TỪ Ý TƯỞNG ĐẾN THỰC TIỄN

Rate this post

TỪ Ý TƯỞNG ĐẾN THỰC TIỄN

– Nghiên cứu khoa học là một quá trình đòi hỏi người thực hiện phải có nhiều kĩ năng: tư duy, phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa, … Tuy nhiên, trên thực tế chính quá trình làm NCKH, nhà nghiên cứu mới thực sự được rèn luyện và phát triển những kĩ năng kể trên.
– Chính vì lí do đó, quá trình thực hành NCKH vốn đã khó nay lại càng trở nên khó khăn hơn, và không phải ai cũng đặt chân được lên đỉnh Olympia như mục tiêu đã hướng tới.
Thực tế đã chỉ ra rằng, trong quá trình học tập và làm việc, nhiều người trong số chúng ta nhận ra những vấn đề chưa thỏa đáng cần phải được giải quyết, nhưng không phải ai trong số đó cũng biến vấn đề đó thành một ý tưởng nghiên cứu. Rồi trong số những người đã có cho mình ý tưởng nghiên cứu, không phải ai cũng chuyển hóa được thành một chủ đề (đề tài) nghiên cứu với những mục tiêu nghiên cứu cụ thể. Và kể cả khi đã bắt tay thực hiện, vì những khó khăn ở những giai đoạn nhất định, nhiều đề tài cũng chỉ dừng lại là một đề cương dang dở.
– Những ngày đầu mới tìm hiểu về nghiên cứu, cũng như bao bạn sinh viên khác, tôi cứ nghĩ làm NCKH là cái gì đó to tát, hoành tráng, học thuật lắm. Tôi bối rối khi đọc tài liệu, nhìn những con số, đọc những trang báo cáo mà như nhìn bức vách. Nhiều khi tôi không biết mình nên bắt đầu tư đâu. Tôi ngập ngụa trong những khái niệm, những kĩ thuật, những kiến thức cần trang bị. Tôi gần như bị lạc lối trong ma trận thông tin đó.
– Tính tò mò đã giúp tôi thoát khỏi tình trạng mông lung đó, tôi tham gia các buổi chia sẻ của các thầy cô, anh chị trong CLB Khoa học trẻ của trường. Ở đó, tôi đã được trang bị những kiến thức nền tảng về Phương pháp nghiên cứu, từ đó có cái nhìn thực tế hơn về NCKH trong Y khoa. Tôi tìm đến một người chị đang làm một đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học, và từ cái gật đầu của chị, tôi đã chính thức thực sự trở thành một phần của đề tài đó. Mặc dù không đóng góp những giá trị mang tính khoa học cốt lõi cho đề tài này, nhưng nhờ tham gia đề tài này, tôi đã được trau dồi các kĩ năng tin học văn phòng, một chút kinh nghiệm tìm kiếm và quản lý tài liệu tham khảo, kĩ năng thuyết trình báo cáo trước hội đồng. Từ việc đề tài được bảo vệ thành công, tôi thực sự tự tin hơn vào bản thân và cũng tạo động lực để tôi khởi động những dự án mới trong tương lai.
– Sau đó, tôi đã tham gia nhiều đề tài mới với nhiều vị trí khác nhau. Mỗi vị trí đều có tầm quan trọng nhất định trong sự thành bại của một dự án. Khi thì tôi tham gia đánh giá công cụ thu thập số liệu, gọi là đánh giá cho oai chứ thật ra là thu thập số liệu thử, từ đó nhóm nghiên cứu sẽ điều chỉnh bộ công cụ sao cho phù hợp với thực tế. Khi thì tôi tham gia nhập số liệu, làm sạch số liệu trước khi phân tích. Khi thì tôi được gọi đi phòng vấn đối tượng nghiên cứu. Mỗi lần tham gia như thế, tôi đã dần tiếp cận và phát triển các kĩ năng cần có để phục vụ cho một dự án NCKH.
– Dần dần, tôi được tham gia những khâu quan trọng hơn như xây dựng khung cơ sở lý thuyết, tìm và chọn lọc tài liệu tham khảo, viết đề cương, phân tích số liệu và tham gia viết báo cáo kết quả nghiên cứu. Cứ như thế, những kĩ năng của tôi được trau dồi dần dần và hoàn thiện đến tận bây giờ. Mặc dù giờ đây, tôi đã trở thành một nhà nghiên cứu độc lập, có thể tự triển khai một nghiên cứu cỡ trung, nhưng mỗi một dự án mới đều cho tôi những kiến thức mới và những bài học kinh nghiệm bổ ích và tôi biết rằng dù có đến khi tôi già đi, thì tôi vẫn cần phải học, phải trau dồi.
– Hành trình làm nghiên cứu khoa học y hết như bạn chơi môn leo núi vậy. Khi bạn ở chân núi, bạn sẽ thấy ôi sao mục tiêu của mình cao thế, hùng vĩ thế; bạn sẽ rất hào hứng muốn chinh phục những ngọn núi cao nhất. Nhưng khi bắt đầu những bước đầu tiên, bạn sẽ dễ bị nản trí. Nhìn xuống là những vách núi dựng đứng, trong khi trong tay bạn chỉ là một sợi dây chòng chành; bạn sẽ cần sự quyết tâm, lòng dũng cảm, không bỏ cuộc. Trong quá trình đó, nếu có một người thầy giàu kinh nghiệm ở phía trên, đưa tay giúp đỡ bạn từng bước, chắc chắn bạn sẽ tự tin leo tiếp.
– Có lẽ một bài viết vội giữa giờ ăn trưa chắc chắc không thể diễn tả kĩ lưỡng về một quá trình 10 năm học tập và nghiên cứu của tôi, cũng khó có thể làm hài lòng các bạn đọc, nhưng tôi hi vọng, những gì tôi chia sẻ phần nào giúp các bạn, đặc biệt là những bạn sinh viên mới tập tành làm nghiên cứu mường tượng được con đường các bạn sẽ đi sắp tới. Hi vọng, truyền cho bạn một phần động lực, cảm hứng, để bạn tự tin hơn trong tương lai.

