Đứng trước một bệnh cảnh chấn thương, bác sĩ cho chỉ định CT toàn thân (CTTT) NGAY VÀ LUÔN không phải lúc nào cũng lợi ích.
Nhiễm tia xạ, chi phí cao, tốn thời gian chẩn đoán và can thiệp là những yếu điểm trước mắt của CTTT.
* Hướng dẫn mới (1/3/2023) của Châu Âu khuyến cáo sử dụng bộ tiêu chuẩn dưới đây để chỉ định CTTT ngay lập tức:
– Bệnh nhân chấn thương có một trong các tiêu chí sau ở thời điểm nhập cấp cứu:
+ Huyết áp tâm thu <100
+ Ước tính lượng máu mất trên 500 mL
+ GCS <=13 hoặc đồng tử PXAS bất thường
– Và/hoặc nghi ngờ lâm sàng một trong các chẩn đoán sau:
+ Gãy tối thiểu 2 xương dài
+ Mảng sườn di động, chấn thương ngực hở, gãy nhiều xương sườn
+ Chấn thương bụng nặng
+ Gãy xương chậu
+ Gãy cột sống/chèn ép tuỷ mất ổn định huyết động
– Và/hoặc bệnh nhân có một trong các cơ chế chấn thương sau:
+ Té từ độ cao trên 4 mét
+ Ngoại vật chèn vào bụng/ngực
* Bộ 10 tiêu chí này là kết quả của nghiên cứu REACT-2 trên 1083 bệnh nhân chấn thương nặng được chụp CTTT ngay lập tức sau siêu âm và XQ cấp cứu, rút ra từ bộ 15 tiêu chí được áp dụng trước đây. REACT-2 đã loại bỏ được 05 tiêu chí ít có giá trị để chỉ định CTTT là:
+ Nhịp thở >30 hoặc <10
+ Nhịp tim >120
+ Phóng/nhảy/bay/văng ra khỏi xe trong vụ tai nạn
+ Có người chết trong cùng vụ tai nạn
+ Có người chấn thương nặng trong cùng vụ tai nạn
– Bộ 10 tiêu chí có giá trị tiên đoán dương 82% (80-85), độ nhạy tương đối 91% (89-93), AUC 0.8 (0.77-0.83). Thực hiện 5.6 ca CTTT thì có 1 ca là không cần thiết (so với 4.2 của bộ 15 tiêu chí), giảm được 6% số lần CTTT không cần thiết cho bệnh nhân.
Ấn bản lần 6 của Châu Âu về quản lý mất máu và rối loạn đông máu sau chấn thương cũng bao gồm tất cả các bước điều trị từ ngoài hiện trường đến hồi sức nội viện tập trung vào ABCDE và chỉ định truyền máu, các chế phẩm của máu. Hướng dẫn rộng và chi tiết nên khá dài dòng. Status sau sẽ nêu bật các thực hành cần nhớ trong cấp cứu – hồi sức chấn thương trong chủ để này.
Bs. Nguyễn Thành Luân