[Cấp cứu] Xử lí hóc dị vật – Cơ hội duy nhất

Rate this post

Mỗi 5 ngày thì có 1 trẻ tử vong do hóc dị vật, nên kỹ năng xử trí hóc dị vật là kỹ năng mà ai cũng nên biết. Không ai biết được ngày nào mình sẽ cần đến nó, mà khi cần thì CHỈ CÓ MỘT CƠ HỘI. Nên phải đi học, mà học cho đúng, cho đến nơi đến chốn.

Hôm vừa rồi tình cờ xem được một cái clip quay một bs, được biết là bs giám đốc BV Tai Mũi Họng Sài Gòn, biểu diễn xử trí hóc dị vật trên trẻ nhỏ bằng cách bảo người nhà dở hai chân chổng ngược lên và vỗ bồm bộp vào lưng. Theo bs này, Hemlick và phương pháp vỗ lưng ấn ngực không hiệu quả trên trẻ nhỏ (không nói rõ là lứa tuổi nào), mà phải dốc ngươc lên như vậy và vỗ mạnh cho dị vật văng ra ngoài. Xem xong clip, tôi giật mình vì hoá ra những gì tôi được học và đang dạy mọi người là không hiệu quả hay sao? Thế là trước khi có thể phát biểu điều gì, tôi lật lại những tài liệu hiện nay và những nguồn thông tin khác nhau nhằm tìm hiểu thêm về vấn đề này.

Trong quá trình hành nghề, chúng tôi có tổ chức những lớp dạy hô hấp nhân tạo (hhnt) cho trẻ nhỏ (<1 tuổi) miễn phí cho bất kỳ ai muốn học. Lớp học tổ chức hàng tháng trong khoảng 2 tiếng, chúng tôi dạy hhnt, xử trí hóc dị vật, hỏi đáp về chăm sóc trẻ sơ sinh. Học viên là những bà mẹ, ông bố sắp hay đang có con nhỏ, là bà ngoại, bà nội, dì thậm chí có cả các em vị thành niên đi học nhằm chuẩn bị cho việc làm thêm là giữ trẻ (babysister). Chúng tôi dùng tài liệu và video của AAP và HH Tim Mạch Hoa Kỳ. Bản thân tôi thích dạy hand-on, tức là phải có thực hành trên mô hình nhiều lần, coi tới đâu thực hành tới đó cho tới lúc thành thạo mới thôi. Tôi luôn nói với học viên là cho dù mọi người có xem video 100 lần nhưng không có thực tập thì khi gặp chuyện vẫn sẽ không biết làm gì hoặc có làm cũng làm sai. Vì vậy nên lớp tui dạy hay kéo dài hơn người khác, nhưng vui hơn. Thật sự tôi học rất nhiều, hiểu ra rất nhiều khi dạy những lớp này, hiểu ra những nỗi lo sợ, những sai lầm mọi người thường gặp và cách sửa chữa chúng, đây là quá trình học hỏi hai chiều.

Khi trẻ hóc dị vật, chúng ta chỉ có 4-5 phút để cứu bé, đừng trông chờ vào nhân viên y tế, khi đội cấp cứu tới hay vào tới bv là đã quá trễ, mạng sống của con chúng ta là trong tay chúng ta, nên lúc đó phải bình tĩnh, phải biết xử trí đúng cách, mà muốn vậy phải được hướng dẫn và thực hành một cách đúng đắn.
Các buổi dạy của tôi luôn không bắt đầu bằng kỹ thuật mà bằng việc giải thích nguyên lý của nó trước, nếu hiểu được nguyên lý, sẽ hiểu tại sao bạn phải làm như vậy, như vậy, và có thể hiểu như thế nào là sai.

Để xử trí hóc dị vật, hãy liên tưởng khi bạn khui một chai sâm banh, bạn có để ý thấy người ta hay lắc lắc chai rượu làm cho rượu sủi bọt trước khi khui nó không. Đó là vì khi rượu sủi bọt sẽ tạo ra một áp lực dương trong chai, làm nút chai dễ bật ra và khi bật ra sẽ văng cao tạo tiếng nổ giòn giã, lý do mà người ta hay dùng sâm banh để ăn mừng. Khi xử trí hóc dị vật, hãy tưởng tượng dị vật là nút chai sâm banh, hai lá phổi chúng ta như chai sâm banh vậy, đáng tiếc là hai lá phổi chúng ta là hai túi chứa khí chứ không chứa sâm banh nên không lắc được mà phải ép nó bằng cách vỗ mạnh vào lưng hay ngực tạo một ÁP LỰC DƯƠNG BÊN TRONG PHỔI, nhằm đẩy bật dị vật ra ngoài. Hiểu được điều này, bạn sẽ không ngần ngại vỗ mạnh và dứt khoát vào lưng trẻ cũng như ấn đủ mạnh vào ngực trẻ để tống cái dị vật chết người ra ngoài.

