NHÂN VIÊN Y TẾ CẦN ĐƯỢC BẢO VỆ
Hành hung người khác là một điều sai, và hành hung một người đang cố gắng giúp mình, chữa lành cho mình lại càng quá sai!
Mình từng đọc một bài viết chia sẻ ý kiến rằng bệnh nhân và người nhà đôi khi hành động tay chân với nhân viên y tế là vì họ bị đối xử không tốt, vì chờ đợi lâu, vì bên phía nhân viên y tá không quan tâm họ, thờ ơ với nỗi đau của họ, v. v. và điều cần làm là cần phải nâng cao chất lượng phục vụ và chăm sóc người bệnh của nhân viên y tế để khiến cho bệnh nhân hài lòng.
Với kinh nghiệm gần 10 năm làm việc trong môi trường Y Tế thì mình nghĩ rằng ý kiến này đúng, nhưng chưa đủ.
Lúc bệnh nhân đang đau đớn và lo lắng không biết bệnh tình như thế nào, thì việc phải chờ đợi trong phòng khám, phòng cấp cứu hơn cả tiếng đồng hồ, hoặc không hiểu hết được những gì nhân viên y tế đang nói, hoặc một thái độ không được lịch sự của nhân viên y tế cũng có thể khiến bệnh nhân và gia đình bệnh nhân cảm thấy tức giận và tổn thương. Và thực sự khi đang đau thì mấy ai có thể cư xử một cách nhã nhặn!
Những người không kiềm chế được bản thân thì dẫn đến xô xát là chuyện có thể hiểu được.
Mình nghĩ rằng cả nhân viên y tế lẫn hệ thống y tế Việt Nam đều có thể góp phần mang lại trải nghiệm tốt hơn cho bệnh nhân để HẠN CHẾ những sự việc như thế này.
Tuy nhiên, xã hội nào cũng cần phải có trật tự và luật lệ.
Không phải cứ đang đau, đang bực là có thể lao vào đánh người khác, đặc biệt lại là người đang làm nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ. Đó là nguỵ biện!
Ở Mỹ, như mình đã từng chia sẻ, thì trải nghiệm bệnh nhân rất được coi trọng. Nhưng không có nghĩa là bệnh nhân thích làm gì thì làm. An toàn cho nhân viên y tế luôn được luật pháp bảo vệ. Hầu hết các tiểu bang đều có luật để nghiêm trị các trường hợp hành hung nhân viên Y Tế.
Mỗi bệnh viện và phòng khám đều có dán thông báo ghi rõ rằng “Assaulting a health care professional who is engaged in the performance of his or her official duties is a serious crime which may be punishable as a felony.” Nghĩa là hành hung nhân viên y tế đang thi hành nhiệm vụ là tội nặng và có thể bị phạt như một trọng tội! (1)
Hầu hết các bệnh viện đều có đội ngũ nhân viên bảo vệ (security) để đảm bảo an ninh.
Hồi là bác sĩ nội trú làm trong bệnh viện, mình đã tiếp xúc với nhiều bệnh nhân lớn tiếng la hét và có thái độ dữ dằn.
Một lần trong ca trực đêm của mình, mình nhận được thông báo là có một bệnh nhân đòi ra viện Against Medical Advice (không theo chỉ định của bác sĩ) và có dấu hiệu quá khích. Mình và một bác sĩ nội trú khác hai người cùng đi (buddy system) để nói chuyện thương thảo với bà ấy, hi vọng bà sẽ đổi ý.
Tuy vậy, bà ấy khăng khăng đòi về, và còn la lớn khua tay múa chân. Mình và đồng nghiệp cảm thấy tình hình không ổn, nên cố gắng nói vô cùng nhỏ nhẹ và từ từ đi ra phía cửa phòng tránh xa bà ấy. Đây là cách mà nhân viên y tế được hướng dẫn nên làm khi không cảm thấy an toàn.
Khi ra khỏi phòng thì mình báo cho điều dưỡng trưởng và nhân viên an ninh đến để hỗ trợ. Bà ấy thấy vậy thì bình tĩnh lại và mọi chuyện cũng được lắng xuống.
Mình rất biết ơn luật lệ và hệ thống ở Mỹ, vì mình chưa phải cảm thấy bị nguy hiểm khi làm việc.
Chính vì vậy, mình rất hi vọng rằng các anh chị em đồng nghiệp ở Việt Nam cũng sớm có được sự bình an mỗi khi đi làm, vì đối với một người thầy thuốc bị bệnh nhân đánh chính là một điều thực sự cay đắng!
Nếu bạn đồng ý với điều này thì hãy comment “yes”
Cảm ơn tác giả Christina Nguyen đã chia sẻ bài viết này trên Diễn đàn Y khoa!