Viêm vùng chậu
Viêm vùng chậu (Pelvic Inflammatory Disease – PID) là một tình trạng nhiễm trùng thường gặp trong sản phụ khoa, ảnh hưởng chủ yếu đến phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bệnh xảy ra khi các tác nhân gây bệnh, chủ yếu qua đường tình dục, lan ngược từ âm đạo và cổ tử cung lên các cơ quan sinh dục trên như tử cung, vòi trứng và phúc mạc chậu. PID không những là nguyên nhân hàng đầu gây đau vùng chậu mạn tính, mang thai ngoài tử cung và vô sinh do tắc vòi trứng, mà còn góp phần làm tăng gánh nặng điều trị y tế và chi phí y tế cộng đồng [1].
🌟Nguyên nhân
Nguyên nhân phổ biến nhất của PID là nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là Neisseria gonorrhoeae và Chlamydia trachomatis [2]. Ngoài ra, các vi khuẩn kỵ khí, Mycoplasma genitalium, Haemophilus influenzae, Gardnerella vaginalis và các vi khuẩn đường ruột có thể tham gia vào quá trình nhiễm trùng đa vi khuẩn.
Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Quan hệ tình dục không an toàn.
- Có nhiều bạn tình.
- Tuổi dưới 25.
- Lịch sử nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.
- Đặt dụng cụ tử cung trong thời gian gần đây [1].
🌟Chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng
1️⃣Lâm sàng
Bắt buộc phải có các triệu chứng:
- Đau khi lắc cổ tử cung
- Tử cung ấn đau
- Đau khi khám 2 phần phụ
👉Tuy nhiên cần lưu ý nếu có các dấu hiệu sau:
- Đau bụng vùng hạ vị
- Xuất huyết âm đạo bất thường
- Tiểu đau
- Sốt
- Buồn ói và nôn ói
💥Chẩn đoán xác định cần loại trừ các nguyên nhân khác như viêm ruột thừa, thai ngoài tử cung hoặc nhiễm trùng đường niệu…
2️⃣Cận lâm sàng
- Xét nghiệm: Bạch cầu tăng, CRP tăng, cấy dịch cổ tử cung dương tính với N. gonorrhoeae hoặc C. trachomatis.
- Siêu âm: Phát hiện khối hỗn hợp tai vòi-buồng trứng, ứ mủ vòi trứng, hoặc dịch trong túi cùng.
- Nội soi ổ bụng: Là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán nhưng thường chỉ định trong trường hợp không rõ ràng hoặc điều trị thất bại [1].
❓Vậy điều trị như thế nào nếu được chẩn đoán viêm vùng chậu?
1️⃣ Nguyên tắc điều trị
- Bắt đầu điều trị kháng sinh càng sớm càng tốt trên cơ sở lâm sàng, không cần đợi kết quả xét nghiệm với ít nhất 2 loại kháng sinh.
- Điều trị bao phủ cả N. gonorrhoeae, C. trachomatis và các vi khuẩn kỵ khí.
- Điều trị cả bạn tình trong vòng 60 ngày gần nhất [2][3].
👉 Đánh giá kết quả điều trị sau 48 giờ và các triệu chứng sẽ cải thiện trước khi hết nhiễm trùng thực sự. Đánh giá lại sau 2–4 tuần và khuyến cáo xét nghiệm lại Chlamydia và Gonorrhea sau 3 tháng [3].
👉 Can thiệp ngoại khoa được chỉ định khi tình trạng viêm vùng chậu nặng không cải thiện sau 72 giờ điều trị kháng sinh.
2️⃣ Mục tiêu điều trị
👉Viêm vùng chậu chưa biến chứng:
- Ngăn ngừa vô sinh
- Ngăn ngừa thai ngoài tử cung
- Ngăn ngừa áp xe vùng chậu
👉 Viêm vùng chậu có biến chứng:
- Ngăn ngừa biến chứng nhiễm trùng huyết
- Bảo toàn tính mạng
❓Vậy phòng ngừa viêm vùng chậu ra sao?
- Giáo dục tình dục an toàn: sử dụng bao cao su
- Tầm soát và điều trị sớm các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.
- Khám phụ khoa định kỳ.
- Trì hoãn đặt dụng cụ tử cung trong thời gian có nguy cơ cao [1][2].
Viêm vùng chậu là một bệnh lý nhiễm trùng phụ khoa nghiêm trọng có thể dẫn đến biến chứng ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe sinh sản. Việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời bằng kháng sinh thích hợp giúp giảm tỷ lệ biến chứng. Trong bối cảnh bệnh ngày càng gia tăng, đặc biệt ở nhóm tuổi vị thành niên và phụ nữ trẻ, cần nhấn mạnh vai trò của giáo dục dự phòng và tầm soát định kỳ.
📍Tài liệu tham khảo
- Beckmann, C. R. B., Ling, F. W., Barzansky, B. M., Herbert, W. N. P., Laube, D. W., & Smith, R. P. (2014). Obstetrics and gynecology (7th ed.). Wolters Kluwer Health/Lippincott Williams & Wilkins.
- Centers for Disease Control and Prevention. (2010). Sexually transmitted diseases treatment guidelines, 2010. Retrieved from http://www.cdc.gov/std/treatment/2010/
- Centers for Disease Control and Prevention. (2015). Sexually transmitted diseases treatment guidelines, 2015. Retrieved from http://www.cdc.gov/std/tg2015/
❓Câu hỏi:
1.Đối với bệnh nhân viêm vùng chậu có đặt dụng cụ tử cung trước đó, có nên lấy dụng cụ tử cung ra không?
2. Biến chứng của viêm vùng chậu là gì?