[Thảo luận] Corticosteroid – Câu chuyện con dao hai lưỡi

Rate this post
        Corticoid hay tên gọi đầy đủ là Corticosteroid là một hợp chất có nguồn gốc từ tuyến thượng thận có vai trò như các “hormone”. Do bản chất là hormone, chúng có tác dụng rất nhanh và mạnh trong cơ thể của chúng ta. Cho dễ hiểu các bạn có thể hình dung hormone là một dạng tín hiệu mệnh lệnh được phát ra bởi các cơ quan “chỉ huy cao cấp”, luôn được tiếp nhận một cách “ưu tiên” và “thực hiện nhanh chóng”. Hợp chất này từng được coi là thần dược vì hiệu quả điều trị của nó quá tốt trong các bệnh liên quan đến rối loạn viêm và rối loạn miễn dịch như: viêm khớp (rheumatoid arthritis), ngứa, dị ứng nặng (allergies), suyển (asthma), các vấn đề về viêm da, v.v… và còn được sử dụng trong việc chống thải loại khi cấy ghép cơ quan. Thậm chí gần đây, Dexamethasone (một loại thuốc thuộc nhóm này) cũng cho thấy khá hiệu quả trong việc giảm tử vong ở người bị COVID-19 nặng do cơ chế giảm viêm của nó.
       Do vai trò to lớn của Corticoid trong điều trị bệnh mà ba nhà khoa học trong y học là Edward Calvin Kendall, Tadeus Reichstein và Philip Showalter Hench đã được trao giải Nobel năm 1950 “vì những khám phá của họ liên quan đến các hormone của vỏ thượng thận, cấu trúc hóa học và tác dụng sinh học của chúng”.
        Tuy nhiên, cho đến nay việc ứng dụng của chúng cũng còn nhiều hạn chế vì dù rằng hiệu quả kháng viêm rất tốt nhưng các “phản ứng phụ nguy hiểm” của chúng cũng quá nhiều khi sử dụng liều cao hoặc sử dụng trong thời gian dài! Khi corticoid được đưa vào cơ thể nó không những tác động lên các con đường liên quan đến điều hòa phản ứng viêm và miễn dịch mà nó còn tác động lên hàng hoạt các con đường biến dưỡng và điều hòa khác qua cơ chế trực tiếp ảnh hưởng lên bộ gene (genomic pathways) hoặc qua các thụ thể trong hoặc trên màng tế bào để kích hoạt các con đường truyền tín hiệu (non-genomic pathways) dẫn đến sự rối loạn cân bằng trong cơ thể. Sự rối loạn này gây ra những tác dụng phụ không mong muốn, có thể kể ra như giữ nước, mệt mỏi, tiểu đường, khó lành vết thương, teo cơ, đục thủy tinh thể (cataracts), tăng huyết áp, tổn thương gan, loãng xương (osteoporosis), chậm lớn, v.v…
         Do vậy, việc sử dụng các thành phần thuốc có chứa corticoid luôn cần được cẩn trọng và được cân nhắc bởi bác sĩ điều trị thật kỹ giữa “lợi ích” và “nguy cơ” trong từng trường hợp. Việc sử dụng cần phải được hạn chế ở mức tối thiểu về thời gian và liều lượng. Người bệnh nhân sử dụng các thuốc này cũng cần được giải thích kỹ lưỡng các nguy cơ tác hại của thuốc và cần dừng lại ngay khi có triệu chứng phụ nguy hiểm xảy ra.
        Tuy nhiên, do hiệu quả của các thuốc có thành phần corticoid quá nhanh và mạnh nên hiện tượng lạm dụng thuốc vẫn xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt là ở các quốc gia mà tình hình quản lý về sản phẩm y tế còn lỏng lẻo. Việc lạm dụng thuốc này không những gặp ở các trường hợp điều trị các bệnh thông thường hoặc trà trộn các thuốc có thành phần corticoid vào các thuốc cổ truyền (thuốc Nam, thuốc Bắc,…) mà còn gặp ở các mục đích khác như dưới dạng các loại kem thoa làm đẹp để trị nám, tàn nhan, làm trắng da,… nguy hiểm hơn là một số người còn sử dụng nó dựa vô phản ứng phụ giữ nước của thuốc này để đạt được cân nặng của trẻ nhỏ như bài post trước mình có chia sẻ cảnh báo từ bác sĩ nhi Nguyễn Thanh Sang.
        Tóm lại, việc sử dụng các thuốc có thành phần corticoid nên rất thận trọng. Vì đây là một dạng hormone của cơ thể chúng ta nên chúng thường được xem là những tín hiệu “cao cấp” có sức ảnh hưởng lớn đến các con đường biến dưỡng và điều hòa phức tạp trong cơ thể, nó có thể cho hiệu quả nhanh/mạnh nhưng ngược lại cũng có thể đem lại những hậu quả nặng nề. Việc sử dụng chúng nên cân nhắc cẩn thận và cân đối giữa “lợi ích” & “nguy cơ”.
Bảo trọng nhe bà con,
TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím
Tài liệu tham khảo:
https://www.mayoclinic.org/steroids/art-20045692 (Prednisone and other corticosteroids)
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4662771 (Corticosteroids-Mechanisms of Action in Health and Disease)
https://journals.lww.com/…/Misuse_of_topical… (Misuse of topical corticosteroids A clinical study of adverse effects)
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5296447/ (Topical Corticosteroid Misuse: The Scenario in Patients Attending a Tertiary Care Hospital in New Delhi)
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7775011/ (Prevalence of Misuse of Topical Corticosteroid among Dermatology Outpatients)
https://journal.chestnet.org/…/S0012-3692(20…/fulltext (COUNTERPOINT: Should Corticosteroids Be Routine Treatment in Early ARDS? No)
https://www.jaci-inpractice.org/…/S2213-2198…/fulltext (Inhaled Corticosteroids Safety and Adverse Effects in Patients with Asthma)
https://www.mdpi.com/1424-8247/3/3/514/htm (Glucocorticoid use and abuse in SLE)
https://www.hkmj.org/abstracts/v21n5/411.htm (Corticosteroid adulteration in proprietary Chinese medicines: a recurring problem)
TS. Nguyễn Hồng Vũ
Advertisement

Giới thiệu Đào Thị Thanh Hiền

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …