BÁC SĨ XQUANG

Rate this post
Hơn 100 năm trước, vào tối ngày 8 tháng 11 năm 1895, nhà vật lí học người Đức tên là Roentgen đã tình cờ phát hiện ra tia X khi đang nghiên cứu tia âm cực.
Tia X.
Có nghĩa là ẩn số.
Nhưng cũng có nghĩa là xuyên thấu.
Khi nhà bác học Roentgen chiếu tia X qua bàn tay của mình và người vợ, ông thấy các mô khác nhau sẽ hấp thụ tia khác nhau, từ đó thu được nhình ảnh cũng khác nhau. Tia X đã tạo ra cuộc cách mạng y học. Hàng năm có Ngày Quốc tế Xquang mùng 8 tháng 11. Trong các bệnh viện bắt đầu có chiếu phim và chụp phim. Nhưng đó không phải là rạp điện ảnh, mà là khoa quang tuyến, hoặc khoa Xquang. Sau này, ngoài Xquang còn thêm các lĩnh vực khác như siêu âm, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, chụp mạch và điện quang can thiệp; nên được gọi là khoa chẩn đoán hình ảnh.
Nói đến bác sĩ Xquang ai cũng coi thường.
Hầu hết mọi người không biết bác sĩ Xquang làm gì. Thực tế, với một bệnh viện hiện đại hôm nay, khoa Xquang là trung tâm, nó tích hợp giữa khám, chẩn đoán và điều trị, nhiều bệnh lí được chẩn đoán qua “bức tranh” của khoa Xquang, bác sĩ Xquang là con mắt thần của y học lâm sàng.
Đúng 7 giờ 30 sáng, kĩ thuật viên phòng chụp CT bắt đầu khởi động máy để bóng chụp nóng dần lên, động tác này gọi là “warm up” mất khoảng 15 phút. Công việc của kĩ thuật viên lúc nào cũng bận rộn. Một đống giấy chỉ định trên mặt bàn. Trung bình khoảng 60 ca mỗi ngày. Thời gian phải rất tiết kiệm. Nói chung, phòng CT phải có hai kĩ thuật viên, một người ở phía trước sân khấu và một người ở phía sau hậu trường.
Việc gọi bệnh nhân, đặt tư thế chụp, đặt ven truyền tĩnh mạch đều do kĩ thuật viên phía trước làm. “Nguyễn Thị Y, chị bao nhiêu tuổi, nhà ở đâu? Kinh nguyệt của chị có bị chậm không? Chị có đang mang thai không?” “Tôi ngoài 45 tuổi, chồng đi công tác xa, làm sao có bầu!” Người bệnh nhiều khi khó chịu, nhưng đó là những câu hỏi để kiểm tra tên tuổi có chính xác không, có đang mang thai hay không, vì trong 6 tháng đầu của thai kì đôi khi nhầm với người ăn nhiều nên bụng to.
“Chị Y chú ý này, chị giơ hai tay lên! Được rồi, giờ chị hạ tay xuống ôm lấy đầu.” Kĩ thuật viện hậu trường nói qua loa, mục đích nhằm kiểm tra bệnh nhân vẫn nghe được và thực hiện đúng hướng dẫn từ buồng điều khiển.
“Hít vào… Nìn thở…” Phía sau hậu trường, kĩ thuật viên bấm máy cần mẫn chụp, ngày qua ngày, họ làm việc cần mẫn và tỉ mỉ, mục đích chỉ để tạo ra những hình ảnh đẹp nhất để bác sĩ chẩn đoán. Nhiệm vụ của kĩ thuật viên là vẽ ra được bức tranh tổng thể. Đầu tiên họ kiểm tra thông tin chẩn đoán lâm sàng, chỉ định chụp, vị trí quét, kĩ thuật chụp, những bổ sung cần thiết. Những trường hợp khó khăn, kĩ thuật viên sẽ trao đổi với bác sĩ Xquang, hỏi ý kiến. Họ làm việc rất chăm chỉ, mỗi bệnh nhân chỉ tiếp xúc trong vài phút. Cuối ngày làm việc, kĩ thuật viên sẽ cùng nhau lau máy bằng khăn ướt tẩm cồn, vệ sinh dụng cụ và phòng chụp. Trong thời kì đại dịch, dù không phải là bệnh viện thu dung COVID-19, nhưng ngày vẫn phải khử trùng 3 lần, buổi sáng, trưa và tối, dùng cồn lau bề mặt dụng cụ, đồ dùng, xịt khử trùng không khí, khử trùng tia cực tím, thậm chí khi dịch bùng phát mạnh phải khử trùng mỗi giờ một lần.
Đọc phim mới là quá trình khó khăn nhất.