Advertisement

Tác giả: Bs Ngô Minh Hải

Link bài viết: [ https://www.facebook.com/groups/diendanykhoa.vn/permalink/1631397277306224/?sfnsn=mo&ref=share&mibextid=KtfwRi  ]

Xin gửi lời cảm ơn đến tác giả Bs Ngô Minh Hải đã đồng ý đăng bài viết lên Diễn đàn Y khoa!

Giới thiệu Nguyễn Hùng Nhật Duy

Check Also

𝚃Ó𝙼 𝚃Ắ𝚃 𝙿𝙷Â𝙽 𝙱𝙸Ệ𝚃 𝙴𝙲𝙶 𝚁𝚄𝙽𝙶 𝙽𝙷Ĩ 𝚅À 𝙲𝚄Ồ𝙽𝙶 𝙽𝙷Ĩ, 𝙷ƯỚ𝙽𝙶 Đ𝙸Ề𝚄 𝚃𝚁Ị 𝙲Ả 𝟸 𝚃𝙷𝙴𝙾 𝟻 𝙲𝙷Ữ 𝙲Á𝙸

𝚃Ó𝙼 𝚃Ắ𝚃 𝙿𝙷Â𝙽 𝙱𝙸Ệ𝚃 𝙴𝙲𝙶 𝚁𝚄𝙽𝙶 𝙽𝙷Ĩ 𝚅À 𝙲𝚄Ồ𝙽𝙶 𝙽𝙷Ĩ, 𝙷ƯỚ𝙽𝙶 Đ𝙸Ề𝚄 𝚃𝚁Ị 𝙲Ả 𝟸 …