Điều đầu tiên phải ghi nhớ rằng 95% tăng huyết áp là vô căn (không rõ nguyên nhân). Vì vậy, điều trị tăng huyết áp là điều trị lâu dài và có thể suốt đời. Ngoài sử dụng thuốc đều đặn, bệnh nhân cũng cần tuân theo chế độ ăn uống, sinh hoạt mà bác sĩ khuyến cáo để quản lí bệnh một cách tốt nhất.
🏵️Các nhóm thuốc hiện đang được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp trên lâm sàng là:
Hiện nay có 6 nhóm.
Thuốc chẹn kênh calci (Calcium Channel Blockers).
2. Thuốc chẹn β-adrenergic (Beta blockers).
3. Thuốc ức chế hệ RAA (Renin – Angiotensin – Aldosterone) gồm 3 nhóm nhỏ
Thuốc ức chế renin trực tiếp.
Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (Angiotensin Converting Enzyme Inhibitors – ACEIs).
Thuốc chẹn thụ thể angiotensin (Angiotensin Receptor Blockers – ARBs).
4. Thuốc chủ vận thụ thể α2-adrenergic
5. Thuốc lợi tiểu.
6. Thuốc giãn mạch trực tiếp hoặc có cơ chế khác.
Một số thuốc thuộc nhóm khác như: thuốc chẹn thụ thể α1-adrenergic, thuốc ức chế giao cảm ngoại biên, thuốc liệt hạch… rất ít dùng điều trị tăng huyết áp trên lâm sàng nên không đề cập ở đây.
🏵️Thuốc chẹn kênh calci
Bình thường nồng độ Ca2+ ngoại bào lớn hơn nội bào nhiều lần. Nhóm thuốc này có tác dụng chung đó là ngăn không cho ion Ca2+ từ ngoại bào vào trong tế bào. Ion không vào được tế bào sẽ gây nên các hiệu ứng: giãn cơ trơn động mạch, lực co bóp cơ tim giảm và dẫn truyền tín hiệu trong tế bào cơ tim giảm, từ đó huyết áp hạ. Ngoài ra, việc tác động lên kênh calci vỏ thượng thận ức chế sự tiết aldosterone, giảm giữ muối và nước, góp phần hạ huyết áp.
Việc thuốc ưu tiên trên cơ nào hơn (cơ thành động mạch hay cơ tim) tùy thuộc vào nhóm thuốc. Do đó, tùy vào bệnh tình của bệnh nhân mà chọn thuốc phù hợp.
Các thuốc chẹn kênh calci thường gặp: nifedipin, amlodipin, diltiazem, verapamil…
🏵️ Thuốc chẹn β-adrenergic
Trong hệ giao cảm, thụ thể β-adrenergic xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau trong cơ thể với tác dụng khác nhau, gồm 3 loại là β1, β2 và β3, trong đó trên tế bào cơ tim, loại thụ thể ta gặp là β1 (thụ thể β2
cũng có nhưng với số lượng ít hơn nhiều). Kích thích thụ thể này làm tăng sức co bóp cơ tim và tăng huyết áp. Các thuốc có tác dụng chẹn thụ thể này sẽ có tác dùng giảm sức co bóp cơ tim và giảm huyết áp.
Các tác dụng phụ mà các thuốc này gây ra thường do tính chọn lọc của nó trên các thụ thể. Thuốc nào tính chọn lọc trên β1 càng kém thì càng nhiều tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên đáng buồn là không có thuốc nào mà hoàn toàn chỉ tác dụng trên β1 cả.
