[VYPO] Có cần thiết truyền máu Rh(D)-âm cho bệnh nhân Rh(D)-âm ?

4/5 - (1 bình chọn)

Có nhất thiết truyền máu Rh(D)-âm cho bệnh nhân Rh(D)-âm?

Bs. Phan Trúc

 

Nhóm máu Rh(D)-âm [Không có kháng nguyên D trên màng hồng cầu] là nhóm máu hiếm, phần lớn dân số Việt Nam (>99%) là Rh(D)-dương [Có kháng nguyên D trên màng hồng cầu]. Thực tế, khi đối diện với bệnh nhân Rh(D)-âm, bác sĩ sẽ không có nhiều lựa chọn do dự trữ của nguồn máu này rất khan hiếm. Và như vậy, việc tối ưu sử dụng túi máu Rh(D)-âm là hết sức cần thiết, nhưng đáng tiếc là thực hành truyền máu ở số nơi vẫn chưa rõ ràng ở điểm này. Sự phù hợp của nhóm máu ABO trong truyền máu là điều không có gì bàn cãi, tuy nhiên với Rh(D), tại sao điều này không bắt buộc?

– Kháng thể anti-D là kháng thể dị miễn dịch (chỉ hình thành sau phơi nhiễm với kháng nguyên D), điều này đưa đến 2 vấn đề quan trọng trong miễn dịch truyền máu: không phải lúc nào truyền hồng cầu khối Rh(D)-dương cho người Rh(D)-âm cũng sẽ sinh kháng thể (tỷ lệ này chỉ là 21-26%), trong bối cảnh cấp cứu, nếu truyền máu Rh(D)-dương cho người bệnh bất kỳ chưa biết trước nhóm máu, thì tỷ lệ sinh anti-D chỉ là 3-6%; và nếu bệnh nhân chỉ trải qua một đợt truyền máu trong đời (không phơi nhiễm trở lại) thì chuyện truyền máu bất đồng Rh này không có ý nghĩa lâm sàng.
– Nhưng nếu có hình thành anti-D thì liệu có gây tán huyết cấp nghiêm trọng như bất đồng nhóm máu ABO? Câu trả lời là không. Kháng thể anti-D là dị miễn dịch, nên thuộc loại IgG, sẽ gây tán huyết ngoại mạch. Phản ứng tán huyết cấp nhẹ ghi nhận ở <1% bệnh nhân ở khoa cấp cứu được truyền máu bất đồng Rh(D).
Vậy khi nào Rh(D) mới là vấn đề phải quan tâm? Đó là phụ nữ trong độ tuổi còn mang thai! Như đã nói, vì là kháng thể IgG (không giống anti-A, anti-B trong hệ ABO thuộc loại IgM), nó có thể đi qua nhau thai (do ở dạng monomer, kích thước bé), với thời gian tiếp xúc kéo dài giữa mẹ và thai nhi, sẽ gây tán huyết nghiêm trọng [nếu đứa bé là Rh(D)-dương, mà nguy cơ này là rất cao vì phần lớn bố đứa bé sẽ mang Rh(D)-dương một khi mẹ đã là Rh(D)-âm]. Chúng ta phải để dành máu Rh(D)-âm cho những đối tượng này.
Thậm chí, AABB khuyến cáo, ngay cả khi trong ngân hàng còn túi máu Rh(D)-âm, nếu bệnh nhân là nam giới hoặc phụ nữ quá tuổi mang thai, vẫn nên cấp túi máu Rh(D)-dương để tiết kiệm máu Rh(D)-âm.
Vì bận tâm đến những hiểu lầm này mà mình đã làm video về cả hệ ABO (https://www.youtube.com/watch?v=eOVWHyu0OrY&t=201s) và hệ Rh (https://www.youtube.com/watch?v=_W0hJcaSmsI&t=344s) phân tích rõ lý luận miễn dịch của truyền máu!
Xin trích dẫn khuyến cáo AABB kèm theo, và chia sẻ rộng rãi thông điệp này:
Advertisement
https://www.aabb.org/programs/publications/bulletins/Documents/ab19-02.pdf
NOTE:
Nếu bệnh nhân cấp cứu, bệnh nhân thiếu máu nặng cần truyền máu, nếu không phải là phụ nữ còn có thể mang thai, thì cứ mạnh dạn truyền máu Rh(D)-dương. Ngay cả khi là phụ nữ nguy cơ mang thai, nếu không thể có được Rh(D)-âm để truyền, mà yêu cầu lâm sàng bắt buộc cần truyền thì vẫn có thể truyền Rh(D)-dương, chúng ta vẫn có thể giải quyết vấn đề dị miễn dịch sau này bằng các phương tiện khác để bệnh nhân có cuộc sinh an toàn!

Giới thiệu Diễn đàn Bác sĩ trẻ Việt Nam

Y khoa không phải là một nghệ thuật, Y khoa là một khoa học thật sự, một khoa học vô cùng phức tạp đòi hỏi người hành nghề y phải khéo léo vận dụng kiến thức để không bỏ qua cơ hội cứu chữa người bệnh. Nếu mỗi người y khoa Việt Nam góp lên một tiếng nói, liên kết lại, chúng ta có thể thay đổi căn bản giáo dục Y khoa nước nhà. Hãy tham gia với chúng tôi tại: https://www.facebook.com/groups/diendanbacsitrevietnam

Check Also

[Cập nhật] Xuất huyết tiêu hoá-nội soi càng sớm càng tốt?

XUẤT HUYẾT TIÊU HÓA: NỘI SOI CÀNG SỚM CÀNG TỐT? (phần 1_nghiên cứu) Với suy …