[COVID-19]Tiêm vaccine liều 3 hiệu quả ra sao?

Rate this post
Hôm nay tôi nhận thư của Thủ tướng Úc khuyên là nên đi tiêm vaccine liều thứ 3 (gọi là ‘booster’). Do đó, tôi phải tìm hiểu hiệu quả của liều 3 ra sao. Dữ liệu của hai nghiên cứu từ Do Thái cho thấy hiệu quả khá tốt, nhưng 2 nghiên cứu này cũng đặt ra một số câu hỏi.
Tôi nghĩ công bằng mà nói thì vaccine covid có hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm virus Vũ Hán và giảm tử vong. Điều này có thể thấy rõ qua số liệu ở các nước. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng vaccine không có hiệu quả ngăn ngừa 100%, và hiệu quả của vaccine Tây tốt hơn vaccine Tàu. Đã chích 2 liều vaccine — Tây hay Tàu — vẫn có thể bị nhiễm, vẫn có thể chết vì covid, nhưng xác xuất thì thấp hơn nhiều so với người không tiêm vaccine.
Thế nhưng, trước thực trạng số người bị nhiễm [dù đã tiêm 2 liều vaccine] càng ngày càng tăng, giới y tế thế giới hay nói đến liều vaccine gọi là ‘booster’ (tạm hiểu là ‘bổ sung’). Trước đây, khi một người được tiêm 2 liều vaccine thì được xem là ‘đầy đủ’. Nhưng khái niệm đầy đủ có vẻ thay đổi theo thời gian, khi số người bị nhiễm sau khi tiêm 2 liều vaccine (gọi là nhiễm đột phá) tiếp tục gia tăng. Xu hướng này xảy ra ở rất nhiều nơi trên thế giới, kể cả Việt Nam. Thành ra, người ta có ý tưởng là tiêm thêm 1 liều bổ sung, đặc biệt là những ai đã tiêm 2 liều vaccine Pfizer. Tức là, đối với vài người, tiêm 2 liều vẫn chưa thể xem là ‘đầy đủ’!
Ở những nước như Úc thì các giới chức y tế khuyến cáo rằng những người tuổi 18 trở lên và đã tiêm 2 liều vaccine (AZ, Pfizer, Moderna) hơn 6 tháng thì có thể tiêm thêm liều bổ sung. Tuy nhiên, họ nói rõ rằng việc tiêm liều bổ sung là không bắt buộc. Ở vài nơi khác, những người được khuyên nên tiêm liều bổ sung là những người có bệnh nền làm cho hệ miễn dịch bị suy yếu. Ở Do Thái, từ ngày 30/7/2021 thì họ đã bắt đầu tiêm liều bổ sung cho những ai tuổi 60 trở lên đã được tiêm ‘đủ’ 2 liều vaccine Pfizer hơn 5 tháng.
Do đó, Do Thái là nơi lí tưởng để đánh giá hiệu quả của liều vaccine bổ sung. Trong một phân tích mới công bố trên NEJM [1], các nhà nghiên cứu Do Thái trình bày kết quả cho thấy liều bổ sung quả thật có hiệu quả hơn những người tiêm đủ 2 liều. Tôi tóm tắt nghiên cứu này để các bạn dễ theo dõi:
Họ hồi cứu dữ liệu của 1,137,804 người 60 tuổi trở lên đã được tiêm 2 liều vaccine Pfizer tối thiểu là 5 tháng. Một số trong nhóm này đã được tiêm liều bổ sung, nhưng ngạc nhiên thay, tác giả không cho biết là có bao nhiêu người được tiêm bổ sung. (Tôi không thể nào tưởng tượng nổi một bài báo trên NEJM mà bỏ qua thông tin vô cùng căn bản này!) Cứ mỗi cá nhân, họ đếm số ngày theo dõi sau khi tiêm vaccine. Trung bình, mỗi người được theo dõi 14 ngày sau khi tiêm vaccine. Thành ra, đơn vị để phân tích là person-days (tức ngày-người). Chẳng hạn như 140 ngày-người có thể có nghĩa là 10 người được theo dõi 14 ngày. Kết quả như sau:
• Ở nhóm không tiêm liều bổ sung: xác suất nhiễm là 0.085 trên 100 ngày-người;
• Ở nhóm tiêm liều bổ sung: xác suất nhiễm là 0.0088 trên 100 ngày-người;
• Như vậy, hiệu lực của liều bổ sung là 90% (1-0.0088/0.085).
Một phân tích khác, cũng từ Do Thái, công bố trên Lancet [2] cũng cho thấy tiêm liều bổ sung có hiệu quả chống nhiễm và tử vong khá tốt. Nghiên cứu này so sánh dữ liệu của 728,321 người được tiêm đủ 2 liều vaccine Pfizer và 728,321 người được tiêm liều bổ sung (tức là nghiên cứu ‘bệnh chứng’). Outcome họ phân tích là số ca nhiễm cần nhập viện và số tử vong. Kết quả?
• Ở nhóm không tiêm liều bổ sung: nhập viện là 221 trên 100,000 người và xác suất tử vong là 32 trên 100,000 người;
• Ở nhóm tiêm liều bổ sung: xác suất nhập viện là 14 trên 100,000 người và tử vong là 6 trên 100,000 người;
• Do đó, hiệu lực của liều bổ sung là giảm nguy cơ nhập viện 93% và giảm nguy cơ tử vong 81%.
Những kết quả trên đây cho thấy tiêm liều bổ sung (liều 3) đối với vaccine Pfizer có hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm, giảm nguy cơ nhập viện, và giảm nguy cơ tử vong so với nhóm tiêm 2 liều. Đó là dữ liệu thực tế. Nhưng dữ liệu đó cũng đặt ra vài câu hỏi mà tôi nghĩ chúng ta phải lưu tâm.
Advertisement
Vấn đề thời gian. Cái điểm yếu của 2 nghiên cứu trên là họ chỉ theo dõi các cá nhân chỉ 2 tuần sau khi tiêm. Thời gian quá ngắn đó khó có thể đánh giá hiệu quả của vaccine về lâu dài. Chúng ta vẫn chưa biết vaccine có hiệu quả lâu dài ra sao. Theo cách họ thiết kế nghiên cứu, tôi nghĩ họ giả định rằng vaccine chỉ có hiệu lực chừng 6 tháng (?)
Ai cần tiêm liều bổ sung? Đây là câu hỏi rất khó trả lời. Ở nước giàu có (như Úc chẳng hạn) thì thừa vaccine nên họ sẵn sàng tiêm cho tất cả những ai trên 18 tuổi. Nhưng còn nước nghèo thì sao? Tôi nghĩ cần phải có tiêu chuẩn để chọn người cần tiêm liều bổ sung, chớ không thể làm như ở nước giàu có được.
Ngay cả liều bổ sung cũng không bảo vệ 100%. Đó chính là dữ liệu thực tế cho thấy. Cả hai nghiên cứu đều cho thấy ở những người tiêm 3 liều vaccine Pfizer mà vẫn bị nhiễm và có nguy cơ tử vong, dù thấp hơn so với những người tiêm 2 liều.
Điều đáng nói là người của Pfizer đã đánh tiếng cần tiêm liều 4! Không rõ chứng cớ nào để họ phát biểu như thế. Nếu tiếp tục đà này thì chẳng lẽ mỗi chúng ta phải lệ thuộc vào k liều vaccine mà không ai biết k là bao nhiêu. Thật là đáng lo ngại.
______
[2] Barda et al. Lancet 2021. doi.org/10.1016/S0140-6736(21)02249-2.

Giới thiệu Thuha

Check Also

Nỗi khổ của người làm khoa học ở Úc

Sáng nay ra quán cà phê và được ‘cô hàng cà phê’ chúc mừng ngay …