh nhân Berlin (the Berlin Patient) vào năm 2009 và bệnh nhân London (the London Patient) vào năm 2019 khi họ sử dụng phương pháp cấy tủy xương cho những bệnh nhân này. Đây là những tế bào tủy xương đặc biệt vì chúng được lấy từ những người có chứa đột biến hiếm trên gene có tên là CCR5 mã hóa cho một thụ thể trên bề mặt tế bào miễn dịch mà virus HIV cần bám lên đó để xâm nhập vào. Tuy đây là hai thành công đáng ghi nhận nhưng phương pháp này vẫn được xem là quá khó thực hiện vì giá thành cao, rủi ro lớn và khó tìm người có tủy xương tương thích, v.v…
Tóm lại, dù virus HIV đã được phát hiện từ nhiều thập kỷ trước, được xem như một dịch bệnh nguy hiểm của loài người nhưng việc tìm ra vaccine và thuốc điều trị vẫn là một thách thức vô cùng khó khăn vì loại virus này quá “tinh ranh” với trò “trốn tìm” ngay chính trong tế bào quan trọng nhất để bảo vệ cơ thể, đó là tế bào miễn dịch! Tuy nhiên, chúng ta vẫn hy vọng với công nghệ kỹ thuật ngày càng hiện đại một ngày nào đó những ẩn số trong những trường hợp hiếm hoi như cô bệnh nhân Esperanza sẽ được tìm ra và là tiền đề cho những phương pháp điều trị hữu hiệu hơn và triệt để hơn.
Có một sự trùng hợp ở trong câu chuyện này đó là “Esperanza” trong tiếng Tây Ban Nha (ngôn ngữ được sử dụng ở Argentina) là “HOPE” (Hy vọng).
TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím
Tài liệu tham khảo:
Turk G, Seiger K, Lian X, et al. A Possible Sterilizing Cure of HIV-1 Infection Without Stem Cell Transplantation. Ann Intern Med. 2021 Nov 16. doi: 10.7326/L21-0297. (https://www.acpjournals.org/doi/full/10.7326/L21-0297)
https://www.statnews.com/…/scientists-report-finding…/ (Scientists report finding a second person to be ‘naturally’ cured of HIV, raising hopes for future treatments)
https://www.thelancet.com/…/PIIS0140-6736(10…/fulltext (Antiretroviral therapy and management of HIV infection)
https://www.cdc.gov/hiv/basics/livingwithhiv/treatment.html (HIV treatment)
Truy cập vào (COVID-19) Trung tâm thông tin để xem nguồn lực về vắc xin.
Tìm hiểu về vắc xin
<img class="j1lvzwm4" role="presentation" src="data:;base64, ” width=”18″ height=”18″ />
<img class="j1lvzwm4" role="presentation" src="data:;base64, ” width=”18″ height=”18″ />
1,7K
93 bình luận
112 lượt chia sẻ