[Bệnh bạch hầu] Công trình nghiên cứu điều trị bệnh bạch hầu.

Rate this post

Cảm ơn bài chia sẻ của Bác sĩ. Trần Văn Phúc.

==============

Đêm 27 tháng 1 năm 1925, một tiếng còi tàu đã xuyên qua sự tĩnh lặng của thành phố Nenana khi kiện hàng quý giá là một gói huyết thanh 20 pound được bọc trong túi da nhồi lông thú bảo vệ, sẽ được chuyển đến thị trấn nhỏ Nome ở Alaska để cứu sống những đứa trẻ đang thở hổn hển vì bệnh bạch hầu.

Thị trấn Nome cách Nenana 674 dặm (1.085km) về phía Bắc.

Nài đua xe kéo chó hoang dã Bill Shannon nhận lệnh từ 9 giờ tối, nhiệm vụ của ông là vận chuyển gói bưu kiện huyết thanh đặc biệt, Shannon buộc nó chắc chắn vào chiếc xe trượt tuyết.

Nhiệt độ ngoài trời là -46⁰C.

Bill Shannon ra hiệu lệnh, 11 chú chó lao về phía trước, những móng chân sắc nhọn đã cắm sâu trên con đường đầy tuyết, nó mở đầu cho “Cuộc đua Nhân từ Vĩ đại – Great Race of Mercy” không có người thua kẻ thằng, nhưng nó đã khắc sâu vào lịch sử phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm của loài người.

Đêm mùa đông ở Alaska, nhiệt độ luôn dưới -60⁰F, nhưng Shannon hiểu rằng mỗi giây trôi qua là một khoảnh khắc vô cùng quý giá với những đứa trẻ đang nằm chờ chết. Những con chó đua của Shannon dường như cũng hiểu điều đó, chúng chạy quá nhanh và thở quá sâu, trong điều kiện băng giá như vậy phổi của chúng có thể bị bỏng và chết.

Mặc dù Shannon chạy bên cạnh chiếc xe trượt tuyết để làm tăng nhiệt độ cơ thể, nhưng thân nhiệt của ông vẫn bị hạ và tê cóng, Shannon ngã xuống trước lần dừng chân thứ nhất khi mới được 84km.

Thời điểm đó là lúc 3 giờ sáng.

Thời gian dự định dừng chân là 7 giờ sáng, sớm hơn 4 tiếng, nhiệt độ lúc đó là −52°C. Ba con chó đua Cub, Jack và Jet đã vĩnh viễn nằm xuống vì chấn thương phổi do lạnh, Bill Shannon bị bỏng nghiêm trọng toàn bộ vùng mặt. Sau khi huyết thanh được làm ấm, Shannon để 8 chú chó sống sót tiếp tục lên đường, nhưng 1 con cũng chết ngay sau đó ít giờ trước khi hoàn thành đường đua thứ nhất.

Ròng rã 6 ngày đêm, Cuộc đua Nhân từ Vĩ đại của 150 con chó với sự chỉ huy của 20 nài đua, đã xuyên qua quãng đường 1.085km, qua những vùng đất hoang vu gồ ghề, qua những dòng nước lạnh lẽo có những tảng băng lớn trôi trên lãnh nguyên Alaska.

Những đứa trẻ ở thị trấn Nome đã bắt đầu chết rải rác từ đầu tháng 1 năm 1925.

Bác sĩ duy nhất của Nome, Tiến sĩ Curtis Welch, ông đã chẩn đoán những đứa trẻ bị bệnh bạch hầu và bắt đầu lo sợ dịch bệnh có thể khiến thị trấn gần 2000 người gặp nguy hiểm, tính mạng cả người lớn và trẻ con đều bị đe dọa nghiêm trọng.

Ngay từ đầu tháng 1, khi mỗi ngày thị trấn Nome lại có thêm ca mắc mới, Tiến sĩ Curtis đã ban hành lệnh kiểm dịch khẩn cấp, nhưng ông hiểu chỉ có vắc-xin kháng độc tố bạch hầu mới có thể giúp ngăn chặn hiệu quả căn bệnh đang lây lan.

Bắt đầu xuất hiện từ Thế kỉ V Trước Công nguyên, bạch hầu là một căn bệnh khủng khiếp, nó giết chết trẻ em nhiều nhất và người lớn ở bất cứ nơi đâu trên thế giới cũng không được tha thứ.

Sau khi nhiễm căn bệnh này, độc tố vi khuẩn tạo thành màng giả mạc rất dày màu trắng xám, nó bám chặt vào hầu họng và amidan làm cho những đứa trẻ bị nghẹt thở và thở hổn hển. Giả mạc và tổn thương viêm không dừng lại ở cổ họng, mà nó lan xuống thanh quản, tạo nên tiếng ho thanh quản rất điển hình, TIẾNG HO ÔNG ỔNG và rít lên NHƯ TIẾNG CHÓ SỦA.

Vì nạn nhân tổn thương giả mạc bám ở hầu họng, cổ bị sưng lên rất to, ho sặc sụa ông ổng như chó sủa và không thể thở được, nên người Tây Ban Nha gọi căn bệnh này là “kẻ treo cổ – el garatillo”. Tên gọi “bạch hầu – diphtheria” xuất phát từ tiếng Hy Lạp ‘diphthera – giả mạc’ được bác sĩ người Pháp Pierre Bretonneau sử dụng từ năm 1926.

Pierre Bretonneau cũng là người đầu tiên mô tả bệnh bạch hầu.

Đến năm 1883, hai nhà vi khuẩn học người Đức là Edwin Klebs và Fredrick Loeffler soi dưới kính hiển vi đã phát hiện ra vi khuẩn bạch hầu và đặt cho chúng cái tên Klebs-Loeffler. Tên gọi này được thay đổi 3 lần theo thời gian. Cuối cùng, dựa vào hình dáng vi khuẩn mảnh khảnh và hơi cong, danh pháp hiện nay được dùng là “corynebacterium diphtheriae”.

Tìm ra vi khuẩn nhưng cơ chế gây bệnh vẫn là một bí ẩn.

Trước khi đến Việt Nam định cư và làm Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Y Hà Nội, Yersin đã bắt tay nghiên cứu vi khuẩn bạch hầu, ngay sau buổi nhận bằng tốt nghiệp bác sĩ ở tuổi 24.

Yersin phát hiện ra tử thi trong máu không có vi khuẩn bạch hầu, trong khi các tạng bị phù nề, đặc biệt là cơ tim và tuyến thượng thận, hay các cơ quan khác đều có thể gặp tổn thương. Gây bệnh thực nghiệm trên động vật, Yersin cũng phát hiện điều tương tự, xét nghiệm máu không thấy vi khuẩn.

Từ hiện tượng đó, Yersin cùng với đồng nghiệp Roux đã đưa ra giả thuyết, rằng có một loại chất độc rất mạnh hình thành nên giả mạc ở chỗ vi khuẩn phát triển là vùng hầu họng, độc tố từ đó lan vào máu gây tổn thương đa phủ tạng.

Giả thuyết này được Yersin và Roux chứng minh bằng cách dùng nước lọc nuôi cấy vi khuẩn bạch hầu, loại bỏ toàn bộ vi khuẩn, tiêm nước lọc đó cho động vật thực nghiệm. Kết quả, động vật thực nghiệm xuất hiện các triệu chứng tương tự bệnh bạch hầu.

Yersin và Roux đã công bố kết quả nghiên cứu vào năm 1888.

Cơ chế gây bệnh đã được Yersin và Roux làm sáng tỏ, đó là ngoại độc tố do vi khuẩn bạch hầu tiết ra, nó đi vào máu và gây viêm cơ tim dẫn đến đột tử, tổn thương thần kinh và các tạng khác cũng hết sức nghiêm trọng; tỉ lệ tử vong có thể tới 20% đặc biệt ở 2 lứa tuổi dưới 5 và trên 40.

Công trình nghiên cứu của Yersin và Roux đã trở thành cuộc cách mạng trong điều trị bệnh bạch hầu, Emil Adolf von Behring và Shibasaburo Kitasato đã nghiên cứu về kháng độc tố áp dụng vào điều trị, còn gọi là “thuốc chống bạch hầu”. Ban đầu, 2 ông đã tiêm độc tố bạch hầu vào động vật thí nghiệm, nhằm mục đích kích thích tạo ra kháng độc tố. Do nhu cầu huyết thanh điều trị cho người quá nhiều, nên các động vật lớn được đưa vào thử nghiệm như bò và lừa, cuối cùng chỉ có ngựa phản ứng tạo ra kháng độc tố tốt nhất.

Các chuồng nuôi ngựa hút máu chữa bạch hầu phát triển khắp nước Mỹ và châu Âu.

Năm 1901, Emil Adolf von Behring đạt giải Nobel Sinh lí & Y khoa đầu tiên, với công trình huyết thang kháng độc tố bạch hầu. Nhưng đóng góp của Behring là chưa đủ, thật không may do thiếu vắc-xin hiệu quả, số người nhiễm bệnh bạch hầu trên thế giới vẫn còn quá nhiều. Năm 1921, hơn 206.000 người Mỹ mắc bệnh bạch hầu, trong đó 15.520 ca tử vong. Bạch hầu đứng thứ ba trong số các nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em ở Anh và xứ Wales.

Chính Behring đã chế tạo vắc-xin bạch hầu vào năm 1913. Ông trộn độc tố bạch hầu và giải độc tố, sau khi tiêm hỗn hợp này, cơ thể có biểu hiện bệnh ở mức độ nhẹ, đồng thời sinh ra kháng thể chống bạch hầu.

Năm 1926, nhà miễn dịch học người Anh Alexander Glenny đã tối ưu hóa vắc-xin bạch hầu (toxoid). Vào những năm 1930, vắc-xin bạch hầu được phổ biến ở nhiều quốc gia khác nhau để tiêm chủng, từ đó số người mắc bệnh bạch hầu đã giảm đáng kể trên toàn thế giới. Từ năm 1980 đến năm 2000, tổng số trường hợp mắc bệnh bạch hầu được báo cáo trên toàn cầu đã giảm> 90%.

Ở Việt Nam, Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) bắt đầu từ năm 1981, tỉ lệ bệnh bạch hầu giảm nhanh chóng đến năm 1985 là 3,95/100.000 dân, năm 2000 giảm xuống còn 0,14/100.000 dân.

Vắc-xin giải độc tố bạch hầu xứng đáng là vắc-xin hiệu quả nhất!

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xếp vào nhóm B, rất dễ lây lan khi ho, hắt hơi và thậm chí nói chuyện, hay sờ vào các vật dụng có vi khuẩn, nếu hệ thống miễn dịch không được tiêm vắc-xin sẽ rất khó để có thể đối phó.

Một đợt bùng phát dịch bệnh bạch hầu ở Alaska năm 1925 đã đi vào lịch sử với 150 chú chó đua Nenana-to-Nome trở nên nổi tiếng bất đắc dĩ, khi chó lần đầu tiên tham gia vận chuyển và điều hành thuốc kháng độc tố để chữa trị cứu sống những đứa trẻ đang bị bệnh ở Alaska (Mỹ).

Thời điểm đó, bác sĩ Curtis Welch không có chất chống độc tươi trong tay, ông chỉ có một lô thuốc đã hết hạn trong khi lô thuốc mà ông đặt hàng năm 1924 vẫn chưa đến. Curtis đã gửi một bức điện tín yêu cầu chính quyền liên bang chuyển thuốc chống độc. Trong lúc chờ đợi, bác sĩ Curtis không thể bó tay, ông đành mang lô thuốc đã hết hạn tiêm cho các bệnh nhân, nhưng một bé gái trong số những trẻ đó đã tử vong.

Nhận được yêu cầu của bác sĩ Curtis, một bệnh viện ở Anchorage đồng ý cung cấp 300.000 đơn vị thuốc kháng độc, nhưng tàu hỏa chỉ vận chuyển được đến Nenana, khoảng cách từ đó đến Nome còn xa 1.085km. Mùa đông đã đóng băng Alaska, tất cả phương tiện giao thông đường thủy và đường bộ đều bị băng tuyết phủ kín không còn khả năng di chuyển, máy bay có buồng lái hở cũng không thể bay ở nhiệt độ liên tục thấp hơn -51⁰C vì máu của phi công sẽ bị đóng băng, động cơ làm mát bằng nước nên sẽ bị đông cứng trong giá lạnh.

Thời điểm đó, thống đốc Scott C. Bone hi vọng chỉ có những con chó được nuôi trên những cung đường đầy tuyết ở Alaska mới có thể cứu sống gần 2000 cư dân thị trấn Nome, và ông đã tổ chức “Cuộc đua Nhân từ Vĩ đại – Great Race of Mercy” có 1-0-2 trong lịch sử loài người.

Vào đêm 27 tháng 1 năm 1925, một tiếng còi tàu đã xuyên qua sự tĩnh lặng của thành phố Nenana khi kiện hàng quý giá là một gói huyết thanh 20 pound được bọc trong túi da nhồi lông thú bảo vệ, sẽ được chuyển đến thị trấn nhỏ Nome ở Alaska để cứu sống những đứa trẻ đang thở hổn hển vì bệnh bạch hầu.

Cuộc hành trình của 150 con chó cùng với 20 nài đua đã vượt qua 1.085km trên những cung đường khắc nghiệt nhất của nước Mỹ. Dưới ánh trăng, mùa đông Alaska chẳng còn phân biệt ngày và đêm, tất cả cùng chung màu tối lờ mờ. Những con chó chạy tiếp sức không ngừng nghỉ chạy được 6 dặm mỗi giờ, chúng phải chiến đấu với nhiệt độ thấp kỉ lục trên đường đi và chỉ dừng lại mỗi khi cần làm ấm huyết thanh.

Nhiều con chó đã chết.

Tuyến đường vận chuyển bưu kiện huyết thanh từ Nenana đến Nome chia làm 5 chặng. Chặng đầu vượt qua vùng Nội Alaska cằn cỗi, đến bởi sông Tanana, kéo dài 220km. Chặng thứ hai bắt đầu từ làng Tanana ở ngã ba với sông Yukon, rồi vượt qua vùng Yukon, với quãng đường 370km đến Kaltag. Chặng thứ ba tiếp tục sau đó, đi về phía tây 140 km qua trạm vận chuyển Kaltag Portage đến Unalakleet trên bờ biển vịnh Norton Sound. Chặng thứ tư tiếp tục đi 335km về phía tây bắc xung quanh bờ phía nam của Bán đảo Seward, tuyến này không có địa hình che chắn gió mạnh và bão tuyết, trong đó có 68km trải dài trên mặt băng đang dịch chuyển của Biển Bering.

Đến Minto lúc 11 giờ sáng ngày 28 tháng 1, Shannon và 7 chú chó đua đã kiệt sức và rơi vào tình trạng nguy hiểm, ông phải bàn giao lại huyết thanh cho nài Edgar Kalland. Sau khi huyết thanh được sưởi ấm, Kalland cùng với đoàn chó đua của mình bắt đầu xuyên rừng, nhiệt độ ban ngày đã tăng được một chút lên -49⁰C, nhưng đến trạm nghỉ chân lúc 4 giờ chiều, người ta đã phải đổ nước nóng mới có thể rút được đôi tay đã đông cứng của Kalland ra khỏi tay lái của xe trượt tuyết.

Hệ thống bão tuyết từ lục địa liên tục tấn công, nhiệt độ ở Alaska thấp kỉ lục trong vòng 20 năm, những cơn gió với vận tốc 40km/h quét tuyết thành những lớp dày lên tới 3 mét, mọi con đường đến thị trấn Nome đều vô cùng nguy hiểm.

Advertisement

Gunnar Kaasen, người đàn ông 42 tuổi cùng 13 con chó của mình tham gia vận chuyển túi huyết thanh. Trên đoạn đường đến làng Solomn, lúc băng qua đồng bằng Bonanza, Kaasen gặp một cơn bão tuyết. Dân làng khuyên anh dừng lại tránh bão, nhưng Kaaren cùng chú chó dẫn đầu Balto vẫn quyết tâm vượt qua khó khăn, để kịp mang huyết thanh đến với những đứa trẻ nhỏ. Tuyết rơi dày đặc đến nỗi đôi mắt nheo nheo của Kaaren không thể nhìn thấy bất cứ chú chó nào trong đội đua của mình, anh càng không thể nhìn thấy đường đua. Chú chó dẫn đường Balto cũng không thể nhìn thấy đường, nhưng bù lại Balto có khả năng khứu giác cực tốt là dựa vào mùi hương thay cho tầm nhìn, để dẫn dắt 13 con chó vượt qua con đường phủ đầy băng tuyết. Đột nhiên, một cơn gió hung tợn với tốc độ gần 130km/h đã lật úp chiếc xe chở 20 pound thuốc giải độc tố. Kaảen hoảng loạn lao vào đống tuyết cào bới, đôi bàn tay tê cóng thật may mắn, cuối cùng anh cũng tìm được túi huyết thanh.

