Mùng 1 tết năm ngoái, tôi đến nhà một người bạn ăn tiệc, trong lúc mọi người đang vui vẻ chúc tụng ăn uống, thì đứa con trai 4 tuổi của bạn hét toáng lên.
“Cứt!”
“Mẹ ơi ông ăn cứt!”
Vợ chồng bạn hốt hoảng chạy vào phòng, bố già tuổi cao bị u xơ tiền liệt tuyến đóng bỉm, nên ngại không muốn ra tiếp khách. Trước mặt ông là bát cháo bí đỏ hầm đậu xanh với xương lợn. Anh bạn đã hiểu ra sự việc. Nhưng cẩn thận vẫn đưa bát cháo lên mũi ngửi. Con trai thấy vậy nhắc nhở bố và tò mò.
“Bố đừng ăn cứt. Có thối không bố? Ahaha.”
Vợ chồng bạn rất xấu hổ, bố già cũng xấu hổ, họ mắng chửi con trong khi thằng bé cười nhiều hơn, đồng thời làm điệu bộ lấy tay bịt mũi nhăn nhó.
“Bố vả vỡ mồm mày bây giờ!”
Một lần khác cách đây không lâu, người bạn mời tôi đến nhà tư vấn cho việc dạy đứa con gái 6 tuổi học lớp 1. Cả gia đình ngồi say mê nghe tôi nói. Bỗng đứa trẻ đặt câu hỏi: “Mẹ đánh rắm phải không?” Cô bạn đỏ mặt lảng chuyện. Nhưng con gái không buông tha: “Mùi thối quá. Đúng là mẹ xì hơi rồi!” Không dừng lại ở đó, thấy mẹ không nhận nên đứa trẻ liên tục hỏi xem ai đã đánh rắm. Bối rối. Nhưng tôi biết thủ phạm là ông nội. Bởi tôi ngồi ở đầu hướng quạt, tiếp theo là ông nội, bên kia là vợ chồng bạn và đứa trẻ. Người già có rất nhiều kinh nghiệm. Ông nội trong tình huống này quá chủ quan, nghĩ rằng mình ngồi gần cuối hướng gió, nên ông thản nhiên thả một quả rắm tự do.
Đứa cháu gái đã hứng trọn cú rắm.
Thực tế trong cuộc sống, ai cũng phải đánh rắm, bởi hàng ngày chúng ta nói chuyện, nhai hoặc nuốt thức ăn, không khí đã lẻn vào trong đường tiêu hoá. Chưa kể vi khuẩn trong ruột già phân huỷ các chất thành khí carbon dioxide, hydro, methane. Trong trường hợp bình thường, một người khoẻ mạnh sẽ xì hơi từ 10 đến 15 lần.
Ở một mình đánh rắm thì không sao.
Điều đáng xấu hổ nhất là chỗ đông người, nếu ai đó thả quả rắm như ông nội, mọi người trong phòng kín sẽ thận trọng giả vờ như không biết. Rắm nhiều khi rất thối. Sợ nhất là khi nhà có trẻ con tò mò: “Ai xì hơi? Thối quá!” Bà, mẹ hay những người phụ nữ sẽ trở thành nạn nhân bị trẻ truy hỏi đầu tiên, rất xấu hổ.
Trẻ rất thích nói rắm, cứt, và những câu nhảm nhí.
Nhà tâm lí học nổi tiếng Freud khi phân chia các giai đoạn một đứa trẻ, thì ở độ tuổi 3-6 trẻ có đặc điểm nổi bật “mọi sự bài tiết đều là khoái cảm”.
Giai đoạn này trẻ hứng thú với: cứt, đái, ỉa, và rắm!
Bạn có ngăn cản thì chúng vẫn nói về việc này, càng ngăn cản càng tò mò hơn, tò mò như một sự ám ảnh. Nhà tâm lí học Winnicott đã từng mô tả: “Lúc đầu, bọn trẻ không biết đi tiểu là gì. Chỉ khi bàng quang đầy, trẻ mới cảm giác muốn đi tiểu. Tuy nhiên, trẻ phát hiện ra rằng nỗi buồn sẽ được giải quyết, bản chất nó như một phần thưởng, tức là trẻ cảm thấy có sự dễ chịu thích thú khi đi tiểu”.
Nên nhớ ỉa đái là một trong tứ khoái!
Bởi vậy, đái ỉa trở thành điều gì đó thiêng liêng bí mật, nó thôi thúc trẻ tò mò tìm hiểu, ban đầu chúng chưa biết dùng từ để diễn đạt, nhưng về sau chúng hào hứng đón nhận với tất cả niềm vui và sự mong đợi.
Bản tính trẻ là đơn giản.
Một đứa trẻ 5 tháng tuổi, dễ dàng cười sằng sặc với mẹ cha khi chơi trò “ú oà”. Rõ ràng chúng không hiểu âm thanh “ú oà” là gì cả, nhưng trẻ rất thích thú, cảm thấy hài hước nên cười sằng sặc. Trẻ lớn 3-6 tuổi cũng vậy, mới đầu chúng chẳng hiểu cứt, đái, ỉa và rắm là gì, nhưng cảm thấy hài hước, khi nói đến chúng sẽ cười sằng sặc, rất thích thú và sôi nổi khi đề cập đến nó.
Từ sự thích thú, khoái cảm và hài hước, dẫn trẻ tới sự tò mò tìm hiểu, muốn kiểm soát tác phẩm do chính mình tạo ra. Vấn đề này, Freud đã giải thích tại sao những đứa trẻ thích tạo hình bãi phân, đếm phân, vẽ những tác phẩm bằng cách đái ỉa, nó làm cho trẻ hứng thú hơn cả vẽ tranh. Và đặc biệt, trẻ liên tưởng tới rất nhiều tình huống, rất nhiều câu chuyện, như thầy cô giáo thì ỉa đái có thành những cốc kem, bố đái giống vòi hoa sen còn mẹ ỉa giống củ khoai lang bóc vỏ, sự liên tưởng ấy làm cho trẻ cảm thấy rất vui vẻ và hài hước.
Khi con trai tôi 4 tuổi, mùa hè về quê ngoại chơi, con mải mê tắm mưa, chạy nhảy hò hét và cười đùa một mình rất thích thú. Con nghĩ mưa là do Chúa từ trên trời đái xuống. Sau khi con tắm mưa xong, tôi trò chuyện về chủ đề đái, ỉa và đánh rắm, con nói ra những từ ngữ làm tôi bất ngờ; đó chính là một bà thơ.
Một lần con đánh rắm
cú rắm như que kem
Một lần con ỉa
những cục cứt như bánh hamburg
Bánh hamburg bọc giấy vệ sinh
khi con chùi vào miệng
cảm thấy thật hạnh phúc
Mưa
Trời ơi Chúa đi tiểu
nước tiểu của Chúa rất thích
con không thấy xấu hổ chút nào…
Bạn thấy đấy, đó là một bài thơ giàu trí tưởng tượng, nó đòi hỏi rất nhiều chất xám. Đó là lí do để đứa trẻ không tiếc sức lực suy nghĩ về những từ bậy. Tiến sĩ Lawrence Cohen, tác giả của cuốn sách “Nuôi dạy con vui vẻ” cho biết: “Đầu tiên, trẻ em học các từ mà chúng chưa biết ý nghĩa, sau đó chúng dần hiểu ý nghĩa, chúng học cách biến một số từ nhất định trở nên có sức mạnh đặc biệt.”
Đến đây, tôi nghĩ rằng mọi người sẽ không còn ngạc nhiên khi bé gái 6 tuổi phán xét mẹ đánh rắm trước mặt tôi, rồi truy hỏi đến cùng xem ai là người thả ra cú rắm thối hoắc đó, việc truy hỏi đã làm cho tất cả mọi người bị xấu hổ. Trẻ ở giai đoạn 3-6 tuổi này rất nhạy cảm và có quyền lực với những từ tục tĩu, chửi thề, lời nguyền rủa cay nghiệt. Chúng ta thường nghe thấy những câu như “con ghét mẹ”, hay “bố thối như cứt”, hoặc “tớ giết chết cậu” mặc dù ngay lập tức trẻ sẽ hỏi lại “thối như cứt là gì?”
Khi trẻ phát hiện ra những từ có sức mạnh sắc như dao đâm, chúng sẽ sử dụng thường xuyên hơn, càng mắng mỏ đe nẹt chúng càng sử dụng, hoặc ít nhất là sử dụng giấu giếm. Lawrence đã nói: “Trẻ em luôn thử nghiệm sức mạnh và khiến người lớn phải cười hoặc cảm thấy khó xử, đó là một điều rất mạnh mẽ đối với một đứa trẻ.”
Freud đã chia ra thành ba giai đoạn:
✓ Vui chơi (play): xảy ra lúc 3 tuổi.
✓ Giễu cợt (jesting): từ 4 – 6 tuổi.
✓ Nói đùa (joking): từ 7 tuổi trở đi.
“Giễu cợt” liên quan đến sự phóng đại và phi lí một cách vui nhộn. Nhưng “nói đùa” cũng đan xen vào nên có thể xuất hiện từ lúc 4 tuổi, đứa trẻ bắt đầu sử dụng sự hài hước để truyền tải nhiều ý nghĩa, một trong số đó là nói những điều gây sốc hoặc phi lý để gây ra tiếng cười.
Nắm bắt tâm lí này để ứng dụng vào cuộc sống và giáo dục.