Tháng trước bên Mỹ có một video được chia sẻ trên mxh về một người cảnh sát đã thực hiện biện pháp xử trí hóc dị vật trên một bé gái và cứu được bé, anh được khen như một anh hùng. Khi tôi xem cái clip đó thì bật cười vì anh cảnh sát này ăn may thôi, anh không vỗ lưng mà để bé nằm đầu thấp rồi MASSAGE lưng bé, sai hoàn toàn về nguyên lý của liệu pháp này. Bé không sao vì tôi nghĩ chỉ bị nghẹn bán phần thôi, vì bé vẫn tỉnh táo hoàn toàn và không có vẻ hoảng sợ hay bứt rứt gì cả. Cảnh sát còn như thế, nếu là bạn, bạn nhắm đủ tự tin bình tĩnh làm đúng không?

Nhồi tim trong hhnt cũng có nguyên lý gần tương tự, bạn phải ép đủ mạnh lên lồng ngực, gián tiếp ép lên trái tim nằm bên dưới, đề tống máu ra khỏi trái tim, và thả ra hoàn toàn cho máu tĩnh mạch được trở về tim, rồi ép, rồi thả, phải đủ cả 2 yếu tố cho việc nhồi tim hiệu quả. Tôi rất không thích chữ XOA BÓP TIM, trái tim khi ngừng đập không cần xoa bóp, nó cần được nhồi ép để bơm máu đi toàn cơ thể nhằm giữ cho bạn sống cho tới khi nó đập trở lại. Cần xoa bóp thì có thiếu gì thứ để xoa bóp, chứ tim thì không cần. Trong hhnt, khi nhồi tim cần nhớ là gián đoạn càng ít càng tốt, nghiên cứu cho thấy mất khoảng 15-20 giây để tạo ra một áp lực trong mạch máu đủ để tưới máu lên não, khi bạn ngưng áp suất xuống rất nhanh, và phải mất 15-20 giây để tạo lại áp lưc hiệu quả cho việc tưới máu. Nó giống như trò chơi xịt tia nước vào một bia nhắm nhằm tạo áp lực đẩy quả cầu lên càng cao càng tốt, mất rất nhiều thời gian để đẩy nó lên cao, nhưng nếu bạn ngưng lại thì nó tuột rất nhanh. Áp lực trong mạch máu khi bạn nhồi tim cũng vậy.

LÀM GÌ KHI CON BẠN HÓC DỊ VẬT (Trẻ nhỏ hơn 1 tuổi)
– Điều thứ nhất: bình tĩnh
– Quan sát con bạn xem có thở không, màu da, tri giác, ho sặc?
– Kiểm tra miêng xem có dị vật không? Lỏng hay đặc?
– Nếu con bạn đang ho thì chưa bị nghẹn hoàn toàn và đang cố gắng đẩy nó ra, ĐỪNG LÀM GÌ CẢ, để chúng ho và quan sát
– Nếu con bạn không ho được, không nói được hoặc đã ngưng thở, tím tái, mất tri giác, lập tức vỗ lưng ấn ngực, gọi cấp cứu, gọi người xung quanh tới giúp nếu bạn không ở nhà một mình
– Vỗ lưng: đặt con nằm sấp dọc theo cánh tay và để dọc theo đùi để làm điểm tựa với đầu thấp 30-45 độ nhằm lợi dụng trọng lực để giúp đẩy dị vật ra, bàn tay vòng quanh cằm và ngữa nhẹ đầu làm thẳng đường thở. ĐÁNH MẠNH VÀ DỨT KHOÁT vào lưng con 5 lần ở khoảng giữa hai xương vai. Dùng cườm tay chứ không phải bàn tay, tức là đánh mạnh vào lưng nhằm đẩy bật dị vật ra, chứ không phải là vỗ bồm bộp như kiểu vỗ long đàm như trong cái clip kia hay kiểu xoa xoa lưng đâu nhé.
– Ấn ngực: nếu sau khi đã vỗ lưng mà chưa được, thì lật ngược lại, vẫn là đầu thấp, bàn tay đỡ đầu bé hơi ngữa nhẹ, dùng hai ngón tay, ấn mạnh vào xương ức ngay dưới đường nối ngang hai núm vú, ấn đủ 5 lần thì quan sát bé.
– Nếu bé khóc, ho, thở thì kiểm tra miệng bé xem có dị vật không.
– Nếu bé không đỡ, lập lại quá trình này 1 lần nữa.
– Nếu bé vẫn không đỡ, không thở, tím tái. Lập tức làm HHNT cho tới khi đội cc tới hay khi tới bv.
– Trẻ trên 1 tuổi thì dùng các biện pháp như người lớn, nhưng theo tôi thì cách này vẫn hiệu quả với trẻ nhỏ 1-3 tuổi.

