Con của một bệnh nhân ĐTĐ có gọi điện nói là tuần này mẹ em thử đường máu buổi sáng thấy có lúc cao đến 9,5 – 9,8 mmol/L nên bà rất sợ và lo lắng mất ngủ, khiến hôm nay bà kêu mệt nhiều. Đúng là tất cả chúng ta (gồm cả bệnh nhân và thầy thuốc) đều ao ước đường máu của BN ĐTĐ luôn ở trong giới hạn cho phép (đường máu đói = 4,4 – 7,2 mmol/L và đường máu sau ăn < 10 mmol/L) nghĩa là 100% số lần thử đều phải đạt mục tiêu này. Tuy nhiên điều này là không tưởng, chưa kể là để kiểm soát đường máu được tốt thế này thì chắc chắn BN sẽ phải trả một cái giá khá đắt là bị “hạ đường máu” quá thấp, có thể bị hôn mê. Vậy đường máu tốt hay xấu đến mức nào là có thể chấp nhận được ?
Với sự ra đời của máy đo đường máu liên tục – CGM (Continuos glucose monitoring) đã cho chúng ta câu trả lời, đó chính là Khoảng thời gian đường máu nằm trong mục tiêu – TIR (Time In Range). Với những BN ĐTĐ thông thường thì TIR = 70% (tức có khoảng 70% thời gian trong ngày có đường huyết nằm trong ngưỡng từ 4,0 – 10,0 mmol/L) là đạt yêu cầu. Vấn đề quan trọng là 30% thời gian còn lại trong ngày thì đường máu có thể cao > 10,0 hoặc thấp < 4,0 mmol/L nhưng không được quá cao hoặc quá thấp. Cụ thể là:
– Thời gian đường máu cao > 10 – 13,8 mmol/L không được quá 25%
– Thời gian đường máu rất cao > 13,8 mmol/L không được quá 5%
– Thời gian đường máu thấp < 4,0 nhưng > 3,0 mmol/L không được quá 4%
– Thời gian đường máu rất thấp < 3,0 mmol/L không được quá 1%
Như vậy với một BN 70 tuổi thì đường máu 9,5 – 9,8 mmol/L là chưa đạt yêu cầu nhưng không quá đáng ngại và các Bác sỹ sẽ điều chỉnh liều thuốc để giảm dần sau vài ngày