Người xưa có câu: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, điều đó thúc đẩy việc tầm soát sớm trở thành biện pháp dự phòng bệnh tật hiệu quả, nhưng bác sĩ chúng ta có biết chẩn đoán quá mức (overdiagnosis) – phát hiện các bệnh lý không gây hại nếu không tầm soát (về mặt ý nghĩa lâm sàng) có thể đưa đến nhiều hệ lụy cần chúng ta suy ngẫm lại.
Hệ Lụy của Chẩn Đoán Quá Mức
1. Điều Trị Và Can Thiệp Y Tế Không Cần Thiết
- Tầm soát ung thư: 82% người có kết quả dương tính thực sự phải thực hiện các thủ thuật bổ sung, trong khi 30% người có kết quả dương tính giả cũng trải qua các xét nghiệm không cần thiết. [1]
- Thời gian trung bình đến chẩn đoán cuối cùng là 57 ngày với trường hợp dương tính thực sự (có ung thư) và lên đến 162 ngày với trường hợp dương tính giả (không ung thư). [1] Với 5 tháng gắn mác “bệnh nhân ung thư”, bạn có thể sống vui sống khỏe một cách bình thường không?
2. Gánh Nặng Tâm Lý
- Việc biết mình mắc bệnh (do overdiagnosis) dù không ảnh hưởng đến sức khỏe, vẫn gây lo lắng và trầm cảm. [2]
- Nhiều chuyên gia y tế đánh giá mức độ tác hại của chẩn đoán quá mức trung bình là 3.48/4 đối với tầm soát ung thư tuyến tiền liệt và 2.67/4 đối với tầm soát ung thư đại trực tràng (điểm càng cao, tác hại càng lớn) [3]
3. Chi Phí Y Tế Tăng Cao
- Tiêu tốn hàng tỷ đô la mỗi năm do xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị không cần thiết. Điều này có thể dẫn đến mất công bằng y tế trong sự phân bổ nguồn lực!
4. Nhầm Lẫn Với Dương Tính Giả
- Dù overdiagnosis khác với kết quả dương tính giả, nhưng cả hai đều dẫn đến lo âu và các xét nghiệm bổ sung không cần thiết, gây tác động tiêu cực đến bệnh nhân.
Làm Sao Để Giảm Thiểu Overdiagnosis?
- Đánh giá kỹ càng hiệu quả của xét nghiệm tầm soát trước khi ra y lệnh.
- Tư vấn đầy đủ để bệnh nhân hiểu rõ lợi – hại trước khi quyết định xét nghiệm.
- Chỉ áp dụng tầm soát cho nhóm bệnh nhân nguy cơ cao thay vì đại trà.
Liệu tầm soát sớm có thực sự mang lại lợi ích tối đa? Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn về việc lạm dụng xét nghiệm để tầm soát như hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
[1] Uptodate (2025), Overview of preventive care in adults. [2] Theodora M Ripping (2017), Quantifying Overdiagnosis in Cancer Screening. [3] Veerle Piessens (2025), Do health professionals know about overdiagnosis in screening, and how are they dealing with it?Advertisement