Sự thật tâm lí nào khiến bạn sửng sốt?
BSNT Phan Trúc
Hỏi: Sự thật tâm lí nào khiến bạn sửng sốt?
Trả lời bởi: Nish Jayram
Trong những năm 1960, nhà tâm lí học Daniel Kahneman đảm nhận vai trò cố vấn cho Không quân Israel.
Công việc của ông là giải thích nghiên cứu mới nhất về tâm lí học hành vi cho các giảng viên đào tạo phi công – khen thưởng có hiệu quả lớn thế nào so với khiển trách.
Bỗng một học viên đột ngột đứng lên.
Anh ta lập luận rằng, theo kinh nghiệm của mình, những người vừa được anh ta khen bay tốt sẽ luôn biểu hiện tệ hơn ở lần bay tới, trong khi những người bị anh ta khiển trách lại có tiến bộ. “Làm ơn đừng nói rằng chỉ khen thưởng có tác dụng còn trách phạt thì không,” anh ta nói, “Nó mâu thuẫn với những gì tôi đúc rút được.”
Các học viên khác cũng đồng tình. Nhưng trong tâm trí Kahneman, một ý tưởng mới đang thành hình. Kinh nghiệm của người giảng viên đào tạo phi công kia là có cơ sở, nhưng chắc chắn vẫn còn một nhân tố khác nữa…
Kahneman đã tìm ra điều làm các học viên của ông trăn trở, đó là sự tồn tại của một hiện tượng thống kê – hồi quy về giá trị trung bình.
Hãy xét đến phép thử gieo ngẫu nhiên một đồng xu. Xác suất cho một lần gieo là 50% mặt ngửa và 50% mặt sấp, đúng chứ? Dù bạn có gieo đồng xu này bao nhiêu lần, xác suất kia vẫn đúng – dù mặt ngửa là kết quả của 10 lần gieo liên tiếp thì trong lần gieo thứ 11, xác suất của nó vẫn chỉ là 50% mà thôi.
Trên thực tế, nếu bạn vẽ biểu đồ cho phép thử gieo ngẫu nhiên một đồng xu, bạn sẽ có một hàm phân phối xác suất, trong đó kết quả của các phép thử đều xoay quanh giá trị trung bình.
Đó chính là cách lí thuyết hồi quy đến giá trị trung bình hoạt động.
Giả sử tôi gieo ngẫu nhiên một đồng xu và nhận được mặt ngửa trong 10 lần phép thử liên tiếp. Mặc dù tôi không có bất kì căn cứ nào để khẳng định kết quả của phép thử tiếp theo vẫn là mặt ngửa, nhưng tôi khá chắc chắn rằng số lần xuất hiện liên tiếp mặt ngửa ở những lần gieo sau sẽ ít hơn 10. Tại sao lại như vậy?
Khả năng xuất hiện mặt ngửa 10 lần liên tiếp là “trạng thái cực đoan” trong một phép thử ngẫu nhiên, và bạn không được thấy nó thường xuyên đâu!
Vì vậy, đồng tiền 50-50 công bằng của chúng ta sẽ rất hiếm khi để ngửa 10 lần liên tiếp – và chúng ta có thể chắc chắn rằng, dù cho trường hợp đó có xảy ra đi chăng nữa, phép thử của chúng ta cũng sẽ nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường.
Nói cách khác, đồng xu sẽ “trở về” trạng thái trung bình của nó, tức là kết quả của phép thử sẽ lại xoay quanh giá trị trung bình.
Vậy khái niệm này có liên hệ thế nào với câu chuyện của Kahneman?
Mỗi phi công đều có một số kinh nghiệm nhất định đối với việc thực hiện đường bay. Họ sẽ dần dần cải thiện các kĩ năng của mình thông qua quá trình đào tạo, điều đó có nghĩa là các thay đổi nhỏ sẽ không được chú ý.
Do đó, việc bất ngờ biểu hiện xuất sắc hoặc tồi tệ thường dựa nhiều vào may mắn hơn là kĩ năng thực tế. Đây chính là trạng thái cực đoan của một phép thử ngẫu nhiên.
Vì vậy, sau ngoại lệ bất ngờ đó, người phi công sẽ trở lại trạng thái bình thường.
Nếu lần ngoại lệ này là tích cực, thì người phi công sẽ được giảng viên khen ngợi, nhưng hồi quy sẽ khiến người quan sát cảm thấy họ biểu hiện tệ hơn ở lần sau. Nhưng nếu lần ngoại lệ này là tiêu cực, họ sẽ bị giảng viên mắng mỏ, và hồi quy sẽ giúp họ trông tiến bộ hơn.
Quy luật này được áp dụng đối với các giảng viên:
Biểu hiện tốt →Khen ngợi → Biểu hiện tệ hơn
Biểu hiện tệ → Khiển trách → Biểu hiện tốt hơn
Đó là lí do các giảng viên cho rằng việc khiển trách sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.
Nhưng trong thực tế, quy luật này vẫn diễn ra bất kể thái độ của giảng viên như thế nào – chỉ là hồi quy về giá trị trung bình mà thôi!
Hiện tượng này tuy được lập luận dựa trên các số liệu thống kê, nhưng nó vẫn gây sửng sốt bởi nó đi ngược lại với những thành kiến, những lập luận và nhận thức của chúng ta về thực tế.
Vấn đề ở đây là, nếu khái niệm hồi quy đến giá trị trung bình không được nghiên cứu kĩ lưỡng bằng thí nghiệm và cơ sở dữ liệu, thì nó thường làm người ta liên tưởng đến một thuyết nhân quả không rõ nguyên nhân.
Trong thực tế, nhận thức của con người thường bị ảnh hưởng bởi ham muốn xây dựng một trật tự tưởng tượng. Nhưng phát hiện của Kahneman đã chứng minh cho ta thấy ham muốn đó nguy hiểm đến mức nào.
__________
Bài viết gốc: https://qr.ae/Tcdq03
Dịch: Đỗ Nhược Vy