[BDSI] Giao tiếp với bệnh nhân hiệu quả

Rate this post
Dạy xong mình nán lại thư viện một chút để viết điều này kẻo quên, xin gởi tâm sự này tới toàn thể các em sinh viên y khoa.
Hôm nay lớp mình học về giao tiếp hỏi bệnh. Trong lúc học mình đưa ra câu hỏi: làm sao để bệnh nhân hợp tác đồng ý cho mình khai thác bệnh sử và khám bệnh?
Các em có nghĩ rằng bệnh nhân đủ vui vẻ và giúp đỡ các em khi các em đi thực tập lâm sàng không? Chắc chắn là khó có câu trả lời 100% bệnh nhân sẽ vui vẻ hợp tác với các em rồi? Nếu như đã từng một lần nằm viện hoặc chăm sóc người bệnh thì các em sẽ thấy được ngoài mệt mỏi và đau đớn về thể xác lẫn tinh thần, tiếp các nhóm thực tập lâm sàng cũng là cả một vấn đề với bệnh nhân. Tâm lý họ tránh né, không muốn khai bệnh hoặc khai bệnh qua loa cho xong là điều dễ hiểu.
Nhưng họ sẽ đồng ý cho các em hỏi bệnh và thăm khám?
– Tôi thấy cần giúp đỡ những bác sĩ tương lai! (Có BN như vậy nhưng hiếm!)
– Tôi không muốn các bạn làm phiền (hay gặp)
– Tôi chọn cách im lặng, quay mặt vào tường, nhắm mắt và không nói gì…(thường xuyên ở các khoa điều trị bệnh mạn tính)
Một khoảng lặng, một cảm giác hụt hẫng và hơi “nhục” vì mình là sinh viên y nên bị xem thường!
Nhưng các bạn ơi, khắc phục được điều này mà! Vậy bằng cách nào có thể tiếp cận được bệnh nhân?
Hãy giúp đỡ bệnh nhân.
Giúp đỡ bệnh nhân như thế nào? Rót nước cho bệnh nhân uống? Đấm lưng? Hay mua đồ ăn giúp?
Ồ không! Giúp đỡ một nghĩa đúng như chương trình thực hành y khoa là hãy tham gia một phần vào quá trình điều trị bệnh nhân. Bằng cách nào nhỉ?
Hãy đi trực gác.
Ở các tua trực các bạn sẽ được phân công làm bệnh án nhập viện, theo dõi sinh hiệu bệnh nhân và trợ giúp trong quá trình vận chuyển bệnh nhân.
Mình nghĩ bệnh nhân sẽ vui vẻ khi bạn hỏi thăm bệnh nhân nhẹ nhàng vào hôm sau như: hôm nay bác thấy đỡ hơn chưa? Hoặc sáng nay bác đỡ tức ngực chưa? Quá trình thường xuyên tới hỏi thăm bệnh nhân sẽ giúp kết nối với bệnh nhân tốt hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, giúp bệnh nhân bằng cách giúp bác sĩ/người hướng dẫn lâm sàng theo dõi diễn tiến bệnh và ghi chép hồ sơ bệnh án. Đôi khi chỉ là chuẩn bị hồ sơ tươm tất trước khi đi buồng vào buổi sáng. Sao chép thuốc và ghi chỉ định cận lâm sàng khi được sự cho phép.
Bệnh nhân sẽ thấy bạn là một nhân tố tạo thuận lợi cho việc điều trị của họ và sẽ mở lòng hơn trong hầu hết các trường hợp.
Một điều quan trọng để bệnh nhân nhận ra được điều này là sự nổi bật của bạn trong đám đông nhiều chục sinh viên đang thực tập lâm sàng ngoài kia.
Advertisement
Bạn đã bao giờ vào một công viên có nhiều loại hoa chưa? Sẽ rất khó nếu chọn ra một bông hoa đẹp trong số đó. Nếu các bạn sinh viên chỉ tới khoa thực tập lúc 8:00 và đi ngay sau đó thì sẽ không bệnh nhân nào có ấn tượng với bạn cả.
Hãy đi sớm hơn, hãy thực tập trễ hơn, hãy đi thêm giờ với các sư huynh… điều này giúp bạn nổi bật lên trong một đám đông điều mặc áo trắng.
Chút tâm sự sau tiết dạy, chúc các em có sự chuẩn bị tốt nhất khi đi lâm sàng nhé!
Nguồn: BS. Nguyễn Thái Duy + Biomedical Data Science Initiativies

Giới thiệu Dương Hải Anh

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …