[Thảo luận] Khẩu trang có hiệu quả chống Covid ?

Rate this post
Khẩu trang có hiệu quả chống Covid?
Cô tiếp viên đưa cái khẩu trang để tôi đeo như là một thủ tục vào trung tâm chẩn đoán. Sau khi đeo đúng qui trình, tôi hỏi nửa đùa nửa thật cô ấy là cô có tin rằng ‘cái khẩu trang này có hiệu quả ngăn chận covid’, cô ấy trả lời không ngần ngại rằng ‘NO’.
Tôi hỏi lại tại sao cô có vẻ khẳng định như vậy. Cô ấy cho biết từ ngày qui định đeo khẩu trang cho đến nay đã hơn 2 năm, hầu hết những bác sĩ và nhân viên ở đây (trung tâm chẩn đoán hình ảnh) đều dính covid. Chỉ một quan sát đơn giản như vậy thôi, cô ấy đi đến kết luận là khẩu trang không có hiệu quả ngừa covid. Nhưng dù vậy, cô ấy và tất cả nhân viên cũng như bệnh nhân đến đây đều tuân thủ qui định đeo khẩu trang.
Chứng cớ khoa học?
Nhận xét của cô tiếp viên chỉ là một ý kiến cá nhân, vậy câu hỏi nghiêm túc đặt ra là: có bằng chứng khoa học nào cho thấy đeo khẩu trang có hiệu quả ngăn ngừa SARS-Cov-2 không?
Trả lời câu hỏi đơn giản trên không dễ dàng chút nào. Trong vài bài giảng về phương pháp nghiên cứu y khoa, tôi và Bs Thạch dùng những nghiên cứu về hiệu quả của khẩu trang trong việc phòng chống Covid làm ví dụ. Một số nghiên cứu ‘cắt ngang’ (cross-sectional studies), nghiên cứu bệnh – chứng, và nghiên cứu quan sát đoàn hệ đều cho thấy đeo khẩu trang có hiệu quả ngừa nhiễm SARS-Cov-2. Tuy nhiên, những mô hình nghiên cứu dạng cắt ngang, bệnh chứng, và đoàn hệ thường bị sai lệch bởi những yếu tố nhiễu mà nhà nghiên cứu không kiểm soát được, nên thường cho ra kết quả sai lệch hay không đáng tin cậy.
Nghiên cứu DANMASK
Một mô hình nghiên cứu tốt hơn là can thiệp. Cho một nhóm người đeo khẩu trang, một nhóm khác không đeo khẩu trang, rồi theo dõi xem mỗi nhóm có bao nhiêu người bị ‘dính’ Covid. Một nghiên cứu lớn có tên là DANMASK (vì làm ở Đan Mạch) đeo khẩu trang không giảm nguy cơ nhiễm SARS-Cov-2 [1]. Các tác giả báo cáo rằng kết quả của họ cho thấy đeo khẩu trang có thể giảm Covd 46%, nhưng cũng có thể tăng 23%, với trị số P = 0.33. Ai làm nghiên cứu khoa học đều biết trị số P lớn như vậy là coi như … bó tay.
Kết quả nghiên cứu DANMASK khi mới công bố đã tạo nên một cơn bão dư luận trong y khoa. Rất nhiều người bàn luận về kết quả này và mỗi người một ý. Người thì nói kết quả cho thấy đeo khẩu trang chẳng có hiệu quả gì cả. Người thì phê bình những khiếm khuyết trong nghiên cứu và cho rằng kết quả không đáng tin. Người thì dứt khoát cho rằng đeo khẩu trang có hiệu quả ngăn ngừa Covid, bất kể kết quả của nghiên cứu ra sao. Tôi cũng có viết một bình luận ngắn với tựa đề “A Bayesian interpretation of the effect of face mask on SARS-Cov-2 infection”, mà theo đó tôi diễn giải rằng kết quả của DANMASK nhút quán với giả thuyết đeo khẩu trang có hiệu quả thấp trong việc giảm nguy cơ nhiễm SARS-Cov-2 [1].
Câu chuyện / tranh luận về khẩu trang và Covid-19 chưa kết thúc.
Tổng quan của Cochrane
Trong thực tế đã có nhiều nghiên cứu can thiệp như tôi mô tả trên để đánh giá hiệu quả của đeo khẩu trang trong phòng ngừa Covid. Giáo sư Tom Jefferson (Đại học Oxford) và đồng nghiệp của ông đã làm một việc rất có ý nghĩa: tổng hợp các nghiên cứu can thiệp, đánh giá, phân tích, và đưa ra một kết luận [hi vọng là] sau cùng. Các bạn nào muốn đọc bản báo cáo hơn 300 trang của Giáo sư Jefferson thì có thể download tài liệu theo đường link [2] dưới đây. Ở đây, tôi chỉ tóm tắt một kết luận liên quan đến câu hỏi:
Advertisement
Báo cáo kết luận rằng trong cộng đồng, người đeo khẩu trang có nguy cơ nhiễm SARS-Cov-2 cao hơn người không đeo khẩu trang khoảng 1%, nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Những ai thích con số: khoảng tin cậy 95% dao động từ 0.84 đến 1.42 [2]. “Nhiễm SARS-Cov-2” ở đây là qua xác định bởi PCR.
Kết luận của Giáo sư Jefferson và đồng nghiệp là tiếng nói sau cùng về hiệu quả của khẩu trang đối với Covid-19? Tôi muốn nghĩ vậy, nhưng chắc thực tế sẽ diễn ra khác. Đại dịch Covid-19 aka Vũ Hán vẫn tồn tại chứ chưa là quá khứ. Giới y khoa sẽ còn quay quần trong trào lưu tôi tạm gọi là ‘Covid hoá’ hay Covidization. Covid hoá nó cuốn hút biết bao tài lực và tiền bạc của người dân vào nghiên cứu Covid, mà đa số các nghiên cứu đó chỉ là rác khoa học, phí tiền của dân.
Người ta sẽ còn làm nghiên cứu về khẩu trang. Trong khi chờ đợi kết quả của một nghiên cứu trong tương lai, tôi nghĩ kết quả phân tích của báo cáo Cochrane có vẻ rất phù hợp với nhận xét của cô tiếp viên tôi đề cập trên.
GS. Nguyễn Văn Tuấn
________
______

Giới thiệu Trần Huỳnh Thanh Nhật

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …