[Di truyền] “Cận huyết thống” trong khoa học

Rate this post

“Cận huyết thống” trong khoa học

Cận huyết thống (hay “inbreeding”) theo cách hiểu thông thuờng là những người trong dòng tộc kết hôn với nhau. Nhưng trong khoa học (và cả chánh trị) chữ này có một nghĩa hơi khác, và đó là tín hiệu xấu cho khoa học.

Cận huyết thống là hiện tượng những người trong dòng tộc kết hôn với nhau. Hiện tượng này rất phổ biến trong thời phong kiến ở các vương triều từ Tây sang Đông. Ở Việt Nam, triều đại Nhà Trần nổi tiếng về inbreeding vì các thành viên trong hoàng tộc lấy nhau. Khái niệm inbreeding sau này được lan truyền sang các lĩnh vực như khoa học (scientific inbreeding) và chánh trị (political inbreeding), nhưng ít ai để ý đến tác hại của nó.

Cận huyết thống trong khoa học

Hiện tượng inbreeding thường phổ biến trong khoa học và đại học ở các nước đang phát triển. Ở Việt Nam, tuy chưa có nghiên cứu, nhưng qua quan sát nhiều ca tiêu biểu cho thấy tình trạng inbreeding khoa bảng cũng khá phổ biến. Nhiều người được giữ lại để nghiên cứu hay giảng dạy sau khi đã tốt nghiệp. Đa số người được giữ lại rất tự hào vì đó là tín hiệu cho thấy họ học giỏi và có tài nên mới được trọng dụng. Nhưng đó là hiện tượng cận huyết thống trong khoa học.

Không chỉ ở Việt Nam, mà ngay cả tại các đại học theo hệ thống của Nga (Liên Xô cũ) và Tàu cũng có tình trạng ‘cận huyết thống’. Ở Nga, thống kê cho thấy gần 90% những người tốt nghiệp tiến sĩ ở lại nơi họ được đào tạo, chỉ có 10% sang các đại học khác. Ở Mã Lai và Ấn Độ, đa số những người tốt nghiệp tiến sĩ ở lại trường tiếp tục làm việc, và trong nhiều trường hợp họ ở đó suốt đời. Chưa ai biết ở VN tình trạng cận huyết thống trong khoa bảng bao nhiêu, nhưng trong ngành y thì hiện tượng này khá phổ biến.

Hiện tượng cận huyết thống có tác hại tiêu cực đến khoa học. Cũng những đứa trẻ từ những cuộc hôn nhân đồng huyết thống thường có nguy cơ dị tật bẩm sinh cao và giảm trí thông minh (IQ), trong khoa học inbreeding làm cho khoa học tù túng và khó thoát ra khỏi cái hộp bằng những ý tưởng đột phá.

Người được ‘sanh’ ra trong hệ inbreeding khoa học không thoát ra được cái suy nghĩ trong “gia đình”, nên khó có thể đột phá. Ngay cả cách họ phát biểu nghe cũng … quen quen. Đã có nghiên cứu cho thấy những đại học có tỉ lệ inbreeding cao thường có năng suất khoa học thấp, và khó có đột phá.

Do đó, để phát triển tốt và đột phá người ta tránh tình trạng inbreeding. Đó chính là lí do tại sao các đại học trong khối ‘phương Tây’ mà đứng đầu là Mĩ rất kị inbreeding. Ở Úc, khi sinh viên tốt nghiệp tiến sĩ, họ được khuyến khích đi làm nghiên cứu hậu tiến sĩ ở một nơi khác, càng xa càng tốt. Khi xong hậu tiến sĩ, họ có thể quay về trường cũ hay một trường khác. Qua những ‘hôn phối’ khoa bảng outbreeding như thế, các đại học Úc lúc nào cũng có ‘máu mới,’ có khi dẫn đến những đường hướng đột phá.

Advertisement

Khi sinh viên trong lab tôi tốt nghiệp, tôi thuờng khuyến khích họ đi một nơi khác. Có người hiểu thì ok, nhưng người không hiểu thì nghĩ tôi đuổi họ và không chịu giúp đỡ. Không phải, tôi chỉ muốn họ ‘bay’ ra thế giới bên ngày để biết và thấy và trải nghiệm, để ‘lọc máu’ trước khi quay về chốn cũ. Kinh nghiệm cá nhân tôi cho thấy quả thật sau khi đã ra ngoài thì sẽ có nhiều cách suy nghĩ mới (chưa nói đúng sai) và trưởng thành hơn.

Khi Đại học New South Wales tìm hiệu trưởng (vice-chancellor / president) họ phải quảng cáo khắp nơi trên thế giới. Phải mất hơn 1 năm và chi nhiều tiền quảng cáo để tìm được một người thích hợp. Họ làm như vậy là vì muốn có một người hoàn toàn mới, mới từ cách suy nghĩ về viễn kiến và sứ mệnh đại học, và nhất là “người ngoài”. Họ không muốn có tình trạng “cận huyết thống” trong khoa bảng.

 

Cận huyết thống trong chế độ Bắc Hàn.
Nguồn: Nguyễn Văn Tuấn

Giới thiệu Thủy Tiên

Họ và tên: Hà Thuỷ Tiên Ngày sinh: 05/12/2000 Trường: sinh viên đại học tây nguyên Biệt danh khác: Azura

Check Also

[COVID-19] Câu chuyện vaccine đến điều trị

Thế giới đang tập trung vào vaccine, nhưng virus SARS-CoV-2 lại đột biến theo hướng …