Bác sĩ Xquang phải có đôi mắt bằng vàng, họ như Tề thiên Đại Thánh, cho dù tổn thương có nhỏ đến đâu, nhưng bằng cái nhìn sắc bén không thể che giấu được. Ở các bệnh viện lớn, có đội ngũ giúp việc là bác sĩ học viên, bao gồm chuyên khoa sơ bộ, chuyên khoa cấp 1, cao học hay nội trú; họ đọc chi tiết các hình ảnh trên máy, diễn đạt vào phần ghi kết quả. Bác sĩ Xquang của khoa có nhiệm vụ xem xét kĩ lại kết quả, đối chiếu với thông tin trên hồ sơ bệnh án, có thể tiếp cận với bệnh nhân hoặc trao đổi với bác sĩ lâm sàng để cho ra kết quả chẩn đoán cuối cùng chính xác nhất.
Mỗi một bệnh nhân, để đọc xong kết quả phải mất hàng chục phút, thậm chí 30 phút, bệnh nhân khó đôi khi mất hàng tiếng. Tờ phim chỉ để có bằng chứng thanh toán bảo hiểm. Thực tế, mỗi bệnh nhân chụp đến hàng trăm hình ảnh, vì mỗi lát cắt chỉ một đến vài milimét, cắt đi cắt lại ở các thì, rồi dựng hình ở các mặt phẳng không gian ba chiều, có bệnh nhân tính đến hàng ngàn ảnh.
Tôi vẫn mơ ước có ngày bệnh viện xoá bỏ tờ phim.
Bởi tờ phim đó ngoài ý nghĩa để bảo hiểm không xuất toán, thì nó không có nhiều giá trị thông tin, bác sĩ chúng tôi phải đọc hàng ngàn hình ảnh của mỗi bệnh nhân trên máy tính. Tờ phim rất lãng phí và mất thời gian. Để tìm ra manh mối bệnh tật, chúng tôi phải xem chi tiết từng hình ảnh, thay đổi cửa sổ, sử dụng các phần mềm hiển thị ảnh theo yêu cầu, đo đạc, tính toán. Đọc CT hay Xquang luôn là bài kiểm tra thị lực, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tri thức và kinh nghiệm.
Công việc của bác sĩ Xquang không phải nhìn hình ảnh mà phán.
Chúng tôi phải phân tích mọi manh mối, dò tìm tung tích bệnh tật, đọc bệnh án rất cẩn thận, phải hỏi và khám bệnh nhân, phải thảo luận với bác sĩ lâm sàng. Hình ảnh chỉ là cái bóng của sự thật. Cùng một cái bóng, có rất nhiều chân tướng sự thật khác nhau, làm sao để phân biệt được mới khó. Trên thực tế, bệnh luôn tiến triển động, đặc biệt là những ca bệnh khó cần phải đặt ra nhiều khả năng và nhiều tình huống, định hướng cách điều trị tối ưu.
Bác sĩ Xquang có thể đọc phim và hội chẩn từ xa.
Đây là một điểm rất đặc biệt, telemedicine, theo tôi rường cột là các hệ thống lưu trữ và truyền tải dữ liệu hình ảnh. Ở nước Mỹ, ban đêm kĩ thuật viên chụp phim và làm siêu âm, bác sĩ bên Ấn Độ lúc đó là ban ngày sẽ đọc kết quả. Tôi sang Nhật Bản nhiều năm trước, thấy các bệnh viện không có bác sĩ Xquang, mà chỉ có kĩ thuật viên. Một trung tâm chẩn đoán hình ảnh chỉ có chuyên gia là các bác sĩ Xquang mà không hề có kĩ thuật viên hay bệnh nhân. Hình ảnh chụp từ các bệnh viện, sẽ được chuyển về trung tâm, các bác sĩ Xquang ngồi phân tích đọc kết quả. Ở bên Hàn Quốc, một trung tâm chẩn đoán hình ảnh chỉ có 70 bác sĩ Xquang, họ sẽ đọc kết quả cho 199 bệnh viện. Hà Nội chỉ tính 42 bệnh viện thuộc Sở Y tế, có khoảng 200 bác sĩ Xquang; nếu so con số này với Hàn Quốc thì đó là những con số biết nói.
Quan trong hơn cả, theo tôi, khó khăn nhất trong thực hành khám chữa bệnh, đó là chẩn đoán hình ảnh. Bác sĩ Xquang tuyến huyện, vì ít được va chạm với các mặt bệnh khó, nên dễ bỏ sót hoặc chẩn đoán chưa đúng. Với mô hình khoa Xquang không có bác sĩ, trung tâm chẩn đoán hình ảnh không có bệnh nhâ, theo quan điểm của tôi, làm như vậy sẽ đảm bảo sự chính xác về chẩn đoán cho các bệnh viện tuyến dưới, chẩn đoán chính xác rồi thì mới điều trị mới tốt được.
Tôi lấy ví dụ, một đồng nghiệp cũng là bác sĩ Xquang đang công tác ở một bệnh viện miền Trung, anh nhờ tôi đọc giúp phim Xquang cho cô cháu gái ruột.
Bệnh nhân nữ, 30 tuổi, xuất hiện khó thở thường xuyên.
Đi chụp Xquang tim phổi, thấy cơ hoành trái bị đẩy lên rất cao, trong khi tim phổi không thấy tổn thương gì. Chụp thêm phim Xquang ổ bụng, anh thấy đại tràng giãn đẩy cơ hoành trái, anh sợ thoát vị hoành, hoặc nhão cơ hoành gây tình trạng khó thở. Vì là cháu gái ruột, nên anh cẩn thận hỏi tôi, xem liệu có vấn đề gì khác không.
