[Cập nhật] Hiệu quả của vaccine có cao?

Rate this post

 

Mấy hôm nay tôi theo dõi cuộc tranh luận về hiệu quả của 2 loại vaccine do ĐH Oxford và Pfizer bào chế. Rất đáng chú ý. “Dữ liệu ngầm” cho thấy có thể hiệu quả của vaccine không cao như con số 95% đã được báo cáo.

Vaccine của Oxford / AstraZeneca

Úc đang chuẩn bị triển khai tiêm vaccine trong cộng đồng và vaccine của ĐH Oxford / AstraZeneca được chọn. Lí do là vì vaccine này có thể sản xuất ngay tại Úc mà không cần phải nhập khẩu. Thế nhưng một nhóm chuyên gia bệnh truyền nhiễm và miễn dịch học (thuộc hiệp hội miễn dịch học của Úc) chất vấn hiệu quả của vaccine. Họ cho rằng với hiệu quả như báo cáo (62%) là không đủ cao để đạt miễn dịch cộng đồng [1]. Họ đề nghị không nên triển khai vaccine đại trà trong cộng đồng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cố vấn cho chánh phủ Úc thì cho rằng hiệu quả như vậy là tốt rồi, và có thể triển khai đại trà. Những người này nói rằng hiệu quả 62% tốt hơn nhiều so với hiệu quả của đeo khẩu trang (chỉ 15-20%), và kêu gọi mọi người nên tin vào các cố vấn của chánh phủ vì họ được … tuyển chọn cẩn thận. (Cách nói ‘hãy tin chúng tôi’ làm giới khoa học mỉm cười). Có vẻ như chánh phủ đã quyết định là sẽ triển khai tiêm vaccine vào vài tuần tới, cho dù có phản đối từ giới khoa học.

Thật ra, tôi nghĩ con số 62% là hơi đơn giản. Đó là con số ước tính từ một nhóm tình nguyện viên được tiêm 2 liều đầy đủ, và tính trung bình thì vaccine efficacy (VE) là 62% (xem bảng số liệu). Nếu tính cả nhóm được tiêm đúng liều và nhóm được tiêm sai liều trong nghiên cứu, thì VE là 70%. Do đó, tuỳ vào cách họ chọn nhóm nào.

[Hiệu quả của vaccine Oxford / AstraZeneca : Kết quả nghiên cứu RCT ( Lancet ) cho thấy hiệu quả dao động từ 62 % đến 90 % ( cột sau cùng ) . Các chuyên gia miễn dịch học cho rằng hiệu quả 62 % là chưa đủ thuyết phục , nhưng các chuyên gia khác lại nghĩ rằng 62 % là hơn hiệu quả đeo khẩu trang ( 15-20 % ) .

https://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(20)32661-1/fulltext ]

Nhưng vấn đề là những con số 62% (hay 70%) là số trung bình. Số trung bình nó dao động theo mẫu nghiên cứu, và do đó kết quả có thể cao hơn hay thấp hơn trong thực tế. Chẳng hạn như VE trung bình là 62%, nhưng khoảng tin cậy 95% thì dao động từ 41% đến 76% (xem bảng số liệu) [2]. Như các bạn thấy, các chuyên gia này chỉ nói đến con số trung bình, mà không hề xem xét đến sự bất định!

Tôi bình luận về chuyện này ở đây (tiếng Anh):

https://tuanvnguyen.medium.com/vaccine-efficacy-beyond-the-average-bf72ffc3e138

Vaccine của Pfizer / Biontech

Tuy nhiên, điều tôi mới đọc được về hiệu quả của vaccine của Biontech rất đáng suy nghĩ. Chúng ta biết rằng vài tuần trước Pfizer công bố kết quả nghiên cứu RCT quan trọng cho thấy vaccine BNT162b2 có hiệu quả VE = 95%, với khoảng tin cậy 95% dao động từ 90% đến 98% [3]. Rất cao. Và, đa số những người trong y khoa đều thấy đó là một tin mừng lớn trong việc kiểm soát dịch Vũ Hán. Tôi cũng nghĩ hiệu quả cao như vậy thì không còn nghi ngờ gì nữa [4].