CÁC VẤN ĐỀ THƯỜNG GẶP HAY ĐƯỢC HỎI

1. Dốc ngược hay không dốc ngược?

Tôi lục lại tài liệu của HH Nhi Khoa Hoa Kỳ, HH Tim Mạch Hoa Kỳ, vào hầu hết các websites tìm hiểu thì không có nơi nào bảo rằng nên dốc ngược lên như vậy, khuyến cáo chỉ nên để đầu thấp mà thôi. Một số lý do được đưa ra như sau:
– Dốc ngược đầu như vậy không cho thấy hiệu quả cao hơn để đầu thấp. Có tài liệu còn cho rằng làm như vậy có nguy cơ đẩy dị vật sâu hơn, nhưng không giải thích rõ tại sao.
– Nắm chân dở ngược lên như vậy không thực tế chút nào, mà còn gây nguy cơ chấn thương đầu và cột sống cổ nếu lỡ tay làm rớt. Đứa nhỏ thật ra không phải là nhẹ, nắm chân đưa lên cao cần nhiều sức lực, mà người thực hiện thường là mẹ, là phụ nữ. Bạn thử cầm đứa con 6 tháng dở ngược lên xem giữ được bao lâu.
Muốn nắm chân lên như vậy cần phải có hai người, trong clip người bs cũng phải nhờ người nhà nắm chân đưa lên cao mới vỗ lưng được. Một người thì làm sao đây?
Khi vỗ lưng ấn ngực, nguyên tắc là phải để trên mặt phẳng cứng để làm điểm tựa rồi vỗ mạnh mới tạo được áp lực, treo lơ lững như vậy sao tạo được áp lưc đẩy trong phổi, người bs đó dùng 1 tay để trước ngực làm điểm tựa khi vỗ lưng, nhưng đó là điểm tựa di động.
– Lúc bình tĩnh thì thấy còn dễ, lúc con hóc dị vật có 1 mình run lẩy bẩy, nắm cổ chân mà đưa lên cao như vậy, 10 phần là rớt con hết 5, trừ khi biết cách nắm cổ chân kiểu nắm em bé khi đỡ đẻ

Advertisement

Tóm lại là tôi vẫn cho là không nên cầm chân đưa lên như vậy, lợi thì không rõ, mà nguy cơ thì quá cao. Nếu tôi dạy mọi người làm kiểu này, mẹ mà làm rớt con gây ctsn hay gãy cột sống cổ mà chết thì tôi chắc ăn là bị kiện, mà ra toà chắc chắn là sẽ bị thua, vì không có ai dạy vậy mà tôi dạy như thế, thì lỗi do tôi. Đứa nhỏ đó chết là do tôi.

2. Có nên cố gắng lấy dị vật ra ngay lập tức không?

Câu trả lời là KHÔNG. Trước hết phải quan sát xem có dị vật không và dị vật loại nào. TUYỆT ĐỐI KHÔNG thò tay vào lấy dị vật ngay khi con bị nghẹn mà chưa quan sát vì có nguy cơ bạn sẽ đẩy dị vật vào sâu hơn và đưa con mình vào cõi chết. Phải mở miệng bé quan sát, nếu bạn thấy được rõ dị vật không quá sâu và có đủ tự tin là lấy ra được, bạn có thể thử.

Khi lấy dị vật, phải dùng FINGER SWEEP, tức là không đưa vào trực tiếp vào miệng, mà dùng ngón tay đi vòng từ phía hai bên má (tuỳ theo bạn dùng tay trái hay phải), vòng ra phía sau dị vật sau đó móc dị vật ra, bằng cách đó giảm nguy cơ vô tình đẩy dị vật vào sâu hơn

Nếu bạn không thấy hoặc chỉ thấy dị vật lấp ló, KHÔNG NÊN THỬ MÓC RA, mà nên làm vỗ lưng ấn ngực rồi xem lại.
Nếu dị vật là chất lỏng, trực tiếp vỗ lưng ấn ngực và hhnt.

3. ẤN MẠNH HAY ẤN NHẸ?

Một chuyện rất hay gặp là đa số các bà mẹ khi làm vỗ lưng ấn ngực thì vô cùng nhẹ nhàng vì sợ con đau, làm trên búp bê mà còn không dám ấn mạnh, huống hồ gì là trên con mình. Mạnh bao nhiêu thì đủ thì tuỳ theo trẻ bao lớn và sức mình mạnh bao nhiêu. Khuyến cáo ấn ngực xuống khoảng 2-3 cm hay 1/3 chiều cao trước sau của lồng ngưc. Nhưng phần nhiều là làm quá nhẹ nên không có hiệu quả cần thiết. Tôi hay bảo các bà mẹ, thà là có đứa con gãy xương sườn mà còn sống hơn là đứa chết mà còn nguyên 12 cái xương sườn. Vỗ lưng thì không lo vì xương sườn phía sau vững chắc hơn nhiều.

Nguồn: BS Hung Truong

Giới thiệu Thủy Tiên

Họ và tên: Hà Thuỷ Tiên Ngày sinh: 05/12/2000 Trường: sinh viên đại học tây nguyên Biệt danh khác: Azura

Check Also

[Chia sẻ] Những cơn thèm ăn tiết lộ gì về sức khỏe bạn?

Thèm gì ăn nấy liệu có đúng hem? Cơ thể đang phát tín hiệu thèm …