SUY GIÁP LÂM SÀNG
Tuyến giáp tiết ra hormone giáp gồm T4 (thyroxine) và T3 (Triiodothyroine). Hormone giáp đóng vai trò chính trong điều hòa tốc độ trao đổi chất (tốc độ chuyển hóa) của cơ thể. Vì vậy, hormone giáp có thể ảnh hưởng đến nhiều chức năng sống của cơ thể như nhịp tim, tốc độ phát triển, đốt cháy calori, cân bằng độ ẩm da, sự tạo nhiệt, sinh sản và tiêu hóa.
Tuyến yên bài tiết ra TSH (thyroid-stimulating hormone) kích thích tuyến giáp sản xuất hormone giáp. Sự bài tiết TSH phụ thuộc vào nồng độ hormone giáp trong máu. Khi hormone giáp trong máu tăng cao sẽ ức chế tuyến yên làm giảm nồng độ TSH trong máu và ngược lại khi hormone giáp trong máu thấp sẽ kích thích tuyến yên tiết ra nhiều TSH.
Suy giáp là một bệnh lý do tuyến giáp tiết không đủ hormone giáp, làm giảm chuyển hóa và chức năng của cơ thể.
Suy giáp có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, xuất hiện ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, bệnh thường gặp ở người nữ lớn tuổi, tỉ lệ có thể lên đến 10%.
Nguyên nhân của suy giáp:
Suy giáp nguyên phát: tình trạng giảm tiết hormone giáp do bệnh lý ngay tại tuyến giáp. Các nguyên nhân thường gặp gồm.
Viêm giáp Hashimoto: các tự kháng thể có trong máu làm tuyến giáp giảm khả năng tổng hợp hormone giáp.
Suy giáp sau viêm giáp bán cấp: tuyến giáp giảm hoạt động tổng hợp hormone giáp sau khi bị tổn thương do viêm.
Suy giáp sau điều trị cường giáp hoặc ung thư giáp: xạ trị làm phá hủy mô giáp không tổng hợp được hormone giáp; phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp khiến cơ thể không tổng hợp được hormone giáp.
Thiếu iod: iod là thành phần chính của hormone giáp, sự thiếu hụt iod làm giảm nguyên liệu tổng hợp hormone giáp.
Xạ trị vùng cổ: tia xạ làm phá hủy mô giáp gây suy giáp
Suy giáp thứ phát : hormone giáp trong máu giảm là do tuyến yên không tiết đủ TSH để kích thích tuyến giáp hoạt động. Suy giáp thứ phát rất hiếm gặp.
Triệu chứng của suy giáp:
Khi thiếu hormone giáp, hoạt động của cơ thể sẽ chậm lại. Các triệu của suy giáp thường thầm lặng và sẽ bộc lộ dần theo thời gian. Một số bệnh nhân có thể bị chẩn đoán nhầm với trầm cảm, đặc biệt là ở người già. Một số triệu chứng có thể quan sát thấy như sau:
Vẻ mặt vô cảm.
Giọng khàn, nói chậm.
Phù mắt và mặt.
Tóc thưa, thô và khô.
Da thô, khô, dày, đóng vảy.
Nhiều bệnh nhân suy giáp than mệt, tăng cân, táo bón, đau cơ và không thể chịu lạnh. Thăm khám có thể ghi nhận nhịp chậm, lòng bàn tay và lòng bàn chân có màu cam nhạt (do tăng caroten trong máu). Ở người già có thể bị nhầm lẫn, mau quên hoặc giảm trí nhớ – đây là những biểu hiện rất dễ nhầm với bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ. Phụ nữ bị suy giáp có thể bị thay đổi về kinh nguyệt. Ngoài ra, người suy giáp cũng rất dễ bị tăng cholesterol máu
Nếu không được điều trị, suy giáp có thể gây thiếu máu, giảm thân nhiệt và suy tim. Tình huống này có thể tiến triển đến giảm nhận thức, lú lẫn hay hôn mê (hôn mê suy giáp). Hôn mê suy giáp là một biến chứng đe dọa tính mạng : bệnh nhân thở chậm, co giật, giảm dòng máu đến não. Hôn mê suy giáp xảy ra khi bệnh nhân suy giáp mang các yếu tố thúc đẩy như lạnh, nhiễm trùng, chấn thương, phẫu thuật và các loại thuốc an thần.
Chẩn đoán suy giáp:
Bác sĩ sẽ nghi ngờ bệnh nhân bị suy giáp dựa trên các triệu chứng khi hỏi bệnh và các dấu hiệu khi thăm khám (ví dụ như nhịp chậm, da khô, táo bón…)
Suy giáp có thể được chẩn đoán dựa trên xét nghiệm TSH và hormone giáp (T4, T3). Trong phần lớn các nguyên nhân suy giáp, TSH thường sẽ tăng cao và hormone giáp sẽ giảm thấp.
Suy giáp ở người cao tuổi:
Suy giáp rất thường gặp ở người cao tuổi, có thể lên đến 10% ở nữ và 6% ở nam.
Trên người cao tuổi, các biểu hiện lâm sàng của suy giáp như tăng cân, sợ lạnh… có thể không rõ ràng. Chính vì vậy, việc thăm khám đơn thuần có thể bỏ sót bệnh.
Suy giáp có thể làm ảnh hưởng đến nhận thức, trí nhớ của người cao tuổi. Sự gia tăng cholesterol máu do suy giáp có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch.
Xét nghiệm tầm soát suy giáp với TSH là rất quan trọng, đặc biệt trên người cao tuổi, dù có hay không có triệu chứng của suy giáp.
Điều trị suy giáp
Bổ sung hormone giáp là phương pháp chính trong điều trị suy giáp. Loại hormone giáp được sử dụng rộng rãi để bổ sung cho bệnh nhân suy giáp là levothyroxine (một loại hormone giáp tổng hợp)
Việc điều trị với hormone giáp thường bắt đầu bằng liều thấp và điều chỉnh tăng từ từ tìm ra liều thích hợp. Dùng liều cao có thể gây các tác dụng phụ (cảm giác hồi hộp, tim đập nhanh, trường hợp nặng có thể gây loạn nhịp, tử vong). Ở người cao tuổi, liều bắt đầu nên thấp hơn và tăng liều cũng nên chậm hơn để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ do hormone giáp. Mục tiêu của điều trị là tăng dần liều hormon giáp để TSH trở về bình thường. Một lưu ý quan trọng là phụ nữ mang thai có nhu cầu cần chỉnh liều cao hơn khi không mang thai, do đó cần hỏi ý kiến bác sĩ khi có kế hoạch mang thai.
—–
Dưới đây là một ca lâm sàng thực tế khá hay
———————————————————————————————————————————————————-
Link bài viết: [ https://www.facebook.com/groups/diendanykhoa.vn/permalink/1599888360457116/]
Tác giả: BSNT Nguyễn Huy Thông
Xin gửi lời cảm ơn đến tác giả BSNT Nguyễn Huy Thông đã đồng ý đăng tải bài viết lên Diễn đàn y khoa!