4 GIAI ĐOẠN CỦA XƠ GAN
Gan là một cơ quan có nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của cơ thể, nó thực hiện nhiều chức năng như lọc các chất độc ra khỏi máu, chuyển hóa thuốc, dự trữ năng lượng, chống nhiễm trùng và hỗ trợ tiêu hóa. Khi bạn gặp vấn đề về gan, các chất độc có thể tích tụ trong cơ thể, gây nên tổn thương ở tại gan và những cơ quan khác.
Mỗi khi tế bào gan của bạn bị tổn thương, nó sẽ cố gắng tự phục hồi, tự sửa chữa và tái tạo để tiếp tục thực hiện các chức năng cần thiết. Nhưng nếu không được điều trị kịp thời, tổn thương gan sẽ ngày càng nặng hơn. Khi những tế bào gan bị phá huỷ trầm trọng và không thể tự phục hồi được nữa, nó sẽ bị thay thế bởi mô xơ (scar tissue). Những mô xơ này không có chức năng của tế bào gan, do đó gan sẽ dần không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình và tiến tới mất hoàn toàn chức năng khi gan bị xơ hoá hoàn toàn – hay được gọi là xơ gan (Cirrhosis).
Dù các nguyên nhân gây nên bệnh gan có thể khác nhau, nhưng sự tiến triển và quá trình tổn thương xảy ra là tương tự nhau. Xơ gan có thể được chia thành bốn giai đoạn, từ nhẹ đến nặng, như sau:
Giai đoạn thứ nhất: Quá trình viêm (Inflammation)
– Giai đoạn ban đầu của các bệnh lý gan thường đặc trưng bởi tình trạng viêm của tế bào gan và hệ thống đường mật trong gan.
– Các nguyên nhân gây nên viêm gan thường rất nhiều, có thể do: virus (viêm gan B, C), vi khuẩn, kí sinh trùng, do rượu, do thuốc, do bệnh tự miễn… Viêm gan còn có thể xảy ra khi lượng chất độc trong máu vượt quá khả năng thải độc của tế bào gan.
– Khi cơ thể cố gắng chống lại quá trình viêm tại gan, thường xuất hiện triệu chứng đau hoặc cảm giác khó chịu ở vùng hạ sườn phải. Tuy nhiên, các triệu chứng này mơ hồ, không dễ để được nhận thấy, vì vậy nhiều người bệnh thường không nhận ra mình mắc bệnh cho đến khi họ ở giai đoạn nặng hơn.
– Nếu tình trạng viêm không được kiểm soát, nó có thể lan rộng và gây nên tổn thương gan trầm trọng. Nhưng khi được chẩn đoán và điều trị tốt trong giai đoạn này, có thể ngăn chặn việc chuyển sang giai đoạn tiếp theo. Càng chẩn đoán sớm, kết quả nhận được sẽ càng tốt hơn.
Giai đoạn thứ hai: Xơ hoá gan (Fibrosis)
– Trong giai đoạn này, tế bào gan bị tổn thương do quá trình viêm gây nên ở giai đoạn thứ nhất, nếu không được điều trị có hiệu quả, sẽ bắt đầu được thay thế bởi mô xơ. Quá trình này thường được gọi là xơ hoá gan.
– Một khi mô gan khỏe mạnh được thay thế bằng các mô xơ, nó sẽ làm giảm chức năng gan. Ngoài ra, mô xơ cũng làm giảm lưu lượng máu đến gan.
– Nếu được phát hiện sớm, xơ hóa gan vẫn có thể điều trị được để tránh bị tổn thương nhiều hơn và giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh. Tuy nhiên, vì giai đoạn này vẫn còn nhẹ, triệu chứng bệnh vẫn không rõ ràng nên người bệnh thường bỏ sót.
Giai đoạn thứ ba: Xơ gan (Cirrhosis)
– Khi gian đoạn xơ hoá gan không được phát hiện và can thiệp, dần dần gan sẽ bị xơ hoá nghiêm trọng đến mức không thể phục hồi. Gan trở nên thô cứng và tạo thành những khối lổn nhổn trên bề mặt.
– Việc không còn những tế bào gan lành lặn khiến gan mất đi chức năng, đồng thời những mô xơ chèn ép vào hệ thống mạch máu, khiến máu không thể lưu thông qua tĩnh mạch cửa, gây nên tình trạng tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
– Ở giai đoạn này, nhiều triệu chứng tổn thương gan hơn sẽ xuất hiện, bao gồm vàng da, suy nhược, mệt mỏi, chán ăn và sụt cân, chướng bụng… Nếu nặng hơn, có thể xuất hiện báng bụng, phù tay chân hoặc nôn ra máu do biến chứng của giãn tĩnh mạch thực quản…
– Có thể mất vài năm – thậm chí vài thập kỷ – giữa giai đoạn thứ hai và thứ ba. Vì vậy, nếu có bất cứ dấu hiệu nghi ngờ nào, người bệnh cần phải được thăm khám và chẩn đoán sớm để làm chậm diễn tiến của bệnh.
Giai đoạn thứ tư: Suy gan (Liver Failure)
– Khi gan ngừng hoạt động hoàn toàn, được gọi là suy gan: giai đoạn cuối của bệnh.
– Khác với suy gan cấp tính (Acute Liver Failure), diễn ra nhanh chóng trong vòng 48 giờ hoặc vài ngày và thường liên quan đến nhiễm độc gan hoặc do quá liều thuốc, suy gan mạn tính tiến triển dần dần qua thời gian cho đến khi mô xơ thay thế hoàn toàn mô gan lành.
– Khi bị suy gan, gan không thể chuyển hoá và thải trừ các chất độc hoặc thuốc, khiến chúng tích tụ trong cơ thể bạn. Các triệu chứng bệnh ở những giai đoạn trước trở nên tồi tệ hơn và có thể bao gồm những triệu chứng về tâm thần kinh như lú lẫn, mất phương hướng…
– Ở giai đoạn này, gan không thể phục hồi và ghép gan là lựa chọn duy nhất để điều trị.
Kết luận: Chẩn đoán sớm bệnh gan là chìa khóa để điều trị sớm, giúp mang lại kết quả tốt. Bệnh gan ở giai đoạn đầu có thể điều trị được vì gan có khả năng tự chữa lành rất lớn. Khi bệnh gan tiến triển, khả năng tự phục hồi của gan giảm dần và tiến tới mất đi chức năng. Với vai trò cực kỳ quan trọng, việc mất đi lá gan có thể dẫn đến những vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Bs. Tâm Nguyễn
Tác giả: BS Tâm Nguyễn
Xin gửi lời cảm ơn đến BS Tâm Nguyễn đã đồng ý đăng tải bài viết lên Diễn đàn Y khoa.