Dịp tết Nguyên Đán năm ngoái, tôi đưa con gái 4 tuổi về quê ngoại, sợ không có bạn chơi nên cho con gặp một bé trai hàng xóm 5 tuổi, cả hai coi nhau rất xa lạ.
Nhưng không ngờ, bé trai hàng xóm thả một cú rắm rất to, khiến hai đứa cùng nhau cười sảng khoái. Vì cú rắm này mà hai đứa nhanh chóng thân nhau. Rõ ràng, hiệu quả của “xì hơi” là rất tuyệt vời. Tiếng rắm chính là “mật khẩu”, nó giúp hai đứa trẻ giải mã được nhau, khơi dậy sự hài hước để rút ngắn khoảng cách, tạo nên sự kết nối mà người lớn như tôi rất khó để làm được.
Lần về quê khác, con trai tôi nhút nhát, không chơi với anh em và các bạn. Tôi đưa con ra vườn, bảo đứa cháu bằng tuổi đứng vào vạch tôi vẽ, rồi vẽ tiếp một vạch phía trước, thách đố đứa bé đái vượt qua vạch. Tôi hỏi con có đái được xa hơn không? Sau một lúc rụt rè, con vạch quần đái, ngay lập tức mấy đứa trẻ cùng vạch quần đái thi, từ đó tôi chỉ việc bắc ghế ngồi quan sát con tôi cùng bọn trẻ chơi đùa.
Một người bạn của tôi đang rất đau khổ, khi con trai 7 tuổi của cô gặp thầy hiệu trưởng, cháu đứng cúi chào rất lễ phép, nhưng lại đánh rắm cái “bủm” rất to, tất cả các bạn đứng sau cười sảng khoái. Thầy hiệu trưởng tối mặt, mắng đứa trẻ vô lễ, phạt, đương nhiên thầy không ưa thích cháu từ đấy. Năm nay cháu thi tốt nghiệp cấp 1, chỉ sợ thầy trù dập, thì cháu sẽ “nát cả cuộc đời” chỉ vì một cú rắm.
Người Việt sẽ không chấp nhận đưa cứt, đái, rắm, ỉa vào SGK.
Sách giáo khoa, trong con mắt của thầy cô và các bậc phụ huynh hôm nay, nó phải trong sáng như kinh thánh. Cuốn thành ngữ dân gian “Sát thủ đầu mưng mủ” đã bị ném đá không thương tiếc, sau phải đổi tên thành “Phê như con tê tê”, thì nói gì đến những cuốn sách giáo khoa cho phép viết vẽ cứt đái.
Ở nước ngoài thì ngược lại.
Thực tế, các nước giáo dục phát triển có rất nhiều cuốn sách giáo khoa đã vẽ những hình đái ỉa, bê hẳn câu chuyện thầy cô bố mẹ vào; ví dụ cuốn sách giáo khoa toán lớp 1 ở Pháp, tôi vừa đăng ở bài viết trước.
Hình 1: Bố mình là nhà vô địch. Bố mình ỉa rất nhanh. Mình đếm số bãi cứt mỗi lần bố đi ỉa: lần một là 2 bãi, lần hai là 3 bãi, lần ba là 5 bãi.
Hình 2: Thầy giáo đang đi về nhà. Trên đường, thầy đột nhiên buồn ỉa. Vì thầy không nhịn được, thầy lôi ra cái túi nilon. Trong túi đã có 9 bãi từ trước đó.
Thầy giáo lần này ỉa thêm 4 bãi mới.
Câu 1: Bây giờ trong túi có bao nhiêu bãi cứt?
Hình 3: Trên bãi cát có sẵn 5 bãi cứt. Thầy hiệu trưởng ỉa thêm 3 bãi. Và bây giờ có tổng cộng bao nhiêu bãi?
Vậy hiệu quả của cách dạy này như thế nào?
Chúng ta hãy hình dung, toán lớp 1 ở Việt Nam, theo tôi nhớ không nhầm phải dạy 72 bài thì mới xong phép cộng trừ trong phạm vi 10. Nhưng ở cuốn sách giáo khoa của Pháp này, 9 bài đầu tiên dạy về đếm số, mà bài số 9 (hình 1) là đếm số bãi cứt của nhà vô địch bố. Vậy mà đến bài số 14, chỉ bằng những bãi cứt của thầy giáo và thầy hiệu trưởng, trẻ đã biết làm phép cộng trừ trong phạm vi 20.
14 bài đã học xong phép cộng trừ phạm vi 20.
Rõ ràng, so với con số 72 bài học ở Việt Nam, mà trẻ vẫn nai lưng đếm que tính, đếm ngón tay, thì đó là sự khác biệt rất lớn để trả lời cho câu hỏi về tính hiệu quả khi dạy học gắn với cứt đái.
Trong bài viết trước, tôi kể về bài dạy đầu tiên của lớp 1 nói về cứt ở bên Thuỵ Điển, do một giáo sư đứng lớp. Thực tế, bài giảng này cô giáo lấy từ cuốn sách kinh điển “Ai đang ở trên đầu tôi – Who is on my head” mà đứa trẻ nhỏ nào ở Thuỵ Điển cũng biết. Cuốn sách kể về chú chuột chũi nhỏ dũng cảm, chuột đi tìm ra kẻ xấu nào đang ở trên đầu mình, sách dẫn bọn trẻ hiểu được nước tiểu và phân. Thực ra, sách không viết như lời cô giáo kể. Nhưng lợi dụng việc trẻ hào hứng với chủ đề CỨT, vì thế mà cô giáo đã xoá những phần không cần thiết, thêm giấm vào câu chuyện, biến tấu nội dung để lồng ghép rất nhiều kiến thức và kĩ năng.
Điều hay nhất là cô xui trẻ biết thêm giấm.
Tôi đã dự lớp học đầu tiên, trong đó có em học sinh người Việt, ở Thuỵ Điển lớp học đa chủng tộc và đa ngôn ngữ. Học sinh người Việt không biết tiếng Anh hay tiếng Thuỵ Điển vẫn ở trong lớp học bình thường, học bằng tiếng Việt, sau đó sẽ dần biết vài thứ tiếng khác, biết như tiếng mẹ đẻ theo cách giáo dục rất tự nhiên.
Và bài học đầu tiên của em đó là chữ Ị.
Ị tức là dấu chấm than lộn ngược, là chữa ỉa, em bé hào hứng về kể với mẹ hôm nay con được học chữ ị là con chim đánh rơi bãi cứt lên đầu.
Thời tôi đi học, phải học chữ I-TỜ đầu tiên, hết cấp một mỗi lớp vài bạn biết đọc biết viết, lên cấp hai đến lớp 8 vẫn có lớp tới 2 phần 3 không biết đọc biết viết, vì cách học này. Về sau học chữ A trước. Rồi cải cách tiếp lại đổi thành học chữ e trước. Có người đòi học chứ m đầu tiên để viết chữ mẹ. Người khác lại ý kiến phải học chữ b đầu tiên vì trẻ thường nói chữ ba ba trước. Tóm lại cãi nhau ỏm tỏi, như mổ bò, cải cách đi cải cách lại, tốn không biết cơ man nào là tiền của, nhưng thua nước Thuỵ Điển xa xôi họ dạy trẻ em Việt học rất hiệu quả chỉ bắt đầu bằng con chim ỉa bãi cứt lên đầu.
Phương pháp là cực kì quan trọng.
Trong một lần đi ăn ốc luộc, quán ốc rất ngon, bà chủ liên mồm nói cứt đái và chửi tục, rất thô bỉ. Quán ấy rất đông. Tôi cố đến vài lần để tìm hiểu, sau đó tôi nhận thấy, con của chủ quán cũng nói bậy như ranh, cháu bé mới nứt cũng gắn cứt đái đầy mồm.
Ngôn ngữ cần phải có quá trình làm sạch.
Gia đình tôi không ai nói cứt đái, không ai chửi bậy, đéo lắt không dùng; nên người lớn nói trước mặt tôi, sự thực chưa bao giờ tôi hài lòng và thấy họ thô bỉ. Những con tôi khi bé dưới 8 tuổi thích thú với những từ đó, tôi không ngăn cấm, không đe doạ hay công kích. Mà chỉ đơn giản, căn cứ tâm lí từng độ tuổi mà tôi hướng dẫn con phân biệt những từ ngữ đó. Ví dụ, lúc 8 tuổi con nói với bạn những từ “tịđ” và “oéđ”, tôi nói với con rằng thử tìm trên ti vi và trên sách báo có từ đó không? Một tuần sau tôi nhắc lại, con trả lời không có, thì tôi giải thích để con hiểu đó là từ ngữ tự nhiên thôi, người ta có thể sử dụng trong một số tình huống đặc biệt. Người văn minh không nói từ đó, ti vi và sách báo là những nơi văn minh, nên con sẽ không tìm thấy từ đó. Tôi cũng hỏi con, khi về nhà ông bà, nhà bác hay cô chú, hoặc với bố mẹ, con đã bao giờ nghe thấy ai nói từ đó chưa?
Từ đó con tôi không bao giờ nói bậy.
Những điều ấy, tôi học từ cách giáo dục ở các nước, chứ không phải tự tôi nghĩ ra. SGK ở Pháp, hay ở các nước họ đưa cứt đái vào, là để dạy cho trẻ không dùng những từ như thế ở những ngữ cảnh không phù hợp.
Chúng ta tránh dạy cho trẻ trong khi người lớn đéo lắt cứt đái đầy mồm!