[Vypo] Người ngành nói chuyện ngành

Rate this post

Người ngành nói chuyện ngành

Chia sẻ từ BSNT. Việt Bằng Lương về chuyên ngành GPB – Một ngành mình luôn bị cuốn hút đặc biệt.

Thấy các chuyên ngành bạn rộn ràng đăng bài, đăng video quảng bá, thu hút tân Nội trú mà nhà mình đìu hiu chợ chiều cũng thấy chạnh lòng. Sẵn tiện có vài bạn inbox hỏi thông tin ngành nên mình cũng biên luôn một bài đầy đủ để giải đáp các thắc mắc.

GIẢI PHẪU BỆNH (GPB) LÀ LÀM CÁI GÌ?

Nói một cách hàn lâm thì GPB (Anatomical/Anatomic pathology) là môn khoa học về tổn thương, dựa trên hình thái học và các kỹ thuật miễn dịch, phân tử, etc, để đưa ra chẩn đoán xác định tổn thương, góp phần giải thích được các triệu chứng của người bệnh và cung cấp cơ sở khoa học cho chăm sóc và điều trị. Nói cho dễ hiểu hơn thì bạn nhận được một cái ruột thừa, và bằng các biện pháp nghiệp vụ bạn phải trả lời được ruột thừa đó là viêm, u, hay là tổn thương khác? Nếu viêm thì là viêm cấp hay viêm mạn? Nếu là u thì là u gì? U lành hay u ác? Vân vân và mây mây.

📷Hình ảnh đại thể ung thư đại tràng trên bệnh nhân đa polyp đại tràng

TẠI SAO CHỌN GPB?

Thật ra ngành nào cũng thế thôi, đừng quá quan tâm tới mấy thứ hoa mỹ như vị trí của ngành to lớn như thế nào, vai trò của ngành vĩ đại ra làm sao, rồi thì triển vọng tương lai sáng lạn hào quang tung tóe. Đây là chọn cần câu cơm chứ không phải đi nghe nói chuyện truyền cảm hứng. Trả lời được ba câu hỏi như các thầy cô vẫn nói là được rồi: Thu nhập như thế nào? Xin được việc không? Có cơ hội phát triển bản thân không?

Về thu nhập

Xét cho cùng thì chúng ta đi làm là để kiếm tiền nuôi mình và gia đình. Có tiền thì có đam mê, không có tiền mà đòi đam mê thì chỉ có ăn… như thầy Huấn Rose vẫn dạy 📷) Nói chung là thu nhập của bác sĩ GPB tuy không cao chót vót được như một số ngành hot nhưng để đủ sống thì thừa. Một nội trú ra trường có thể được các viện tư nhận với lương khởi điểm xx triệu (xx là một số tự nhiên > 10). Ở các bệnh viện công thì con số sẽ rất dao động, tùy theo số lượng hạng mục kỹ thuật có thể triển khai, số lượng bệnh nhân, nguồn bệnh phẩm ngoại viện… Có một số mảng thì nếu khoa có thì thu nhập sẽ cao hơn nhưng nói chung chỉ cần chăm chỉ chịu khó là không chết đói. Làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít, có làm thì mới có ăn!

📷Tinh thể Urat trong dịch khớp gối trên kính hiển vi phân cực

Về cơ hội việc làm

Nhu cầu nhân lực của ngành vẫn rất cao. Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh và ngay cả tại Hà Nội rất cần bác sĩ giải phẫu bệnh, đặc biệt là nội trú giải phẫu bệnh về làm việc. Để về được tuyến Trung ương thì sẽ khó khăn hơn, cần có năng lực xuất chúng và một chút may mắn nữa (mà cái này thì là chung cho tất cả mọi ngành không riêng gì GPB). Nói chung nếu hạ tầm nhìn xuống một chút thì bạn có rất nhiều cơ hội xin việc, thậm chí là được nhận ngay về làm trưởng khoa cũng không phải ăn tục nói phét. Mức độ cạnh tranh thì tuy không phải quá ez nhưng so với những chuyên khoa lấy tới 3x, 4x nội trú thì dễ thở hơn nhiều. Bật mí thêm là các bạn nam sẽ rất có lợi thế, dù sao thì ngành cũng không có thiếu con gái.

Về cơ hội phát triển bản thân

Ngành GPB mới bắt đầu khởi sắc trong khoảng chục năm trở lại đây và còn rất nhiều mảng trống đặc biệt là các bệnh không u như bệnh tự miễn, rối loạn chuyển hóa… Ngay cả những mảng đã được nghiên cứu nhiều như ung thư cũng vẫn có nhiều không gian phát triển. Bất kể là làm người khai phá hay đi theo lối mòn thì vẫn có vô số cơ hội cho các bạn, chỉ là bạn có muốn hay không. Cũng giống như các ngành khác, sau khi đi làm bạn có thể học tiếp lên CK 2 hoặc Tiến sĩ, cũng có thể đi học nước ngoài cả ngắn hạn và dài hạn. Bật mí thêm nữa là biết Tiếng Pháp là một lợi thế.

HỌC GPB CÓ GÌ KHÓ?

Tôi là người theo chủ nghĩa bi quan nên không thích nói nhiều về mấy thứ hào nhoáng. Ngành nào cũng vậy thôi, bạn có thể không cần biết có những thuận lợi gì nhưng bắt buộc phải biết sẽ có khó khăn nào phải vượt qua.

Thứ nhất là công việc không hề nhàn. Tuy rằng bác sĩ GPB không phải trực đêm và áp lực công việc không phải cường độ cao như các chuyên khoa lâm sàng nhưng không có nghĩa là ngồi chơi xơi nước. Phàm là việc có thể kiếm tiền chính đáng không có việc gì không phải đổ mồ hôi, bao gồm cả kinh doanh vốn tự có. Bác sĩ GPB không khác gì một bác sĩ đa khoa, từ đầu đến chân cái gì cũng cần biết, chỉ có không trực tiếp điều trị thôi. Chỉ riêng 12 quyển phân loại của WHO đã nhiều hơn số sách các bạn học trong 6 năm đại học rồi. Bạn sẽ phải dành rất nhiều thời gian để tự học, đọc sách, xem báo, xem video bài giảng. Công việc chẩn đoán thì ngày càng phức tạp vì tỷ lệ hình thái không điển hình ngày càng nhiều (do phát hiện bệnh sớm, do đã điều trị), các mặt bệnh ngày càng đa dạng, chưa kể chẩn đoán GPB sẽ không chỉ dừng lại ở hình thái học mà còn phải đi xa hơn là xác định được genotype của bệnh. Tệ hơn nữa là sự thiếu hợp tác và thiếu tôn trọng của các chuyên khoa khác (nghe người ta vẽ vời về triển vọng ngành thì chỉ có đổ thóc giống ra mà ăn). Rất nhiều trường hợp cần thông tin lâm sàng nhưng không ai cung cấp cho các bạn cả, phải tự đi mà hỏi, và cũng phải hỏi bệnh khám bệnh nhân như một bác sĩ lâm sàng thực thụ.

Thứ hai là môi trường làm việc độc hại vkl. Công việc nặng nhọc nhất của bác sĩ GPB là phẫu tích bệnh phẩm mà cơ bản là 10 ngày làm việc, 9 ngày nhìn thấy cứt. Ngoài chuyện máu me bẩn thỉu thì nguy cơ phơi nhiễm các bệnh nguy hiểm là luôn hiện diện. Bản thân tôi và các anh chị đồng nghiệp không dưới một lần nhận những túi bệnh phẩm B20 mà không có lấy 1 dòng cảnh báo! Ngoài ra thì việc khó chịu nhất khi phẫu tích bệnh phẩm không phải là mùi formol (vì bây giờ toàn bàn phẫu tích có máy hút) mà là nhưng việc trời ơi đất hỡi. Ung thư điều trị rồi không nói, polyp cắt rồi không đánh dấu, bệnh phẩm mất tem, mất nhãn, lẫn lộn trái phải, bệnh phẩm không toàn vẹn… đều là những thứ khiến các bạn có thể lôi 18 đời tổ tông người ta ra mà chửi.

📷Cái này mà mất nhãn đố biết là cái gì đấy

Thứ ba là cơ sở vật chất chưa được đảm bảo. Dao cùn, thớt mẻ, kính đen thui, tiêu bản mờ tịt, thì bạn có giỏi đến đâu cũng đành thúc thủ vô sách. Một chẩn đoán GPB chính xác phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố kỹ thuật, bao gồm cả trình độ kỹ thuật viên cũng như chất lượng hóa chất, máy móc trang thiết bị. Điều đáng tiếc là không phải bệnh viện nào cũng đầu tư đúng mức cho những hạng mục này. Vì thế với bác sĩ GPB thì việc tìm hiểu về bệnh viện mình muốn ứng tuyển là rất quan trọng nếu không muốn tiền đồ còn tối tăm hơn cả đời chị Dậu.

📷Một cái bàn phẫu tích tử tế trông như thế này nè

Thứ tư là vẫn có nguy cơ ăn kiện như thường. Nếu bạn nghĩ ngành này không phải tiếp xúc với bệnh nhân là không lo kiện cáo thì bạn lầm to. Chẩn đoán GPB là cơ sở quan trọng để lựa chọn phương án điều trị. Chẩn đoán GPB sai sẽ dẫn đến điều trị sai. Lành mà trả lời là ác, không có u lại trả lời là có u, làm cho bệnh nhân bị cắt oan một cơ quan bộ phận nào đó và người ta kiện ra tòa thì đời bạn bế cmn mạc.

Trên đây là đôi lời giới thiệu khát quát về ngành. Hy vọng ngày 9/9 tới đây các bạn tân Nội trú sẽ có được lựa chọn chính xác nhất. Và mặc dù số suất không nhiều lắm nhưng nếu còn cơ hội thì đừng quên GPB nhé.

Bài notes: https://www.facebook.com/notes/vi%E1%BB%87t-b%E1%BA%B1ng-l%C6%B0%C6%A1ng/ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ng%C3%A0nh-n%C3%B3i-chuy%E1%BB%87n-ng%C3%A0nh/10156454689928983

Advertisement

Giới thiệu Diễn đàn Bác sĩ trẻ Việt Nam

Y khoa không phải là một nghệ thuật, Y khoa là một khoa học thật sự, một khoa học vô cùng phức tạp đòi hỏi người hành nghề y phải khéo léo vận dụng kiến thức để không bỏ qua cơ hội cứu chữa người bệnh. Nếu mỗi người y khoa Việt Nam góp lên một tiếng nói, liên kết lại, chúng ta có thể thay đổi căn bản giáo dục Y khoa nước nhà. Hãy tham gia với chúng tôi tại: https://www.facebook.com/groups/diendanbacsitrevietnam

Check Also

[Cập nhật] Xuất huyết tiêu hoá-nội soi càng sớm càng tốt?

XUẤT HUYẾT TIÊU HÓA: NỘI SOI CÀNG SỚM CÀNG TỐT? (phần 1_nghiên cứu) Với suy …