[BDSI] Tác dụng phụ của vaccine Covid

Rate this post
Tác động khó ngờ … nhưng có thể nghĩ…
Mới có 1 ca tử vong ở VN sau khi tiêm Vaccine AstraZeneca (AZ), trước đó là có 1 DS bệnh viện cũng bị shock phản vệ nặng. Hy vọng những tin này không làm bà con sờn lòng. Nên nhớ thời điểm hiện nay, vaccine tốt là một lợi thế lớn trong cuộc chiến chống covid-19. Để mọi người hiểu rõ hơn về tác dụng không mong muốn ngắn hạn và dài hạn có thể có của vaccine, mình sẽ giải đáp một số câu hỏi sau đây:
1. Tác dụng phụ nguy hiểm nhất của vaccine: tim mạch
Vaccine sử dụng công nghệ adenovirus (Johnson&Johnson và AstraZeneca) có liên hệ với đông máu, nguy cơ nhồi máu tim và não. Cơ chế chưa rõ, nhưng người ta thấy tác dụng này chỉ xảy ra với adenovirus vaccine, có lẽ thuộc công nghệ chế tạo.
Tỉ lệ: theo con số được báo cáo 4 phần triệu, so với tỉ lệ đông máu do Covid-19 là 7.8%
Vaccine mRNA có thể tăng hơn một chút nguy cơ viêm màng cơ tim ở người trẻ 12 – 26t: tỉ lệ 323 ca trên 165 triệu liều
Nên gọi cấp cứu khi nào:
• Khó thở (shortness of breath) và nôn mửa (không do thức ăn) sau khi có cơn đau nhói ở tim hoặc đau đầu dữ dội.
• Đau đầu và có cơn co giật
Nên đi vào viện khi có các dấu hiệu sau:
• Đau đầu nặng, tiến triển nặng hơn hoặc không cải thiện với thuốc giảm đau.
• Đau đầu bất thường, nặng hơn khi nằm hoặc chồm/cúi người về phía trước
• Xuất huyết từng chấm dưới da, bầm tím da không lý do
• Sưng phù chân hoặc đau bụng liên tục
2. Tác dụng không mong muốn 5, 10 năm sau nữa?
‘Liệu trình tự mRNA hay viral vector có tác động vào DNA của người chích, rồi 5-10 năm nữa sẽ phát hiện bị ung thư không?’. Mình gặp câu hỏi này khá nhiều, well, không ai trả lời các bạn chắc được, nhưng tạm giải đáp như sau:
Về nguyên tắc là KHÔNG
mRNA vax (Pfizer, Moderna) không đi vào trong nhân tế bào (nucleus) được, nó chỉ nằm ở bào chất (cytoplasm) tạo ra protein gai rồi sau đó bị phân huỷ:
Tưởng tượng: mướn anh trai đẹp về nấu ăn, chỉ cho anh ấy ngoài phòng bếp (cytoplasm) làm đồ ăn xong rồi ra về chứ không có chìa khoá sao anh ta vô phòng ngủ (nucleus) được.
Adenovirus (vax J&J, AZ) không được thiết kế để đưa đoạn gene vào DNA người. Thực tế AAV tự nhiên không thể đưa DNA vào nucleus được, AAV dùng cho chuyển gene đã được thay đổi nhiều, và để chèn gene người ta còn thay đổi trình tự đầu cuối cho hợp với nơi cần chèn.
Còn lentivirus và HIV chèn DNA vào DNA người bằng cách dùng ít nhất 2 men là: Reverse transcriptase và integrase.
Theo những thành phần của vaccine được công bố thì mình không thấy các thành phần trên: reverse transcriptase và integrase.
Thế nên về nguyên tắc vax của J&J và AZ không thể chèn gene vào DNA người được.
Nếu vì một lý do kỳ lạ nào đó mà đoạn DNA từ viral vector hoặc mRNA bị chèn vào DNA của người (xác suất có lẽ nhỏ hơn trúng vé số Việt lọt 😃) thì các bạn cũng đừng quá lo, hơn 98% trình tự DNA của bộ gene người là non-coding (không mã hoá). Một trong những nhiệm vụ của chúng là sinh ra để ‘nhận’ đột biến.
3. Liệu có bất ngờ
Ở trong độc chất học có một nhánh gọi là IDIOsyncratic toxicity, tức là đúng như cái tên, độc tính ‘ngớ ngẩn/kỳ lạ’ (idiot) – chúng ta không biết về nó cho đến khi nó xảy ra. Ví dụ: độc tính gây đông máu của vaccine AZ và J&J.
Như vậy: chỉ có cách dựa vào thử nghiệm lâm sàng, thử nghiệm lâm sàng với con số người tham gia càng lớn thì khả năng phát hiện độc tính ‘kỳ lạ/ngớ ngẩn’ càng cao. Ví dụ: thử nghiệm phase III của vaccine A trên 1000 người thấy an toàn có nghĩa là những tác dụng phụ có tỉ lệ xuất hiện < 0.1% sẽ không thể phát hiện được! Khi tiêm cho 90.000.001 người rất có thể 90.000 người sẽ bị tác dụng phụ ‘kỳ lạ’.
Vaccine AZ phase III được thử nghiệm trên 32.449 người, vậy xác suất tác dụng ‘kỳ lạ’ của AZ là 1/32.450. Lưu ý: vaccine của AZ chưa được FDA chấp thuận khẩn là do FDA có nghi ngờ một ít về dữ kiện của họ, cần nhiều data từ phase III hơn.
Tham khảo cái bảng mình làm để so sánh các tỉ lệ này.
Lưu ý: Ở Mỹ, tỉ lệ tử vong ở những người tiêm vaccine là 0.0017% (5.300 trên 310 triệu liều). Không biết có phải do vaccine trực tiếp hay không. Nhưng nên nhớ, ở Mỹ rất nhiều người tiêm vaccine là người rất lớn tuổi (>90t), có bệnh nền, những người mà dù có tiêm vaccine hay không họ cũng có thể sẽ … mất. Ấy, nên nhớ tỉ lệ ung thư ở VN là 0.16% và mất do tai nạn giao thông là 0.012%.
Chúc mọi người khoẻ mạnh, sống lâu và tiêm chích khoẻ 💪💪💪
Nguồn: TS.DS. Hùng Phạm + Biomedical Data Science Initiativies
Disclaimer: người viết không phải anti-vax, có vaccine tốt thời điểm này là một lợi thế. Tất cả dữ liệu đều mang tính tham khảo, người đọc và người viết không tạo thành mối quan hệ bác sĩ, dược sĩ và bệnh nhân.
tltk: CDC, WHO
Advertisement

Giới thiệu Dương Hải Anh

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …