Bàng quang tăng hoạt (Overactive bladder-OAB): Chẩn đoán và điều trị
Rối loạn tiểu tiện là triệu chứng tiết niệu hay gặp ở mọi lứa tuổi từ trẻ em (đái dầm) đến người lớn (đái đêm, đái vội, đái són), nam hay nữ đều có thể bị. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường hay bị bỏ qua, chịu đựng do không ảnh hưởng ngay đến tính mạng. Đặc điểm là những biểu hiện này rất khó điều trị do cơ chế bệnh sinh phức tạp và đa yếu tố. Nếu các triệu chứng này kéo dài có thể ảnh hưởng đến tính mạng thông qua việc làm suy giảm chức năng thận. Hôm nay, Bảo Ngọc xin chia sẻ với quý đồng nghiệp một bệnh khá hay gặp và có thể bị bỏ qua trong các rối loạn tiểu tiện, đó là bàng quang tăng hoạt, hay bàng quang tăng hoạt động, tiếng Anh là overactive bladder. Sau đây xin viết tắt là OAB.
OAB được định nghĩa là đái vội (tiểu vội, tiểu gấp-urinary urgency), thường kèm với đái nhiều lần (frenquency) và đái đêm (nocturia), có hoặc không kèm theo đái rỉ (đái són-incontinence) do đái vội (tức là đái vội gây ra đái rỉ), và không có biểu hiện của nhiễm khuẩn niệu hoặc một nguyên nhân rõ ràng gây ra triệu chứng (ý muốn nói là không rõ nguyên nhân-idopathic).
Đái vội thì được định nghĩa là đột ngột buồn tiểu dữ dội và rất khó để nhịn nên phải đi tiểu ngay. Do đó, người bệnh có thể kèm theo đái rỉ. Như vậy, túm lại nếu người bệnh phàn nàn về đái vội thì chúng ta có thể nghĩ đến OAB rồi ạ.
Cơ chế thì cực kỳ rắc rối do việc điều khiển và cảm nhận áp lực bàng quang do nhiều yếu tố. Trong đó, 2 giả thuyết được công nhận rộng rãi là yếu tố thần kinh và yếu tố cơ bàng quang. Giả thuyết thần kinh tập trung vào hệ thần kinh trung ương (não), cho rằng não giảm khả năng ức chế bàng quang co bóp khi có ít nước tiểu trong bàng quang. Giả thuyết về cơ bàng quang thì cho rằng do cơ bàng quang tự nó tăng co bóp, tức là không phải do thần kinh chi phối. Một số thuyết khác như tăng nhạy cảm của niêm mạc bàng quang hoặc các phản xạ hướng tâm từ niệu đạo gây co cơ quàng quang, hoặc bàng quang giảm hoạt (Underactive bladder) cũng gây ra OAB qua việc tăng lượng nước tiểu tồn lưu sau đi tiểu.
Chẩn đoán:
Để chẩn đoán thì không quá khó vì chỉ cần hỏi triệu chứng đại vội nhưng để điều trị hiệu quả, bác sỹ cần hỏi và khám rất kỹ:
– Khởi phát và tiến triển của bệnh
– Các rối loạn tiểu tiện kèm theo: đái nhiều lần, đái đêm, đái rỉ, đau khi đi tiểu …
– Các bệnh tiểt niệu kèm theo: phì đại tuyến tiền liệt
– Hỏi các bệnh kèm theo: thần kinh (não, cột sống), tim mạch, nội tiết, tâm lý …
– Khám thần kinh: phản xạ, cảm giác
– Nữ: thời kỳ mãn kinh
– Nhật ký đi tiểu là công cụ hữu dụng để chúng ta đánh giá việc đi tiểu của người bệnh: Hướng dẫn người bệnh ghi lại mỗi lần đi tiểu: mấy giờ, bao nhiêu mL, cảm giác. Ghi trong 2-3 ngày.
– Xét nghiệm thì nên làm để loại trừ nhiễm khuẩn niệu và các nguyên nhân nếu nghi ngờ.
– Một test hữu ích chẩn đoán OAB là Niệu động học (Urodynamics). Trong test này, 1 catheter nhỏ được đưa vào quàng quan qua niệu đạo rồi vừa “truyền nước” vừa đo áp lực bàng quang, vừa hỏi cảm giác người bệnh. Như vậy, ta có thể biết người bệnh buồn đi tiểu ở bao nhiêu mL, áp lực bao nhiêu. Chúng ta cũng quan sát được những đợt co bóp bất thường của bàng quang nữa. Tuy nhiên, niệu động học không cần làm chỉ để chẩn đoán OAB, đặc biệt có những bệnh nhân không có biểu hiện bất thường. Tuy nhiên, những trường hợp lâm sàng phức tạp, điều trị nội khoa không hiệu quả thì niệu động học rất hữu ích để định hướng cho điều trị.
Điều trị:
Điều trị đầu tay bây giờ vẫn là thuốc kháng hệ thần kinh phó giao cảm (anticholinergic). Các thuốc trên thị trường Việt Nam có Oxybutynin, Driptane (oxybutynin), Vesicare (solifenacin). Thuốc tác dụng cho khoảng 60-70% bệnh nhân. Tuy nhiên việc dùng thuốc kéo dài kèm tác dụng phụ dẫn đến tỷ lệ bỏ điều trị nên đến 50% (tuỳ báo cáo). Vì thuốc tác dụng nên cả hệ giao cảm nên có thể gây tác dụng phụ như nhịp chậm, khô miệng (do giảm tiết nước bọt). Chống chỉ định cho glocoma góc hẹp không kiểm soát, bí đái, giảm chức năng làm rỗng dạ dày. Một số bác sỹ thấy lợi ích của việc đổi các loại anticholinergic để giảm tác dụng phụ
Thuốc thứ hai là kích thích beta3 andrenergic (off label). Thuốc này kích thích receptor beta 3 thuộc hệ giao cảm làm RELAX bàng quang. Một trong các thuốc hay được sử dụng Mirabegron. Nhiều bác sỹ dùng phối hợp với anticholinergic để tăng hiệu quả điều trị trong một số trường hợp như anticholinergic không hiệu quả hoặc muốn giảm liều anticholinergic do tác dụng phụ. Nếu mình không nhầm thì thuốc này Việt Nam chưa cho phép bán.
Các điều trị khác khi điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc người bệnh không chịu được tác dụng phụ:
– Tiêm botox A vào bàng quang qua Nội soi bàng quang: để giảm tiết acetylcholine (chất gây co bàng quang). Cái này 3-6 tháng phải tiêm 1 lần vì hiệu quả giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên nếu bác sỹ tiêm quá tay thì có thể gây bí đái, giảm co bóp. Kỹ thuật này không nhiều bệnh viện Việt Nam làm dù không khó.
– Kích thích thần kinh chày qua kim qua da: => gửi tín hiệu hướng tâm đến thần kinh cùng để điều chỉnh tín hiệu ly tâm. Cái này làm tại phòng khám được. (Hình như khoa phục hồi chức năng bệnh viện bạch mai có làm). Tỷ lệ thành công khoảng 50% sau 13 tuần điều trị.
– Đặt máy kích thích tuỷ sống cùng- Sacral nerve stimulation (SNS): đặt 1 máy như máy tạo nhịp với đầu kích thích vào S3 để kích thích với biên độ thấp tạo kích thích hướng tâm để kích hoạt phản xạ giao cảm (có tác dụng ức chế co bóp bàng quang). Tỷ lệ thành công lên đến 80% nhưng rất đắt. Ở Mỹ thì được bảo hiểm nên kỹ thuật này được làm khá nhiều.
Tóm lại, triệu chứng OAB là đái vội. Chẩn đoán không khó nhưng mỗi bệnh nhân lại biểu hiện khác nhau đòi hỏi bác sỹ phải hỏi bệnh, khám, theo dõi kỹ để có điều trị tốt nhất cho người bệnh. Điều trị thường kéo dài, phức tạp nên một bác sỹ say mê tìm hiểu bệnh này và một bệnh nhân kiên trì sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị.
Chúc các đồng nghiệp ngày mới tràn đầy năng lượng nhưng không tăng hoạt.
Tài liệu tham khảo:
Tác giả: Do Bao Ngoc