Các thuốc chẹn β-adrenergic thường gặp: propranolol, acebutolol, nebivolol…
🏵️ Thuốc ức chế hệ RAA
Hệ RAA có vai trò quan trọng trong quá trình điều hòa huyết áp. Khi có một lí do nào đó làm huyết áp tụt, mức lọc cầu thận giảm, các tế bào cận cầu thận sẽ tiết ra renin. Renin có tác dụng chuyển angiotensinogen được sản xuất bởi gan thành angiotensin I. Sau đó dưới tác dụng của men ACE ở phổi, angiotensin I được chuyển thành angiotensin II. Angiotensin II liên kết với thụ thể AT1 có tác dụng co mạch, hoạt hóa giao cảm, kích thích tuyến thượng thận tăng tiết aldosterone, kích thích tuyến yên tiết ADH (hormon chống bài niệu), tăng giữ muối và nước, từ đó gây tăng huyết áp.
Các thuốc ức chế hệ này gồm 3 nhóm nhỏ:
Thuốc ức chế renin trực tiếp: Aliskiren là thuốc duy nhất của nhóm này cho đến nay được sử dụng trên lâm sàng. Nó ức chế trực tiếp hormon đầu tiên trong quá trình trên nên ức chế sự sản sinh angiotensin II, giúp hạ huyết áp.
Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACEIs): Các thuốc nhóm này ức chế hình thành angiotensin II nhờ ức chế men ACE tại phổi, từ đó giúp hạ huyết áp. Tác dụng phụ nổi bật của thuốc này là gây ho.
Các thuốc thường gặp: enalapril, perindopril, fosinopril…
🏵️ Thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARBs): Các thuốc này không ngăn chặn sự tạo thành angiotenin II như hai thuốc trên, thay vào đó nó ức chế thụ thể AT1 của angiotensin II làm hormon này không phát huy được tác dụng, giúp hạ huyết áp.
Các thuốc thường gặp: valsartan, telmisartan, candesartan…
🏵️ Thuốc chủ vận thụ thể α2-adrenergic
Các thuốc nhóm này là chất chủ vận α2-adrenergic ở trung ương, không giống như thuốc chủ vận thụ thể α1 gây tăng huyết áp, chủ vận α2 có tác dụng giảm hoạt tính giao cảm ngoại vi nên hạ huyết áp.
Methyldopa là thuốc chỉ định đầu tay cho tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai.
Các thuốc thường gặp: methyldopa, clonidine, guanfacine, guanabenz (thường sử dụng trong tăng huyết áp không đáp ứng với các thuốc thường dùng)…
🏵️ Thuốc lợi tiểu
Thuốc lợi tiểu có tác dụng tăng thải nước và muối, giảm thể tích tuần hoàn nen giảm huyết áp. Thường không dùng đơn độc mà dùng kết hợp với các thuốc hạ huyết áp khác, đặc biệt là nhóm ACEIs hoặc ARBs.
Tác dụng phụ thường thấy của nhóm này là gây hạ kali huyết (trừ một số thuốc lợi tiểu giữ kali).
Các thuốc thường gặp: hydrochlorothiazide, furosemide, spironolacton…
🏵️ Thuốc giãn mạch trực tiếp hoặc có cơ chế khác
Các thuốc này có cơ chế khác các cơ chế trên, thường gây giãn mạch nhanh và mạnh nên thường dùng trong tăng huyết áp cấp cứu hoặc kháng trị.
Nhược điểm của các thuốc này là gây hoạt hóa hệ RAA (cơ chế bù trừ của cơ thể) làm huyết áp tăng nhanh trở lại.
Các thuốc thường gặp: hydralazine, fenoldopam, các nitrat hữu cơ (nitroglycerin, isosorbid dinitrat) thường dùng trong điều trị đau thắt ngực hơn nhưng cũng có thể sử dụng trong tăng huyết áp cấp cứu.
Trong thực tế, với bệnh nhân chỉ có tăng huyết áp nhẹ, thường bác sĩ sẽ chỉ yêu cầu thay đổi lối sống, có thể sử dụng một thuốc hạ huyết áp. Với các trường hợp tăng huyết áp trung bình hoặc nặng, thường sẽ phải phối hợp 2,3 hoặc thậm chí là 4 thuốc hạ huyết áp để đạt hiệu quả điều trị.
Nguồn: Chia sẻ kiến thức y khoa cơ sở