Tôi nói với anh hãy xem nửa cuối đại tràng trái xuống đại tràng Sigmoid và trực tràng, có hình ảnh biết nói, hãy xuất phát từ đó. Ngay lập tức anh nhận ra phân vón cục như những viên sỏi, trong phân có nhiều khí như tổ ong. Tôi giải thích rằng, cháu anh có thể bị táo bón quá nặng, lí do ăn quá nhiều chất xơ như rau, nhưng lại uống không đủ nước, lâu ngày thành táo bón.
Một dấu hiệu táo bón rất nặng nữa, tôi giải thích, là đại tràng đường kính khoảng 10cm, tức là giãn rất to. Phần còn lại của đại tràng, toàn bộ chứa đầy hơi, nên lúc nào bụng cũng to, dùng tay gõ vào pinh pinh như cái trống. Lí do là táo bón, vi khuẩn trong đại tràng phát triển bất thường, sinh ra nhiều hơi, nó làm cho đại tràng cứ giãn dần ra theo ngày tháng.
Tiếp tục tôi giải thích, phần đại tràng từ manh tràng đến hết đại tràng ngay xu hướng di động hơn đại tràng còn lại bên trái. Vậy mỗi lần phân ở đại tràng, theo sóng nhu động đẩy xuống, nhưng không đi ngoài người, dẫn tới nó cứ cuộn lại trong bụng như con rắn. Lâu ngày, đại tràng bên phải xoay, nó kéo theo cả đại tràng đều xoay, điểm xoay xung quanh đại tràng Sigmoid.
Advertisement
Tiếng Anh gọi là “Sigmoid Volvulus”.
Đây là tình trạng xoay mãn tính của đại tràng, nguyên nhân thường do táo bón mãn tính kéo dài. Một số người lạm dụng thuốc nhuận tràng. Những người ăn kiêng quá nhiều rau cũng bị. Trẻ con châu Phi bụng đầy giun cũng có thể mắc. Hiện nay có một số chị em xui nhau detox đại tràng, liên tục bơm 3-5 lít nước để làm sạch; sẽ có nhiều người sau này bị xoay đại tràng mãn tính.
Trường hợp cô cháu của anh bác sĩ, đại tràng xoay quanh vị trí Sigmoid, làm cho đại tràng phải di chuyển sang trái, bụng chướng lệch, đại tràng giãn to đẩy cơ hoành trái lên cao, gây ra tình trạng khó thở.
Sau khi anh bác sĩ hỏi và khám lại cho cháu, thấy tất cả những điều tôi nói đều đúng như vậy, do anh chưa gặp lần nào nên không nghĩ tới. Chủ đề phân, đi toilet và đại tràng, tôi chẳng thiếu những câu chuyện để kể.
Nhiệm vụ của bác sĩ Xquang chúng tôi, là ngồi trong căn phòng tối, nhìn vào những bức ảnh đen trắng, bắt chúng phải cất lên tiếng nói để chỉ ra bệnh tật đang ẩn khuất nơi đâu. Chúng tôi là những người âm thầm phía sau. Bệnh nhân không biết tới, xã hội sẽ coi thường, đồng nghiệp cũng nhìn chúng tôi với ánh mắt ái ngại; đó là lí do không mấy người chọn làm bác sĩ Xquang.
Trên thực tế, trong khoa Xquang còn một nhóm người âm thầm tận tâm màu trắng, họ là những điều dưỡng ngồi bên khung cửa sổ tiếp đón bệnh nhân. Thông thường, phía bên ngoài cửa sổ bao giờ cũng chật ních bệnh nhân và người nhà, họ chờ đợi lâu nên rất khó để giữ được trật tự. Một số người phàn nàn, có người gây sự, chửi và đe doạ cũng thường xuyên. Nhưng với một điều dưỡng trẻ, xinh đẹp, nói năng nhẹ nhàng và có kinh nghiệm, thì sau khi kiên nhẫn giải thích đa số bệnh nhân và người nhà sẽ kìm nén cơn giận dữ để bày tỏ sự hiểu biết.
Điều dưỡng tiếp đón, ngoài việc nhận giấy tờ, kiểm tra các thủ tục hành chính, giải thích, đặt lịch hẹn, hướng dẫn bệnh nhân, trả kết quả phim, thì điều dưỡng cũng phải tham gia hỗ trợ kĩ thuật viên đặt ven truyền, chuẩn bị thuốc tiêm, xử trí phản vệ và sốc phản vệ.
Thu nhập của điều dưỡng tiếp đón khoảng 5 triệu/tháng.

Giới thiệu Thuha

Check Also

[Chia sẻ] Sỏi mật: Từ phòng ➠ Chữa bệnh

Sự hình thành sỏi mật liên quan mật thiết đến gan, túi mật, ống mật, …