Em hãy đọc nội dung sau đây và trả lời các ý ở cuối bài nhé Khi làm phong trào từ cách đây hơn 10 năm, anh nhận thấy một vấn đề nghe có vẻ đơn giản nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đó là giao tiếp. Nếu để ý, một người tham gia phong trào, tham gia hoạt động xã hội trông có vẻ hoạt ngôn, nói năng lưu loát hơn. Còn một em năm nhất, hoặc năm hai ba bốn nhưng ít tham gia hoạt động, ít giao tiếp thì có vẻ nói chuyện không được lưu loát, có vẻ cấn cấn. Không phải vơ đũa cả nắm nhưng đa số là như thế. Vậy trong nhiệm vụ này anh sẽ liệt kê nguyên nhân và đưa ra giải pháp giao tiếp trong ML như thế nào? Về nguyên nhân: - Thực sự trong giáo dục phổ thông hiện tại học nhiều về khoa học tự nhiên (Toán lý hoá sinh) và khoa học xã hội (Văn Sử Địa). Môn tự nhiên ngày càng hướng về việc đạt kết quả (Trắc nghiệm) thay vì chú trọng vào quá trình (tự luận) trước đây. Các môn Sử Địa cũng có phần như vậy. Ở môn Văn và Giáo dục công dân thường mang tính rập khuôn, định hướng học sinh phải viết văn hoặc tiếp nhận một kiến thức nào đó thay vì gợi ý học sinh sáng tạo. Vì vậy một sinh viên năm nhất trải qua thời gian dài ôn thi đại học, tập trung vào kiến thức nhưng mất dần kỹ năng, khi quay lại với kỹ năng thì nhiều em không tiếp thu được. Anh là một giảng viên, thậm chí khi đi dạy anh thấy nhiều em lấy giấy bút ra viết bài mà run tay, viết không ra chữ nữa, khi được hỏi thì sinh viên trả lời là đã lâu chỉ học trắc nghiệm, dùng bàn phím, viết nháp, giờ ghi chú khó khăn hơn lúc trước. Tuy nhiên đây là nhận xét cá nhân về đa số, không phải là tất cả. - Khi lên đại học, hầu hết các ngành có dạy kỹ năng về giao tiếp, tuy nhiên cũng có giới hạn thường là 1 tín chỉ, đôi khi là 2 tín chỉ. Cũng khó có nhiều kỹ năng giao tiếp. - Số lượng các em năng nổ tìm cái gì đó tham gia ít hơn, và đa số thì tập trung vào việc học hoặc đi làm thêm. Anh có đến thăm, gặp nhiều trường đại học. Thấy rằng trong lớp thường chỉ có bí thư, lớp trường và vài em tích cực hoạt động. Còn lại đa số trầm. Cũng có trường hợp cả lớp sôi nổi nhưng thực sự rất ít. - Chưa va vấp nhiều, thường đến khi ra trường, gặp sếp, gặp đồng nghiệp, nói năng không thuận tai thì một nhân viên mới ngộ ra là mình không ổn. Qua đó có người tự sửa tự rèn lại, tuy nhiên cũng có người giữ mãi quan điểm và vẫn giao tiếp không ổn. Bàn luận: - Người ta nói kiến thức, thái độ, kỹ năng thì kiến thức có thể đến 90% trong quá trình học, nhưng thái độ và kỹ năng mới chiếm 97% quyết định em có thành công không. Thái độ và kỹ năng được bộc lộ qua cái em thể hiện ra hàng ngày như kỹ năng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, lãnh đạo, lập kế hoạch, vận hành,… nhưng cái mà em dùng hàng ngày nhất là kỹ năng GIAO TIẾP. - Có 2 đối tượng muốn làm việc với nhau, họ nói chuyện hợp nhau thì cái gì cũng xuông sẻ, “thương nhau củ ấu cũng tròn”, đôi khi có chút sai sót thì bỏ qua cho nhau. Còn đôi khi giao tiếp dở, 2 bên nghi kỵ nhau sẽ dẫn đến “ghét nhau củ bồ hòn cũng méo”, em không cần biết anh chị nói gì làm gì nhưng em ghét điều đó. Vậy thì sao có thể làm việc được? => Như vậy ai cũng muốn nghe lời lọt tai, và ai cũng muốn nói lời lọt tai cho người khác nghe. Nói về nguyên tắc giao tiếp, em biết tiếng Việt là phong phú, có nói cả ngày cũng không hết được việc giao tiếp thế nào