Nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm B xâm lấn (iGBS) ở trẻ sơ sinh làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần kéo dài đến tuổi thanh thiếu niên. Trẻ sơ sinh bị viêm màng não có tỷ lệ mắc các rối loạn này cao hơn so với những trẻ bị nhiễm trùng huyết. Sinh non, đái tháo đường thai kỳ của mẹ và người mẹ trình độ thấp được chỉ ra làm tăng thêm nguy cơ này.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:
Nghiên cứu đoàn hệ này đánh giá mối quan hệ giữa bệnh nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm B xâm lấn ở trẻ sơ sinh và nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần cho đến tuổi thanh thiếu niên và đầu tuổi trưởng thành bằng cách sử dụng dữ liệu từ các hồ sơ y tế và hành chính quốc gia của Đan Mạch.
Dữ liệu từ 1548 trẻ sơ sinh được chẩn đoán nhiễm trùng liên cầu nhóm B xâm lấn từ năm 1997 đến 2020 đã được đưa vào nghiên cứu, trong đó 87.7% trẻ bị nhiễm trùng huyết và 12.3% bị viêm màng não. Các trẻ này được so sánh với 15.345 cá thể đối chứng và được theo dõi cho đến năm 2022.
Kết quả chính là sự phát triển của bất kỳ rối loạn tâm thần nào, các kết quả phụ bao gồm rối loạn tâm thần hữu cơ, rối loạn sử dụng chất, tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc, rối loạn liên quan đến căng thẳng, rối loạn nhân cách và rối loạn phát triển.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển rối loạn tâm thần đã được xác định bao gồm: giới tính, sinh non, năm sinh, độ tuổi của mẹ khi sinh, trình độ học vấn của mẹ, thu nhập của mẹ.
KẾT QUẢ CHÍNH:
Trẻ sơ sinh mắc liên cầu khuẩn nhóm B xâm lấn có nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần cao hơn 41% so với nhóm đối chứng, với nguy cơ thậm chí còn cao hơn trong 10 năm đầu tiên.
Tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần tích lũy là 21.1% ở trẻ bị nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm B so với 16.2% ở nhóm đối chứng. Ngoài ra, tỷ lệ này cao hơn rõ rệt ở trẻ bị viêm màng não (30.1%) so với trẻ bị nhiễm trùng huyết (20.0%).
Trẻ sơ sinh mắc bệnh có nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần riêng biệt cao hơn bao gồm khuyết tật trí tuệ, rối loạn liên quan đến thần kinh và rối loạn hành vi.
Đái tháo đường thai kỳ của mẹ, sinh non và trình độ học vấn thấp của bà mẹ càng làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần trong thời kỳ vị thành niên.
Ý NGHĨA THỰC TIỄN
“Phát hiện của chúng tôi gợi ý rằng việc phòng ngừa liên cầu khuẩn nhóm B xâm nhập [iGBS] nên được xem xét trong thực hành lâm sàng đối với các thai phụ. Việc phòng ngừa thành công iGBS không chỉ giảm tỷ lệ tử vong do bệnh mà còn giảm nguy cơ lâu dài mắc các rối loạn tâm thần do nhiễm trùng gây ra” các tác giả viết.
NGUỒN: Mebscape – Group B Streptococcus Infections in Infancy Raise Mental Health Risks Through Adolescence
CÂU HỎI:
Theo bạn việc xét nghiệm phát hiện sớm thai phụ bị nhiễm GBS có ý nghĩa lớn như thế nào trong phòng ngừa nhiễm trùng sơ sinh?
Có cách nào để hạn chế nhiễm iGBS ở trẻ sơ sinh?