Một nài đua khác là Ed Rohn đang chờ Gunnar Kaasen để đưa túi huyết thanh về thị trấn Nome, nhưng bão tuyết quá khủng khiếp, vì thế mà Kaasen quyết định không dừng chân để tránh nguy hiểm cho tài mới, anh lặng lẽ tiếp tục hành trình 34km cuối cùng trong bảy tiếng rưỡi, đến Nome vào lúc 5:30 sáng Chủ nhật ngày 2 tháng 2 năm 1925.

Gói huyết thanh nặng 20 pound đã được trao cho bác sĩ Curtis Welch.

Những đứa trẻ và người dân trong thị trấn nhỏ Nome đã được cứu thoát khỏi dịch bệnh bạch hầu nhờ gói huyết thanh đó. Nhưng 4 con chó trong tổng số 150 con chó đã vĩnh viễn ra đi, trong đó có một chú chó bị tuyết vùi sâu và chẳng bao giờ tìm thấy di hài để chôn cất.

Trở về từ cuộc đua lịch sử, chó Balto được hãng Hollywood mời đóng bộ phim dài 30 phút, nói về cuộc đua mang vắc-xin đến Nome. Tháng 12 năm 1925, một bức tượng đồng chó Balto được dựng lên, là biểu tượng ghi nhớ công ơn những chú chó tại Công viên Trung tâm của New York.

Tất cả các chú chó đều xứng đáng dựng tượng đồng.

Đặc biệt là chó Togo dẫn đầu đội 6 chó đua, đã vượt qua chặng đường dài nhất tới 146km, trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt, những cơn gió giết người và cơn bão tuyết chưa bao giờ suy yếu, nguy cơ lạc và bỏ mạng giữa đường rình rập bất cứ lúc nào, nhưng chó Togo bằng khứu giác của mình luôn dẫn cả đoàn đi đúng lộ trình cho đến trạm dừng chân Dexter tại Golovin thì chó Togo và đồng nghiệp của mình đã hoàn toàn kiệt sức.

Cuộc đua Nhân từ Vĩ đại là chiến công cuối cùng của chó Togo. Những ngày tháng sau đó không thoát khỏi bệnh tật, chó Togo qua đời năm 1929, thi hài của Togo được bảo quản và đưa vào Trụ sở Đua chó Sled Iditarod Trail ở Wasilla, Alaska.

Sau ánh đèn sân khấu mờ dần, chó Balto sống những ngày cuối đời tại sở thú Cleveland, thi hài của Balto cũng được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Cleveland.

Từ năm 1973 cho đến nay, để tưởng nhớ tới công lao của 150 con chó đã cứu sống cộng đồng dân cư Alaska khỏi dịch bệnh bạch hầu, cuộc đua chó mang tên Sled Iditarod Trail được tổ chức vào tháng 3 hàng năm trên những cung đường mà chó Balto và Togo cùng 150 chó đồng nghiệp đã đánh bại trong cuộc đua dữ dội phòng chống dịch bệnh bạch hầu của gần 100 năm về trước.
============

P/s: Sau nhiều năm khống chế thành công bệnh bạch hầu, nhưng phong trào chống tiêm chủng Antivaccine đã thực sự gieo vào các bà mẹ ông bố nỗi sợ hãi, họ không cho con đi tiêm chủng mở rộng, hệ quả là bạch hầu đã quay trở lại Việt Nam.

– Sài Gòn = 1 bệnh nhân bạch hầu + 16 người bị cách li.
– Đắc Nông = 12 bệnh nhân + 1 trẻ tử vong + 335 cách li.

Để phòng tránh bạch hầu, cách tốt nhất là trẻ em và người lớn hãy đi tiêm phòng, đồng thời thực hành đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.

Giới thiệu Lac Thu

Check Also

[CHUYỆN Y KHOA] Chuyện viết dở ở bệnh viện

Nguồn: Bs. Trần Văn Phúc (bạn đọc thấy thích tôi sẽ viết tiếp) ========================== Không …