BẢN CHẤT CỦA GHÉP TẾ BÀO GỐC TẠO MÁU?
Ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài là một phương pháp điều trị hiệu quả đã được chứng minh trong nhiều bệnh lý huyết học ác tính cũng như lành tính. Với lý luận thay thế toàn bộ hệ thống tạo máu và miễn dịch “bị bệnh” của một người bằng một hệ thống mới từ một người cho khoẻ mạnh. Điều này đạt được nhờ 2 tính chất độc đáo của tế bào gốc tạo máu đó là (1) tế bào gốc tạo máu có khả năng tự tìm về nơi cư ngụ của mình ở tuỷ xương [tính chất homing] khi bơm vào hệ tuần hoàn; (2) chỉ cần 1 tế bào gốc tạo máu vạn năng đủ khả năng tạo ra toàn bộ tế bào máu và miễn dịch của một người.
Nhưng để làm được điều đó cần phải: (1) diệt sạch (hoặc gần sạch) hệ thống tạo máu của người nhận để dọn đường đưa tế bào gốc tạo máu của người cho vào; (2) phải có sự hoà hợp “hợp lý” giữa hệ thống HLA người cho và người nhận. Hợp lý ở đây là không được khác biệt lớn để tránh thải ghép, nhưng cũng không được giống tuyệt đối (là điểm khác biệt mấu chốt với ghép tự thân hay ghép từ anh em song sinh cùng trứng) để hệ miễn dịch mới đủ khác biệt trong việc tìm ra và tiêu diệt các tế bào ác tính còn sót lại trong cơ thể người nhận (với trường hợp diệt tuỷ không hoàn toàn, áp dụng trong điều trị ung thư huyết học)
Ba thách thức lớn nhất vẫn chưa thể giải quyết hoàn toàn, làm cho ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài vẫn là một chỉ định đắn đo, cân nhắc chứ chưa bao giờ dễ dàng, đó là:
Hình ảnh minh họa ghép Tế bào gốc tạo máu
1 – Vì phải diệt tuỷ bệnh nhân trước với hoá chất cực mạnh (điều kiện hoá), bệnh nhân sẽ trải qua một giai đoạn suy tuỷ trầm trọng, bạch cầu hạt bằng 0, hồng cầu tiểu cầu thiếu hụt liên tục trong nhiều ngày trước khi chờ đợi tế bào gốc người cho có thể mọc được trong cơ thể người nhận (chưa chắc đã mọc thành công). Giai đoạn này là giai đoạn nguy cơ tử vong/biến chứng cao nhất mà ai làm ghép đều cảm thấy rất căng thẳng bởi sốc nhiễm trùng/xuất huyết não…
2 – Việc tìm được một người cho với các tính chất “hợp lý” như trên không hề là một điều dễ dàng nếu không có sẵn người thân thích hợp.
3 – Và khi có người cho “thích hợp” rồi, việc mọc tuỷ thành công không đồng nghĩa mọi thứ kết thúc, đây là giai đoạn của một hệ miễn dịch mới được tạo ra, dù có sự hoà hợp nhất định, nhưng vẫn “xa lạ” với tất cả các mô, tổ chức trong cơ thể người nhận. Phản ứng giữa hệ miễn dịch mới này với cơ thể ngưởi nhận gọi là phản ứng mảnh ghép chống ký chủ (GVHD – chính là hình ảnh bệnh nhân chúng tôi trong bài), đòi hỏi người làm ghép phải rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm để “đu dây” trong cuộc chiến miễn dịch hết sức phức tạp này, để tránh dùng ức chế miễn dịch quá mạnh sẽ làm cho tuỷ không thể mọc, nhưng cũng không quá yếu để GVHD quá nghiêm trọng. Nhiều bệnh nhân sau ghép phải chịu cảnh GVHD mạn với chất lượng sống kém.
Thế giới đang cố gắng để không chọn phương án dùng người này thay vào người kia vì không vượt qua được rào cản về bất đồng miễn dịch. Chính điều đó đã thúc đẩy CAR-T cell ra đời, điều biến gene của chính hệ thống miễn dịch trong cơ thể người bệnh và phục hồi lại khả năng tiêu diệt tế bào ác tính của bệnh nhân.
Thuật ngữ “tế bào gốc” đang bị lạm dụng và sự thật nó không đơn giản như cách mà những người không chuyên nghĩ về.
Tác giả: Truc Phan + Biomedical Data Science Initiativies