Nhưng đến khi Pfizer nộp tất cả dữ liệu và kết quả phân tích cho FDA thì một chuyên gia [5] nhìn ra một ‘bức tranh’ khác. Để hiểu vấn đề, tôi xin trình bày một chút chi tiết và bối cảnh của công trình nghiên cứu:

• Nghiên cứu có 2 nhóm tình nguyện viên: 18198 người được tiêm vaccine và 18325 người thuộc nhóm chứng;

• Trong thời gian theo dõi, có 170 người (8 người trong nhóm vaccine và 162 người trong nhóm chứng) bị nhiễm virus. Đây là những ca nhiễm đã được xác nhận bằng phân tích PCR, chuẩn vàng để chẩn đoán nhiễm virus. Từ hai kết quả này, các tác giả ước tính được VE = 95%.

Những ca nghi ngờ nhiễm

Tuy nhiên, trong bài báo trên New England Journal of Medicine (NEJM), các tác giả báo cáo KHÔNG đầy đủ. Nhưng bên cạnh con số 170 đó, còn có những ca “suspected covid-19”, tức nghi ngờ nhiễm. Đây là những ca có triệu chứng, nhưng chưa được xác nhận bằng PCR.

Có bao nhiêu ca nghi ngờ nhiễm? Theo báo cáo cho FDA thì có đến 1594 ca trong nhóm vaccine và 1816 ca trong nhóm chứng! Tức là tổng số có đến 3410 người bị nghi nhiễm, nhiều hơn gấp 20 lần con số được xác nhận nhiễm.

Advertisement

Ảnh hưởng của các ca nghi ngờ này đến hiệu quả vaccine ra sao? Nếu con số nghi nhiễm này được cộng với con số 170 thì, hiệu quả của vaccine bây giờ là chỉ còn 18%.

VE = 1 – ((8+1594) / 18198) / ((162+1816)/18325) = 18%.

Chỉ 18%. Không phải 95%.

[Hiệu quả của vaccine Pfizer / BionTech : Kết quả báo cáo trên NEJM là 95 % ( cột sau cùng ) . Nhưng con số này dựa vào 170 ca nhiễm đã được xác định bởi PCR . Trong thực tế còn có 3410 ca NGHI bị nhiễm nhưng chưa xác định bởi PCR , mà bài báo trên NEJM không báo cáo Nếu tính số ca NGHI bị nhiễm , thì hiệu quả của vaccine là 18 % , chớ không phải là 95 % .

https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa2034577 ]

Phân tích chọn lọc

Ngoài ra, bài báo trên NEJM cũng không giải thích tại sao họ loại bỏ 371 ca được đánh giá là vi phạm protocol nghiên cứu. Vấn đề là trong số này, đa số (311) thuộc nhóm vaccine và chỉ có 60 thuộc nhóm chứng. Cách loại bỏ này làm cho hiệu quả vaccine có vẻ cao.

Tôi không hiểu tại sao tác giả không phân tích theo phương án ITT (tức bao gồm cả những ca không theo đúng protocol hay bỏ cuộc) như tất cả nghiên cứu RCT đều làm. Cách loại bỏ này làm cho ước số hiệu quả của vaccine bị sai lệch.

Tóm lại, con số 95% về hiệu quả của vaccine (Pfizer / Biontech) có thể không chính xác như báo cáo trong bài báo trên NEJM. Những vấn đề mà Peter Doshi (phó biên tập của BMJ) nêu lên rất đáng để tìm hiểu thêm. Hi vọng rằng nhóm tác giả sẽ có cơ hội giải thích và chúng ta biết rõ hơn về hiệu quả của vaccine.

____

[1] https://7news.com.au/sunrise/on-the-show/calls-for-australias-rollout-of-oxford-astrazeneca-covid-vaccine-to-be-paused-over-efficacy-concerns-c-1945573

[2] https://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(20)32661-1/fulltext

[3] https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa2034577

[4] https://tuanvnguyen.medium.com/a-bayesian-interpretation-of-pfizer-vaccine-efficacy-fa2dcd195fd9

[5] https://blogs.bmj.com/bmj/2021/01/04/peter-doshi-pfizer-and-modernas-95-effective-vaccines-we-need-more-details-and-the-raw-data

Giới thiệu Trần Huỳnh Thanh Nhật

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …