[COVID-19]Miễn dịch tự nhiên và miễn dịch nhờ vaccine: cái nào tốt hơn?

Rate this post
Đó là câu hỏi làm bận tâm nhiều người, và tôi nghĩ chứng cớ khoa học mới nhứt đã cho ra câu trả lời khá thuyết phục. Người bị nhiễm và bình phục có kháng thể rất tốt chống lại nCov ít nhứt 1 năm, nhưng nếu được tiêm vaccine thì kháng thể càng tốt hơn.
Một bạn đọc bên nhà thắc mắc là anh ấy đã bị nhiễm virus Vũ Hán năm ngoái, vậy anh có cần tiêm vaccine hay không? Tôi nghĩ câu trả lời nằm ở hệ miễn dịch của anh ấy mạnh hay yếu ra sao.
Chúng ta biết rằng sau khi bị nhiễm virus, thì cơ thể chúng ta đã sản sinh ra kháng thể để chống lại virus đó [1]. Như có lần ví von trước đây, hệ miễn dịch chúng ta giống như là một bộ máy kí ức. Nó giữa ‘hồ sơ’ các vi sinh vật gây bệnh mà nó đã đánh bại. Điều này có nghĩa là nếu một vi sinh vật (như virus) đã bị đánh bại thì hệ miễn dịch chúng ta nhớ nó, và nếu con virus xâm nhập cơ thể lần nữa thì hệ miễn dịch sẽ nhận ra và tiêu diệt ngay. Chúng ta tạm gọi tình trạng này là ‘miễn dịch tự nhiên’.
Vậy câu hỏi kế tiếp là mức độ miễn dịch tự nhiên có tốt hơn miễn dịch từ vaccine? Vài tuần trước đã có 2 nghiên cứu trả lời câu hỏi này. Nghiên cứu thứ nhứt được công bố trên Nature (rất quan trọng) và nghiên cứu thứ hai từ Do Thái. Tôi tóm tắt những dữ liệu chánh để các bạn tham khảo.
Nghiên cứu trên Nature [2]
Họ nghiên cứu trên 87 người đã bị nhiễm nCov trước đó chừng 6 tháng. Đa số chỉ bị nhiễm nhẹ, và chỉ có 10% là nhập viện trước đó. Trong số này (87 người) có 41% sau đó được tiêm vaccine mRNA. Sau đó, các nhà nghiên cứu theo dõi họ 12 tháng. Kết quả cho thấy như sau:
• So với 6 tháng trước đó, những người chưa được tiêm vaccine có lượng kháng thể đủ để vô hiệu hoá thụ thể RBD của con nCov.
• Những người đã được tiêm ít nhứt 1 liều vaccine mRNA có lượng kháng thể kháng RBD cao hơn những người chưa tiêm vaccine.
Như vậy, những người đã bị nhiễm nCov và bình phục sau đó có thể sản sinh ra kháng thể bảo vệ chống lại nCov ít nhứt là 1 năm. Điều thú vị từ nghiên cứu này là những người này nếu được tiêm chủng vaccine thì họ cũng có thể chống lại biến thể Delta.
Nghiên cứu từ Do Thái
Nhưng nghiên cứu trên chỉ là … lí thuyết, vì mới dựa vào kháng thể. Mà, kháng thể thì chỉ là outcome gián tiếp như tôi trình bày hôm trước. Câu hỏi quan trọng là đối với lây nhiễm thì sao? Miễn dịch tự nhiên hay miễn dịch nhờ vaccine tốt hơn?
Một nghiên cứu từ Do Thái trả lời đúng câu hỏi này mà chúng ta cần biết [3]. Để hiểu kết quả, tôi tóm tắt những nét chánh của nghiên cứu: họ phân tích số liệu ở những người (16 tuổi trở lên) và chia thành 2 nhóm:
• Nhóm 1 là những người đã từng bị nhiễm và bình phục nhưng không tiêm vaccine (n = 14029). Sau một thời gian theo dõi, nhóm này có 19 người bị tái nhiễm, tức tỉ lệ 0.14%.
• Nhóm 2 là những người không bị nhiễm trước đó và được tiêm 2 liều vaccine Pfizer (n = 14029). Nhóm này sau đó có 238 người bị nhiễm, tỉ lệ 1.7%.
Như vậy, miễn dịch tự nhiên có vẻ tốt hơn miễn dịch nhờ vaccine. Họ đi đến kết luận rằng kết quả nghiên cứu cho thấy miễn dịch tự nhiên có khả năng bảo vệ chống lại nhiễm (kể cả chống lại biến thể Delta) tốt hơn so vớu 2 liều vaccine Pfizer. (Nguyên văn: “This study demonstrated that natural immunity confers longer-lasting and stronger protection against infection, symptomatic disease and hospitalization caused by the Delta variant of SARS-CoV-2, compared to the BNT162b2 two-dose vaccine-induced immunity.”)
Advertisement
Nhưng nhóm tác giả còn ghi thêm rằng những người đã bị nhiễm và được tiêm 1 liều vaccine thì hệ miễn dịch còn mạnh hơn những người đã bị nhiễm nhưng không được tiêm 1 liều vaccine.
Như vậy, cả hai nghiên cứu đều nhứt quán với nhau: miễn dịch tự nhiên rất tốt để chống lại nCov, nhưng nếu được tiêm thêm vaccine thì càng tốt hơn nữa. Ý nghĩa của phát hiện này, theo tôi, là nếu người đã bị nhiễm và bình phục thì vẫn nên tiêm vaccine khi có cơ hội và nguồn vaccine dồi dào. Các bác sĩ và nhà chức trách không nên loại bỏ những người đã bị nhiễm và bình phục khỏi danh sách tiêm vaccine.
____
Ghi chú hình: Biểu đồ thể hiện kháng thể IgG chống protein S của nCov (bên trái) và virus cúm mùa (bên phải). Dòng “…” là thể hiện giới hạn của phát hiện kháng thể.
Không có mô tả ảnh.

 

Giới thiệu Thuha

Check Also

Nỗi khổ của người làm khoa học ở Úc

Sáng nay ra quán cà phê và được ‘cô hàng cà phê’ chúc mừng ngay …