cho hay, cho phải. Nhưng đối với các em trong ML, anh có một số yêu cầu giao tiếp như sau: 1. Mở đầu câu chuyện - không đợi người khác rep 1 lần đệm - Thường khi nhắn tin inbox người khác em sẽ nói “Chào Anh / Chào Chị / Thưa Anh / Anh ơi,…”? => Thấy có vẻ cũng lịch sự nhưng không được rep. Nhiều người còn bực mình nói em không nên bắt đầu như vậy. Vì người khác lại phải trả lời em 1 lần, rồi em mới nói vấn đề ra. Trong cuộc sống hối hả, người ta sẽ ghét phải trả lời 1 lần khi chưa biết việc đó liệu có quan trọng, họ sẽ ưu tiên vấn đề khác hơn. => Nếu em muốn giải quyết, thắc mắc vấn đề gì, em nên đi vào thẳng vấn đề. “Chào Anh, em là Nguyễn Văn A, em đang có vấn đề B… Và nếu gặp 1 người có mở lời như vậy, em hãy nhắc nhở họ 1 lần để lần sau họ không như vậy nữa. 2. Mô tả vấn đề một cách rõ ràng, nói rõ mình đã làm gì và hiện đang trục trặc ntn? Ví dụ em inbox 1 anh chị quản lý: - “Anh trưởng ban XX ơi em không đăng bài được, anh giúp em với” => Trưởng ban sẽ cảm thấy vấn đề là: Ủa em này không đăng bài được, nhưng ban XX của mình có mấy việc đăng bài luôn, đăng bài page, đăng bài group, đăng bài web. Vậy em ấy không đăng bài được ở đâu. Rồi không đăng được là không đăng được ở khâu nào, khâu đặt tiêu đề, tải hình ảnh, hay đăng nhập hệ thống page web? Rồi em đó đã làm được cái gì, không làm được cái gì trong bước trên? Liệu bạn này đã cố gắng xử lý chưa hay là rất “gánh nặng” và “phiền phức”?? Trong trường hợp này, cần xử lý: - Người hỏi cần hỏi rõ vấn đề ở đâu, vấn đề ntn, lúc nào, tại sao không làm được, và em đã cố gắng xử lý ntn không được, có hình minh hoạ kèm theo? (Nguyên tắc 5W) - Người trả lời sẽ cảm thấy à bạn này đặt 1 câu hỏi chuyên nghiệp và tôn trọng mình và mình cần phải có 1 câu trả lời chu đáo cho bạn ấy. - Và nếu người hỏi đặt một câu hỏi chưa hay, hãy cho người hỏi nắm lại nguyên tắc này để họ có được câu hỏi tốt nhất. 3. Giao việc, đảm bảo người nhận việc nắm thông tin. - Làm việc thường làm trong tin nhắn, giao một việc rồi tin nhắn trôi đi, cuối cùng người giao trách người làm không xem không làm. Người làm trách người giao là giao không chu đáo, không chuyên nghiệp. Vậy người giao cần giao như thế nào? - Vấn đề rất quan trọng - cần thực hiện ngay: Cần gọi SĐT, gọi audio qua mess hoặc zalo để nói trực tiếp với người đó. Vì nếu nhắn tin thì họ có quyền đọc hoặc không đọc. Rồi nói vì bận em đọc qua nên chưa nắm. Sẽ có 1000 lý do để từ chối hoặc thoái thác. Nếu em giao 1 việc gấp, em đợi người ra reply tin nhắn, rồi đợi làm, tỷ lệ hoàn thành sẽ không cao. Người nhận tin cũng cảm thấy việc không quá quan trọng. - Vấn đề quan trọng - có thời gian tương đối dài để thực hiện (từ một ngày trở lên): Có thể nhắn tin, tuy nhiên nhắn tin và nhắc một cách kỹ lưỡng. Vậy nhắc thế nào là kỹ lưỡng? + Nên nhắn cả tin nhắn nhóm và tin nhắn cá nhân để đỡ trôi. + Nên yêu cầu người nhận tin lặp lại cú pháp: Họ và tên A + đã nhận tin XYZ (sẽ tạo 1 đường nhớ trong não người nhận) + Không nên: Nhắn trống không không cần phản hồi. Chỉ yêu cầu thả tim - người ta chỉ thả tim và đôi khi cũng không đọc, khi hỏi lại thì em tưởng thả tim là xong rồi. 4. Hãy trả lời bằng tin nhắn, bằng chữ nếu được thay vì im hoặc thả cảm xúc. - Như đã nhắc ở nhiệm vụ 15, bệnh “im” là một bệnh rất nghiêm trọng. Người ta nói đúng cũng im, nói sai cũng im, hiểu cũng im, mà không hiểu cũng im, kệ người ta, im là an toàn, chỉ để khi người ta sai thì ta mới lên tiếng chỉ trích và bật lại. Lối sống im lặng đã gặm nhấm thế hệ trẻ qua chương trình học thụ động, thầy cô nói gì cũng tiếp thu và không có trao đổi phản biện. - Quay lại vấn đề giao tiếp: => Người nói nói ra ý kiến của mình, người quản lý giao việc => Em im, thật an toàn, im vậy thích làm gì thì làm, không làm thì nói là tin nhắn trôi em không biết. Tuy nhiên người nói sẽ cảm thấy không được tôn trọng khi lời mình nói ra không được phản hồi, cho dù làm hay không làm cũng nói 1 tiếng chứ? => Rồi đến một ngày đó em nói ra 1 ý kiến, đề xuất 1 công việc, những người khác cũng im luôn. Bản thân em cũng cảm thấy bị thiếu tôn trọng và hụt hẫng khi nói ra mà chả ai bày tỏ quan điểm gì. => Sự im lặng gặm nhấm làm bể sự đoàn kết nhóm, tạo ra sự nghi kỵ lẫn nhau. - Emoji rất tiện ở chỗ bày tỏ cảm xúc một cách ngắn gọn, nhưng cũng hại ở chỗ làm người ta ít nói ra nỗi lòng của mình. Vậy ở mục 4 này có nguyên tắc là em phải nói ra - Hiểu thì nói em đã hiểu vấn đề ABC rồi - Không hiểu thì nói là có mục ABC em hiểu nhưng XYZ chưa hiểu xin anh chị giải thích thêm 5. Nếu đã nói, hãy nói 1 cách chỉnh chu đầy đủ. - Ở mục 4 trên, chúng ta thấy rằng nói ra thì tốt hơn là im lặng hoặc chỉ thả cảm xúc, vậy nói ra thì nói ntn? Nói đầy đủ và chi tiết - Nhận được 1 yêu cầu, em nói “Dạ rồi để em làm ạ” Rồi đến deadline em trả nhiệm vụ, “dạ em làm xong rồi” nhưng kết quả làm lại không đúng. => Vậy thay vì chỉ đồng ý là em sẽ làm. Em cần xác nhận lại công việc mình làm “Dạ anh ơi vậy em sẽ làm công việc A vào thời gian B, em sẽ làm như vậy nhé, em làm kiểu này anh xem được không ạ” . Trong quá trình làm hãy báo cáo thường xuyên để được hỗ trợ. Từ chối hoặc phủ nhận một cách lịch sự - Khi đọc 1 ý kiến em không thấy hợp lý: “Dạ em thấy nó không ổn”, “Em không ủng hộ” hoặc thả dận dữ. => khi bày tỏ ý kiến như vậy thì cũng không giúp ích được. Một người đưa ra ý kiến thì họ cũng muốn ý kiến mình được ủng hộ, khi em làm vậy sẽ làm phật lòng người đưa ra ý kiến và gây mâu thuẫn. Họ sẽ giận dữ. Và em thử đặt em vào trường hợp đó cũng khó lòng ổn được. => Hãy trả lời một cách chuyên nghiệp: Dạ trong ý kiến / yêu cầu của anh chị, em thấy điểm A rất hay và có ích vì em thấy B, nhưng điểm C em thấy không hợp lý vì lý do D. Vì vậy em xin đề xuất phương án E để giải quyết việc này. Nếu trả lời như vậy thì người đưa ra vấn đề sẽ cảm thấy à, em là 1 người lịch sự và tôn trọng ý kiến của họ. Em nói ra điểm hay điểm đúng trước. Sau đó mới nói quan điểm của mình. Họ sẽ tiếp nhận một cách nhẹ nhàng và nhận ý kiến đóng góp. Giải thích với nhau để cùng thấu cảm - Đôi khi từ chối em nói “Em đang bận lắm”, “Em không làm”. => Khi nói cộc lốc như vậy sẽ dẫn đến là người giao việc sẽ thấy em không tôn trọng, đôi khi nghĩ em trốn tránh, thiếu sự cảm thông. Vậy làm sao để có sự cảm thông hơn, em cứ nói thật lòng: - Dạ anh chị ơi chiều nay em có lịch học, em có bài kiểm tra, em đi trực,… Em xin phép không nhận hoặc có thể nhận sau được không? => Như vậy người ta thấy vấn đề rõ ràng, dễ thông cảm hơn. Đôi khi mình muốn người khác thấu cảm mình, nhưng mình đã cho họ dữ kiện để họ hiểu mình chưa? Nếu chưa biết điều gì cần thấu cảm sao họ có thể thấu cảm mình được? Lễ phép là điều cần thiết - Chèn những chữ thể hiện sự tôn trọng trong câu nói. Đối với người nhiều tuổi hơn mình hoặc chức vụ cao hơn. Hãy biết cảm ơn, xin lỗi, dùng từ dạ vâng trong câu để thể hiện sự tôn trọng họ. Trong ý này anh muốn kể 1 câu chuyện: Thực sự anh đưa ra những lời khuyên cho em về giao tiếp, nhưng cá nhân anh trong thời sinh viên cũng không phải là 1 người giao tiếp quá tốt, nếu nghĩ lại còn có phần hơi tự mãn và hơi ngông. Tuy nhiên có những dấu mốc làm em phải xem lại và cảm thấy xấu hổ về các sống như vậy. Khi ra trường anh về trường Đại học Duy Tân dạy và công tác tại bệnh viện Trung ương Huế, được làm việc trực tiếp với các giáo sư, các Thầy Cô bác sĩ đầu ngành. Ban đầu anh có tưởng tượng những người đó sẽ nói chuyện rất hoành tráng và trọng lực. Nhưng không. Càng lên cao anh thấy những người có học thức họ lại càng khiêm tốn, thể hiện qua việc: + Họ thường lễ phép, kể cả với người nhỏ hơn. Anh đã thấy 1 người Giáo sư dạ thưa với 1 người nhỏ tuổi hơn nhưng chức vụ cao hơn. Giáo sư hiệu phó dạ thưa với hiệu trưởng trẻ tuổi. Điều đó không làm người hiệu trưởng tự mãn, hiệu trưởng cảm thấy kính trọng giáo sư hơn. + Họ thường cảm ơn, kể cả những cô lao công, giúp việc, phục vụ, tiếp viên tàu xe máy bay. Điều anh ít khi làm vì nghĩ đó là nghĩa vụ của những người phục vụ, nhưng không, anh nghĩ mình đã thiếu sót. + Họ thường nghĩ đến sự công bằng, khi trong đơn vị ai được cái gì mà người khác không được, họ thường có xu hướng bù lại. Dù là 1 cái bánh, 1 viên kẹo, 1 tách trà trong 1 buổi gặp. Hay nếu thiếu 1 chén soup trong bữa ăn họ sẽ gọi phục vụ bổ sung cho người thiếu, người đến sau. => Những điều kể trên làm anh cảm thấy xấu hổ vì những gì mình đã nói ra trước đó. Sự thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng làm mình nói ra những câu cộc lốc, câu thiếu suy nghĩ, làm tổn thương nhiều người. Giá như mình được học, giá như mình được biết thì đã bớt đi nhiều sự cố xảy ra trong quá khứ. Đến hiện tại nhiều người nhắc về anh về những thành công, nhưng tất nhiên mình cũng có những sai lầm và sự cố đôi khi mình khó có thể tha thứ hay dằn vặt mình, đôi khi gặp những người bạn cũ hay những người làm việc cùng để gửi lời xin lỗi họ, để làm cho họ 1 việc gì thay lời xin lỗi cho nhẹ lòng sẽ tốt hơn. Nhưng đôi khi có những người không thể gặp, không thể làm gì cho họ. Ở ý cuối cùng này, bản thân anh đưa ra nhiệm vụ này không mong muốn em tốt như anh ở một lúc nào đó. Anh chỉ mong em đừng tệ như anh đã từng tệ trong quá khứ. Hãy giao tiếp chan hoà với nhau. Đó là cầu nối để em làm việc. Nếu xác định còn làm việc thì hãy giao tiếp và giao tiếp tử tế. Chúc các em thành công. Sau khi đọc nội dung trên, em hãy chọn một trong số các ý sau để trả lời: Theo cú pháp Họ và tên + Nội dung câu trả lời. - Em có suy nghĩ gì về vấn đề giao tiếp? - Em nghĩ mình có vấn đề nào trong các trường hợp trên, cần cải thiện ntn? - Em có kỷ niệm nào đáng nhớ về giao tiếp? - Em đang có vấn đề gì về giao tiếp trong ML không? Em sẽ cải thiện ntn. - Mỗi ban đều có 1 nhóm chat đuôi x.0, ở đó có các em đến từ G7 sẵn sàng kết nối. Em có dự định sẽ giao tiếp với G7 như thế nào ở đó? - Hoặc ý gì khác mà em nghĩ cần nói ra Em comment ở đây nhé https://www.facebook.com/groups/196345345915168/posts/820500803499616/?_rdc=1&_rdr